Phục-truyền Luật lệ ký, bài 04

Phục-truyền 5:1–33

Môi-se ân cần dặn dò dân Israel, vì ông biết mình sẽ phải từ giã họ. Mà đoàn dân đang đứng trước mặt ông đều là lớp người trẻ đáng tuổi cháu của ông. Ngoại trừ Caleb và Giôsuê, người già nhất trong số họ chưa tới 60 tuổi.

Ông ân cần dặn rằng họ phải học tập và cẩn thận làm theo điều mà ông truyền cho họ lúc nầy (1); bởi vì “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã lập giao ước với chúng ta tại núi Horeb” (2), Môi-se nói rằng luật pháp từ Chúa ban là giao ước giữa Ngài với dân Israel.

Giao ước hay luật pháp ấy không được ban cho các tổ phụ, là những người sẽ chẳng được vào đất hứa nhưng dành cho thế hệ những người sẽ ra khỏi Ai-cập để vào đó (3).

Mặc dù nói rằng “Đức Giê-hô-va đã phán mặt đối mặt với anh em” từ trong đám lửa trên núi (4), nhưng không thể thấy hình dạng của Ngài; mọi người Israel ở chân núi Si-na-i đều nghe tiếng Đức Chúa Trời phán nhưng vì sợ hãi nên Môi-se phải làm người trung gian nói lại cho họ (5).

Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, Đấng đã đem con ra khỏi đất Ai-cập, là nhà nô lệ” (6). Lời Chúa ở đây có nghĩa là vì tình yêu nồng nàn của Ngài dành cho Israel, mà Ngài đã chuộc họ ra khỏi ngục tù nô lệ.

Tình yêu ấy là nền tảng mối liên hệ giữa Ngài với họ, và mối liên hệ đó là nền tảng các điều răn và luật lệ mà Đức Chúa Trời lập với Israel: “Ngoài Ta, con không được thờ phượng thần nào khác” (7). Điều răn thứ nhất ấn định rõ rằng họ không được thờ kính bất cứ thần nào khác ngoài Chúa.

Chân lý phổ quát nầy thật đúng; vì Đức Chúa Trời không áp đặt, Ngài làm ơn trước khi Ngài cho họ biết sự sai trật của tín ngưỡng đa thần. Điều răn thứ nhất ngăn chận sự cám dỗ của lòng tham lam xúi giục tôn thờ các thứ thần tưởng tượng, từ hi vọng ngu muội tin rằng nhờ đó sẽ được của cải với danh vọng.

Điều răn thứ nhì nghiêm cấm việc nắn, đúc, tạc hình tượng cho bất cứ một đối tượng nào để phụng thờ, dù là tượng trưng cho Đức Chúa Trời; cũng không được cúi lạy hay thờ kính các hình tượng ấy. “Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời kỵ tà” (8–9).

Đức Chúa Trời xưng Ngài là Đức Chúa Trời kỵ tà có nghĩa là Ngài nhiệt thành gìn giữ vinh quang của Ngài không tha thứ cho kẻ nào khinh thường Ngài, đặc biệt là đối với kẻ thờ hình tượng, vì kẻ ấy dùng sự giả mạo thay thế cho chân lý của Đức Chúa Trời.

Hậu quả nguy hiểm của sự thờ hình tượng là sự trừng phạt của Chúa giáng trên con cháu đến tận các thế hệ thứ ba và thứ tư; nhưng ơn phước sẽ ban tới cả ngàn thế hệ cho những ai yêu mến và giữ gìn điều răn của Ngài (10).

Điều răn thứ ba nghiêm cấm lạm dụng hay nói phạm đến Danh Đức Chúa Trời một cách vô ý thức. Người ta vẫn thường dùng chữ “Trời” một cách thiếu tôn kính trong ngôn ngữ giao tiếp hay đùa cợt hàng ngày. Về việc đó Chúa phán rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ không dung tha kẻ lạm dụng Danh Ngài” (11).

Điều răn nầy cũng áp dụng cho thói đem Danh Chúa ra mà thề thốt, vì chỉ Đức Chúa Trời quyết định việc thành bại hay sống chết của người ta. Đức Chúa Giêxu giảng rất rõ về việc thề thốt: “Đừng thề gì hết. Đừng chỉ trời mà thề, vì đó là ngai của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì đó là bệ chân Ngài. … Cũng đừng chỉ đầu của con mà thề, vì con không thể tự làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng chỉ nên nói: ‘Phải, phải’ hay ‘không, không’ là đủ. Còn thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra” (Mathiơ 5:34–37).

Điều răn thứ tư là mệnh lệnh giữ ngày nghỉ sau sáu ngày làm việc (12–15) mà người Do-thái gọi là ngày Sa-bát, tức là Thứ Bảy. Việc giữ một ngày nghỉ sau sáu ngày làm việc thì người trên thế gian đều muốn; ngoại trừ những người buôn bán hay giới người phục vụ hái ra tiền vào ngày mọi người đi mua sắm hay làm đẹp vì được nghỉ.

Có giáo phái vẫn giữ ngày Thứ Bảy hàng tuần đúng theo văn tự đã chép trong Cựu-ước! Mặc dù Đức Chúa Giêxu từng giải thích: “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát” (Mác 2:27).

