Phục-truyền luật-lệ, bài 01

Phục-truyền 1:1–46

Hoang mạc phía đông sông Jordan nằm trên bình nguyên Moab, đối diện với Suph, tức là lối vào trũng Araba, một tên khác của Biển Chết; với hoang mạc Paran ở bên trái và Tophel, Laban, Hazeroth, và Dizahab, là các địa danh chứ không phải các thành phố, ở bên phải.

Trại quân Israel đóng ở bình nguyên Moab đối diện với Jericho ở bờ bên kia dòng sông Jordan chảy từ bắc xuống nam đổ vào Biển Chết (1).

Đây là bài giảng đầu tiên của Môise ôn lại các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban trên Israel sau bốn mươi năm lưu lạc trong hoang mạc. Đáng lẽ ra đoạn đường từ núi Sinaii đến Kadesh-Barnea xuyên qua vùng núi Seir chỉ mất mười một ngày đường, nhưng Israel đã mất gần ba mươi tám năm để trở lại chỗ đó.

Và ngày mồng một tháng mười một, năm thứ bốn mươi, Môise nhắc lại những gì mà Đức Giê-hô-va đã bảo ông phải truyền cho dân Israel, sau khi Israel đánh bại hai vua Sihon của dân A-mô-rít, và Og, vua của Bashan (2–5), để họ ghi nhớ:

Sau gần một năm đóng trại dưới chân núi Si-nai-i, nhận lãnh luật pháp, chế tác và dựng xong Đền Tạm, kiểm tra dân số, sắp xếp vị trí đóng trại các chi tộc, và thứ tự đội ngũ di hành thì đã tới lúc dân Israel phải lên đường tiến vào vùng đồi núi dân A-mô-rít, vùng Araba, vùng Negev, vùng Shephelah, vùng ven biển Địa Trung Hải, đất của dân Canaan và Li-ban, và tiến tới tận sông cái Euphrates (6–7). Đức Chúa Trời đã thúc giục họ tiến vào chiếm xứ mà Ngài đã thể hứa ban cho tổ phụ của họ là Abraham, Isaac, Jacob và con cháu dòng dõi của họ (8).

Môi-se nhắc lại công tác tổ chức quân đội thành trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và tiểu đội, vì dân số Israel gia tăng quá đông. Khi nhắc điều nầy, Môi-se gộp cả hai việc: Đề cử những cấp chỉ huy các đơn vị từ nhỏ tới lớn, tính ra là 78,600 người; và chọn lựa 70 trưởng lão được Chúa xức dầu nói tiên tri (9–15).

Các cấp chỉ huy cũng là cũng là các thẩm phán xét xử những việc nhỏ. Họ phải xét xử công minh, không được thiên vị, cũng chẳng được sợ hay vị nể ai, chỉ nên kính sợ Đức Chúa Trời. Gặp các trường hợp khó thì chính Môi-se sẽ nghe và xét xử (16–18).

Môi-se tóm tắt những việc đã làm trước khi vâng lệnh Đức Giê-hô-va rời núi Horeb đi về hướng đồi núi của người A-mô-rít. Họ đi xuyên qua hoang mạc mênh mông khủng khiếp để tới Kadesh-barnea. Trên đường đi dân chúng bắt đầu than van vì thiếu thịt, không được ăn ngon, và phải đi suốt ba ngày đường chưa tìm được chỗ nghỉ (Dân-số-ký 10:33).

Cũng trong mấy ngày nầy Đức Chúa Trời bảo Môi-se chọn bảy mươi trưởng lão để Chúa ban Thần của Ngài trên họ, họ sẽ phụ giúp Môi-se cai quản đoàn dân, vì Môi se không thể chịu đựng nổi những lời phàn nàn oán trách của dân Israel (Dân-số-ký 11:16–17).

