Thư Hê-bơ-rơ, bài 18

Hê-bơ-rơ 11:1–3

Chương trình cứu rỗi nhân loại đã được Ba Ngôi Đức Chúa Trời thực hiện một cách hài hoà và trọn vẹn.

Tình yêu thương, sự khôn sáng vô cùng tận và ân sủng của Đức Chúa Cha được Đức Chúa Giêxu bày tỏ mỹ mãn bằng sự kiện Ngôi Lời thập thể làm sinh tế toàn hảo; Ngài mở đường cho thánh đồ của Đức Chúa Trời được đi thẳng vào Nơi Chí Thánh tương giao thân mật với Đức Chúa Cha. Ngài cũng là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Đấng Trung Bảo của Giao Ước mới.

Đức Thánh Linh dùng Huyết của Đức Chúa Giêxu tẩy sạch lương tâm của mọi thánh đồ và thánh hoá hồn và linh họ, cho lòng họ được trở nên Nơi Chí Thánh mà Đức Chúa Trời có thể ngự vào.

Tất cả các ơn phước và những lời hứa hạnh phúc tuyệt vời đều thuộc về mọi con cái thật của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận được những ơn phước, quyền năng và các lời hứa đó bằng ĐỨC TIN mà thôi.

Nghĩa là ai không có đức tin, thì người đó chẳng nhận được gì cả. Bởi vì lòng tin chắc là cần thiết trong lãnh vực tâm linh; mà nước Trời thuộc linh giới vô hình, không phải là cõi hữu hình để người trần gian có thể rờ nắm được. Cho nên, không có đức tin thì sẽ lùi bước rồi sẽ hư vong.

Người công chính sống bởi đức tin, …… chúng ta không phải là người lùi bước để hư vong, nhưng giữ vững lòng tin để được cứu rỗi” (10:38–39).

Con cái Chúa cần phải hiểu rõ ràng những chân lý và các ý nghĩa cụ thể về đức tin, để có thể nắm vững các định nghĩa của đức tin ở phần nầy: “Đức tin là thực thể của những điều ta hi vọng, là bằng chứng của những điều ta chưa thấy” (1).

Đức Chúa Trời tạo nên loài người có ba phần là thân, hồn và linh. Đối với một người bình thường, thì thành phần điều khiển con người suy nghĩ, hành động là phần hồn của người. Con thú bị điều khiển bởi bản năng và những nhu cầu của xác thể nó. Con người cao hơn hẳn loài thú vì có hồn và linh.

Thể xác có năm giác quan là thấy, nếm, ngửi, nghe, và rờ. Mọi phản ứng phần xác của loài người là kết quả những sự vật kích thích vào các giác quan của thân thể. Trong khi đó lại có những phản ứng từ bản năng sâu trong phần hồn như vui, buồn, mừng rỡ, sợ hãi, yêu, ghét, giận dữ, tham muốn… tác động trên con người nữa.

Riêng trong phần linh thì có sự khôn ngoan, lương tâm và khả năng hiệp thông với linh giới. Những người bị điều khiển bởi bản năng thú tính và các phản ứng của hồn là những tên tội phạm không có một chút hiểu biết nào về đạo đức của lương tâm.

Những người chưa tin Chúa thì phần tâm linh bị tội lỗi làm cho nằm trong bóng tối của sự chết. Còn những người theo đạo nhưng tâm linh chưa được tái sinh và thánh hoá, thì sống theo tâm tánh và sự ham muốn của hồn, nên bị gọi là tín đồ xác thịt, họ chẳng khác người chưa tin Chúa bao nhiêu cả, chỉ khác danh hiệu mà thôi.

Đức tin là giác quan vô hình nằm tiềm tàng trong tâm linh vô hình. Nói cách khác thì đức tin là khả năng nhận tác động kích thích của cõi vô hình.

Suy nghĩ về hai định nghĩa: đức tin là thực thể, và đức tin là bằng chứng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn thực chất của đức tin. Chữ ‘hupostasis’ trong tiếng Hy-lạp mà tác giả dùng với nghĩa ‘thực thể’ ở đây, còn có nghĩa là nền tảng, bản thể, sự tin tưởng, hay niềm tin cậy.

Vậy, niềm tin vào một nền tảng mà khi người ta đặt lòng tin trên đó, thì niềm tin ấy giống như một thực thể, một sự việc có thật đối với người tin.

Chữ ‘Elegchos’ mà tác giả dùng cho nghĩa ‘bằng chứng’ cũng có nghĩa là sự thuyết phục; nó vừa là hành động thuyết phục, vừa là phương tiện dùng để thuyết phục. Như thế, khi người ta tin điều gì đó, thì có nghĩa là tâm trí họ bị thuyết phục để tin sự việc hay sự vật ấy là có thật, mặc dù có thể nền tảng của việc đó rất mơ hồ.

Điều nầy giải thích nguyên nhân của mọi sự cuồng tín tôn giáo trong rất nhiều người trên thế giới. Người ta không cần biết phải, trái, đúng, hay sai của vấn đề. Họ đã bị nhồi niềm tin ấy vào tâm não, rồi bản chất kiêu căng, cố chấp, tính tự ái địa phương, tự ái dân tộc; cộng thêm sự dốt nát hoặc bị lừa bịp lâu ngày, trở thành niểm tin tôn giáo khó thay đổi trong tâm trí của vô số người. Điều đó khác hẳn thực thể của đức tin chúng ta đang có.

Có hai loại niềm tin mà người ta thường có và gọi là đức tin:

1) Đức tin căn cứ trên sự khôn ngoan và nhận định của mình, khi nghe lời từ người khác nói lại và tin chắc vào điều mình nghe là có thật, nghĩa là xem lời nói là cứu cánh (chỗ tận cùng) chứ không xem đó là phương tiện chuyển đạt, một thứ bảng chỉ đường cho ta tìm đến chân lý, thì sự tin ấy chỉ là ‘đức tin lý trí.

2) Lòng tin nào là sản phẩm của sự mê tín vào những phước hạnh, hay vào quyền phép nào đó; nghĩa là tin để được phước, được chữa lành tật bệnh thân thể, vv, thì gọi là ‘đức tin mê muội.

Vậy thì thực thể của đức tin mà tín hữu phải có là mối liên hệ tương giao liên tục giữa chúng ta với chính Đức Chúa Trời qua sự vận hành tác động của Đức Thánh Linh. Mối liên hệ chặt chẽ ấy khiến chúng ta biết chắc một cách vững vàng về những điều mình đang trông mong, không tin một cách vu vơ vào những điều mơ hồ không có thật.

Bởi vì dù lòng ta tin mạnh đến đâu đi nữa vào những sự việc không có thật, cũng không thể biến sự không thành có; ngược lại, dù cương quyết không tin vào những điều có thật, thì cũng chẳng thể làm cho việc ấy biến mất.

Lòng tin từ giác quan tâm linh do mối liên hệ tương giao liên tục với Chúa để biết chắc Ngài có thật và đầy quyền năng, thì giống như mắt mở ra để ánh sáng tự nhiên tràn vào thị giác mà không cần phải cố gắng. Mối tương giao đã được thiết lập với Chúa trở thành thực thể và bằng chứng của đức tin, không một thế lực nào có thể tước đoạt hay phá huỷ được.

Nếu không có một mối tương giao cụ thể với Chúa là thực thể và bằng chứng cho điều mình tin, làm thế nào chúng ta có thể tin những việc đã diễn ra hai ngàn năm trước, mà mình chỉ nghe truyền đạt bởi những người cũng chưa bao giờ được thấy như mình?

Căn cứ trên thực tế, chúng ta biết có vô số người tin đạo cách mê muội; họ chưa bao giờ nắm một thực thể hay bằng chứng của điều họ tin. Cho nên, anh chị em là con cái Chúa cần phải hiểu biết một cách vững vàng lòng tin của mình dựa trên thực thể nào và có bằng chứng gì.

Nếu ánh sáng mặt trời là bằng chứng về sự hiện hữu của mặt trời, thì lòng chúng ta phải có ánh sáng của Đức Chúa Trời soi sáng để tâm linh chúng ta được sống lại; sự hiểu biết đó là bằng chứng cho chúng ta tin Đức Chúa Trời hiện hữu. Kinh nghiệm được sạch tội và đời sống biến đổi là bằng chứng Đức Chúa Giêxu đã đến.

Kinh nghiệm về sự soi sáng và dẫn dắt của Đức Thánh Linh, khiến chúng ta biết Nước Chúa trong cõi vô hình là có thật.

Bởi vì chính quyền năng của Đức Thánh Linh chiếm hữu lòng chúng ta, đem các phước hạnh thiên đàng vào đời sống ta, ban đức tin sống động mạnh mẽ cho cả phần linh và hồn ta, khiến chúng ta biết một cách rõ ràng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, sự hi sinh cao quý của Đức Chúa Giêxu, và vai trò tối thượng của Ngài ở thiên đàng cũng như ở trong lòng mọi người là con dân Nước Trời.

Đức tin của chúng ta ngày càng tăng trưởng khi biết chấp nhận những sự thật đã được bày tỏ trong Kinh-thánh. Rồi lời ‘logos’ trong các bản văn của Kinh-thánh trở thành lời ‘rhema’ của Chúa phán trực tiếp với chúng ta, khiến đức tin ta mạnh mẽ hơn.

Tất cả những người được tác giả đưa ra làm gương về đức tin, đều là các vị tiền bối thời Cựu -ước. Bởi vì, “nhờ đức tin, các tiền nhân được tiếng tốt” (2). Tất cả các vị nầy đều tin “vũ trụ đã được tạo nên bởi lời Đức Chúa Trời.” Và những gì họ thấy bằng thị giác “không ra từ những vật hữu hình” (3).

Thế thì, nền tảng đầu tiên của đức tin chân chính là lòng tin từ lý trí của hồn và sự khôn ngoan của phần linh vào sự thực hữu của Đấng Tạo Hoá Toàn Năng đã dựng nên toàn cõi vũ trụ.

Không có nền tảng nầy, người ta suy luận lung tung theo lòng tự cao, tự phụ của các tư tưởng ngu dại, dù sống trong môi trường thời gian, nhưng lại chối từ Đấng khởi thuỷ mọi sự vật.

Nhờ lòng tin sơ đẳng vào sự khởi đầu của cõi vật chất hữu hình do Lời quyền năng của Đấng Tạo Hoá vô hình, chúng ta bắt đầu có đức tin vào Kinh-thánh, khi thấy sự ứng nghiệm của những lời tiên tri ghi chép trong Kinh-thánh từ ngàn xưa không chút sai trật.

Rồi chính những kinh nghiệm cụ thể về quyền phép kỳ diệu của Chúa, chương trình khôn ngoan của Ngài, và mối liên hệ tương giao rất thật với Chúa Chí Thánh, đã tạo nên đức tin vững mạnh mà hiện nay ta có.

ThuHeboro18.docx

Rev. Dr. CTB