Dân-số-ký, bài 09

Dân-số-ký 14:1–45

Ngoại trừ Môi-se, A-rôn, Ca-lép, Giô-suê, và các gia đình của họ, mọi người khác đều khóc than, kinh hoàng trước tin tức không thuận lợi.

Dù đã được thấy nhiều dấu kỳ, phép lạ, và hưởng ơn chu cấp cùng sự hướng dẫn siêu nhiên của Đức Chúa Trời, nhưng dân Israel vẫn nhìn sự việc theo nhãn quan loài người.

Họ cho rằng chết vì bị áp bức ở Ai-cập hay chết đói ở hoang mạc đều không đáng sợ bằng chết vì gươm đao; rồi họ muốn tổ chức cuộc quay lại Ai-cập.

Lúc trước vừa ra khỏi Ai-cập, nhóm người phản loạn đã phàn nàn chống lại Môi-se và A-rôn (Xuất Ai-cập 16:2–3); bây giờ họ chống luôn cả Đức Chúa Trời (1–4).

Mặc dù Môi-se và A-rôn rất khiêm nhường trước mặt hội chúng; Ca-lép và Giô-suê khẳng định lợi thế vô cùng lớn của họ là được Đức Chúa Trời đồng đi và bảo vệ, còn “bóng che chở” dân A-mô-rít “đã rút đi khỏi họ rồi” (9), nhưng bọn phản loạn vẫn đòi ném đá hai người, nên vinh quang Đức Giê-hô-va hiện ra trước mặt họ (5–10).

Cái bóng che chở có nghĩa là sự cai trị và bảo vệ của thần linh nào đó trên một vùng lãnh thổ nào đó. Trong trường hợp nầy thì ‘cái bóng che chở’ cho dân A mô rít là tà thần khu vực cai trị trên xứ Canaan.

Lý do thứ nhất mà cái bóng che chở cho các dân tộc ấy đã rút đi rồi là vì sự gian ác và tội lỗi của các dân tộc A-mô-rít ở xứ ấy đã đầy trọn (Sáng-thế 15:16).

Thứ nhì là Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn dân Israel tiến đến xứ ấy bằng trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm, nên tà thần khu vực phải rút đi, vì chúng không thể đương cự nổi với Thiên sứ. Những người có đức tin như Ca-lép và Giô-suê mới nhận biết thực tế của linh giới.

Điều nầy cũng nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu của các tà thần và quỷ cai trị trên một khu vực. Chúng vẫn còn được phép lộng hành vì ngày tận thế chưa đến, nên chúng chưa bị phán xét.

Những người vừa được hưởng tự do và lời hứa về một tương lai huy hoàng no ấm, vẫn luyến tiếc quá khứ, không muốn tiến tới trong vai trò người chiến thắng.

Họ quên mất là con đường trở lại Ai-cập không phải dễ dàng: Lấy đâu ra mana và nước uống? Cũng chẳng có trụ mây ban ngày hay trụ lửa ban đêm dẫn đường và bảo vệ nữa. Những ai đã chọn không còn bước đi trong sự chỉ dẫn của Chúa là những người tự huỷ diệt mình.

Đức Giê-hô-va phán với Môise rằng: ‘Dân nầy khinh Ta và không tin Ta cho đến bao giờ, mặc dù Ta đã làm nhiều phép lạ giữa họ? Ta sẽ giáng dịch bệnh trên họ và tiêu diệt họ’” (11–12).

Những tấm lòng vô ơn đối với Đấng yêu thương mình thì sẽ chẳng được hưởng miền đất hứa.

Ngày nay có vô số người mang danh nghĩa Cơ-đốc-nhân, nhưng có thái độ và cách suy nghĩ chẳng khác gì hành vi phản loạn của dân Israel ngày xưa. Chỉ cần một thử thách hoặc khó khăn nhỏ thôi, họ đã vội vàng trách móc và phản Đấng gìn giữ họ.

