1Samuel, bài 16

1Samuel 15:1–35

Trong câu chuyện lịch sử của thời gian Saul làm vua trên Israel, người đọc Kinh Thánh thấy vài điều gây ra thắc mắc về quyền tể trị và thuộc tính toàn tri của Đức Chúa Trời. Tiên tri Samuel vâng lệnh Chúa đến gặp Saul để truyền mệnh lệnh của Ngài cho Saul biết mà thực hiện. Ông nhắc cho Saul nhớ rằng: “Đức Giê-hô-va đã sai tôi xức dầu cho vua để cai trị Israel, là dân của Ngài.” Nghĩa là chẳng phải nhờ tài cán riêng mà Saul được làm vua; vì vậy, “hãy nghe lời phán của Đức Giê-hô-va” (1). Ở phần nầy, không hiểu Saul có cẩn thận nghe để tôn trọng lời Chúa dặn, hay cho rằng mình đã làm vua thì không cần phải làm theo từng lời dạy bảo của Samuel. Tín hữu ngày nay thường bị sa vào tâm lý nầy: “Có nghe là đủ, không cần phải vâng lời làm theo.

Hơn ba trăm năm trước, dân Amalek đã chận đường đánh phá đoàn người Israel đang ra khỏi Ai-cập (Xuất Ai-cập 17:8–13; Phục Truyền 25:17–18). Mặc dù họ đã bị đánh bại, nhưng tội ác ấy chẳng những không thể bôi xóa nổi mà Chúa đã định họ sẽ bị tuyệt diệt (Xuất 17:14; Phục 25:19). Bây giờ, tới đời vua Saul thì Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông phải đem quân đi tận diệt người Amalek, gồm cả súc vật của họ; vì Chúa nhớ lại việc dân Amalek đã phục kích trên đường Israel ra khỏi Ai cập (2–3). Người Amalek là một giống dân cổ xưa, hay dời chỗ ở và rất hiếu chiến. Họ đã có mặt ở khu vực nằm giữa Ai-cập với xứ Canaan từ thời trước khi tổ phụ Abraham của dân Israel tới vùng nầy (Sáng thế 14:7); mặc dù một số người lầm tưởng họ là dòng dõi cháu nội của Esau (Sáng thế 36:12).

Amalek bị trừng phạt nặng nề vì tấn công Israel mặc dù chẳng bị khiêu khích. Khi họ tấn công Israel, họ đã trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Ai tấn công con cái thật của Chúa, nhất là những người được Ngài xức dầu, là tấn công chính Đức Chúa Trời, nên sẽ bị thương tích nặng, như chân trần đá vào mũi đinh sắt. Mệnh lệnh của Chúa là Saul phải tiêu diệt hết, không chừa lại gì cả. Saul triệu tập Israel bằng kèn shofar, điểm quân tại Telaim, được hai trăm ngàn quân Israel và mười ngàn quân Giu-đa (4); chi tiết nầy cho thấy có sự chia rẽ giữa Giu-đa với Ephraim từ thời ấy. Saul kéo quân đến phục kích trong thung lũng gần thành của người Amalek (5). Người Kenite là dòng dõi của Hobab, anh vợ của Moses (Dân số 10:29), người dẫn đường cho Israel tới đất hứa (6).

Tới thời gian nầy, người Kenite đang sống gần dân Amalek; dân Israel nhớ ơn tổ phụ Kenite là Hobab đã dẫn đường, nên Saul khuyên người Kenite hãy tránh xa dân Amalek, người Kenite vội vàng tách ra khỏi Amalek để Saul rảnh tay tấn công Amalek. Saul bắt sống Agag, vua Amalek, còn người Israel không vâng lệnh Chúa, họ chỉ giết những con thú xấu xí, con nào tốt họ đều cướp cho mình và tha chết cho Agag (7–9). Khi Saul không vâng lời, sách 1Samuel chép rằng Đức Chúa Trời lấy làm tiếc vì Ngài đã chọn người nầy, như có vài chỗ khác trong Cựu ước cũng mô tả như vậy, thì không có nghĩa là Chúa thay đổi ý kiến mà là đổi cách đối xử với Saul, sau khi Ngài đã bày tỏ lòng nhân từ, mà Saul thì tự cao, tự đại. Samuel buồn bực cầu nguyện suốt đêm (10-11).

Hôm sau, Samuel dậy sớm đi gặp Saul, nhưng Saul đã đi lên Carmel lập đài kỷ niệm cho mình rồi xuống Gilgal (12). Samuel tới gặp Saul, Saul vội khoe: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông! Tôi đã thi hành mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va.” Nhưng Samuel hỏi Saul rằng tiếng chiên kêu vang và tiếng bò rống mà ông nghe thì từ đâu ra? Saul cho biết dân chúng đem thú vật tốt nhất của người Amalek về để làm tế lễ dâng Đức Giê-hô-va, số còn lại họ đã diệt hết (13–15). Samuel nói ông sẽ cho Saul biết điều Đức Chúa Trời đã phán với ông trong đêm qua: Lúc Saul tự thấy mình thấp hèn (9:21), thì Chúa đã xức dầu cho ông làm vua trên Israel. Ngày nay Chúa sai ông tiêu diệt hết người Amalek và mọi vật của chúng, ông đã không vâng lời mà còn phạm điều ác (16–19).

