Thư Hê-bơ-rơ, bài 07

Hê-bơ-rơ 5:1–14

Đức Chúa Trời đã quy định rằng thầy tế lễ thượng phẩm phải thuộc về nhân loại, “được lựa chọn và được bổ nhiệm” bởi Đấng có quyền lựa chọn và bổ nhiệm theo ý Ngài biết là có phẩm cách và điều kiện thích hợp với vai trò tế lễ thượng phẩm.

Để có thể đại diện cho người thì trước hết, thầy tế lễ thượng phẩm phải là người. Kế đến, ông ta phải vì vinh quang của Đức Chúa Trời và ích lợi của loài người mà đứng làm trung gian giữa Chúa với người.

Ông ta sẽ “thay cho loài người lo việc thờ phượng Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và sinh tế đền tội.” (1).

Một nguyên do nữa đòi hỏi thầy tế lễ thượng phẩm phải là người, bởi vì ông ta “cũng là con người đầy yếu đuối, nên có thể cảm thông những người dốt nát lầm lạc. Vì thế, ông phải dâng sinh tế chuộc tội cho mình cũng như cho dân chúng” (2–3).

Như vậy, để được giữ chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, người đó phải biết cảm thông hai hạng người: Người dốt nát và người lầm lạc.

Nghĩa là những người thuộc hạng mang tội dốt nát vì không có cơ hội học hỏi, thì thầy tế lễ thượng phẩm phải là người biết xót thương họ, cầu thay lên Đức Chúa Trời cho họ, và là người biết dạy dỗ các người chậm hiểu những vấn đề tâm linh.

Hạng người thứ hai cần được cảm thông là những người lầm lạc về chân lý, nhiệm vụ và các quan điểm về hạnh phúc.

Thầy tế lễ thượng phẩm phải đủ tính dịu dàng để dẫn họ ra khỏi các lối đi lầm lạc, tội lỗi và khốn khổ, và đưa họ vào đường ngay nẻo chính. Việc nầy đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và lòng thương xót cao độ, tức là lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Bởi lẽ bản chất của lòng người là cố chấp và đầy tự ái; không có bao nhiêu người sẵn sàng công nhận rằng niềm tin mà họ thừa hưởng từ gia đình hay truyền thống của tôn giáo là sai lầm. Hầu hết đều hăng say bảo vệ những niềm tin mà họ không hiểu hoặc không biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu ra.

Cho nên, thầy tế lễ thượng phẩm phải có tính kiên nhẫn và lòng thương xót vô biên để biết cảm thông họ.

Thầy tế lễ thượng phẩm cũng phải trải qua một cõi nhân gian yếu đuối, để chính mình ông ta có thể cảm nhận sự yếu đuối của thân phận con người là ra sao; từ trải nghiệm đó ông có thể cảm thông những người mà ông ta đại diện.

Đấng Christ có đủ tất cả những phẩm cách và phẩm chất của một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, khi Ngài giáng trần làm người, chịu chết và trở thành Đấng Trung Bảo giữa loài người với Đức Chúa Trời.

Tuy thế “không ai giành lấy vinh dự nầy cho mình, nhưng phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A-rôn vậy” (4). Có nghĩa là không ai nên tự giành hay tự phong cho mình vai trò đó. Thái độ ấy là của người thích chiếm đoạt quyền hành.

Chức vụ tế lễ rất là vinh dự để đứng trước mặt Đức Chúa Trời và loài người. Ai tự phong mình vào chức vụ ấy sẽ chẳng bao giờ thành công, cũng sẽ chẳng được phần thưởng nào. Vì lý do đó, “không phải Đấng Christ tự tôn mình làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, nhưng là Đấng đã phán với Ngài: ‘Con là Con Ta, ngày nay Ta đã sinh Con’” (5).

Lời tuyên bố nầy là sự chỉ định quyền hạn trong chức vụ Trung Bảo của Đức Chúa Giêxu đã nhận lãnh. A-rôn không được Đức Chúa Trời âu yếm xác nhận như vậy.

Chức vụ tế lễ của A-rôn chỉ là tạm thời. Chức vụ Tế Lễ của Đức Chúa Giêxu là vĩnh viễn. Bởi vì chức vụ tế lễ của A-rôn có tính cha truyền con nối; còn chức vụ Tế Lễ của Đức Chúa Giêxu thuộc đẳng cấp Mên-chi-xê-đéc (6), là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm bất tử giữ một chức vụ bất tử, không có ngày khởi đầu cũng chẳng có ngày kết thúc.

Nhân vật Mên-chi-xê-đéc, sẽ được nhắc lại và giải thích sau nầy ở đoạn 7, là một người vô cùng đặc biệt.

Không giống như A-rôn phải dâng sinh tế để chuộc tội mình, Đức Chúa Giêxu không cần dâng một sinh tế chuộc tội mà dâng chính thân Ngài làm sinh tế đời đời.

Khi còn trong thân xác con người, Ngài đã lớn tiếng khóc lóc, dâng lời cầu nguyện nài xin lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì có lòng tôn kính nên Ngài đã được Đức Chúa Trời nhậm lời” (7).