Khi lòng người đã quyết phản loạn, thì họ chẳng còn nhớ gì về những điều họ đã chứng kiến. Đã biết bao lần họ thấy Đức Chúa Trời đều đáp lời mỗi khi Môi-se cầu xin, mà nay họ thấy ông sấp mình trước mặt toàn hội chúng, tức là đang cầu nguyện, mà vẫn định ném đá giết hai vị anh hùng đang khuyên can họ.

Trên bước đường theo Chúa, anh chị em phải ghi nhớ bài học nầy để đừng phạm phải các lỗi lầm giống như dân Israel xưa mà rước lấy hậu quả thê thảm.

Một lần nữa, Môi-se lại vì dân tộc mình mà nài xin Đức Chúa Trời đừng tiêu diệt Israel. Nhưng điều ông quan tâm nhất là nếu Chúa tiêu diệt Israel thì Danh Ngài sẽ bị các dân ngoại nói phạm (13–17); vì thế, ông nhắc lại điều răn và kêu nài sự nhân từ của Đức Chúa Trời (18–19).

Mặc dù Đức Giêhôva chậm nóng giận và đầy lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ tội lỗi và sự phản nghịch, nhưng Ngài không kể kẻ có tội là vô tội.

Dù Ngài đã nghe lời cầu xin của Môi-se và tha thứ không tiêu diệt dân Israel, nhưng Ngài lấy sự sống và vinh quang mình mà thề rằng, chẳng có một ai trong bọn người đã thấy vinh quang và phép lạ của Ngài mà đã thử Chúa đến mười lần, sẽ thấy xứ mà Ngài đã thề hứa cho ông cha họ; bởi vì không người nào khinh thường Đức Giêhôva mà không khỏi bị phạt (20–23). Nhưng Ca lép sẽ được vào xứ bởi lòng trung tín với Chúa (24).

Có người cho rằng con số ‘mười lần’ thử Chúa của dân Israel là nói về số 10 tượng trưng cho sự hoàn tất. Nhưng, nếu tính từ ngày ra khỏi Ai-cập cho tới lúc ấy thì dân Israel đã nói nghịch Chúa đúng mười lần:

Lần đầu ở bờ Biển Đỏ (Xuất 14:11);
Hai lần oán trách về nước uống (Xuất 15:23; 17: 2);
Hai lần về mana (Xuất 16:2, 28);
Hai lần đòi ăn thịt (Xuất 16:12; Dân số 11:4);
Một lần đúc tượng bò con (Xuất 32:1);
Một lần phàn nàn vì phải di chuyển đi xa (Dân-số 11:1);
Và lần cằn nhằn nầy (Dân số 14:1).

Chúng ta ngày nay hãy suy gẫm cẩn thận về con số mười lần thử thách Chúa của dân Israel để rút kinh nghiệm cho chính mình. Bởi vì sau mười lần phản nghịch Chúa thì án lệnh Ngài định  cho họ là không thể thay đổi được nữa. Kể cả các thầy tế lễ và chi tộc Lê-vi đều phải chịu chung số phận với những người sẽ bị ngã chết trong hoang mạc.

Chúa ra lệnh cho Israel phải quay lại đi về hướng Biển Đỏ (25). Ngài cũng bảo Môi-se hãy nói lại với ‘hội chúng hung dữ’ hay cằn nhằn oán trách Ngài rằng:

Đức Giê-hô-va phán: Ta lấy sự sống Ta mà quả quyết rằng Ta sẽ làm cho các con đúng như lời Ta đã nghe các con phàn nàn Thây các con sẽ ngã chết trong hoang mạc. Tất cả những người đã được kiểm tra từ hai mươi tuổi trở lên, là những kẻ đã cằn nhằn với Ta, sẽ không được vào xứ mà Ta đã thề ban cho các con, ngoại trừ Ca-lép con trai của Giê-phu-nê và Giô-suê, con trai của Nun. Nhưng Ta sẽ đem vào xứ đó những đứa con nhỏ mà các con nói rằng chúng sẽ bị giặc bắt đem đi, và chúng sẽ vui hưởng xứ mà các con đã khinh bỏ, còn các con sẽ phải bỏ thây trong hoang mạc nầy’” (26–32).

