Chúa Nhật, November 23rd, 2014

Sáng Thế Ký, 22

Sáng Thế Ký 14:1–24

Đây là trận chiến tranh đầu tiên được ghi chép trong Kinh-thánh. Điều nầy không có nghĩa là trước đó chưa từng có chiến tranh xảy ra giữa các dân tộc, nhưng đây là trận chiến được ghi chép lần đầu tiên trong Kinh-thánh mà thôi.

Trong số bốn vua đi tấn công, thì có hai vua ra từ các xứ Si-nê-aÊ-lam (1). Si-nê-a là xứ Canh-đê, và Ê-lam là xứ Ba-tư sau nầy. Tuy vậy, hai vị vua Am-ra-phên và Kết-rô-lao-me thật ra không phải là hoàng đế Canh-đê hay Ba-tư, vì khu vực họ trị vì không phải là kinh đô của Canh-đê hay Ê-lam.

Có lẽ họ chỉ là các tiểu vương từ Canh-đê và Ê-lam được chỉ định cai trị các khu thuộc địa của hai nước lớn. Nhưng cả bốn vua đi chinh phạt đều cai trị các lãnh thổ thuộc về vùng phía đông của đồng bằng Jordan và Biển Chết.

Vào thời bấy giờ, mỗi thành phố hoặc lãnh thổ nhỏ đều có những người dùng sức mạnh hay tài năng nổi lên nắm quyền cai trị và được gọi là vua. Những vị nầy không phải là người đứng đầu của các vương quốc hùng mạnh.

Vì thế, năm vua bị tấn công là các tiểu vương của năm thành lớn ở vùng đồng bằng sông Jordan và Biển Chết. Bêra là vua của Sodom, Bi-rê-sa là vua của Gomorrah, Si-nê-áp vua của Át-ma, Sê-mê-bê vua của Xê-bô-im, và không thấy nói tới tên vua của thành Xoa (2).

Họ là một liên minh của các thành phải triều cống cho vua Kết-rô-lao-me xứ Ê lam trong 12 năm, nhưng nay thì họ không thần phục vua Ê-lam nữa (3–4).

Liên minh các vua phương đông tiến đến vùng Ca-na-an để chinh phục những sắc dân đang sống tại đó.

Rê-pha-im là một dân được xem là dòng dõi của người khổng lồ Ra-pha (2Sa-mu-ên 21:16–20; 1Sử-ký 20:4–8). Dân Mô-áp goị họ là Ê-mim, còn người Am-môn gọi họ là Zuzim (5). Cả ba tên gọi đều nói đến một giống dân khổng lồ ở xứ Ca-na-an trước khi người Israel đến tận diệt sắc dân ấy.

Sau khi đánh bại các giống dân khổng lồ, dân Hô-rít, dân A-ma-léc và dân A-mô-rít (6–7) liên minh các vua phương đông quay sang đánh bại liên minh năm vua vùng đồng bằng Siddim (8–10).

Các hố nhựa chai được nói tới ở đây thật ra là các hố dầu hắc (hắc ín) thiên nhiên lẫn với vôi, được người ta dùng làm chất kết dính để xây cất nhà cửa thành quách vào thời ấy.

Sodom và Gomorrah là hai thành phố phồn thịnh, giàu có ở đồng bằng phía đông Biển Chết. Xưa nay phía thắng trận đều chiếm đoạt những gì có giá trị của kẻ chiến bại: “Bốn vua ấy cướp hết của cải và lương thực của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, rồi đi. Họ cũng bắt cháu của Áp-ram là Lót, đang sống ở Sô-đôm, đem đi cùng với gia sản của ông” (11–12).

Dù Lót có là người công chính, cũng chẳng thể thoát khỏi tai hoạ chung. Không một người nào được miễn trừ khỏi thảm họa chung của một cộng đồng. Lót đã dọn đến ở tại Sô-đôm, nơi phồn hoa đô hội; nên khi Sô-đôm bị xâm chiếm, Lót cũng bị cướp bóc và bị bắt làm tù binh như mọi người Sô-đôm khác.

Có một người thoát được đến báo cho Áp-ram, người Hê-bơ-rơ, Áp-ram đang sống gần các cây sồi của Mam-rê, người A-mô-rít, anh của Ếch-côn và A-ne; cả ba người nầy đều đã liên kết với Áp-ram” (13).

Áp-ram và ba người A-mô-rít nói trên đều là các tộc trưởng độc lập. Vào thời bấy giờ, cách tổ chức cộng đồng và xã hội còn rất sơ khai. Có những bộ tộc không thuộc về một vương quyền nào trong vùng họ sinh sống.

Vì Áp-ram là tộc trưởng của một bộ tộc riêng rẽ, nên ông có nhiều gia nhân đã được huấn luyện võ nghệ và cách thức đánh giặc để chống lại bọn thảo khấu vẫn thường cướp bóc những người có nhiều của cải.

Khi hay tin cháu mình bị bắt, Áp-ram huy động các gia nhân đã được huấn luyện, gồm ba trăm mười tám người, và truy đuổi các vua đó đến tận Đan” (14).

Kinh thánh không nói số gia nhân của ba người tộc trưởng A-mô-rít liên kết với số gia nhân của Áp-ram là bao nhiêu người. Nhưng hành động của Áp-ram tức tốc đi giải cứu Lót là bằng cớ cụ thể nữa về đức tin của ông.

Bởi vì theo lẽ thường thì cần phải có một đội quân hùng hậu, đông đảo mới đối phó nổi với một đạo quân hùng mạnh của bốn vua vừa đánh bại mọi thế lực kháng cự họ. Phần Kinh-thánh nầy cũng là ký thuật duy nhất về hoạt động quân sự của Áp-ram trong suốt đời ông sống.

