Thư Hê-bơ-rơ, bài 23

Hê-bơ-rơ 12:1–2

Hai câu cuối của đoạn trước xác định một điều rất bất ngờ: “Tất cả những người đã đã được tiếng tốt nhờ đức tin, nhưng vẫn chưa nhận được điều Chúa hứa, vì Đức Chúa Trời đã dự liệu cho chúng ta điều tốt hơn, hầu cho ngoài chúng ta ra, họ vẫn chưa được trọn vẹn” (11:39–40).

Sau khi suy gẫm thì chúng ta biết ‘điều tốt hơn’ đó là Đấng Christ đến thế gian trong xác thịt để đem vô số con cái Ngài ở ngoài dân Do-thái vào gia đình Ngài.

Sau khi các thánh đồ dân ngoại và dân Do-thái đã được nhập đủ vào thân thể của Đức Chúa Giêxu, tức là Hội-thánh của Đức Chúa Trời đạt đến tình trạng trọn vẹn, thì các thánh xưa mới thoả lòng.

Vì lý do đó, những thánh đồ đã qua đời rồi đều trông đợi ngày họ được trọn vẹn trong thân thể Đấng Christ, khi những thánh đồ ngày nay và các thánh đồ tương lai sẽ thành công mỹ mãn trong cuộc chạy đua về thiên quốc.

Họ đang là “vô số nhân chứng đang vây quanh chúng ta như một đám mây rất lớn” để cổ võ, reo hò, khuyến khích “chúng ta hãy cất bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi cản trở, kiên nhẫn theo đuổi cuộc đua đã được bày ra trước mặt” (1).

Mọi con cái Chúa cần biết rõ rằng đường về thiên quốc là một cuộc chạy đua đầy hào hứng. Ai đã tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, để được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì người đó được xếp vào đội hình tham gia cuộc chạy.

Tác giả dùng ẩn dụ nầy để giúp độc giả hiểu các nhiệm vụ phải làm và mục đích tối hậu của con dân Chúa phải nhắm tới, khi họ giữ vai trò một phần của chi thể trong thân thể Đấng Christ.

Mục tiêu của những người chạy đua là mức đến. Việc chạy giỏi để đoạt giải nhất, nhì hay ba trong cuộc chạy về thiên quốc, đều không phải là điều quan trọng. Vì điều quan trọng là phải tới mức đến để được phần thưởng.

Trong bất cứ cuộc chạy nào, người bỏ cuộc sẽ bị loại khỏi danh sách cuối cùng. Mà những người bỏ cuộc là người vừa chạy vừa mang theo quá nhiều gánh nặng và tội lỗi cản trở.

Các thánh đồ đã qua đời, những anh hùng đức tin của bao thế hệ trước đây đều đang cổ võ các con cái Chúa ngày nay, là những người đã nhận lấy ánh sáng từ Đức Chúa Giêxu, là sự sống mà những thánh đồ thời Cựu-ước chưa có được. Họ cổ vũ chúng ta hãy nắm chặt đức tin vô cùng quý báu mà chạy tới đích; nghĩa là vẫn giữ trọn đức tin cho đến ngày qua đời.

Gánh nặng” là những tội lớn, những xu hướng về vật chất, tiền tài và danh vọng trong đời nầy, hoặc những ảnh hưởng của xã hội không có Chúa, phong tục, tập quán của ngoại giáo chồng chất từ bao nhiêu đời, mà con cái Chúa vô tình tưởng đó là văn hoá dân tộc. Đã mang gánh nặng thì không thể chạy được. Chỉ có thể đi bộ cách vất vả mà chẳng bao giờ tới đích.

Tội lỗi cản trở” cũng gọi là tội lỗi dễ vấn vương, dễ vướng chân, là những tội dù nhỏ như sợi tơ, cũng đủ làm vấp chân người đang chạy, khiến người ấy té nhào. Vì thế, tín hữu phải “cất bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi cản trở,” thì mới có thể “kiên nhẫn theo đuổi cuộc chạy đua đã được bày ra trước mặt.

Cuộc chạy của mọi thánh đồ đòi hỏi phải hoà hợp cả hai phần, gồm có sự thực hành bề ngoài và đời sống tâm linh bên trong.

Kiên nhẫn theo đuổi cuộc đua” cho đến cuối cùng, là các nỗ lực thực hành nếp sống đạo bề ngoài bằng năng lực của thể xác, dùng ý chí quyết tâm thực hiện cuộc sống đạo đẹp lòng Chúa và làm gương cho người chung quanh.

Phần đời sống tâm linh bên trong là “chăm chú nhìn lên Đức Chúa Giêxu, là khởi nguyên và kết thúc của đức tin” (2), để nhận lãnh sức sống và quyền năng của Ngài ban cho, giống như nhánh nho luôn luôn dính liền vào gốc nho để nhựa sống từ gốc cứ tuôn vào nhánh làm cho nhánh kết quả (Giăng 15:4–5).

Các anh hùng đức tin thời Cựu-ước là những gương về đức tin cho chúng ta học tập và làm theo; nhưng Đức Chúa Giêxu là “khởi nguyên,” cũng gọi là ‘Thủ-lãnh’ của đức tin. Bởi vì Ngài là đầu của tất cả những người đã chứng tỏ sự tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời. Đời sống của Ngài trên đất là bằng chứng rõ ràng về sự tin cậy ấy.

Nói rằng Ngài là khởi nguyên hay thủ lãnh của đức tin, thì không có nghĩa là Ngài tạo ra đức tin trong chúng ta; cũng không phải lòng tin của chúng ta là do Ngài khiến cho chúng ta tin. Nhưng Ngài là gương đức tin lỗi lạc nhất mỗi khi người ta bàn tới lãnh vực đức tin.

