Giô-suê, bài 06
Giô-suê 5:1–15
Chẳng kẻ thù nào không run sợ khi thấy Đức Chúa Trời bày tỏ quyền phép siêu nhiên để phù trợ con dân Ngài (1).
Trước kia, họ đã nghe đồn Chúa làm nước Biển Đỏ rẽ ra để dân Israel băng ngang qua như đi trên đất khô. Bây giờ, không còn là lời đồn nữa, vì chính mắt dân Jericho chứng kiến cảnh nước sông Jordan dừng lại cho dân Israel vượt qua sông an toàn để đóng trại cách Jericho chỉ vài dặm đường.
Người ta biết chắc là dân ấy sẽ tấn công chiếm đất của họ. Chẳng ai còn tinh thần chống lại một dân tộc có vị Thần toàn năng đi trước chinh chiến cho dân tộc ấy.
Lễ cắt bì là dấu hiệu của giao ước giữa Đức Chúa Trời lập với Abraham (Sáng thế 17:9-11). Vì thế, mọi người nam của Israel đều đã chịu cắt bì khi ra khỏi Ai-cập.
Nhưng mọi người nam được sinh ra trong thời gian cha mẹ họ đi lòng vòng trong hoang mạc thì chưa ai chịu cắt bì (5); vì thế, Giô-suê vâng lời Đức Chúa Trời bảo phải làm những con dao bằng đá lửa để cắt bì cho dân chúng (2–3).
Hầu hết các nhà giải kinh đều không đồng tình với chữ đá lửa ở đây, mặc dù lúc ấy chưa có dao bằng đồng hay sắt, tất cả dao đều làm bằng đá. Họ giải thích chữ ‘tsurim’ nói về tính sắc bén của con dao, chứ không chữ nào đề cập tới chất liệu dùng làm dao. Nghĩa là các con dao bằng đá đã có sẵn, nay Giô-suê phải mài bén các dao ấy để cắt các dương bì một cách dễ dàng.
A-ra-lốt có nghĩa là ‘da quy đầu,’ tên ấy được đặt cho ngọn đồi nơi Giô-suê cắt bì cho dân chúng (3). Hãy nhớ là tới lúc ấy thì những người đã được cắt bì ở Ai-cập đều đã chết dọc đường, ngoại trừ Giô-suê và Caleb (4).
Số người bị ngã chết ở hoang mạc trong bốn mươi năm là khoảng sáu trăm ngàn chiến sĩ từ hai mươi tuổi trở lên khi ra khỏi Ai-cập, vì họ “không vâng theo tiếng của Đức Giê-hô-va. Đức Giê hô va đã thề với họ rằng Ngài không cho họ thấy đất mà Đức Giê-hô-va đã hứa với tổ phụ họ là sẽ ban cho chúng ta, tức là đất đượm sữa và mật”(6).
Những người được Giô-suê cắt bì là con cháu của những người đã chết, “vì họ không được cắt bì dọc đường” (7). Vậy, sự cắt bì khi đã bước vào đất hứa là Israel trở lại với giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Abraham từ nhiều thế kỷ trước.
Trong thời gian chờ lành vết thương cắt bì, Israel phải ở yên trong trại, vì vết thương chưa lành ấy khiến họ không nhúc nhích nổi (8; Sáng thế 34:25).
“Bấy giờ, Đức Giê-hô-va phán với Giô-suê: ‘Hôm nay, Ta đã cất khỏi các con nỗi ô nhục của Ai-cập’” (9). Có ba nghĩa khác nhau về nhóm chữ: “nỗi ô nhục của Ai-cập.”
Thứ nhất, so với các dân tộc láng giềng là dòng dõi hai hầu thiếp của Abraham là A-ga và Keturah, đáng lẽ Israel phải được cắt bì, vì là dòng dõi của Abraham, mà trước thời điểm đó họ chưa được cắt bì là một nỗi ô nhục vì chưa hoàn thành giao ước giữa Abraham với Đức Chúa Trời.
