Những Điều Cần Biết, 01

Mathiơ 6:6–13

Hầu hết những lần người ta bị thất bại, trong nhiều việc họ cố gắng làm, đều có nguyên nhân từ sự không biết rõ hoặc hiểu sai. Bất cứ lãnh vực nào cũng vậy. Về sự cầu nguyện thì các nhà thờ, tín hữu nào cũng cầu nguyện; nhưng hầu như chẳng ai theo dõi kết quả sự cầu nguyện của mình hay của Hội-thánh như thế nào.

Chúng ta tin rằng mình phải cầu xin Chúa ban cho điều chi mình cần, bởi vì đó là thói quen trong đời sống đạo, nhưng chẳng mấy ai để ý xem Chúa có đáp lời cầu xin ấy hay không; hễ khi nào có nhu cầu mà bị bế tắc thì thiết tha cầu xin, xong quên mất.

Rồi lúc chúng ta đọc và suy gẫm lời dạy của Đức Chúa Jesus thì không biết mình có nên trình dâng các nhu cầu của mình lên cho Chúa qua sự cầu nguyện hay không? Vì Đức Chúa Trời đã biết chúng ta cần gì trước khi cầu xin Ngài rồi (8).

Nếu Chúa biết mọi nhu cầu của con dân Ngài, thì tại sao chúng ta còn cần phải cầu xin? Tại sao Đấng Toàn Tri không tự hành động mà chờ chúng ta cầu xin thì Ngài mới can thiệp vào?

Để hiểu rõ vấn đề nầy, chúng ta cần phải biết sự cầu nguyện xuất hiện từ khi nào và nó được lập với mục đích gì.

Sau khi đã dựng nên các thiên hà của vũ trụ, trong đó có giải Ngân Hà chứa mặt trời và trái đất, Đức Chúa Trời hoàn thiện địa cầu, dựng nên loài người và đặt họ vào vườn Eden. Rồi lúc chiều mát, Ngài vào vườn dạo chơi, trò chuyện với Adam và Eva (Sáng thế 3:8).

Hai người đầu tiên của nhân loại lúc ấy không cần phải cầu xin Chúa điều gì hết. Người ta chỉ bắt đầu cầu khẩn Danh Đức Chúa Trời (YAWEH) từ thời cháu nội của Adam là Enosh, con của Seth (Sáng thế 4:26). Nghĩa là sự cầu khẩn bắt đầu có sau khi loài người vì không vâng lời Chúa mà sa ngã.

Vậy, sự cầu khẩn được lập ra để giải quyết vấn đề gì đó, chứ lúc ấy chưa có mục đích cầu xin các nhu cầu.

Đức Chúa Trời tạo dựng loài người và giao thế gian cho Adam quản trị (Sáng-thế 1:28). Nhưng vì Eva nghe lời dụ dỗ của Satan trong hình thù con rắn mà ăn trái cấm, rồi cũng đưa cho Adam ăn nữa (Sáng-thế 3:1–7; Khải-huyền 12:9; 20:2).

Vì nghe lời Satan rồi vi phạm lệnh cấm, Adam đã ngây thơ trao quyền quản trị thế gian cho Satan; nên từ ngày đó thế gian và vinh quang của thế gian đều thuộc quyền sở hữu của Satan (Luca 4:5–6); hắn đã trở thành ‘chúa của đời nầy’ và ‘vua cầm quyền chốn không trung’ (Êphêsô 2:2).

Đức Chúa Trời có trọn quyền tước đoạt quyền quản trị thế giới từ tay hắn và trả lại cho loài người; nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính, nên Ngài không thể làm điều đó mà lại cấm không cho Satan bêu riếu tố cáo Ngài trước vũ trụ là Đấng không công chính.

Vì quyền quản trị thế gian do một người vô tội làm mất, nên chỉ một người vô tội khác mới có quyền phục hồi.

Làm sao tìm ra một người vô tội? “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23), nên loài người đương nhiên ở dưới quyền quản trị của Satan, không người nào xứng đáng có quyền phục hồi.

Đức Chúa Trời đã dự định chương trình giải quyết việc nầy qua Ngôi Lời Nhập Thể, tức là Ngôi Lời của Ngài xuống trần mang thể xác loài người và được đặt tên là Jesus, tức là Yeshua, chữ tắt của YAWEHShua, trong tiếng Hê-bơ-rơ, nghĩa là “Đấng Cứu Chuộc.” Đức Chúa Jesus được hoài thai trong lòng mẹ do quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời; nên Ngài có thần tánh, vô tội và ma quỷ không có quyền gì trên Ngài cả. Ngài lại do nữ đồng trinh Mary sinh ra, nên là một người thật, thành viên của nhân loại.

Khi Đức Chúa Jesus chiến thắng ba thủ đoạn cám dỗ của Satan trong hoang mạc, là thủ đoạn mà hắn đã lừa gạt được bà Eva, tổ mẫu của loài người; rồi khi Satan tưởng rằng đã lợi dụng được lòng thù ghét của giới lãnh đạo tôn giáo đối với Đức Chúa Jesus và tính độc ác của quân La-mã để đóng đinh giết chết Ngài trên thập tự giá, thì hắn đã diệt được Người có thể đoạt khỏi tay hắn quyền quản trị thế gian.

Nhưng Đức Chúa Jesus đã phục sinh khải hoàn, phá vỡ ngục tù, bứt đứt hết xiềng xích của Satan áp đặt trên nhân loại từ nhiều ngàn năm trước, thì Ngài trở thành Adam thứ nhì, Ngài có quyền đoạt lại từ tay Satan những gì Adam thứ nhất đã trao cho hắn.

Như Kinh-thánh đã tuyên bố: “Adam, người thứ nhất, đã trở nên một thân vị sống, Adam sau cùng là thần linh ban sự sống” (1Côrinhtô 15:45). Satan cai trị thì sự chết bao trùm trên mọi người, nhưng Đức Chúa Jesus đã đến, chịu chết để thực hiện ơn cứu chuộc, thì Ngài ban sự sống cho bất cứ ai tin.

Đến điểm nầy chúng ta mới thấy và hiểu được mục đích mà sự cầu nguyện đã được thiết lập. Đức Chúa Jesus là Adam thứ nhì, tức là Adam cuối; Ngài cũng là đầu của Hội-thánh, Hội-thánh là thân thể của Ngài (Êphêsô 5:23), tức là đại diện cho Adam cuối trên đất.

Mỗi khi Hội-thánh cầu nguyện thì có nghĩa là Hội-thánh yêu cầu Đức Chúa Trời hành động. Mà yêu cầu tức là tạo điều kiện, nền tảng pháp lý và công chính để Đức Chúa Trời thực hiện quyền năng Ngài.

Sứ đồ Phao lô trình bày rõ vai trò của Hội-thánh trong việc thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời: “Bây giờ, qua Hội-thánh, sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho những kẻ thống lĩnh, những quyền lực trong các nơi trên trời” (Êphêsô 3:10).

Khi Hội-thánh thi hành nhiệm vụ bày tỏ ơn cứu độ khôn ngoan vô hạn của Chúa qua sự cầu nguyện, thì các tà thần không nói gì được.

Việc Đức Chúa Jesus giáng sinh xuống thế gian cứu chuộc nhân loại, đánh bại Satan, rồi lập Hội-thánh làm đại diện của Ngài trên đất để tạo nền tảng hợp pháp cho Đức Chúa Trời can thiệp vào đời sống loài người, truất bỏ quyền cai trị của Satan, là sự giải thích rõ ràng về lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện và sự cầu nguyện là quan trọng.

Vậy thì, cầu nguyện là rất cần thiết và hào hứng. Những người hiểu điều nầy sẽ không còn luẩn quẩn xin xỏ về các nhu cầu cho cá nhân mình nữa, nhưng sẽ quan tâm đến số phận của hàng triệu người khác đang bước dần tới hố thẳm diệt vong, giống như tình trạng của chúng ta trước khi nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời vậy.

Thế thì, mục đích của hành động cầu nguyện không phải là nài nỉ hay thuyết phục Đức Chúa Trời làm những điều Ngài không muốn; nhưng sự cầu nguyện là đồng ý với những gì Ngài muốn thực hiện để hoàn thành mục đích tốt lành của Ngài cho loài người.

Vậy, để chúng ta cầu nguyện có hiệu quả, chúng ta phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời là những gì.

Đối với những ai đã nhận ơn cứu độ của Ngài, thì Ngài muốn họ phải biết vâng lời để Ngài có thể tuôn đổ vô vàn ơn phước thiên đàng xuống cho họ, như lời Ngài hứa trong Kinh thánh (Phục-truyền 28:2–28).

Đối với những người đang lầm than dưới gánh nặng của tội lỗi, thì Ngài muốn họ được nghe Phúc-âm rao giảng bằng quyền năng để họ có cơ hội chọn lựa ơn cứu độ của Ngài (2Phierơ 3:9).

Đối với Hội-thánh thì ý muốn của Chúa là Hội-thánh được dư dật tài chánh, đầy đủ nhân lực và những người có tài năng đến phục vụ Hội-thánh. Ngài cũng muốn Hội-thánh được chứng kiến sự hiện diện đầy vinh quang của Ngài trong tất cả các buổi thờ phượng (Thi-thiên 22:3). Ngài cũng muốn Hội-thánh tin cậy Ngài để các phép lạ luôn luôn xảy ra; còn tín hữu sẽ nhận được mọi điều họ cần, để họ thật sự kinh nghiệm sự tốt lành của Đức Chúa Trời và quyền năng của Ngài, có ích cho đời sống tâm linh của mọi người trong Hội-thánh.

Nếu mỗi con cái Chúa đều hiểu biết và có ý thức về ý muốn tốt lành của Đấng mình thờ kính đối với con dân Ngài và người chưa được cứu thì sự cầu nguyện của họ sẽ hướng tới mục tiêu cao cả hơn là quẩn quanh các mục tiêu ích kỷ của bản thân và gia đình. Nhờ đó sự cầu nguyện của họ sẽ có hiệu quả lớn và mạnh hơn.

Tuy Đức Chúa Trời biết trước các nhu cầu của cá nhân và Hội-thánh, nhưng Ngài vẫn muốn con cái Ngài trò chuyện, tương giao thân mật với Ngài qua sự cầu nguyện. Bởi vì tâm tình của vị Cha Thánh ở trên trời vẫn luôn mong mỏi con cái Ngài bày tỏ lòng yêu thương chân thật qua giờ phút trò chuyện thân mật với Ngài.

Hãy hiểu biết ý nghĩa của sự cầu nguyện để không phí thì giờ lảm nhảm cầu nguyện bằng những lời vừa vô ích cho chính mình, vừa vô dụng đối với mục đích của Đức Chúa Trời dành cho Hội-thánh và con dân Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện mà đức công chính của Đức Chúa Trời có thể bày tỏ, thì sự cầu nguyện sẽ thích thú và hào hứng biết bao!

NhungDieuCanBiet01.docx
Rev. Dr. CTB