Phục Truyền Luật Lệ, bài 11

Phục Truyền 13:1-18

Một số người rất ngạc nhiên khi thấy có thầy bói nói đúng các việc trong quá khứ, thậm chí nói đúng vài sự kiện ở tương lai gần. Những lời tiên đoán tương lai gọi là lời tiên tri, biết trước.

Những người nói đúng các việc xảy ra trong tương lai thường được kính nể và được gọi là nhà tiên tri, vì người ta tin rằng thần thánh nào đó đã bảy tỏ cho họ biết. Rồi những lời các người ấy nói đều được tin cậy là hoàn toàn chính xác. Vì tâm lý đó nên Môi-se căn dặn:

Nếu giữa anh em xuất hiện một nhà tiên tri hay một kẻ đoán mộng và người ấy báo trước với anh em một dấu lạ hoặc phép mầu. Nếu dấu lạ hoặc phép mầu mà người ấy nói với anh em có xảy ra, và nếu nó bảo: ‘Chúng ta hãy đi theo và thờ lạy các thần khác’ là các thần mà anh em không hề biết, thì chớ nên nghe lời nhà tiên tri hay kẻ đoán mộng ấy” (1-3).

Dấu hiệu của một tiên tri thật do Đức Chúa Trời chọn thì người tiên tri sẽ nói những gì được Chúa bày tỏ; đó là điều Ngài phán với A-rôn và Miriam:

Hãy lắng nghe lời Ta. Khi có một nhà tiên tri ở giữa các con, thì Ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra với người ấy trong khải tượng và phán với người ấy trong giấc chiêm bao“(Dân-số 12:6).

Người tiên tri sẽ nói lại những gì mình được cho biết; và Đức Chúa Trời chẳng khi nào bảo dân của Ngài phải đi thờ các thần khác. Vì thế, không thể nghe lời kẻ tiên tri hay đoán mộng khuyến dụ dân chúng thờ cúng tà thần.

Người bói nói tiên tri hoặc đoán mộng đúng là do Đức Chúa Trời cho phép các sứ giả của Satan dụ dỗ dân Israel lúc ấy, để thử xem họ có hết lòng hết linh hồn kính mến Ngài hay không (3).

Sở dĩ Môi-se phải căn dặn Israel trước khi vào xứ, vì dân trong xứ Canaan vẫn thực hành sự bói khoa và đồng bóng, là điều Đức Chúa Trời đã dặn Môi-se phải ra lệnh nghiêm cấm (Lê-vi 19:26, 31; 20:8, 27).

Điều sai trật đó không phải chỉ xảy ra trong thời dân Israel vào đất hứa; từ vài thế kỷ sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, lúc giáo hội đã đi chệch hướng thì có người đề ra một số giáo lý sai lạc nói rằng đã được Đức Thánh Linh mặc khải bảo phải kính thờ một người đàn bà và các thánh; cho nên, người ta không còn tôn thờ chỉ một mình Đức Chúa Trời nữa mà ngày càng đi lạc xa nẻo đường chính đáng.

Lại có một số người lợi dụng lòng mê tín của một giới tín hữu thiếu hiểu biết để lừa gạt họ bằng những cái gọi là “mặc khải” hay “khải tượng” quái đản. Vì thế, lời căn dặn nầy vẫn có giá trị vĩnh viễn đối với mọi con cái Chúa: Chúng ta vẫn phải kính thờ Đức Chúa Trời, tuân giữ các điều răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục vụ Ngài và gắn bó với Ngài (4).

Nếu ngày xưa những nhà tiên tri hay kẻ đoán mộng dẫn dụ dân Israel phải bị tử hình, thì ngày nay Hội-thánh phải dứt khoát loại trừ những kẻ gian ác và gây rối; dứt khoát không liên hệ giáo hội tà giáo (5).

Để tránh gặp các trường hợp bị dẫn đi lạc, mỗi người phải biết rõ chân lý và quen thuộc với những giới mạng từ Kinh thánh dạy dỗ.

Bởi vì các tà thuyết luôn luôn khoác áo chân lý, có vẻ rất chính đáng, nhưng khi đem so với Kinh-thánh thì bị bại lộ là tà thuyết. Cho nên, ai chịu học hiểu các giáo lý chân chính trong Kinh-thánh và quen thuộc với Lời Chúa, sẽ nhận ra giáo lý giả mạo một cách dễ dàng.

Sở dĩ Kinh thánh xem vấn đề nầy là nghiêm trọng, vì khi tín hữu đứng trước một tương lai bất định, hay bấp bênh, thì dễ bị dẫn dụ tìm giới bói toán với hi vọng mong manh sẽ biết được những việc sắp đến. Ý định ấy sẽ dẫn tới hành vi vô cùng nguy hiểm là bị Đức Chúa Trời loại trừ khỏi gia đình và Hội-thánh Ngài vì đã thông đồng với thế giới tối tăm của ma quỷ.

Đức Chúa Trời biết rằng người ta khó nghiêm khắc đối với tình máu mủ ruột thịt; còn ý kiến của người thân trong gia đình là sức lôi kéo hoặc thúc đẩy rất mạnh, khiến cho tín hữu dễ bị lung lạc niềm tin của mình.

Người ta khó bỏ sự thờ cúng tà thần vì tín ngưỡng ấy không đòi hỏi người tín đồ phải có đời sống thánh khiết. Trái lại, sự đòi hỏi phải có đời sống thánh khiết, một đặc tính thượng đẳng của đạo Chúa, thì thường bị tánh xác thịt xem là khắt khe, nên người yếu đuối dễ từ bỏ để theo đuổi một tôn giáo có lối sống dễ dàng buông thả mà sự trừng phạt xem ra rất mơ hồ.