Thời sơ lập của Hội-thánh, thì ngày thứ nhất trong tuần là ngày kỷ niệm Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết nên Hội-thánh nhóm lại thờ phượng và nghỉ ngơi (Công-vụ 20:7; 1Côrinhtô 16:2), gọi là Chúa Nhật. Vì vậy, tuyệt đại đa số các Hội-thánh Chúa thời nay đều lấy Chúa Nhật làm ngày nghỉ để thờ phượng và phục vụ Chúa, giữ truyền thống đã có từ khi Hội thánh được thành lập.

Bốn điều răn đầu là bổn phận của loài người đối với Chúa. Sáu điều răn tiếp theo là phận sự giữa loài người với nhau, mà điều đầu tiên là con cái phải hiếu kính cha mẹ (16). Hiếu kính là bổn phận căn bản, nền tảng đạo đức trong xã hội. Hiếu kính là yêu thương, tôn kính, vâng lời và phục vụ.

Chẳng gì sai trái trong sự hiếu kính cha mẹ; cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng, bảo vệ và dạy dỗ con cái lớn khôn. Cho nên, hiếu kính là bổn phận cao nhất của con cái đối với cha mẹ mình. Điều răn đầu tiên giữa người với người là điều răn duy nhất có lời hứa đi theo, “để con được sống lâu và hưởng phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con ban cho con.

Con không được giết người” (17). Mọi người đều phải biết tôn trọng mạng sống của người khác như của mình. Bất cứ hành vi nào vì giận dữ, thù oán, tham muốn chiếm đoạt, ham danh vọng, gian xảo, lời nói hay hành động làm người khác bị đau khổ, tổn thọ, cũng đều là vi phạm điều răn nầy.

Con không được phạm tội tà dâm” (18). Tà dâm không phải chỉ là hành động dâm dục ngoại tình, mà còn là dục vọng thầm kín trong lòng nữa. Như Đức Chúa Giêxu nói rõ về ý nghĩ tà dâm là: “Hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi” (Mathiơ 5:28).

Con không được trộm cắp” (19). Trộm cắp là vì lòng tham lén lút lấy của cải không phải là của mình. Việc ấy gồm cả khai gian để hưởng trợ cấp từ công quỹ, trốn tránh không trả nợ, gian lận tiền lương của công nhân, và khai dối để trốn thuế. Công khai cướp giật là tội ác quá rõ ràng.

Con không được làm chứng dối hại người lân cận mình” (20), là điều răn bị vi phạm nhiều nhất. Bởi vì không phải chỉ là làm chứng dối mà còn là vu khống, nói xấu người về điều mình không biết rõ, nói lén không đúng sự thật làm hại thanh danh người khác, mà lòng không chút áy náy.

Điều răn cuối cùng cấm không được tham muốn vợ, nhà cửa, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận mình (21). Điều răn nầy là nguyên tắc chung về luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì chẳng phải chỉ hành động, lời nói, mà tư tưởng xấu cũng bị nghiêm cấm nữa. Ai biết gìn giữ điều răn nầy thì sẽ không bị cám dỗ phạm hai điều răn bảy và tám về tham lam và dục vọng.

Lời Chúa phán là tiếng lớn, không phải tiếng thì thầm (22); tuy nghe rõ nhưng vì sợ hãi nên các trưởng chi tộc và trưởng lão của dân Israel đến xin Môi-se “hãy đến gần Đức Chúa Trời, lắng nghe mọi điều Đức Giê-hô-va phán dạy, rồi truyền lại cho chúng tôi …. Chúng tôi sẽ nghe và làm theo” (23–27).

Lời Môi-se tường thuật ôn lại chỗ nầy tiết lộ nhiều chi tiết chưa thấy chép ở Xuất Ai-cập 20:18–21. Dân Israel sợ bị lửa thánh thiêu nuốt họ, cũng không chịu nổi tiếng phán của Đức Chúa Trời. Họ nói: “Nếu cứ tiếp tục nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi thì chúng tôi chết mất!” Ngày nay chúng ta quá hạnh phúc vì tiếng Chúa êm dịu và nhỏ nhẹ.

Đức Chúa Trời nghe lời họ nói, Ngài chấp thuận cho họ trở về trại; còn Môi-se ở lại nghe lời Chúa truyền dạy các điều răn, luật lệ và mệnh lệnh, mà ông sẽ dạy lại cho dân chúng, để khi vào đất hứa rồi thì họ thực hành. Họ và con cháu họ sẽ được phước đời đời, nếu họ luôn có lòng kính sợ Chúa, thường xuyên vâng giữ các điều răn của Ngài (28–31).

Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay từ nếp sống của mỗi cá nhân cho tới sự sinh hoạt của tập thể Hội-thánh. Vì ơn phước của Chúa luôn tuôn đổ trên nơi nào thật lòng kính sợ Ngài trong từng nếp sinh hoạt chung và cách hành xử của mỗi cá nhân.

Rất nhiều khi Hội-thánh chung được phước mà một số cá nhân lại không được hưởng phước ấy chung với tập thể hoặc ngược lại.

Vậy, anh em phải cẩn thận thực hành mọi việc đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã truyền dạy; anh em không được xoay qua bên phải hoặc bên trái, nhưng phải đi đúng đường lối mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền dạy để anh em được sống, hưởng phước hạnh và được trường thọ trong xứ mà anh em sẽ nhận làm sản nghiệp” (32–33).

PhucTruyen04.docx
Rev. Dr. CTB