Thư Hê-bơ-rơ, bài 11

Hê-bơ-rơ 8:1 – 9:10

Trọng tâm, hay chủ điểm, mà thư Hê-bơ-rơ muốn trình bày là Đức Chúa Giêxu đang giữ vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vô cùng cao quý “đang ngồi bên phải ngai Đấng Uy-nghiêm trên các tầng trời” (1). Đấng làm đầu và đại diện cho tất cả những ai tin Ngài, là Đấng đang ngồi trên ngai của Ngài ở bên phải Đấng Tôn-nghiêm trên các tầng trời.

Đối với mọi con cái Chúa, sự hiểu biết nầy là chìa khoá để mở cửa vào toà nhà ơn phước mà mọi người đều mong được vào. Bởi vì Đức Chúa Giêxu vừa là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, vừa là Vua, thì sự hiện diện của Ngài ở chốn cao quý nhất là một sự bảo đảm vững chắc cho mọi người tin Ngài đều sẽ được vào đó.

Chức vụ Tế Lễ của Đức Chúa Giêxu là chức vụ tẩy sạch tội lỗi và cầu thay. Vai trò làm Vua là chức vụ có uy quyền cai trị.

Trước khi giáng thế làm người, Ngài là Ngôi-Lời của Đức Chúa Trời trong địa vị vô cùng vinh quang. Sau khi hạ mình vâng phục, thậm chí chịu chết trên cây thập tự, Ngài đã được Đức Chúa Cha tôn lên ngôi vị tột đỉnh  trong thân xác Con Người (Phi-líp 2: 8–9).

Ngài đã mở đường cho mọi người tin Ngài có thể theo Ngài vào nơi chí thánh, tức là nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Vì Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời; cho nên Ngài giữ hết uy quyền cả trên trời lẫn dưới đất. Đó là nền tảng không lay chuyển của đức tin chúng ta.

Đặc tính nước thiên đàng, hay nước trời, là sự sống vĩnh cửu. Tác giả viết: Đức Chúa Giêxu “đã vượt qua các tầng trời” (4:14); “vượt cao hơn các tầng trời” (7:26); “đang ngồi bên phải ngai Đấng Uy-nghiêm trên các tầng trời” (8:1), để mở rộng cửa Nước Trời cho con dân Ngài vào.

Như thế, thiên đàng không phải là một nơi chốn, mà là sự sống của Đức Chúa Trời; bởi vì Nước Trời có thể đến gần loài người: “Nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến trước mặt các ông rồi” (Mathiơ 12:28); “Người ta sẽ không nói: Nước Trời ở đây, hay ở đó, vì nước Đức Chúa Trời đang ở giữa các ông” (Luca 17:21).

Quyền phép của Chúa ở đâu, thì Nước Trời đang ở đó. Mà Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta để đem sự sống của Đức Chúa Giêxu, tức là Nước Trời, vào lòng chúng ta, thì Nước Trời đang ở trong chúng ta.

Sự hiểu biết nầy là thức ăn cứng dành cho người trưởng thành. Vì tín hữu có tâm linh ấu trĩ chỉ chăm chú thực hiện hình thức lễ nghi không có sự sống, tưởng rằng như thế là đủ. Họ không biết phải nhường cho Đức Thánh Linh cai trị và hướng dẫn đời sống họ.

Mà Đức Chúa Giêxu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm “phục vụ tại nơi chí thánh trong đền thờ thật do Chúa dựng nên, chứ không do loài người xây cất. Vì các thầy tế lễ thượng phẩm được bổ nhiệm để dâng lễ vật và sinh tế, cho nên Thầy Tế Lễ nầy cũng phải dâng một lễ vật” (2–3) là chính huyết của mạng sống Ngài.

Vì thế “Đức Chúa Giêxu nhận một chức vụ cao cả hơn, vì Ngài là Đấng Trung Bảo của một giao ước tốt hơn, là giao ước được lập dựa trên các lời hứa quý báu hơn” (6).

Ngài biện hộ, cầu thay cho những tín hữu nào đã được Ngài tẩy sạch tội lỗi, ăn năn và bằng lòng bước đi trên tiến trình tâm linh được thánh hoá, để Ngài có thể ban Đức Thánh Linh hướng dẫn người ấy sống cách phù hợp với Nước Trời đang đến với mình.

Đó là những người dâng trọn tâm linh và cuộc sống của họ cho Đức Chúa Giêxu làm Vua trong lòng, thì Ngài ban Đức Thánh Linh dẫn dắt người ấy đến gần Đức Chúa Trời, tức là làm cho Nước Trời vào sống trong lòng họ.

Ai hiểu biết điều nầy và làm theo, là người sẽ hiểu một huyền nhiệm vô cùng vinh quang: “Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng về vinh quang” (Cô-lô-se 1:27). Cho nên, Đức Chúa Giê-xu không làm công việc giống như chức tế lễ dưới đất của chi tộc Lê-vi (4–5).

Giao ước thứ nhất không hoàn hảo (7) bởi vì nó “yếu kém và vô ích…không hoàn thiện điều gì được cả” (7:18–19). Người Israel không tiếp tục giữ giao ước ấy mặc dù chỉ một thời gian ngắn trước đó họ thề hứa sẽ giữ theo.

Đức Chúa Trời bèn lập một giao ước mới (8–9). Trong giao ước nầy, Đức Chúa Trời hứa rằng: “Ta sẽ đặt vào tâm trí họ, và ghi khắc vào tâm khảm họ luật pháp Ta. Ta sẽ là Đức chúa Trời của họ, họ sẽ là dân Ta. Không ai sẽ dạy đồng bào mình, hoặc bảo anh em mình: ‘Hãy nhận biết Chúa.’ Vì mọi người sẽ nhận biết Ta, từ kẻ nhỏ nhất đến người lớn nhất. Vì Ta sẽ tha thứ các gian ác họ, và không còn nhớ đến tội lỗi họ nữa” (10–12). Sở dĩ tội lỗi được xoá bỏ vì Đức Chúa Giêxu đã đổ huyết mình ra để tẩy sạch và tiêu trừ tội lỗi rồi.

Một lần nữa, Kinh-thánh xác nhận giao ước thứ nhất đã bị đào thải vì lỗi thời (137:18; Ê-phê-sô 2:15). Nghĩa là, nhờ Đức Chúa Giêxu hoàn thành đòi hỏi của luật pháp thuộc giao ước cũ, Ngài đã huỷ bỏ nó, và qua huyết của Đức Chúa Giêxu, Đức Chúa Trời thiết lập giao ước mới với toàn nhân loại, không chỉ dành cho người Do-thái như giao ước thứ nhất.

Trong giao ước mới ấy, Đức Thánh Linh đem luật pháp của Đức Chúa Trời ghi khắc vào lòng chúng ta. Nhờ đó, con dân Ngài vui vẻ làm theo ý muốn của Ngài. Sự đổi mới của Đức Thánh Linh thực hiện trong lòng ta, khiến cho ta có thể tiếp xúc và tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời.

Giao ước cũ “gồm các quy tắc về việc thờ phượng và nơi thờ phượng dưới đất” (9:1) qua các sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời cho Môi-se về việc lập một Đền-thánh trên đất, dùng làm nơi thờ phượng. Khuôn mẫu về Đền-thánh đó được ban cho Môi-se lúc dân Do-thái mới ra khỏi Ai-cập một thời gian ngắn.

Vì họ sẽ phải di chuyển trong hoang mạc mênh mông để về đất hứa, cho nên Đền-thánh ấy phải làm theo kiểu tiền chế, lắp ráp khi đoàn quân dừng lại hạ trại, và tháo dỡ khi nhổ trại lên đường. Vì thế, nó được gọi là Đền Tạm. Mặc dù chỉ là một đền thờ tạm, nhưng được chế tạo toàn bằng vật liệu quý, bền, chịu đựng mưa nắng dãi dầu, và được chế rất tinh xảo.

