Chúa Nhật, July 13th, 2014

Sáng Thế Ký, 03

Sáng Thế 1:1–8

Để có thể hiểu những lời mô tả rất vắn tắt về công trình sáng tạo thế gian của Đức Chúa Trời, người đọc sách Sáng Thế Ký phải dừng lại và suy xét từng việc đã được ghi chép.

Trước hết, câu 1 là một phát biểu tổng quát. Có nghĩa đó là sự xác nhận rằng: Vũ trụ và thế gian mà người ta thấy đang hiện hữu là do Đức Chúa Trời tạo dựng. Không phải một chút vật chất nào đó tự xuất hiện rồi dần dần lớn lên thành các ngôi sao và những hành tinh xoay chung quanh các ngôi sao đó.

Trí óc loài người hoàn toàn khiếp đảm khi biết nhiều hơn về những gì đang có trong vũ trụ bao la và khi thấy có vô số bí ẩn chưa ai hiểu được.

Chữ ban đầu còn ngụ ý sẽ có hồi kết thúc. Bởi vì từ khi có thời gian thì những ai sống trong cõi thời gian đều có ý niệm về thời khởi đầu và sự cuối cùng. Như vậy câu 1:1 là tựa đề cho toàn thể những gì mà đoạn 1 sẽ mô tả.

Chữ ban đầu được dùng để nói về một thời gian có lẽ rất lâu dài, mà Chúa dùng để tạo nên toàn thể vũ trụ. Nghĩa là trước khi Thần của Đức Chúa Trời bắt đầu công cuộc làm trái đất thành hình thể như ngày nay, thì địa cầu đã được Ngài tạo dựng chung với vũ trụ rồi, nhưng trái đất lúc ấy “không có hình dạng và trống không” (2).

Người đọc Kinh thánh nên ghi nhớ rằng Kinh-thánh không giải thích tiến trình Chúa tạo lập thuở ban đầu ra sao. Trong ý nghĩa đó thì “ban đầu” có thể bao gồm vô số thời đại về tuổi của các địa tầng, vô số thời kỳ thay đổi thời tiết trên quả địa cầu.

Câu 1:2 bắt đầu mô tả hành động của Đức Chúa Trời chuẩn bị đất cho các loài sinh vật làm môi trường sinh sống. Lời miêu tả rằng “đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước,” vẫn chưa liên quan tới sáu ‘ngày’ sáng tạo.

Theo các học giả về văn tự Hê-bơ-rơ, thì Sáng Thế 1:1–2 hoàn toàn phù hợp với những khám phá của khoa học sau nầy. Khi xem xét bối cảnh và văn mạch của hai câu đầu đoạn 1, chúng ta nhận biết hai câu ấy nói về những việc Đức Chúa Trời đã làm từ thời nào không ai biết, mà Ngài gọi đó là “ban đầu.

Câu 1:1 Hebrew như sau: “הארץ  ואת  את השׁמים  אלהים  ברא  בראשׁית” Vì thế phái chủ trương trái đất trẻ khoảng 6000 năm, không có nền tảng vững chắc nếu căn cứ trên bản Hê-bơ-rơ của Kinh-thánh.

Khi chúng ta nghiên cứu Kinh-thánh cách cẩn thận hơn, đối chiếu với cách giải thích của các học giả về văn tự Hê-bơ-rơ, thì chúng ta hiểu rằng Chúa đã dựng nên vũ trụ và trái đất từ rất lâu, trước khi Ngài bắt đầu công cuộc tạo dựng các loài sinh vật trên địa cầu.

Phái ‘trái đất trẻ’ căn cứ trên chữ “Yom” (יום), có nghĩa là ngày, làm nền tảng lý luận của họ. Nhưng chữ ‘yom’ có hai nghĩa thông thường, 1 là ban ngày, 2 là những thời kỳ lâu dài. Chúng ta phải đề cập đến vấn đề nầy để hiểu Sáng-thế 1 từ câu 3 trở về sau một cách chính xác.

Chữ yom từ câu 3 trở đi không có nghĩa là một ngày có 24 giờ, mà nói về các thời đại lâu dài. Không ai có thể định được khoảng cách thời gian giữa 1:1 với 1:2; và giữa 1:2 với 1:3.

Không phải vì sợ bị tố là phản khoa học mà tìm cách giải thích khác với quan điểm của phái ‘trái đất trẻ,’ nhưng để tín hữu có thể hiểu vấn đề cách chính xác và yên tâm tin cậy lời Chúa trong Kinh-thánh.

Đức Chúa Trời phán: ‘Phải có ánh sáng,’ thì có ánh sáng. Đức Chúa Trời thấy ánh sáng là tốt đẹp, Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đức Chúa Trời gọi ánh sáng là ‘ngày’ và bóng tối là ‘đêm.’ Vậy có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ nhất” (3–5).

Vài câu hỏi sẽ đặt ra là, nếu toàn vũ trụ đã được tạo thành xong trước ngày thứ nhất lúc Chúa chỉnh đốn trái đất, nghĩa là đã có ánh sáng của mặt trời và các tinh tú, thì lý do gì Chúa bảo ánh sáng phải xuất hiện? Có phải là ánh sáng được tạo thành trong ngày thứ nhất, hay có nghĩa gì khác? Và ánh sáng nầy từ đâu phát ra?

Như đã giải thích kỳ trước, vì trái đất bị bao trùm bởi nước, và lớp mây hơi nước dầy đặc phủ quanh trái đất, ánh sáng của mặt trời không thể soi thấu qua; vì lẽ đó bóng tối bao trùm mặt vực. Bây giờ lớp mây dầy vâng theo lời phán của Chúa vén ra, ánh sáng bắt đầu chiếu xuống đất.

Hãy để ý thứ tự của thời gian: “Vậy có buổi tối và buổi sáng,” chứ không phải buổi sáng rồi buổi tối theo thứ tự của chúng ta ngày nay vẫn thấy sự xoay vần của trái đất trong một ngày.

Nếu ‘yom’ là các thời đại lâu dài, thì buổi chiều (hay buổi tối) có nghĩa là hồi kết thúc của một thời kỳ vừa trải qua; còn buổi mai (hay buổi sáng) là hồi khởi đầu của một thời kỳ mới.

Thông điệp của Kinh-thánh nhắm vào khả năng suy nghĩ và hiểu biết của loài người trên trái đất. Mục đích của chuyện tích tạo thiên lập địa không nhằm giải nghĩa các tiến trình khoa học, mà muốn người đọc hiểu các hiện tượng đã được làm thành.

Vì thế các câu 1:4-5 trình bày “Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đức Chúa Trời gọi ánh sáng là ‘ngày’ và bóng tối là ‘đêm’” để loài người có thể hiểu ý niệm ngày và đêm.

Về mặt vật lý, ánh sáng là vô hình; chúng ta chỉ thấy được ánh sáng khi nó phản chiếu từ vật chất. Vì thế, sự phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối tức là tạo ra chất có thể phản chiếu, hoặc làm cho nó có thể thấy được bởi mắt người.

Đồng thời, Đức Chúa Trời cũng định trước nhu cầu ngủ nghỉ của thân thể các sinh vật, cho nên Ngài chuẩn bị sẵn ánh sáng cho sinh hoạt ban ngày và bóng tối cho sự ngủ nghỉ ban đêm.

Tất cả các quy luật vật lý trong vũ trụ đều do Đức Chúa Trời tạo lập và sắp đặt. Vì thế, Ngài cũng làm cho cõi vật chất tuần hoàn theo các quy luật ấy từ thời khởi đầu của công trình làm thành hình trái đất.

Ngày nay chúng ta có thể đoán rằng đã có một khoảng cách thời gian khá lâu giữa ‘ngày’ trước với ‘ngày’ sau, để mọi vật đều được đặt vào vị trí sẵn sàng cho công việc tiếp theo của công trình sáng tạo.

Đức Chúa Trời lại phán:‘Phải có một cái vòm giữa khối nước để phân cách nước với nước.’ Đức Chúa Trời làm nên vòm trời và phân cách nước ở dưới vòm với nước ở trên vòm, thì có như vậy. Đức Chúa Trời gọi cái vòm là ‘bầu trời.’ Vậy có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ hai.” (1:6–8).

Chúa làm cho bầu khí quyển thành hình vào ‘ngày’ thứ nhì của công việc tạo nên trái đất. Bấy giờ ánh sáng từ trên không đã chiếu xuống đất nhờ khoảng không phân cách nước ở dưới và nước ở trên. Tức là lớp mây tối tăm dầy đặc bao trùm trái đất khiến nó không thể nhận được ánh sáng, bây giờ đã bị phân cách khỏi mặt địa cầu.

Cũng cần phải nhắc lại là cho đến nay, theo hiểu biết của loài người, thì chỉ có địa cầu mới có nước, là chất liệu tối cần cho sự sống. Mọi hành tinh mà người ta đã biết từ trước đến nay, thì chẳng hành tinh nào có chứa nước cả.

Xem xét hai câu 67, chúng ta thấy trước tiên Chúa dùng lời phán ra lệnh cho sự việc phải xảy ra; nhưng ngay sau đó Ngài hành động “làm nên” và “phân cách.

Thế thì, công việc Ngài làm là kết quả của lời Ngài phán. Khi làm nên vòm hay bầu trời phân cách nước ở dưới với nước ở trên, Đức Chúa Trời chuẩn bị chỗ cho các loài chim trời bay bổng sau nầy; đồng thời, lớp mây ở trên bầu trời là để chuẩn bị cho các hiện tượng mưa về sau.

Tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm đều có mục đích và ứng dụng trong công cuộc sáng tạo của Ngài. Phải có khoảng không của bầu khí quyển được tạo nên, để trong ‘ngày’ kế tiếp, Chúa sẽ làm cho đất lộ ra, chuẩn bị sẵn chỗ cho cây cối thảo mộc và các loài thú vật sống trên cạn sẽ được dựng nên.

Khi Đức Chúa Trời tạo nên bầu khí quyển, thì đó là cách Ngài chuẩn bị đặt sự sống của loài có hơi thở. Trước đó thì Ngài làm cho ánh sáng soi xuống mặt đất để chuẩn bị sự sống cho loài thảo mộc mà Ngài sẽ dựng nên.

Thứ tự công trình tạo dựng rất hợp lý chứng tỏ là Đức Chúa Trời đã sáng tạo thế gian theo từng giai đoạn một.

Từ giai đoạn nầy qua giai đoạn khác có lẽ phải trải qua các thời kỳ rất lâu dài; vì thế, sau nầy khi tìm hiểu số tuổi của các loại gỗ bị chôn dưới lòng đất trở thành than đá dưới sức nóng và áp suất cực mạnh sau những lần các địa tầng bị đảo lộn vì những cơn địa chấn, người ta biết rằng thân của những cây gỗ ấy là cực lớn, chứng tỏ nó đã sống qua không biết bao nhiêu ngàn năm. Và để chuẩn bị chỗ cho thảo mộc, Chúa làm đất phải bày ra.

Sự tạo dựng bầu khí quyển bao quanh trái đất, và là một thành phần không thể thiếu của trái đất, là rất quan trọng.

Đức Chúa Trời đã làm nên thượng tầng của bầu trời với một mục đích mà người ta khám phá ra về sau, là nguồn cung cấp nguyên tố dưỡng khí oxy vô tận cho nhu cầu thở và đốt cháy của các loài sinh vật trên thế gian.

Như vậy, Chúa không làm một điều gì tình cờ hay ngẫu hứng cả. Tất cả đều phục vụ chương trình và mục đích tốt lành của Ngài.

TriThucCanBan03.docx

Rev. Dr. CTB