Thư Hê-bơ-rơ, bài 14


Hê-bơ-rơ 9:16–28

Trong phần Kinh-thánh nầy, chỉ một chữ DIATHÈKÈ được dùng cho cả hai nghĩa giao ướcchúc thư. Tất cả các chỗ có chữ nầy trong các đoạn 7, 8 và phần đầu của đoạn 9 được nghiên cứu ở các bài trước, thì đều có nghĩa là giao ước.

Nhưng đặc biệt ở hai câu 1617, thì ý nghĩa của chữ ấy là ‘chúc thư’: “Khi có một chúc thư, sự qua đời của người lập chúc thư là điều kiện cần thiết, vì chúc thư chỉ có hiệu lực khi người lập chúc thư chết. Nếu người ấy còn sống, chúc thư không có hiệu lực.” Sở dĩ ý nghĩa chỗ nầy là chúc thư để tác giả nhấn mạnh tính cách phải có của sự chết.

Hai câu 14–15 cho biết rằng, Đức Chúa Giêxu nhờ Đức Thánh Linh đời đời dâng chính Ngài làm sinh tế không tì vết, để huyết Ngài tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi công việc chết; do đó Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước mới. Làm như vậy, Ngài mới có thể cứu chuộc người tin khỏi mọi vi phạm các quy định của giao ước cũ.

Bây giờ, Ngài là Đấng thừa hưởng quyền chủ tể trên vạn vật; Ngài đã chịu chết để chúng ta, là những người thừa kế của Ngài, có thể thừa hưởng cơ nghiệp mà Ngài dành cho chúng ta.

Hãy suy gẫm về ý nghĩa cao siêu của sự chết của Đức Chúa Giêxu: Ngài chịu chết để phê chuẩn giao ước mới, nhờ đó chúng ta có thể thừa hưởng cơ nghiệp chiếu theo chúc thư (giao ước) đó. Đấng viết chúc thư cho con cái Ngài đã chịu chết để phê chuẩn, làm cho chúc thư trở thành hữu hiệu.

Và Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và sống đời đời để làm Đấng Trung Bảo của giao ước mới, dùng quyền năng tuyệt đỉnh của Ngài bảo đảm cho chúng ta được hưởng tất cả cơ nghiệp mà Ngài đã dùng huyết mình để thực hiện. Và chúng ta được hưởng cơ nghiệp ấy ngay bây giờ.

Cho nên, giao ước thứ nhất cũng vậy, không thi hành được nếu không có huyết” (18).

Đức Chúa Trời thiết lập hai Giao-ước với loài người, và giao ước nào cũng đòi hỏi phải có huyết. Vì luật pháp của Chúa quy định:

Vì sinh mạng của xác thịt ở trong huyết, và Ta ban huyết cho các con rảy trên bàn thờ để làm lễ chuộc tội linh hồn các con. Vì chính huyết là sinh mạng nên mới chuộc tội được” (Lê-vi-ký 17:11).

Điều nầy nói rằng huyết chính là sự sống, đổ huyết là sự sống bị cất đi, tức là chết. Mà chết là bản án của Đức Chúa Trời trừng phạt tội lỗi. Sự rảy huyết trên bàn thờ có nghĩa là án chết đã được thi hành, tội lỗi đã bị trừng phạt.

Đồng thời sự rảy huyết ấy cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời đã chấp nhận sự chết của con thú tế lễ thế mạng cho người có tội. Tội người hay tội lỗi của cả dân tộc Israel đã được tha thứ.

Đấy là ý nghĩa sự rảy huyết của giao ước cũ (19–22); vì không đổ huyết thì không có sự tha thứ! (22)

Thế nhưng, sự rảy huyết dưới đất chưa đủ để con đường vào Nơi Chí Thánh được mở ra cho người tin được vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ở trên trời phải không có một chút vết tích nào nhắc nhở đến tội lỗi hay lên án những người sẽ tới đó.

Như vậy, phải có một Sinh-tế toàn hảo và Huyết toàn hảo mới có thể tẩy sạch các vật thật ở trên trời. Vì thế, Đức Chúa Giêxu đã mang Huyết của chính Ngài, Huyết Chiên Con của Đức Chúa Trời, đi vào Nơi Chí Thánh. Ngài dùng huyết ấy tẩy sạch các vật thật trên trời để thay cho chúng ta đến trước mặt Đức Chúa Trời.

Hai sự kiện tẩy sạch, và thay mặt người tin đến gặp Đức Chúa Trời, là hai khía cạnh của sự cứu rỗi vĩnh viễn mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện cho mọi con dân Ngài (23–24).

Đền thánh ở dưới đất do con người xây cất, dù đã được rất tôn kính, nhưng không thể cứu ai được cả. Đức Chúa Giêxu không đi vào Nơi Chí Thánh của đền thờ dưới đất, nhưng Ngài đi vào Nơi Chí Thánh ở trên trời để thi hành chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.

Khi nói rằng chúng ta được Ngài đem vào Nơi Chí Thánh trên trời, trong lúc thân xác chúng ta vẫn còn ở thế gian, điều ấy giải thích cho chúng ta hiểu: Thiên đàng không phải là một chỗ trong không gian có các ranh giới. Nhưng thiên đàng là nơi có sự sống vinh quang của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài hiện diện ở nơi đó.

Chúng ta phải kinh nghiệm thiên đàng ngay lúc mình còn sống trong thân xác. Nếu cứ tin là thiên đàng ở đâu đó trên trời, chúng ta khó hưởng sự vui mừng, vinh quang và tình thương.

Lý do có quá ít người thật sự vui hưởng vinh quang, tình thương và sự vui mừng của Chúa hứa cho người nào được vào ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là vì rất nhiều người được quyền thừa kế, nhưng chỉ có ít người thật sự hưởng cơ nghiệp.

Nguyên nhân của sự thất bại nằm ở chỗ không vững lòng tin vào những việc Đức Chúa Giêxu đã vì chúng ta thực hiện dưới đất và trên trời, cũng không thật sự hiểu vai trò của Ngài trong Nơi Chí Thánh của đền thờ thật trên trời. Vì thế, hãy cùng nhau nhắc lại:

Đức Chúa Giêxu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (4:14; 5:10; 6:20),

Ngài là Thầy Tế Lễ biết cảm thông (4:15),

Ngài có quyền năng của sự sống bất diệt (7:16)

Ngài có thể cứu rỗi trọn vẹn và vĩnh viễn (7:25)

Ngài là Đấng Trung Bảo của một giao ước tốt hơn (8:6)

Huyết Ngài có quyền năng tẩy sạch lương tâm ta khỏi hành vi đáng chết (9:14)

Ngài đang ở Nơi Chí Thánh thật trên trời để cầu thay cho chúng ta (9:24).

Hãy tin những chân lý nầy là những sự kiện có thật đầy quyền năng và vinh quang mà trí não chúng ta chưa thể hình dung nổi. Hãy tin và tiếp nhận bằng đức tin và lòng hết sức nhẫn nại.

Hãy tuân thủ các đòi hỏi của thiên đàng là bằng lòng cho con người cũ cùng tất cả các dục vọng của nó phải bị giết chết trên thập tự giá với Đấng Christ.

Tận hiến lòng mình cho Chúa, đặt trọn đức tin vào Đức Chúa Giêxu trong sự thờ phụng, tôn vinh, tạ ơn, và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài để Đức Thánh Linh bắt đầu hành động trong lòng chúng ta và ban cho sự sống của Nơi Chí Thánh thật.

Nhờ đó, chúng ta sẽ thật sự thừa hưởng cơ nghiệp, bởi vì mọi con cái Chúa đều có quyền thừa kế.

Tác giả nói về sự khác biệt giữa sự hiến dâng sinh tế ở đền thờ dưới đất với sự tự hiến dâng của Đức Chúa Giêxu:

Ngài không tự hiến dâng nhiều lần như thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm vào nơi chí thánh, đem theo huyết không phải là huyết của mình. Vì nếu vậy, Ngài phải chịu khổ nhiều lần từ buổi sáng thế. Nhưng bây giờ vào cuối các thời đại, Ngài chỉ xuất hiện một lần, hiến dâng chính mình để tiêu trừ tội lỗi” (25–26).

Đức Chúa Giêxu chỉ chịu chết một lần là đủ để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Ngài đem Huyết vô tội của Ngài vào Nơi Chí Thánh trên trời chỉ một lần là đủ thực hiện ơn cứu chuộc, tiêu trừ tội lỗi.

Vì thế, những nơi nào mỗi ngày cứ cử hành lễ dâng rượu tượng trưng cho huyết Chúa, là đang làm những việc trái nghịch với Kinh-thánh.

Tương tự như vậy, Đức Chúa Giêxu đã chịu bị treo trên cây gỗ chỉ một lần. Kinh-thánh thuật rằng các môn đồ đã gỡ xác Ngài xuống, tẩm liệm và đem chôn trong mộ đá. Ngày thứ ba Ngài đã sống lại ra khỏi mộ đá.

Ngài không còn bị treo trên mộc hình, cũng không còn nằm trong mộ, thế mà ngày nay có rất nhiều nhà thờ và nhà riêng của nhiều giáo đồ vẫn trang trí tượng Chúa bị chết treo trên thập tự giá. Người ta nhắm mắt làm theo truyền thống chứ không theo lời Kinh-thánh.

Như đã ấn định cho loài người phải chết một lần, rồi sau đó chịu xét xử, Đấng Christ cũng đã dâng mình một lần, để gánh tội của nhiều người. Ngài sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để gánh tội nữa, nhưng để cứu rỗi những người sốt sắng trông chờ Ngài” (27–28).

Những người không thật lòng tin Chúa, không có hi vọng được phần thưởng gì ở nước trời, thì rất sợ hãi khi nghe nói về những việc sẽ xảy ra sau cái chết.

Luật trời đã ấn định mỗi người sẽ phải chết một lần rồi chịu sự đoán xét. Chết là thông lệ chung cho mọi người, không ai thoát khỏi thông lệ đó.

Tuy nhiên, con cái thật của Chúa sẽ không bị phán xét chung với người thế gian, còn những người chỉ mang danh hiệu tín đồ mà lương tâm chưa được Huyết Chúa tẩy sạch, chưa biết chút xíu kinh nghiệm nào ở Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời, thì sẽ bị xét xử như mọi người khác.

Đức Chúa Giêxu chỉ cần dâng mình làm sinh tế một lần là đủ để chết thay cho toàn nhân loại từ xưa nay và mãi sau. Nhưng món quà tha tội chỉ thuộc về những ai bằng lòng nhận sự chết thay đó cho bản thân mình. Chẳng ai có thể nhận thay cho người khác.

Ai chưa tiếp nhận ơn cứu độ sẽ phải chết vì tội lỗi mình, không thể chết thế tội cho người nào khác; cho nên, không ai có tư cách đại diện cho tội nhân khi mình cũng là một tội nhân sẽ bị luật pháp thiên đàng trừng phạt.

Chỉ có Đức Chúa Giêxu, Con Người toàn hảo, vô tội, mới có thể chết thay cho mọi người.

ThuHeboro14.docx

Rev. Dr. CTB