Sau nhiều chặng nghỉ dọc đường, Israel đã tới Kadesh-barnea, một địa điểm sát với vùng núi của người A-mô-rít, là khu vực đầu tiên của miền đất hứa (19). Thay vì tin lời hứa của Đức Chúa Trời, tin sự hướng dẫn của Ngài và quyền phép Ngài đã thi thố để đem họ ra khỏi xứ Ai-cập, Israel muốn dựa vào sự khôn ngoan của họ nên bàn với Môi-se là cử thám tử đi do thám trước (20–22).

Chỉ mới phải vượt qua một đoạn đường gian khổ mà vẫn được Chúa đưa dắt ban ngày bằng trụ mây, ban đêm bằng trụ lửa, ăn mana là lương thực từ trời, khi thèm thịt và kêu nài thì Chúa đùa chim cút tới cho họ ăn dư dật đến nỗi phải xẻ thịt phơi khô vì quá nhiều (Dân-số-ký 11:32); Israel vẫn chưa tin rằng Đức Chúa Trời có quyền đánh bại hết kẻ thù và ban miền đất trù phú ấy cho họ làm cơ nghiệp. Mặc dù Chúa chưa làm điều gì để họ có thể nghi ngờ Ngài, nhưng lòng vô tín của Israel đã cản trở họ vui vẻ tiến vào nhận miền đất hứa. Rồi bị kẻ thù đánh bại đầy đau đớn.

Sau bốn mươi ngày dọ thám, các thám tử trở về mang theo hoa quả cho biết xứ ấy thật là tốt đẹp (23–25). Chỉ hai người có đức tin vào Chúa, còn mười người kia thì cho rằng Israel không thể thắng được cư dân đang ở xứ đó; họ còn lằm bằm trong trại rằng:

Đức Giê-hô-va ghét chúng ta nên mới đem chúng ta ra khỏi đất Ai-cập và phó chúng ta vào tay dân Amôrít để tiêu diệt chúng ta” (26–28).

Tội lỗi của thế hệ cha ông người Israel lúc ở Kadesh-barnea là quá nặng. Vì không phải chỉ thầm thì lằm bằm trong trại, ngoại trừ gia đình Môi-se và hai thám tử đầy đức tin là Giô suê và Caleb, tất cả dân Israel đều kêu la, khóc rống, oán trách Chúa suốt đêm (Dân-số-ký 14:1–4).

Dân Israel lúc đó không tin lời hứa của Chúa, không tin Ngài có thể giúp đỡ họ trong chiến trận. Có lẽ sự suy nghĩ của họ và nhiều tín đồ ngày nay đều giống nhau, là nếu Chúa ban cho, thì điều Ngài ban sẽ tự động đến, người theo Chúa không cần làm gì cả.

Dù cho Môi-se có truyền bảo và trấn an đoàn dân đang mất tinh thần bằng cách nhắc lại các việc quyền năng mà Đức Chúa Trời đã thi thố tại Ai-cập; Ngài cũng bồng ẵm họ như một người cha bồng ẵm con qua từng chặng đường hoang mạc khủng khiếp cho tới Kadesh-barnea; thế mà Israel vẫn không tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ, Đấng đã đi trước trên mọi nẻo đường, ban đêm trong trụ lửa, ban ngày trong đám mây để tìm nơi cho họ hạ trại an toàn (29-33).

Rương Giao Ước là biểu tượng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa Israel (Xuất Ai-cập 25:22; Levi 16:2; Dân-số 7:89), được các thầy tế lễ khiêng đi xa trước trong hoang mạc để tìm chỗ cho cả đoàn dân Israel hạ trại.

Nhưng dân Israel muốn rằng họ không cần phải chịu đựng gian khổ, Đức Chúa Trời phải đi trước vào đất hứa diệt hết dân ở đó rồi dẫn họ vào hưởng cơ nghiệp, không cần phải đánh giặc. Tâm lý của tín đồ Tin Lành ngày nay cũng vậy, họ xin Chúa dọn bàn sẵn để vào ăn mà thôi.