Thứ nhì, khi ra khỏi Ai-cập, họ bị xem như người Ai-cập, nay sau khi chịu cắt bì rồi thì họ trở nên dân tộc tách rời khỏi Ai-cập, có thể xưng mình là một dân tộc độc lập, không còn dính líu tới Ai cập nữa.
Thứ ba, vì phải lang thang trong hoang mạc suốt bốn mươi năm, họ bị người Ai-cập chế giễu, vì chưa chiếm hữu được một mảnh đất nào làm tổ quốc mình.
Bây giờ họ đã bước chân vô đất hứa, đã hoàn thành giao ước cắt bì, sẽ chiếm được đất và hoàn toàn tách rời khỏi Ai-cập, nỗi ô nhục được cất bỏ.
Theo nguyên tác, thì chữ được dịch là ‘cất bỏ’ trong tiếng Việt là chữ ‘lăn xa.’ Vì thế mới có nghĩa phù hợp với địa danh Gilgal, là vòng tròn hay lăn tròn, mà dân Israel đặt cho chỗ ấy khi hạ trại sau lúc qua khỏi sông Jordan. Nó vừa phù hợp với địa thế có các tảng đá nằm theo hình tròn, vừa là nỗi ô nhục của Ai-cập được lăn xa khỏi họ sau khi chịu phép cắt bì (9b).
Bây giờ, một giao ước quan trọng nữa mà dân Israel phải thực hiện trở lại. Vừa bước chân vào đất hứa ngày mười tháng Giêng, Giô-suê phải làm lễ cắt bì cho hơn sáu trăm ngàn người nam của Israel, tức là phải sẵn sàng hàng chục ngàn con dao bằng đá thì mới đủ cắt bì cho chừng đó người trong một ngày, và phải có hàng chục ngàn người phụ giúp cắt bì cho nhau mới kịp.
Kinh thánh không nói gì về thuốc thoa vết thương cắt bì cho mau lành, vì bốn ngày sau thì họ phải cử hành lễ Vượt Qua (10).
Có phải vì tình trạng sinh sống trong hoang mạc quá khó khăn và thiếu bánh không men nên Israel không giữ lễ Vượt Qua trong ba mươi chín năm qua? Điều đó có thể đúng hoặc sai, nhưng lý do chính là luật quy định:
Người nào chưa được cắt bì thì không được dự lễ Vượt qua (Xuất Ai-cập 12:48), mà khi chưa cắt bì được cho hàng trăm ngàn người nam, thì cũng không thể tổ chức lễ Vượt Qua được.
Bây giờ, sau khi đã thực hiện phép cắt bì cho tất cả những người nam của Israel rồi, thì Giô-suê tổ chức lễ Vượt Qua đầu tiên sau khi Israel đặt chân vào đất hứa.
Đây là lễ Vượt Qua thứ ba trong lịch sử của Israel. Lần thứ nhất là trong đêm họ ra khỏi Ai-cập (Xuất Ai-cập 12). Lần thứ nhì là ở chân núi Sinaii một năm sau đó (Dân số 9:1-5). Vì tính từ ngày họ ra khỏi Ai-cập tới ngày dừng chân bên kia bờ sông Jordan là bốn mươi năm, thì lần kỷ niệm lễ Vượt Qua thứ ba cách lần thứ nhì là ba mươi chín năm.
Chiều tối ngày mười bốn tháng Giêng thì họ giữ lễ.
“Vào ngày sau lễ Vượt Qua, chính ngày đó, họ ăn thổ sản trong xứ, bánh không men và hột rang” (11). Trong bốn ngày sau khi vượt sông, những người đàn bà Israel đã thu hoạch ngũ cốc ở đồng bằng Jericho.
Nhưng với số người đông như vậy, làm sao có đủ ngũ cốc và lương thực cho mọi người? Các nhà giải kinh tin rằng khi dân Israel vượt sông Jordan thì cư dân đang ở tại đồng bằng Jericho đã bỏ nhà chạy vào trú ẩn trong thành, bỏ lại tất cả kho lẫm thổ sản họ đã thu hoạch; vì vậy, dân Israel mới có thổ sản trong xứ mà làm bánh không men và hột rang.