Sự lớn tiếng khóc lóc, cầu nguyện nài xin của Đức Chúa Giêxu cho mình khỏi cái chết vĩnh viễn dưới sự trừng phạt kinh hoàng của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, là vì Ngài mang sức nặng kinh khủng của tất cả những tội lỗi đồi bại nhất của toàn nhân loại trên mình Ngài. Bản chất một người vô tội trong Đức Chúa Giêxu đối với toàn sức nặng đó thật là quá sức chịu đựng.

Đức Chúa Trời có quyền cất khỏi Đức Chúa Giêxu cái chén đắng thịnh nộ của một cái chết đau đớn và nhục nhã. Nhưng nếu Ngài làm như vậy, thì ngày nay tất cả chúng ta phải uống tất cả cặn bã của chén thịnh nộ ấy, tức là sự trừng phạt vĩnh viễn ở hoả ngục.

Vì có lòng tôn kính nên Ngài đã được Đức Chúa Trời nhậm lời.” Nghĩa là thay vì Con Người Giêxu phải chết vĩnh viễn, Ngài đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại sau khi đã chịu chết.

Từ sự phục sinh vinh quang đó, Ngài mở đường cho vô số người tin Ngài dù vẫn phải chết cái chết thể xác theo thông lệ của loài người, họ đều sẽ được sống lại khải hoàn vào ngày tận thế. Vì Đức Chúa Giêxu đã trở thành “Người đầu tiên (trái đầu mùa) của những người chết sống lại” (1Cô-rinh-tô 15:20).

Đức Chúa Giêxu đã không cậy đặc quyền Con Trời. “Ngài cũng phải học tập vâng lời qua những nỗi thống khổ Ngài đã chịu. Sau khi đã đạt đến mức trọn vẹn, Ngài trở nên nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng lời Ngài, và Ngài được Đức Chúa Trời chỉ định làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, theo ban Mên-chi-xê-đéc” (8–10).

Đạt đến mức trọn vẹn tức là chịu khổ nạn về tất cả những sự thống khổ để thi hành phận sự của Ngài trên đất, nghĩa là chuộc tội cho nhân loại. Công tác chuộc tội ấy đã được thực hiện một cách trọn vẹn, dù trong thân xác người chịu đủ thứ cám dỗ như mọi người khác, Đức Chúa Giêxu đã sống một đời hoàn hảo, không hề phạm tội.

Tác giả nói rằng ông có nhiều điều phải nói thêm, thì không phải nói về con người bí ẩn tên là Mên-chi-xê-đéc, người được giữ chức vụ tế lễ vĩnh viễn. Nhưng là những điều về Đấng Christ, mà Mên-chi-xê-đéc là biểu tượng.

Bởi vì có rất nhiều huyền nhiệm về Đấng Cứu Chuộc mà loài người cần phải hiểu, nghĩa là cần phải được nói ra “nhưng khó giảng giải vì tai (của người nghe giảng) đã nặng” (11) tức là chậm hiểu và chậm tin.

Nan đề vẫn luôn có trong Hội-thánh là sự hiểu biết của nhiều người quá yếu, không hiểu nổi những vấn đề tâm linh; trí nhớ kém cỏi, không ghi nhận lâu dài vào ký ức.

Nguyên nhân là nhiều tín hữu không chịu dành thì giờ và nỗ lực để học hỏi những vấn đề hữu ích giúp cho tâm linh trưởng thành.

Không phải vị sứ đồ nói về những sự thiếu sót hay tật nguyền thính giác của thể xác, mà ông nói về những yếu đuối trong tâm linh. “Đáng lý bây giờ anh em phải làm thầy, nhưng anh em lại cần người khác dạy cho những nguyên tắc sơ đẳng của lời Đức Chúa Trời một lần nữa, anh em cần sữa thay vì thức ăn đặc” (12).

Nhiều huyền nhiệm liên quan đến Đấng Christ đúng là rất khó hiểu; cũng có thể là do sự yếu kém của một số người làm công tác giảng dạy chưa hiểu tường tận về những việc họ phải giải thích rõ ràng cho người học.

Nhưng thường thì lỗi nằm về phía người nghe. Tính chất nặng tai tâm linh khiến cho việc giảng giải Tin-mừng trở nên khó khăn; và điều gây xấu hổ đối với những người theo đạo đã lâu năm, là cần được dạy thay vì có thể làm thầy.

Người cần được nuôi dưỡng bằng sữa thì hoặc là còn quá nhỏ, hoặc là thân thể vì bệnh hoạn không tiêu hoá nổi thức ăn đặc.

Về mặt ý nghĩa tâm linh thì sữa nói về những nguyên tắc, các sự kiện và những giáo lý sơ đẳng của đạo sự sống, là những điều dễ hiểu đối với những người ấu trĩ về mặt hiểu biết các vấn đề tâm linh: “Ai chỉ ăn sữa thì chưa kinh nghiệm đạo công chính được, vì người ấy còn là trẻ thơ” (13).

Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, là người nhờ thực tập mà luyện được khả năng phân biệt điều tốt và điều xấu” (14).

Như thế, muốn trở nên người trưởng thành có khả năng phân biệt giữa tốt với xấu, đúng với sai, thì tín hữu phải thực hành sự rèn luyện những cách thức phân biệt, mà Lời Chúa trong Kinh-thánh bày tỏ khá rõ ràng.

Tức là người dành thời gian nghiên cứu và thực tập những sự dạy dỗ của Kinh-thánh để nhận ra lời giảng có đúng hay không.

ThuHeboro07.docx

Rev. Dr. CTB