Thời gian của hình phạt mà Chúa định cho họ là phải lang thang trong hoang mạc bốn mươi năm; vì các thám tử đã do thám xứ trong bốn mươi ngày, nên mỗi một ngày đi do thám sẽ bị phạt tương ứng với một năm (33–34a).

Bấy giờ các con sẽ hiểu sự trừng phạt của Ta như thế nào. Ta, Đức Giê-hô-va, đã phán, chắc chắn Ta sẽ thi hành những điều ấy cho cả hội chúng độc ác nầy. Họ đã liên kết với nhau để chống lại Ta, nên họ sẽ bị tiêu hao và huỷ diệt trong hoang mạc” (34b –35).

Người ta chỉ biết sợ hình phạt khi hình phạt ấy ảnh hưởng trên chính họ. Hội-chúng Israel đã tận mắt nhìn thấy sự uy nghiêm đáng hãi hùng của Đức Chúa Trời khi sấm chớp của đám mây đen kịt giáng xuống đỉnh núi Si-na-i, cả núi rung chuyển dữ dội; rồi chính mắt họ lại thấy lửa của bàn thờ loè ra thiêu chết Na-đáp và A-bi-hu vì lỗi dâng lửa lạ, vv.

Thế mà họ vẫn tiếp tục khinh thường sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ là lần thứ mười thì án lệnh được ban ra.

Mười thám tử đưa ra tường trình bất lợi, không có đức tin và làm cho cả hội chúng cằn nhằn đều bị phạt và chết trước mặt Đức Giê-hô-va. Chỉ có Ca-lép và Giô-suê là được sống (36–38).

Khi Môi-se thuật lại lời Chúa phán cho dân Israel thì họ khóc lóc thảm thiết vì nghe rằng số phận của họ là sẽ ngã chết trong hoang mạc, không được nhìn thấy đất hứa (39).

Họ dậy sớm rủ nhau đi lên đỉnh núi, vì nói rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến chỗ Đức Giê-hô-va đã phán hứa vì chúng tôi đã phạm tội” (40). Số người nầy tưởng rằng Chúa chỉ nói lẫy. Nhưng lệnh Chúa đã ban ra mà họ cãi lại, thì kết quả là sẽ bị đánh bại, vì Đức Giê hôva không còn ở giữa những người đã phản bội Ngài.

Họ không nghe lời ngăn cản của Môi-se, cứ đi lên theo ý riêng, dù Rương Giao-Ước và Môi-se không cùng đi với họ (41–44). Kết quả là đoàn quân ấy bị đại bại, bị kẻ thù đánh cho tan tác (45).

Sự kiện nầy lại là một bài học khác cho con cái Chúa ngày nay suy gẫm. Hành động ngược lại lời Chúa phán, thì dù ý định có tốt đến đâu đi nữa, cũng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Hơn nữa, Môi-se đã cho họ biết là Đức Giê-hô-va không còn ở giữa họ, thế mà họ vẫn tiếp tục làm theo ý mình; cho nên bại trận và thiệt hại là điều chắc chắn sẽ đến.

Thế thì, ngày nay nếu chúng ta xông ra làm công việc gì đó cho Chúa, mà Ngài không ở cùng vì chúng ta đã phạm lỗi không vâng lời, thì công việc ấy chắc chắn là sẽ thất bại.

Một khi trong lòng chúng ta không còn có sự hiện diện của Chúa, thì không sự ăn năn hoặc việc làm nào theo thiện ý thay đổi được số phận.

Hãy học những bài học đã chép để làm gương cho chúng ta ngày nay (Rôma 15:4); đừng khinh lờn sự nhân từ của Đức Chúa Trời, vì Ngài kiên nhẫn nhằm dẫn chúng ta đến sự ăn năn (Rôma 2:4).

Dansoky09.docx
Rev. Dr. CTB