Không có đức tin của người nào trên đời trổi hơn đức tin của Đức Chúa Giêxu. Vì đức tin do Ngài khởi đầu thực hiện, rồi Ngài kết thúc đức tin ấy.

Kết thúc hay hoàn thành, hoặc làm cho toàn hảo, đều là nghĩa của chữ ‘Teleiotes.’ Đức Chúa Giêxu đã làm cho toàn hảo đức tin khi Ngài vâng phục Đức Chúa Cha, “mang hình dạng của con người, Ngài hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8).

Ngài đã trao phó chính Ngài cho Đức Chúa Trời, để Cha Ngài có thể thi thố quyền năng trọn vẹn trong chương trình cứu chuộc loài người. Nhờ đó Ngài có thể làm cho những người tin Ngài trọn vẹn đời đời (10:14).

Lấy đức tin nhìn xem hay chăm chú vào Đức Chúa Giêxu là bí quyết giúp tín hữu đạt tới trình độ đời sống tâm linh trọn vẹn. Vì ai nhìn xem Ngài thì dời mắt họ khỏi mọi điều người trần gian vẫn theo đuổi là: Danh, lợi, quyền. Ngài sẽ chỉ dẫn những người chăm nhìn xem Ngài con đường mà Ngài đã đi trên thế gian năm xưa và đã trở nên trọn vẹn.

Nhìn xem Đức Chúa Giêxu cũng đem đến một lợi ích vô cùng vĩ đại không thể tìm ra ở chỗ nào khác, đó là sự sống và quyền năng. Vì khi tín hữu nhờ Đức Thánh Linh nhìn xem Đức Chúa Giêxu, thì sẽ được “phản chiếu vinh quang Chúa như một tấm gương, được biến hoá giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang” (2Cô-rinh-tô 3:18).

Ai nhìn xem Chúa, sẽ bắt chước làm theo gương của Ngài, trở nên giống như hình ảnh của Ngài; nhờ đó, người ấy trở thành một tấm gương phản chiếu vinh quang của Chúa cho nhiều người khác thấy.

Khi đã được biến hoá và bước vào vinh quang, người được biến hoá sẽ thấy vinh quang sau rạng rỡ hơn vinh quang trước, người cứ tiến lên và thấy vinh quang sau đó còn rạng rỡ hơn nữa, từ vinh quang đến vinh quang.

Khi Đức Chúa Giêxu là đích mà chúng ta phải nhắm tới trong cuộc chạy để đức tin mỗi ngày một kiên định hơn, thì chúng ta sẽ thấy Ngài là “Đấng đã vì sự vui mừng đặt trước mặt, bền lòng chịu đựng thập tự giá, coi khinh sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” (2).

Nỗi vui mừng nào mà Đức Chúa Giêxu đã thấy trước mặt Ngài? Không niềm vui nào sánh bằng hình ảnh nhiều người con được đem từ cõi hư vong vào cõi vinh quang của thiên đàng, để những đứa con nầy, khi đã được nhập vào thân thể vinh quang của Đức Chúa Giêxu, thì họ đã làm cho tất cả những anh hùng đã giữ vững đức tin và qua đời từ hàng ngàn năm trước, mà vẫn chưa nhận được điều Chúa hứa, bây giờ được trọn vẹn và vui mừng rạng rỡ trong hạnh phúc vô biên.

Chính điều đó là phần thưởng của công lao khó nhọc và sự chịu khổ của Đức Chúa Giêxu ở trần gian, khi Ngài nhập thể làm người. Chịu đựng một cái chết đau đớn và nhục nhã trên thập tự giá mà không thể làm gì để minh oan, mặc dù Ngài là Đấng quyền uy bậc nhất trong vũ trụ, việc chịu đựng ấy không phải là dễ dàng.

Nhiều người ở trần gian có thể nhẫn nhục chịu khó chịu khổ một thời gian nào đó để mưu cầu hạnh phúc cho riêng họ, miễn là họ không bị chết đang lúc chịu khổ.

Nhưng Đức Chúa Giêxu đặt đức tin trọn vẹn vào Đức Chúa Cha và tin quyền phép của Đức Thánh Linh chắc chắn khiến Ngài sống lại sau khi chịu chết. Vì sự vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, coi khinh sỉ nhục. Hiện nay, Ngài ngồi trong cõi vinh quang chói lọi.

Chúng ta nhìn xem Đức Chúa Giêxu trong gương vô cùng vinh diệu đó, để có đủ đức tin cần thiết cho đời sống tâm linh vốn dễ bị lung lay của bản tánh loài người. Đường chạy về thiên quốc dù khó khăn nhưng không phải là không làm được.

Chúng ta “kiên nhẫn theo đuổi cuộc chạy đua đã bày ra trước mặt” bằng cách thực hành nếp sống đạo biết ném bỏ hết mọi gánh nặng, cẩn thận đối với những thứ tội lỗi dễ vấn vương vẫn thường cản trở và khiến nhiều người thất bại, bỏ cuộc nửa chừng.

Trong tâm linh thì chúng ta cứ chăm chú nhìn Đức Chúa Giêxu để bắt chước gương khiêm nhường, hạ mình chịu đựng cái chết đau đớn, coi khinh sỉ nhục, để trong tâm linh ta có đủ năng lực theo đuổi cuộc chạy đua, là phần của riêng mình phải đạt đến.

ThuHeboro23.docx

Rev. Dr. CTB