Mặc dù sự ký thuật tóm tắt của Kinh-thánh không đề cập đến, nhưng qua các sự kiện xảy ra, người ta thấy được gương sống của Áp-ram khiến các gia nhân của ông rất trung thành với chủ, và sự khôn ngoan của ông khiến các láng giềng sẵn sàng liên kết với Áp-ram.

Nhờ Đức Chúa Trời giúp đỡ, tài năng quân sự của Áp-ram và tài chiến đấu hữu hiệu của các gia nhân đã khiến cho quân địch bị thua bỏ chạy; họ “truy đuổi địch quân đến đất Hô-ba, nằm ở phía bắc của Damas” (15).

Tầm cỡ sự thành công và chiến thắng của Áp-ram thật là lớn. Nguyên tắc về sự chiến thắng ở đây không phải là số người đông hay lực lượng mạnh, mà là sức mạnh từ Đức Chúa Trời ban cho.

Điều kỳ diệu là Áp-ram chẳng những đoạt lại được tất cả tài sản bị cướp đoạt, mà ông còn giải thoát được tất cả những người bị địch bắt sống dẫn đi: “Ông đoạt lại tất cả tài sản, và đưa cháu mình là Lót cùng tài sản, các phụ nữ và dân chúng trở về” (16).

Trước khi biến cố nầy xảy ra, có lẽ vua Sô-đôm chưa biết nhiều về Áp-ram, cũng như không có sự kính trọng nào đối với ông. Nhưng “sau khi Áp-ram chiến thắng Kết-rô-lao-me và các vua đồng minh trở về, vua Sô-đôm ra đón rước ông tại thung lũng Sa-ve, tức là thung lũng Vua” (17).

Nghĩa là vua Sô-đôm bây giờ hết sức kính trọng Áp-ram, vì chỉ hơn ba trăm gia nhân cộng với số thủ hạ của những người liên kết, Áp-ram đã thực hiện được điều mà quân đội của năm vua không làm nổi.

Tới đây thì bất ngờ Kinh-thánh giới thiệu một nhân vật kỳ bí tên là Mên-chi-xê-đéc, vua của Sa-lem, nghĩa là vua hoà bình, “cũng là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao” (18).

Tân-ước cho biết ông Mên-chi-xê-đéc “không cha, không mẹ, không gia phả, không có ngày sinh ra, cũng không có ngày qua đời, nhưng giống Con Đức Chúa Trời, làm thầy tế lễ đời đời” (Hê-bơ-rơ 7:3).

Một số học giả Kinh-thánh nghĩ rằng ông chính là Sem, tổ phụ mười một đời trước của Áp-ram. Nhưng ai cũng biết Sem là con trai của Nô-ê, có ngày sinh và có ngày qua đời trong lúc Áp-ram đang còn sống; cho nên, giả thuyết đó không áp dụng được.

Mên chi-xê-đéc “đem bánh và rượu ra đón và chúc phước cho Áp-ram” (18–19). Khi “Áp-ram dâng cho vua một phần mười chiến lợi phẩm” (20b), thì điều đó chứng tỏ Áp-ram có quen biết, hoặc biết về vị vua nầy.

Tân-ước chép: “Thử nghĩ xem, chính tổ phụ Áp-ra-ham đã lấy một phần mười chiến lợi phẩm mà dâng cho vua, thì vua ấy vĩ đại biết bao!” (Hê-bơ-rơ 7:4).

Mặc dù vua Sô-đôm nói “Ngươi chỉ cần giao người lại cho ta, còn tài sản thì ngươi giữ lấy” (21), nhưng rõ ràng ý ông ta không phải như lời nói. Có lẽ ông ta thấy Áp-ram dâng cho Mên-chi-xê-đéc một phần mười chiến lợi phẩm, thì xót của nên giả bộ nói lời có vẻ quân tử. Bởi vì ông ta im lặng chấp thuận lời Áp-ram nói:

Tôi đã giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sáng tạo trời và đất, và thề rằng tôi không lấy bất cứ thứ gì của vua, dù chỉ là một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày, kẻo vua lại nói: ‘Ta làm giàu cho Áp-ram’” (22–23).

Như vậy, theo ý nghĩa lời tuyên bố của Áp-ram, có lẽ vua Sô-đôm đã nổi danh về việc ăn nói tráo trở, hoặc mang tiếng về tính hay nhận vơ công lao không phải của mình, hoặc thường nói xấu người khác.

Đáng lẽ ra, vua Sô-đôm phải hạ mình xin Áp-ram ban cho ông ta những người dân Sô-đôm đã được Áp-ram giải thoát khỏi cảnh làm tù binh.

Mặc dù ông ta không hạ mình, Áp-ram vẫn tỏ ra lòng rộng lượng và ngay thẳng, vì ông đã tin rằng mọi ơn phước và sự giàu có đều đến từ Đức Chúa Trời.

Áp ram cũng tỏ ra rất công bằng với những người đã liên kết với mình: “Phần thuộc về những người cùng đi với tôi, là A-ne, Ếch-côn và Mam-rê; hãy cho họ nhận phần của họ” (24).

Ngay trong câu chuyện nầy, Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa của Ngài cho Áp-ram khi Ngài gọi ông ra khỏi thành phố Ur, xứ Canh-đê: “Ta sẽ ban phước cho con, làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước” (12:2).

Thật vậy, Chúa đã làm cho Áp-ram trở nên nguồn phước cho các vua láng giềng và những người quanh ông.

SangTheKy22.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký