Phục Truyền Luật Lệ, bài 06

Phục Truyền 7:1 – 26

Những lời Môi se dặn dò dân Israel trước khi họ đặt chân vào đất hứa là vô cùng quan trọng; bởi vì những điều Đức Chúa Trời cấm họ không được vi phạm, trong mối liên hệ với các dân tộc sẽ bị trừ diệt, thì liên quan tới sự tồn vong và số phận của chính họ.

Để Israel có thể yên ổn nhận lấy xứ Canaan làm sản nghiệp, Đức Chúa Trời sẽ đuổi bảy dân tộc mạnh và đông hơn Israel khỏi xứ mà các dân ấy đang chiếm giữ (1).

Những điều mà dân Israel phải vâng theo trong cách đối xử với bảy dân tộc ấy là: Phải tận diệt, không được lập giao ước với chúng, đừng thương xót chúng, không được kết thông gia với chúng, không gả con gái cho con trai chúng và cũng đừng cưới con gái của chúng cho con trai họ (2-3).

Lý do là vì các dân ấy sẽ làm cho con cái Israel lìa bỏ Chúa mà phục vụ các thần khác, điều đó sẽ làm Đức Chúa Trời nổi cơn thịnh nộ rồi tiêu diệt họ (4).

Cách Israel phải đối xử với các dân đó là: Đập vỡ các bàn thờ, nghiền nát các trụ thờ, đốn bỏ các trụ, cột gỗ tượng Asherah và đốt các tượng chạm của chúng.

Theo truyền thống tin tưởng của dân Canaan và các dân trong khu vực, Asherah là nữ thần sinh sản, mẹ của bảy mươi thần, trong đó thần Baal được thờ phụng nhiều hơn hết.

Israel phải triệt hạ và thiêu huỷ tất cả các hình tượng tà thần, vì họ là một dân được Đức Chúa Trời chọn làm dân thuộc riêng của Ngài giữa muôn dân trên mặt đất; nên họ được Chúa xem là dân thánh của Ngài (5-6).

Không phải vì họ đông mà được Đức Chúa Trời chọn lựa và yêu mến, vì thật ra dân số họ ít hơn các dân khác, nhưng vì để giữ lời thề hứa của Ngài đối với tổ phụ họ là Ápraham, nên Ngài yêu thương họ, cứu chuộc họ khỏi nhà nô lệ và khỏi bàn tay tàn độc của Pharaôn, là vua Ai-cập (7-8).

Lý do Đức Chúa Trời dặn Israel phải triệt hạ tất cả thần tượng của bảy dân tộc đã nêu tên là khiến cho chúng phải hoặc là nổi giận chống lại Israel và bị tuyệt diệt, hay là phải trở lại thờ kính Đức Chúa Trời.

Bây giờ, trước khi tiến chiếm xứ để nhận làm sản nghiệp của mình, thì Israel cần phải nhận biết Đức Giê-hô-va không phải là một thần nhỏ chỉ cai trị Israel, mà Ngài là Đức Chúa Trời thành tín của cả vũ trụ, Đấng giữ lời giao ước và bày tỏ lòng nhân từ cho hàng ngàn thế hệ con cháu dòng dõi của những người yêu mến Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài. Nhưng đối với những kẻ ghét Ngài thì Ngài báo ứng nhãn tiền không trì hoãn.

Các hành động và thái độ thù ghét Chúa vừa tỏ ra trong sự thờ cúng thần tượng hư không, vừa bày tỏ bằng sự không vâng theo các điều răn, luật lệ và mệnh lệnh của Ngài nữa. Israel phải vâng lời để không bị tiêu diệt (9-11).

Đức công chính và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời hết sức rõ ràng. Ngài thiết lập giao ước với tổ phụ Israel là Ápraham; Ngài cũng thiết lập giao ước với dòng dõi chính thức của Ápraham là Israel. Nếu Israel chịu nghe, gìn giữ và làm theo các luật lệ của Ngài, thì Ngài sẽ giữ lời giao ước và lòng nhân từ mà Ngài đã thề với tổ phụ của họ (12).

Sự yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ ra qua sự ban phước của Ngài: Dân số Israel gia tăng, dòng dõi, thổ sản, ngũ cốc, rượu và dầu, đàn bò và đàn lừa đều sẽ được ban phước và gia tăng trên vùng đất mà Chúa đã hứa sẽ ban cho họ làm sản nghiệp (13). Ơn phước Chúa ban cho dân Israel, khiến họ trỗi hơn mọi dân là giữa họ chẳng có đàn ông hay đàn bà nào bị hiếm muộn, cũng chẳng có súc vật nào mất khả năng sinh sản (14). Mọi tật bệnh đều phải lìa xa dân của Chúa, nhưng các thứ dịch hiểm nghèo sẽ giáng trên những kẻ thù ghét con dân của Đức Chúa Trời (15).

Những dấu hiệu ơn phước mà Chúa hứa cho con dân nào của Ngài chịu nghe, gìn giữ và làm theo các luật lệ của Chúa, là mọi tật bệnh bị đẩy lùi, lìa xa, không dịch bệnh hiểm nghèo nào lâm trên cả dân tộc, là điều mà chúng ta cần lưu ý suy gẫm.

Vì Đức Chúa Trời rất thành tín, nếu ngày xưa Ngài ban phước ấy cho con dân Ngài, và giáng dịch bệnh hiểm nghèo trên những kẻ thù ghét họ, thì ngày nay Ngài cũng thực hiện lời hứa đó cho mọi người là tín đồ thật của Đức Chúa Jesus biết nghe, gìn giữ và vâng theo những sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh.

Nếu thể xác chúng ta suy nhược, yếu đuối, thường xuyên bị tật bệnh, thì phải có một lãnh vực nào đó trong nếp sống tâm linh, hoặc đời sống thể chất, chưa chịu vâng theo các luật lệ thánh của thiên đàng. Nếu chúng ta biết suy xét để tìm ra các ngõ ngách đó và ăn năn sửa đổi, thì tật bệnh sẽ lìa xa chúng ta.

Giống như ngày xưa Israel phải tiêu diệt sạch các dân tộc mà Đức Chúa Trời đã giao vào tay họ, không được đoái thương chúng, thì ngàynay mỗi con cái Chúa cũng có những kẻ thù ẩn ngay trong lòng, mà nhiều người vẫn tiếc nuối không dám dứt khoát từ bỏ.

Bất cứ điều gì không thuộc về cõi thiên đàng, chống lại đời sống thánh khiết, ngăn trở không cho chúng ta tăng trưởng trong đời sống đức tin, không hiệu quả trong nếp sống làm gương sáng như muối và ánh sáng, ngăn trở nếp sống gần gũi Đức Chúa Trời, khiến lòng không nghe được tiếng nói của Đức Thánh Linh, thì đó chính là các ‘dân tộc thù nghịch’ phải bị tiêu diệt mà mắt không được đoái thương.

Tính sợ hãi thường khiến người ta ngần ngại: Chúng đông hơn, mạnh hơn, thì làm sao mình đánh đuổi chúng đi được? (17). Đừng lo! Những quyền phép Chúa đã thực hiện trong quá khứ để cứu dân Ngài sẽ được thực hiện để giúp đỡ và yểm trợ người mà Chúa yêu thương trong thời hiện tại (18-19).

Bốn mươi năm trước, Đức Chúa Trời đã dùng những dấu lạ phép mầu và cánh tay đầy quyền uy để đem Israel ra khỏi Ai cập, thì những dân tộc thờ tà thần trong vùng đất hứa cũng sẽ bị Ngài trị phục; cho nên, Israel chẳng có gì để sợ hãi mà không dám tiến đánh để tiêu diệt chúng.

Để áp dụng sự dạy dỗ nầy trong đời sống chúng ta ngày nay, mỗi con dân Chúa cũng cần vận dụng đức tin vào quyền phép vô biên và sự cứu giúp của Đức Chúa Trời đối với những nan đề mà chúng ta phải đương đầu để sống đời tin kính và trung tín với Chúa.

Có thể đó là những sự cản trở của gia đình, những mối đe doạ bị thiệt thòi mất mát trong công ăn việc làm, nguy cơ sẽ bị đối xử đầy ác cảm của bạn bè, đồng nghiệp, bà con, hay hàng xóm. Đó là những nguy cơ có thật mà nhiều con cái Chúa vẫn thường sợ hãi, nhất là viễn cảnh thiếu hụt tiền bạc nếu muốn sống đẹp lòng Chúa.

Rất ít người biết tới các biện pháp Đức Chúa Trời dùng để thực hiện ý định của Ngài. Ong lỗ mà tấn công thì chẳng sinh vật nào chịu nổi; nếu không trị được ong lỗ, người ta phải dọn đi khỏi nơi có tổ chúng làm dưới đất (20-21).

Biện pháp khôn ngoan của Chúa là Ngài không tiêu diệt hết các dân tộc ấy trong một lúc, mà dùng họ để chế ngự sự sinh sản nhanh chóng của thú dữ. Chừng nào dân Israel gia tăng đủ dân để chiếm đất, thì các dân tộc thù nghịch sẽ bị tiêu diệt dần hay ong lỗ sẽ đánh đuổi họ chạy trốn khỏi vùng đất ấy (22).

Chúa hứa rằng Ngài sẽ trao họ vào tay Israel, “làm cho chúng rơi vào tình trạng hoảng loạn, kinh khiếp cho đến khi chúng bị tiêu diệt. Ngài sẽ phó vua của các dân ấy vào tay anh em và anh em phải xoá tên các vua đó khỏi thiên hạ” (23-24). Rồi sẽ chẳng còn ai chống cự dân mà Chúa chọn, vì họ sẽ bị tiêu diệt.

Hai thứ quý kim vàng và bạc được dùng làm tiền trao đổi ở mọi thời đại. Người ta cũng đúc hoặc dát các tượng thờ của họ bằng vàng hay bạc, nên khi quân địch bỏ trốn hoặc bị tiêu diệt, thì dân Israel sẽ tham muốn các món vàng bạc ấy và lấy về cho họ.

Đức Chúa Trời cảnh cáo hành vi tham lam nguy hiểm sẽ xảy ra đó, bởi vì hình tượng là những thứ bị Đức Chúa Trời ghê tởm (25); họ được dặn là “không được đem thứ ghê tởm ấy về nhà vì anh em cũng sẽ bị rủa sả như nó. Anh em phải kinh tởm và ghét cay ghét đắng nó vì đó là vật đáng bị tiêu diệt” (26).

Tất cả hình tượng tà thần đều bị thiên đàng rủa sả, vì Đức Chúa Trời ghê tởm chúng; do đó, vàng bạc dùng để trang điểm, bọc, dát, hay đúc thành hình tượng cũng bị rủa sả theo. Vì thế, lệnh của Chúa là hình tượng phải bị tiêu huỷ, nghiền thành bụi rồi rải trên mặt nước (Xuất Ai cập 32:20), không để cho tồn tại.

Ngày nay, nhiều tín hữu không hiểu sự ghê tởm của Đức Chúa Trời đối với hình tượng, nên vì tiếc của mà chứa chấp những món bị thiên đàng rủa sả, rồi lãnh lấy tai hoạ do sự rủa sả ấy lây trên chính mình mà chẳng biết nguyên nhân nào đã gây ra.

Đây là bài học mà mọi người cần phải ghi nhớ nằm lòng để nhờ sự vâng lời Chúa mà nhận được ơn phước thay vì bị nguyền rủa.

PhucTruyen06.docx
Rev. Dr. CTB