Vì thế, lời Chúa nêu lên rằng: “Nếu người anh em ruột, con trai, con gái, hay người vợ yêu quý của anh em, hoặc người bạn thân thiết nhất của anh em bí mật dụ dỗ anh em rằng: ‘Chúng ta hãy đi và thờ lạy các thần khác’ là những thần mà anh em hay tổ phụ của anh em chưa từng biết, là các thần của những dân tộc chung quanh, hoặc gần hay xa anh em, từ đầu xứ cho đến cuối xứ, thì chớ nhượng bộ hay nghe lời nó. Đừng để mắt cảm thông hay bao che cho nó” (6-8).

Mưu chước của Satan là tìm cách sử dụng những người chúng ta yêu thương, không khi nào nghĩ người ấy có ý định xấu, người mà chúng ta thường muốn làm vui lòng, và là người mình dễ hoà hợp nhất, để dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.

Anh em ruột hay con cái là những người gần gũi bởi máu mủ tự nhiên; vợ, chồng hay bạn bè là những người gần nhất trong đời bởi sự lựa chọn. Nhưng bổn phận của mọi con cái Chúa là phải đặt Ngài làm ưu tiên một so với người gần gũi nhất và thân nhất trên thế gian.

Không thể nào vì làm vui lòng anh chị em, con cái, vợ chồng, hay bạn bè mà chúng ta được phép vi phạm luật pháp của Chúa; cũng không vì tình ruột thịt hay thân thiết mà cầu nguyện, nài nỉ để ngăn trở sự đối xử công chính của Đức Chúa Trời (9-10).

Khi nào người ta nhìn thấy lòng kính sợ Chúa của chúng ta, họ mới biết kính sợ Ngài (11).

Việc ngăn ngừa sự phản bội Đức Chúa Trời không phải chỉ thực hiện trong gia đình và thân thuộc mà còn phải ngăn ngừa không để xảy ra trong cả cộng đồng dân tộc. Mỗi thành là tiêu biểu cho một cộng đồng nhỏ của cả dân tộc, là một cộng đồng lớn (12).

Nhóm chữ “những kẻ gian tà” là nói về những thành phần cặn bã, bất lương, mạt hạng, mà nguyên tác tiếng Hebrew gọi là con cái của Bê-li-an, tức là con cái của chúa quỷ (13).

Vì những dân tộc sẽ bị trục xuất ở xứ Canaan thờ cúng nhiều thần khác nhau, nên những thế hệ về sau của Israel sẽ bắt chước chúng thờ cúng tà thần và chối bỏ Đức Chúa Trời. Mà bọn người dễ hư hỏng nhất là nhóm người bất lương, mạt hạng, lêu lổng luôn luôn có trong bất cứ xã hội nào.

Nếu một thành bị nhóm người bất lương dẫn dụ thờ cúng thần tượng, thì thành ấy phải bị tiêu diệt bằng gươm từ người cho tới thú vật (14-15), còn của cải phải bị thiêu huỷ hết không chừa một thứ gì (16).

Áp dụng vấn đề nầy vào bối cảnh Hội-thánh ngày nay thì chúng ta thấy việc thờ cúng tà thần của các tôn giáo khác, do một số tín đồ phản Chúa, theo đúng nghĩa đen, hầu như khó xảy ra; vậy thì, sự dạy dỗ ở chỗ nầy là gì?

Trước hết, chúng ta phải nhận diện những tà thần mà tín hữu dễ bị cám dỗ phục vụ chúng theo nghĩa bóng. Cách nhận diện chúng thì không có gì là khó khi con cái Chúa biết quan sát các miếng mồi mà Satan luôn luôn thành công khi nó dùng các mồi ấy để cám dỗ người ta xa cách Chúa:

Dục vọng của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự kiêu ngạo về cuộc sống (1Giăng 2:16). Ba lãnh vực dục vọng xác thịt, ham muốn của cải và ưa thích danh vọng vẫn là chỗ yếu nhất của mọi người.

Ba điều nầy là các thứ thần tượng mà nhiều người trong Hội-thánh vẫn theo đuổi không biết chán. Còn thành phần chuyên lôi kéo anh chị em phạm tội là giới tín đồ vô dụng đối với Chúa và Hội-thánh, vì chưa tái sinh và không có chút liên hệ nào với Chúa cả.

Bổn phận của Hội-thánh là nhận diện những người ấy, khuyên nhủ dạy dỗ họ, cảnh giác các mưu mô của ma quỷ sử dụng họ, và tỏ thái độ dứt khoát đối với những người không chịu ăn năn, không chịu học, cũng không bằng lòng cho Chúa biến đổi tâm linh và tâm trí.

Nhiều người chưa biết rằng khi đã bị Hội-thánh vâng lệnh Chúa dứt phép thông công, thì đối với Vương quốc thiên đàng họ đã bị kết án chết. Mặc dù những người ấy vẫn còn sống ở trần gian nhưng tương lai của linh hồn họ hoàn toàn bi thảm.

Tất cả các gương của những người bị Hội-thánh dứt phép thông công một cách chính đáng mà cứng lòng không chịn ăn năn, thì mọi mặt của đời sống họ đều bị suy sụp không phương cứu vãn.

Phần của chúng ta là đừng dính dáng gì tới “bất cứ vật đáng tận diệt nào,” cứ tiếp tục làm điều ngay thẳng trước mắt Chúa để được Ngài thương xót ban phước trên mọi mặt của đời sống (17-18).

PhucTruyen11.docx
Rev. Dr. CTB