Sáng Thế Ký, bài 30

Sáng Thế Ký 22:1–24

Chưa khi nào đức tin của Áp-ra-ham bị Chúa thử nghiệm một cách nặng nề và đau đớn như lần nầy. Mỗi một cuộc thử nghiệm trong đời người ta đều là một sự cám dỗ. Thử nghiệm là cách để khám phá thiên hướng trong lòng của người bị thử nghiệm đó có được thánh thiện hay không thánh thiện. Nhưng cách thử nghiệm của Đức Chúa Trời không dẫn người ta sa vào tội lỗi như sự cám dỗ của satan.

Ai vượt qua được những cuộc thử nghiệm khó khăn chừng nào thì càng chứng tỏ có đức tin mạnh chừng nấy. Nghĩa là, người có đức tin mạnh sẽ chịu nhiều thử nghiệm khó khăn; nhưng phần thưởng sẽ vô cùng lớn cho những người chịu được thử nghiệm như vậy.

Theo các học giả Kinh-thánh thì cuộc thử nghiệm nầy xảy ra lúc Y-sác đã là một thiếu niên; nghĩa là đã hơn 13 năm sau ngày mẹ con A-ga và Ismael bị đuổi ra sống ngoài hoang mạc. Có lẽ lúc đó Ismael đã có vợ rồi.

Mối liên hệ tương giao giữa Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời vẫn nồng thắm; cho nên, khi Chúa gọi thì ông đáp liền (1). Từng lời của Đức Chúa Trời như dao đâm trong ruột Áp-ra-ham:

Hãy dẫn con trai của con, đứa con một mà con yêu dấu, là Y-sác, đi đến đất Mô-ri-a. Tại đó, con hãy dâng đứa trẻ làm tế lễ thiêu trên một trong những ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con” (2).

Ôi, Đức Chúa Trời đã hứa là “bởi Y-sác, sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên con” (21:12b), Áp-ra-ham phải tin lời hứa hay vâng theo Đấng ban lời hứa? Ông phải làm gì cho lời hứa thành sự thật? Ông chọn tin Đấng ban lời hứa, vì Ngài sẽ hoàn thành lời hứa của Ngài.

Thế mà điều đau đớn cho ông là chính tay ông phải giết con mình để dùng nó làm tế lễ thiêu. Nơi sẽ phải đi đến là một ngọn núi ở đất Mô-ri-a. Đức Chúa Trời chỉ dẫn rõ từng chi tiết.

Nhưng Áp-ra-ham phải suy xét mệnh lệnh, vì Đức Chúa Trời gớm ghét việc dùng sinh mạng con người làm tế lễ; mà bây giờ chính Chúa lại đòi Áp-ra-ham phải làm điều ấy, càng khiến cho ông khó xử hơn.

Kinh-thánh không nói cảm xúc của Áp-ra-ham lúc ấy ra sao; chỉ nói ông luôn luôn vâng lời. Ông chuẩn bị sẵn sàng và dậy sớm lên đường (3), nhưng đêm hôm đó ông có ngủ được không?

Suốt ba ngày đi đường, Áp-ra-ham bị giằng xé bởi lòng thương con. Sự thử nghiệm thật quá sức chịu đựng của một người bình thường (4). Khi để hai người đầy tớ ở lại giữ con lừa, Áp-ra-ham biểu lộ đức tin vững chắc khi ông hứa với họ là ông và đứa trẻ sẽ trở lại (5).

Sau khi Y-sác vác bó củi rồi cùng cha đi lần lên núi, câu hỏi của Y-sác càng làm cho Áp-ra-ham tan nát lòng (6–7); chắc chắn ông chờ đợi câu hỏi của con. Ông chỉ lấy đức tin mãnh liệt của mình mà trả lời, chứ thật lòng ông chưa biết Chúa sẽ làm điều gì (8).