Vì thế, Đức Chúa Trời nổi giận thề rằng: “Không một ai thuộc thế hệ gian ác nầy được thấy xứ sở tốt đẹp mà Ta đã thề ban cho tổ phụ các ngươi,” ngoại trừ Caleb và Giô-suê, vì Giô-suê sẽ là người lãnh đạo các thế hệ con cháu dân Israel tiếp nhận đất hứa làm sản nghiệp (34–39).

Nghe lệnh phải chuyển hướng trở lại hoang mạc (40), dân Israel xưng tội và tình nguyện cầm vũ khí đi lên vùng đồi núi A-mô-rít để chiến đấu. Nhưng Chúa bảo họ đừng đi lên, vì Ngài sẽ không ở với họ thì họ sẽ bị đánh bại (41–42).

Như đã thấy và biết qua tất cả các bài học về tình trạng của Israel là hình bóng rõ nét và sống động của đời sống thể chất và đời tâm linh của tín hữu ngày nay, hầu như mọi tín hữu đều nghĩ rằng những điều họ quyết định theo ý riêng, không theo sự chỉ dạy của Chúa, chắc sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới bản thân họ trong cuộc sống mỗi ngày, cũng như tương lai của đời họ. Vì thế, người ta trách móc Chúa mà không nhận ra nguyên nhân gây tai hoạ.

Dù đã biết và qua nhiều lần thấy Đức Chúa Trời phán với Môi-se, người Israel vẫn không tin lời ông thuật lại những điều Đức Chúa Trời bảo ông truyền đạt cho họ rằng nếu họ cứ đi lên sẽ bị quân thù đánh bại; họ “chống lại mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, bướng bỉnh kéo lên núi” (43).

Có khi nào chúng ta ngày nay áp dụng tình cảnh của mình vào cảnh trạng nầy không? Có phải là rất nhiều lần chúng ta nghĩ rằng phán đoán của mình đúng hơn những lời cảnh cáo mà Chúa cho biết trước? Rồi tiếp tục theo đuổi những ước mơ không thể thực hiện nổi.

Mấy ngày trước, dân Israel khóc than vì nghe nói dân A-mô-rít cao lớn, lực lưỡng và có cả người không lồ dòng Anak cũng ở vùng đó. Họ biết sức riêng của họ sẽ không thắng nổi các dân tộc ấy, mà sẽ bị đánh bại; thế mà họ nghĩ rằng sau khi đã chê bai trách móc Đức Chúa Trời, bây giờ nếu họ trở lại vâng lệnh trước đây, thì chắc họ sẽ thành công. Nan đề của chúng ta ngày nay là thường suy diễn tương tự như thế.

Bấy giờ, người Amôrít ở trong núi đã đổ ra tấn công anh em như ong đuổi và đánh anh em tan tác từ Seir cho tới Hormah. Khi trở về anh em đã khóc lóc trước mặt Đức Giê-hô-va, nhưng Đức Giê-hô-va không nghe và cũng chẳng để ý đến tiếng khóc của anh em” (44–45).

Tại sao Đức Chúa Trời không bênh vực những người Israel đã trở lại vâng lệnh khi trước tiến đánh dân A-mô rít?

Một khi người nào đã khinh thường lời hứa của Chúa, rồi lại khinh thường những lời Ngài đã thề, thì không hành động nào có thể chuộc lại tội đã phạm khi trước được nữa. Người Israel khóc lóc không phải vì ăn năn tội, mà vì bị thua trận. Đức Chúa Trời thấy rõ lòng họ và Ngài đã thề!

Vì thế mà chúng ta phải lưu lại Kadesh nhiều ngày, ở đó trong một thời gian rất lâu” (46). Sử Do-thái (Seder Olam Rabba) ghi rằng dân Israel lưu lại Kadesh tới 19 năm; nhưng không sử gia nào xác nhận thời gian ấy dài bao lâu.

Người ta bị kẹt trong một tình thế lâu dài vì cãi lời Chúa.

PhucTruyen01.docx
Rev. Dr. CTB