Thân chính của Đền Tạm gồm hai phần. Phần thứ nhất “gọi là nơi thánh, trong có đặt chân đèn và bàn bày bánh trần thiết” (9:2). Có một bức màn ngăn cách phần thứ nhất với phần thứ hai.

Bên trong phía sau bức màn “gọi là nơi chí thánh, trong đó có bàn thờ xông hương bằng vàng và rương giao ước toàn bọc vàng; trong rương có bình vàng đựng mana, cây gậy trổ hoa của A-rôn và hai bảng giao ước; phía trên rương giao ước có hai chê-ru-bim vinh quang, dang cánh che phủ nắp thi ân” (9:3–5).

Dù được chia ra làm hai phần, nhưng thân chính của Đền Tạm có chung mái che và vách bao bọc chung quanh. (Để biết tỉ mỉ chi tiết, xem Xuất Ai-cập 26:1–37).

Nơi thánh, hoặc gian thánh, là phần thứ nhất của Đền Tạm. Mỗi ngày, các thầy tế lễ theo ban thứ đi vào để lo việc thờ phượng theo đúng nghi lễ và quy tắc do Đức Chúa Trời truyền dặn Môi-se trên núi Si-nai (9:6).

Còn gian chí thánh ở phần thứ hai, thì “chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm được vào một lần, phải đem huyết theo để dâng lên vì chính mình và vì tội dân chúng do lỡ lầm mà phạm” (9:7).

Gian thánh ở phần thứ nhất của Đền tạm tượng trưng cho thời kỳ thuộc giao ước thứ nhất. Trong đó “các lễ vật và sinh tế dâng lên không thể làm sạch luơng tâm của người thờ phượng được, vì nó chỉ liên quan đến các món ăn, thức uống, lễ thanh tẩy, các quy tắc về thân thể con người, tạm áp dụng cho tới thời kỳ cải cách” (9:9–10).

Tác giả giải thích: “Đức Thánh Linh dùng điều nầy để dạy chúng ta: Chừng nào Đền Tạm thứ nhất đang còn, đường vào nơi chí thánh chưa mở” (9:8). Có nghĩa là, chừng nào những nghi lễ, phép tắc đòi hỏi phải dâng lên các thứ tế lễ hay sinh tế, hoặc còn phải áp dụng các luật lệ quy định theo luật pháp của giao ước thứ nhất về các món nào được phép ăn hay uống, những gì cấm không được ăn, các thứ luật lệ về lễ thanh tẩy, thì tín hữu chưa thể trực tiếp vào sự hiện diện chí thánh của Đức Chúa Trời. Bởi vì bức màn ngăn cách nơi chí thánh trong lòng họ chưa mở ra.

Những ai không hiểu điều nầy, nhưng vì lòng nhiệt thành nên giữ luật Môi-se cho mình về việc kiêng cữ ăn uống, hoặc giữ ngày, tháng, mùa, và năm, vv. (Galati 4:10), thì đối với những người đó, sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu để làm trọn luật pháp, mà trong nhân loại không ai làm nổi, là hoàn toàn vô ích.

Vì họ không chịu nhận Đức Chúa Giêxu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc. Đối với họ, Ngài chỉ là A-rôn; cho nên, bức màn chặn lối vào nơi chí thánh vẫn còn đó.

Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã xé bức màn, đã vào nơi chí thánh, mở đường cho mọi con dân Ngài tự do vào nơi ấy. Nhưng họ chưa chịu cho Chúa xé bức màn trong tâm trí họ, vì chưa hiểu, cũng như không muốn gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Đức Chúa Trời chí thánh.

Họ muốn tạo sự cứu rỗi qua công đức riêng, là điều vô vọng.

ThuHeboro11.docx

Rev. Dr. CTB