Chiếm chiến lợi phẩm, bị Chúa bảo phải diệt, là làm điều ác, tức là phạm tội, trước mặt Chúa. Saul tiếp tục tự biện hộ: “Saul nói với Samuel: Tôi thật có nghe theo tiếng phán của Đức Giêhôva. Tôi đã thi hành sứ mệnh mà Đức Giêhôva đã giao phó. Tôi đã đem Agag, vua Amalek về, và tiêu diệt toàn thể người Amalek. Nhưng từ trong chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên và bò, là vật tốt nhất trong các vật đáng tận diệt, để dâng cho Giêhôva Đức Chúa Trời của ông tại Gilgal” (20–21). Saul vừa là người không vâng lời, vừa đầy tự ái, vừa trốn trách nhiệm, và biện hộ lỗi không vâng lời là dân chúng lấy chiến lợi phẩm để dâng lên Đức Chúa Trời.

Câu trả lời của Samuel hôm đó đã trở thành bất hủ: “Đức Giêhôva có vui thích về tế lễ thiêu và các sinh tế, bằng sự vâng theo tiếng phán của Ngài chăng? Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực. Sự phản nghịch đáng tội như tà thuật, sự ương ngạnh đáng tội như thờ lạy hình tượng. Vì vua đã từ bỏ lời của Đức Giêhôva nên Ngài cũng từ bỏ vua, không cho vua cai trị nữa” (22–23). Tại sao Đức Chúa Trời không vui thích các thứ tế lễ bằng sự vâng lời của con dân Ngài? Vua David bày tỏ: “Nầy, Chúa muốn sự chân thật trong tâm hồn; …. 17 Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu (Thi Thiên 51:6, 17). Chúa muốn chúng ta vâng lời hơn mọi thứ lễ vật.

Tại sao Đức Chúa Trời xem sự phản nghịch ý muốn của Ngài giống như giở trò tà thuật? Bói toán bị xem là tà thuật ở mọi nơi; vì bói toán là dựa vào sự trợ giúp của các thứ tà linh, là đường dẫn tới sự bội đạo. Ương ngạnh là tự tôn cao ý muốn của mình lên thành một thứ thần thánh vớ vẩn; cho nên, bị Chúa xem đó là tội thờ hình tượng. Hai câu trên cho thấy Đức Chúa Trời gớm ghét tính không vâng lời và ương ngạnh trong lòng loài người. Saul thì tưởng dùng chữ sinh tế có thể che được tội, nhưng vì Samuel nói thật rằng Saul bị Chúa từ bỏ, nên Saul vội hạ mình, tuy vậy vẫn đổ trách nhiệm cho dân chúng rồi xin Samuel tha tội và trở lại với ông; nhưng Samuel từ chối: “Tôi không trở lại với vua đâu. Vì vua đã từ bỏ lời Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va từ bỏ vua, không cho vua cai trị Israel nữa,” rồi Samuel quay lưng lại để đi (24–26).

Saul quá tuyệt vọng bèn nắm vạt áo choàng của Samuel để giữ lại, nhưng áo của Samuel bị xé rách. Samuel nói: “Hôm nay Đức Giê-hô-va đã xé vương quốc Israel khỏi vua như thế, để ban cho một người lân cận của vua, xứng đáng hơn vua. Hơn nữa, Chúa Vinh Quang của Israel không nói dối cũng không ăn năn, vì Ngài không phải là loài người để mà ăn năn!” (27–29). Lời Samuel nói ở đây có mâu thuẫn với lời nói “Ta lấy làm tiếc” ở câu 11 không? Các nhà giải kinh phân tích rằng tác giả viết câu 11 theo quan điểm của người, còn câu “Ngài không phải là loài người để mà ăn năn!” là cách vị tiên tri giải thích bản thể của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta đã hiểu Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi; Ngài cư xử với người theo cách người ta thay đổi.

Saul biết nếu Samuel ra đi thì ngôi vua của mình không còn nữa. Nên ông xin Samuel hãy tôn trọng ông trước các trưởng lão và dân chúng mà trở lại với ông, để ông thờ phượng Giêhôva Đức Chúa Trời của Samuel. Vì thế, Samuel trở lại với Saul (30–31). “Sau đó, Samuel nói: Hãy dẫn Agag, vua Amalek đến cho ta. Agag vui mừng đến với ông vì nghĩ rằng: Nỗi đắng cay của sự chết chắc đã qua rồi. Nhưng Samuel nói:Gươm ngươi đã làm người đàn bà mất con thể nào, thì mẹ ngươi cũng sẽ mất con thể ấy.’ Rồi Samuel cho giết Agag trước mặt Đức Giê-hô-va tại Gilgal.” (32–33). Samuel đã cho giết Agag trước bàn thờ của Đức Chúa Trời để cứu cả dân tộc Israel khỏi bị phạt vì tội không vâng lời, và cũng cho vua Saul chứng kiến việc đó để làm gương.

Samuel về Ramah, còn Saul trở về nhà mình tại Gibeah. Từ đó cho đến ngày qua đời, Samuel không còn gặp lại Saul nữa. Tuy nhiên, ông rất buồn về việc Saul. Còn Đức Giê-hô-va tiếc vì đã lập Saul làm vua Israel.

1Samuel16.docx

Rev. Dr. CTB