Sau ngày ấy, dân Israel không có mana để ăn nữa, vì Đức Chúa Trời không còn ban mana xuống như lúc họ không thể gieo trồng trong hoang mạc; năm đó “họ ăn hoa màu của đất Canaan” (12). Một chương lịch sử xếp lại và một chương mới mở ra: Lịch sử cuộc chinh phục đất Canaan.
Giô-suê, với trọng trách làm tổng tư lệnh quân đội Israel, phải suy tính cách nào có thể đánh hạ một thành có tường kiên cố bao quanh, mà quân của mình không bị thương vong.
Giô-suê đã từng chỉ huy quân đội đánh nhiều trận lớn. Trận đầu tiên địch lại dân Amalek lợi dụng lúc Israel mệt mỏi giữa hoang mạc xông đến tấn công (Xuất Ai-cập 17:8:16; Phục-truyền 25:17-18).
Trận lớn thứ nhì là giao tranh và đánh bại vua A-rát, người Canaan ở Negev, khi ông ta bất thần tấn công dân Israel và bắt một số người làm tù binh (Dân số 21:1-3). Sau đó, Israel đánh bại các vua Amorite tại xứ của họ cạnh đồng bằng Moab và cả xứ Bashan (Dân số 21:23-24, 33-35).
Trận cuối cùng lúc còn ở bên kia sông Jordan, ông chỉ huy mười hai ngàn quân tấn công dân Ma-đi-an theo lệnh Đức Chúa Trời (Dân số 31:1-8).
Bây giờ, đứng trước một thành lớn kiên cố, Giô-suê phải nghĩ kế (13).
Giô-suê không hổ danh là một đại tướng gan dạ. Khi ông đang đi dạo gần thành Jericho, “thì thấy một người cầm gươm trần đứng đối diện với mình,” Giô-suê “liền đến gần người ấy và hỏi: ‘Ngươi thuộc về phe chúng ta hay là phe địch?” (13).
Câu hỏi hơi lạ nhưng không bất thường; bởi vì người ở Jericho đã rút hết vào trong thành. Một chiến sĩ cầm gươm trần đứng ở ngoài thành thì phải từ một nơi khác tới. Có thể là bạn, cũng có thể là kẻ thù.
Theo câu hỏi thì bộ dạng của người nầy giống như người (Sáng thế 18:2-5). Nhưng qua câu trả lời thì Giô-suê nhận biết vị ấy tới từ Đức Chúa Trời; ông “liền sấp mặt xuống đất, thờ lạy và hỏi: ‘Chúa truyền cho đầy tớ Chúa điều gì?’” (14).
Giô-suê biết trận đánh nầy không phải là ông đánh nữa, nhưng là trận chiến của Đức Giê-hô va. Người đọc Kinh-thánh phải hiểu nỗi mừng của Giô-suê: Ông vừa được thấy mặt thiên sứ của Chúa, vừa được biết gánh nặng của trách nhiệm không còn thuộc về mình nữa.
Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va không phải là một thiên sứ do Đức Chúa Trời dựng nên. Vị đó chấp nhận sự thờ lạy của Giô-suê thì ấy là Đức Chúa Trời đã hiện ra; chỉ có Đức Chúa Trời mới bảo: “Hãy cởi giày khỏi chân, vì nơi con đứng là đất thánh!” (15).
Lệnh nầy nhắc lại lời Đức Chúa Trời phán với Môi-se khi Ngài hiện ra với ông trong bụi gai cháy không tàn tại hoang mạc Sinaii (Xuất Ai-cập 3:5).
Kinh thánh nhiều lần chép ấy là Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va, mà kết cuộc ấy chính là Đức Chúa Trời. Khi dân của Ngài đứng trước một trở lực khó vượt qua nổi, thì Ngài thân hành đến nơi để giải quyết nan đề. Vì Ngài là Đức Chúa Trời của giao ước.
Giosue06.docx
Rev. Dr. CTB