Chúa Nhật, July 27th, 2014

Sáng Thế Ký, 05

Sáng Thế Ký 1:14–23

Sự ký thuật các biến cố, hay sự việc, trong ‘ngày’ thứ tư đã đưa đến nhiều thắc mắc, khiến cho phần nầy trở nên khó giải thích nhất trong chuyện tích sáng tạo trời và đất.

Cho đến nay, có rất nhiều người, cả người tin lẫn người không tin, hoặc là tin quyết, hoặc là quy chụp rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên những thiên thể, mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao chính xác vào ‘ngày’ thứ tư.

Lý thuyết nầy gặp phải một khó khăn không giải thích được là: Nếu mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được Đức Chúa Trời tạo nên vào ngày thứ tư của công cuộc sáng tạo, thì nguồn nào phát ra ‘ánh sáng’ ở câu 1:3?

Rồi nếu đến ngày thứ tư mới có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, thì ‘ngày’ và ‘đêm’ ở 1:5 có nghĩa là gì? Vì thiếu mặt trời, thì từ ‘ngày’ thứ nhất đến ‘ngày’ thứ ba, mỗi ngày kéo dài bao nhiêu giờ?

Có phải Kinh-thánh xác định đến ‘ngày’ thứ tư Đức Chúa Trời mới tạo nên những thiên thể hay không? Các học giả về ngôn ngữ Hê-bơ-rơ phân biệt hai động từ khác nhau: Bara = sáng tạo, và Asah = làm (create # make).

Hai động từ nầy không thể dùng lẫn lộn; vì thế, sau khi xem xét kỹ càng các câu văn, người ta tin rằng tất cả các thiên thể đã được Đức Chúa Trời sáng tạo=bara từ lúc ‘ban đầu’ (1:1). Trong đó có cả mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, và trái đất.

Ngoài những hành tinh của thái dương hệ phản chiếu ánh sáng mặt trời, mà loài người đặt tên là sao hôm, sao mai, vv., thì hàng hà sa số các vì sáng mà mắt người ta thấy được, hoặc là những ‘mặt trời’ của những hệ thống giống như mặt trời trong giải ngân hà, hoặc là các thiên hà lân cận với ngân hà. Chúng đều đã được Đức Chúa Trời sáng tạo từ lúc ban đầu của vũ trụ.

Hãy để ý hai câu 14-15Đức Chúa Trời phán:‘Phải có các vì sáng trên vòm trời để phân biệt ngày với đêm, để làm dấu hiệu xác định các mùa, ngày và năm; và để làm các vì sáng trên vòm trời soi sáng quả đất,’ thì có như vậy.

Trước đó ở câu 6Đức Chúa Trời phán: ‘Phải có một cái vòm giữa khối nước để phân cách nước với nước,’” thì hai chỗ ‘phải có’ nầy không đồng ý nghĩa như thoạt nhìn.

Bởi vì từ trước chưa có cái vòm phân cách nước với nước. Trong khi đó các thiên thể soi sáng ‘phải có’ đã được tạo thành rồi, và ngày với đêm đã được định (1:5).

Vì vậy, ý của tác giả là mô tả sự việc Đức Chúa Trời sắp đặt vào trật tự công việc của những thiên thể mà Ngài đã tạo nên.

Chữ ‘tạo nên’ trong bản Việt ngữ dịch chữ ‘asah’ của câu 16 thì không đúng. Bản tiếng Anh dịch là ‘made’ thì đúng hơn; vì các thiên thể ấy đã được “bara” từ ban đầu rồi.

Khi đọc Sáng Thế Ký, người đọc nghĩ rằng mỗi ngày Đức Chúa Trời sẽ ‘sáng tạo’ một cái gì mới; nhưng Kinh-thánh chép mỗi ngày Chúa ‘phán’ việc gì đó.

Lời phán của Ngài thì đầy quyền năng. Như Thi-thiên 33:6, 9 ghi: “Các tầng trời được làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời… Ngài phán thì mọi sự liền có; Ngài truyền lệnh thì muôn vật vững bền.” Nhưng ở chỗ nầy thì lời phán của Ngài không phải để sáng tạo, mà là tuyên bố về công việc Ngài định cho những vật mà Ngài đã dựng nên.

Cũng có thể nói lời ‘phán’ ở đây là Đức Chúa Trời công bố mục đích mà Ngài đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là để phân biệt ngày với đêm, mùa, ngày và năm.

Nếu chúng ta suy xét rất kỹ thì thấy có mối liên hệ tương ứng giữa ngày 4 với ngày 1; ngày 5 với ngày 2; và ngày 6 với ngày 3. Trong ba ngày đầu, công việc của Đức Chúa Trời nối tiếp nhau nhắm tới bầu trời, biển và đất.

Các hoạt động của Ngài trong ba ngày sau là nhắm đến ba cõi đó. Ngày thứ tư, Chúa ra lệnh cho mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao chiếu sáng, phân biệt ngày và đêm, và tất cả các dấu hiệu về mùa màng. Qua ngày thứ năm, Chúa ra lệnh cho biển phải đầy cá và mọi sinh vật ở biển. Ngày thứ sáu thì Ngài ra lệnh cho đất phải sinh sản thú vật.

Những thiên thể là nguồn phát ánh sáng được nói tới trong ngày thứ tư, được Chúa công bố về phận sự, hay chức năng, của chúng. Ánh sáng cho địa cầu đã có trong ngày thứ nhất; nhưng đến ngày thứ tư Đức Chúa Trời mới giải thích mục đích mà Ngài đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao từ lúc ‘ban đầu,’ là để làm dấu hiệu xác định các mùa, ngày và năm.

Chúng giống như những chức viên phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời cho loài người. “Đức Chúa Trời đã làm ra hai vì sáng lớn: vì sáng lớn hơn để cai quản ban ngày, vì sáng nhỏ hơn để cai quản ban đêm” (16).

Mặt trời và mặt trăng được nhân cách hoá về bổn phận nhằm phục vụ loài người, khi chúng được dùng để ‘cai quản’ ban ngày hay ban đêm.

Mùa nói tới ở đây không phải là các mùa xuân, hạ, thu, đông. Vì đối với người Do-thái khi nói về mùa, tức là nói đến các lễ mừng liên hệ tới các công việc trong mùa gieo giống, mùa gặt hái, vv, thuộc nếp sống nông nghiệp của họ.

Cũng hãy để ý là tác giả không nói tên các thiên thể; chỉ gọi là vì sáng lớn và vì sáng nhỏ hơn. Đức Chúa Trời thấy việc mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao soi sáng cho loài người, rồi làm dấu hiệu xác định các mùa, ngày và năm là tốt đẹp (17–18), vì chúng là ích lợi cho loài người.

Một lần nữa, “đã có một buổi chiều và đã có một buổi sáng” (19).

Trong ngày thứ năm Đức Chúa Trời lại phán để tạo nên các loài cá sống dưới nước và chim bay trên khoảng không (20–21).

Chữ ‘bara’ lại được dùng để xác định công việc sáng tạo đáng lưu ý về “loài cá khổng lồ, mọi loài động vật thuỷ sinh, tuỳ theo loại…, và mọi loài chim có cánh tuỳ theo loại” (21).

Chữ sáng tạo ở chỗ nầy là dùng để đánh dấu cho một giai đoạn mới trong chuyện tích tạo thiên lập địa. Bởi vì đây là lần đầu tiên Kinh-thánh nói đến các sinh vật, các loại tạo vật có cử động khác hẳn thế giới thực vật và những tạo vật khác thuộc cõi thể chất trong các ‘ngày’ trước.

Thắc mắc được nêu ra về các loại cá khổng lồ; nhưng đến nay chưa có giải đáp nào thoả đáng. Có người cho rằng chúng là các loài thuỷ quái ngày xưa, nay không còn nữa (Ê-sai 27:1).

Sách vở thời trung cổ thường nói về những con quái vật có tính huyền thoại. Khi Kinh-thánh ghi chép về những loài cá khổng lồ, thì chắc chắn những thứ ấy đã được Đức Chúa Trời sáng tạo như lời đã chép. Chúng có phải là những con khủng long, đã bị diệt chủng, hay không, thì cũng chưa ai quả quyết được.

Một số người cho rằng, những con quái vật có nói đến trong Kinh-thánh là không có trong thực tế; họ cho rằng chúng chỉ là phản ảnh các chuyện kể dân gian lưu truyền từ nhiều đời mà thôi.

Ngày nay, ở các đại dương chỉ còn những loài cá voi là sinh vật lớn nhất. Rất có thể là chỗ nầy nói đến các loài cá voi lớn hơn cá voi ngày nay, nhưng đã tuyệt chủng.

Cũng trong ngày thứ năm nầy, lần đầu tiên tác giả ghi chép Đức Chúa Trời “ban phước” cho các loài sinh vật mà Ngài đã tạo ra (22), rồi Ngài truyền lệnh cho chúng hãy “sinh sôi nẩy nở thật nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy gia tăng thật nhiều trên đất.

Theo như bản văn đã chép lời Chúa truyền lệnh, thì vào thời điểm những loài cá, thuỷ sinh vật và các loài chim được tạo nên, chúng chưa đầy dẫy ở biển và trên đất.

Lời phán của Chúa: “Nước phải đầy dẫy các loài thuỷ sinh vật, và phải có các loài chim bay lượn trên mặt đất dưới vòm trời” (20), là lời tuyên bố ý muốn của Ngài sẽ được thành.

Không ai có thể biết được Đức Chúa Trời đã tạo ra bao nhiêu cá hoặc bao nhiêu chim. Nhưng chúng đã sinh sôi nẩy nở như lời Ngài truyền.

Ban phước và truyền lệnh cho sinh sôi nẩy nở, tức là tạo ra và ban cho khả năng tái sinh sản. Khi người ta nghiên cứu khả năng truyền giống và tái sinh sản của các loài động vật, thì đều kinh ngạc về sự sáng tạo khôn ngoan diệu kỳ của Đức Chúa Trời.

Hơn nữa, nếu chúng ta chịu xem xét và suy gẫm thứ tự sáng tạo của Ngài, sẽ thấy rằng các ‘ngày,’ hay thời kỳ đã tuần tự diễn ra thật hợp lý.

Chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã dành thời gian cho các tạo vật của Ngài trong vũ trụ và trên địa cầu có đủ thì giờ để tăng trưởng, ổn định, tái sinh sản, và trở thành môi trường thuận lợi cho những tạo vật được sáng tạo ở các thời kỳ sau có thể sống, hoạt động theo như Chúa đã định cho chúng.

Chúng ta luôn luôn kinh ngạc khi đứng trước sự khôn ngoan của Đấng Tối Cao.

TriThucCanBan05.docx

Rev. Dr. CTB