Nhưng ông đâu biết câu trả lời đó chẳng những là lời tiên tri cho hoàn cảnh của Y-sác, mà Đức Thánh Linh, Đấng dùng môi miệng ông, tiên báo việc về sau Đức Chúa Trời sẽ cung ứng Chiên Con của Ngài chết thế chỗ cho nhân loại.

Hình ảnh Y-sác phải vác củi sẽ bị dùng để thiêu mình, cũng là hình ảnh tiên tri hơn hai ngàn năm sau sẽ xảy ra: Đức Chúa Giêxu phải vác làm thập tự giá của Ngài đi ra đồi Sọ. Như Y-sác là con một của Áp-ra-ham với Sa-ra, Đức Chúa Giêxu là Con Một yêu dấu của Đức Chúa Trời. Núi Mô-ri-a, nơi đền thờ ở Giê-ru-sa-lem được cất sau nầy (2Sử Ký 3:1), rất có thể là địa điểm kể trên.

Đến nơi rồi, Áp-ra-ham lặng lẽ lập bàn thờ và chất củi lên. Ông đau khổ nói với Y-sác rằng: “Con yêu dấu ơi, con chính là sinh tế mà cha phải dâng lên cho Chúa.” Y-sác ngoan ngoãn chịu bị trói và không chống cự. Áp-ra-ham đặt con lên trên đống củi rồi cầm dao định giết con (9–10).

Thiên sứ của Đức Giê-hô-va tức khắc can thiệp và bảo toàn tính mạng của Y-sác (11–12). Tác giả thư Hê-bơ-rơ chép: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử nghiệm. Ông sẵn sàng hiến dâng đứa con một đã nhận được theo lời hứa, … Ông tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại, nói theo nghĩa bóng, ông thật đã nhận lại con mình từ cõi chết” (Hê-bơ-rơ 11:17, 19).

Tiếng nói từ trời xác nhận Đức Chúa Trời không chấp nhận tế lễ thiêu bằng sinh mạng con người (12). Vì không người nào thánh thiện về đạo đức; cho nên, không thể dùng làm sinh tế. Chiên con đủ tuổi, không tì vết, không bị ô uế về đạo đức như loài người; cho nên, nó thích hợp trong vai trò sinh tế cho các mục đích khác nhau.

Áp-ra-ham đã vượt qua cuộc thử nghiệm. Thiên sứ nói: “Bây giờ, Ta biết rằng con thật lòng kính sợ Đức Chúa Trời vì con không tiếc con mình với Ta, dù là đứa con duy nhất của con” (12).

Một con chiên đực đã được sắm sẵn, bị mắc sừng trong bụi cây. “Áp-ra-ham bắt con chiên đực đó làm tế lễ thiêu thay cho con trai mình” (13). Ông đặt tên chỗ đó là “Giê-hô-va Gi-rê,” nghĩa là Đức Chúa Trời là Đấng Cung Ứng (14).

Khi Chúa nói: “Bây giờ, Ta biết rằng” có nghĩa là sự biết đó qua thử nghiệm Áp-ra-ham mà xác nhận; mặc dù Ngài đã biết trước mọi việc.

Đức tin và sự vâng lời của Áp-ra-ham là lý do ông được Chúa chọn để ban phước cho dòng dõi của ông. Một dòng dõi được giao cho nhiệm vụ nhận sự giáng sinh của Ngôi Lời, Đấng sẽ cai trị toàn thế gian và cả vũ trụ.

Không một thế lực nào trong linh giới có thể chỉ trích sự chọn lựa một người đã vượt qua thử nghiệm, vì người ấy đã “không tiếc con mình với Ta, dù là đứa con duy nhất.

Áp-ra-ham đã không dùng kinh nghiệm mình đã trải qua mà đặt tên cho chỗ đó. Ông có thể gọi là ‘núi thử nghiệm,’ ‘núi đau khổ,’ hay ‘núi an ủi,’ vv. Ông đặt tên theo sự ban cho của Chúa đối với nhu cầu của ông là “Giê-hô-va Gi-rê.

Cái tên ông đặt có ý nghĩa tiên tri về tương lai sẽ có một sinh tế thượng đẳng do Đức Chúa Trời ban xuống để cứu chuộc nhân loại và chịu chết tại địa điểm ấy.

Sách Sáng-thế-ký do Môi-se ghi chép; vì thế, câu ‘ngày nay người ta còn nói, trên núi của Đức Giêhô-va, điều ấy sẽ được cung ứng’ (14), là nói về thời Môi-se đang sống.

Qua biến cố nầy, người ta thấy Y-sác là biểu tượng tiên tri về Đức Chúa Giêxu sau nầy. Hãy so sánh để thấy nhiều điểm tương đồng:

1) Cả hai đều được Cha mình rất yêu quý.

2) Cả hai đều sẵn lòng dâng hiến chính mình.

3) Cả hai đều vác gỗ lên núi.

4) Cả hai đều được dâng làm sinh tế trên cùng một vùng núi.

5) Cả hai đều được giải thoát khỏi sự chết vào ngày thứ ba.

Vì Y-sác bị kể như chết vào ngày cùng đi với Áp-ra-ham tới vùng đất Mô-ri-a. Ngày thứ ba, Y-sác chịu bị dâng trên bàn thờ nhưng được Chúa giải cứu khỏi sự chết.

Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trời gọi Áp-ra-ham lần thứ nhì và bảo: ‘Đức Giê-hô-va phán: Vì con đã làm điều nầy, không tiếc con mình, dù là đứa con duy nhất của con, nên Ta lấy chính mình mà thề rằng, Ta sẽ ban phước dồi dào cho con, làm cho dòng dõi con đông như sao trời, nhiều như cát biển, và dòng dõi con sẽ chiếm được cổng thành quân địch. Tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước, vì con đã vâng lời Ta’” (15–18).

Hãy tưởng tượng nỗi vui mừng của Áp-ra-ham khi nhận lại đứa con yêu dấu của mình. Chắc chắn không người cha nào yêu thương con mình mà không khóc mừng trước cảnh ngộ ấy.

Áp-ra ham lại vượt qua được thử nghiệm kinh hoàng nhất về lòng tin cậy Chúa. Ông đã được chấm đậu kỳ thi khó khăn đó. Ông lại được Chúa xác nhận một lần nữa là Ngài sẽ ban phước cho ông cách dồi dào. Dòng dõi ông sẽ đông như sao trời, nhiều như cát biển, một cách nói về số nhiều không thể đếm nổi. Cuối cùng họ sẽ không bị bại trận; và tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ Áp-ra-ham mà được phước.

Mọi điều đó đã xảy ra và đang xảy ra trước mắt chúng ta ngày nay. Hai cha con trở lại chỗ hai đầy tớ đang chờ và họ trở về Beer-Sheba, rồi sống lâu ngày ở đó (19).

Phần cuối của đoạn nầy nói về dòng dõi của Na-cô và sự ra đời của Rebecca, tổ mẫu của dân tộc Israel, một thế hệ sau tổ mẫu Sara (20–24).

Na-cô, được kể là em của Áp-ra-ham, sinh ra mười hai con trai. Gia đình đó đã dọn tới ở vùng Charan, là nơi Áp-ra-ham từ đó ra đi xuống xứ Ca-na-an. Vào thời ấy, tin tức giữa hai vùng xa xăm rất là hiếm hoi. Áp-ra-ham vẫn thường theo dõi sự sống của thân quyến mình; bây giờ ông được tin gia đình người em vẫn bình an và gia tăng nhân số.

Tin tức được chuyển đến cho ông, có lẽ vì ông muốn tìm vợ cho con mình trong số thân nhân ở quê hương của ông chứ không muốn con cưới vợ người Ca-na-an (24:2–4).

SangTheKy30.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký