Tín Đồ Của Chúa, bài 09

Giăng 12:1-19

Mary, một môn đồ trung kiên của Đức Chúa Jesus, một người luôn chăm chú lắng nghe lời dạy của Thầy mình (Luca 10:38-42).

Sau khi chứng kiến Đức Chúa Jesus gọi anh ruột của bà từ kẻ chết sống lại, Mary bày tỏ sự tôn kính Chúa bằng cách dùng dầu thơm rất đắt tiền xức chân Ngài rồi lấy tóc mình mà lau, bà muốn người khác phải chăm chú vào Ngài (Giăng 12:3).

Hành động ấy khiến người ta nói với bà, không phải để khen, mà lên tiếng chê bai là phí phạm. Đức Chúa Jesus phải can thiệp rồi cho biết rằng: “Thật, Ta bảo các con, trên khắp thế giới nầy bất cứ nơi nào Tin Lành được rao giảng, việc phụ nữ nầy làm sẽ được nhắc đến để tưởng nhớ người” (Mác 14:9).

Có lẽ bà Mary không nghĩ tới hệ quả việc mình làm sẽ bị người ta chê bai, cũng không biết kết thúc của việc ấy là khắp thế giới nơi nào Kinh-thánh được dạy, thì tên của bà sẽ luôn được nhắc tới.

Tâm linh một tín hữu đã được thánh hoá là tâm linh có khả năng làm thay đổi quan điểm của những người tiếp xúc với mình.

Việc ấy xảy ra khi người ấy có thể trình bày rõ ràng sự hiểu biết về Chúa của mình đã đạt tới chỗ cao hơn bởi ân sủng của Đức Chúa Trời; tức là sự hiểu biết thuộc về linh giới của thiên đàng. Kinh thánh cho biết những người ấy đang ngồi với Đức Chúa Jesus Christ trong linh giới ở trên trời (Êphêsô 2:6).

Tầm mắt của người đứng trên bãi biển chỉ thấy giữa mình với chân trời là một vùng biển không xa lắm; nhưng nếu từ trên cao, khoảng trời biển người ấy thấy sẽ rộng và xa hơn nhiều.

Cũng vậy, người nào nhìn thế gian theo nhãn quan thiên đàng thì dễ biết cách làm cho người đời bị thu hút, chú ý tới ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus; chứ không trình bày theo sự hiểu biết yếu kém của ý riêng chẳng có kết quả gì.

Quan điểm của người đời về một tôn giáo hay khi thờ cúng thần thánh nào đó thì ước mong của họ là được giải quyết các nhu cầu của đời sống ở trần gian như được tai qua nạn khỏi và chữa lành bệnh tật; một số người khác thì chăm chú vào lợi lộc tài chính.

Cho nên, đã có một số quan điểm trình bày phúc âm theo sự suy diễn của người thế tục là “đến với Chúa sẽ được chữa lành bệnh tật và được ban phước, mọi tai hoạ sẽ phải tránh xa, vv.

Vì thế, sau một thời gian ngắn theo đạo, nhiều người đã bỏ vì không thấy được phước như họ ước mong. Hơn nữa, ơn cứu rỗi ở đời sau thì trừu tượng, không biết có thật tới mức nào.

Vậy, lấy bằng chứng gì để trình bày cho người ta thấy Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin (Rôma 1:16)? Trước hết, tín hữu phải có khả năng trình bày cho người chưa tin thấy bằng chứng quyền phép biến đổi của Đức Chúa Trời trên tánh tình con người bề trong của mình đã bộc lộ ra ngoài như thế nào.

Ví dụ, mình có còn bị tánh tình cũ, mà mọi người đều biết, ràng buộc nữa không? Niềm vui và sự tự do mình đang được trong Chúa như thế nào? Lý do nào chúng ta từ khước các trò vui tội lỗi và ô uế, mà trước kia mình lặn ngụp trong đó?

Nguyên nhân nào mình không làm nô lệ cho các giáo điều của loài người đặt ra, mà chỉ bước đi trên con đường thánh hoá do Đức Thánh Linh dẫn dắt? Đó là những điều chúng ta phải trình bày.

Chúng ta phải trình bày về Đức Chúa Jesus là Tin Mừng từ Đức Chúa Trời sai tới thế gian. Trình bày rằng qua Kinh thánh, mình đã tin Ngài chính là Đức Chúa Trời trong thể xác nhân loại, rồi đã tiếp nhận ơn tha tội qua sự chết hi sinh chuộc tội cho cả loài người của Ngài; nên mình đã được tái sinh, biến đổi tâm tính bề trong, chẳng nhờ làm theo các luật lệ ràng buộc của giáo hội nào hết; thì bằng chứng ấy mới có sức thuyết phục; chúng ta đã biết chân lý và được chân lý giải thoát cho ta biết tự do trong Ngài là ra sao (Giăng 8:32).

Tại sao những con cái thật của Đức Chúa Trời được tự do thờ kính Ngài theo sự dạy dỗ của Kinh-thánh, mà không cần phải bị ràng buộc bởi các giáo điều cứng ngắc do loài người thiết lập?

Tiến sĩ Oswald Chambers nói rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên các loài chim. Ngài chưa bao giờ làm lồng nhốt mấy con chim hết; lồng nhốt chim là do loài người chế ra.

Các con chim tự do bay lượn, theo cách Đức Chúa Trời tạo dựng và định cho nó, là những con chim khoẻ mạnh và sinh động. Chim bị nhốt trong chuồng lâu ngày thì xơ xác và thiếu nét sinh động khoẻ khoắn.

Cũng vậy, tín hữu nào thờ phượng Chúa trong sự tự do là những người đầy sinh khí từ thiên đàng ban cho; còn những vị bị ràng buộc bởi đủ thứ luật lệ của loài người đặt ra có vẻ thánh khiết thiện hảo, nhưng chẳng có sinh khí hay năng quyền gì hết, mà đầy nét khắc khổ bị nô lệ vào giáo điều.

Chúng ta được kêu gọi và được cứu để trình bày Đức Chúa Jesus cho nhân loại biết về Ngài. Khi Đức Chúa Jesus vào thành Jerusalem, đoàn dân hân hoan đi đón Ngài và tung hô Ngài vì đã nghe rằng Ngài gọi La-xa-rơ sống lại sau khi ông ta đã chết và chôn được bốn ngày rồi (12:9, 18).

Người ta đi đón và tôn vinh Đức Chúa Jesus, Đấng khiến La-xa rơ sống lại. La-xa-rơ đi theo nhưng không nói gì về ông cả. Trong số những người hò reo đón mừng Ngài hôm ấy, thì không biết có bao nhiêu người chỉ một tuần sau đó hò hét đòi đóng đinh Ngài trên cây thập tự.

Vào buổi chạng vạng của ngày Đức Chúa Jesus bị đóng đinh, lúc hai ông Ni-cô-đem và Joseph ở Arimathea tẩm liệm xác Ngài, thì số ít người có mặt chỉ là những người đàn bà đã từng công khai bày tỏ lòng sùng kính Chúa của mình (Giăng 19:38-42; Mác 15:47). Hành động của họ vẫn còn ảnh hưởng tới ngày nay.

Mục đích của Đức Chúa Trời xuống trần gian trong thân thể Đức Chúa Jesus và chịu chết để đền tội cho chúng ta là nhằm dẫn mọi người đến với Đấng Hằng Hữu (Giăng 8:28).

Chúng ta trình bày cho người khác về ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus để dẫn họ đến sự hiểu biết Đấng Hằng Hữu, chứ không phải thu hút người khác đến với cá nhân hay hệ phái của mình.

Nếu các thánh nhân đầy hào quang chỉ trình bày những gì Chúa đã thực hiện cho riêng mình thôi thay vì trình bày Con Người Jesus cứu chuộc thế giới, thì những người ấy không phải là bạn hữu của chàng rể.

Ông Giăng Baptist trình bày mối liên hệ giữa ông với Đức Chúa Jesus: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; còn bạn của chàng rể đứng lắng nghe và rất vui mừng khi nghe tiếng của chàng rể. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi vậy. Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải bị hạ xuống” (Giăng 3:29-30). Khoe về mình là chướng ngại lớn nhất cản trở người ta đến với Chúa.

Trong bữa tiệc cuối cùng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đồ Ngài, khi Đức Chúa Jesus bẻ bánh phân phát cho môn đồ, sau đó Ngài trao chén cho họ và dặn: “Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta” (1Cor. 11:24-25).

Sứ đồ Phaolô cũng dạy “Vậy mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy thì rao giảng sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1Cor.11:26).

Rao giảng sự chết của Chúa thì khác xa với sự khoe khoang về những điều Chúa đã thực hiện hay ban ơn cho cá nhân của người làm chứng đạo. Nếu cần phải nói về quyền phép của Chúa, anh chị em hãy nói cách nào để Ngài được vinh danh, thay vì tạo ấn tượng để người ta nghĩ mình có ân sủng đặc biệt.

Mỗi lần trình bày về Chúa là dâng vinh quang cho Ngài; đừng bị cám dỗ thu hút sự chú ý vào cá nhân mình. Sự ăn cắp hay cướp vinh quang của Đức Chúa Trời là điều vô cùng nguy hiểm cho tính mạng và tương lai ta.

Làm thế nào để được tự do và có thể gìn giữ sự tự do ấy lâu dài trong sự thờ kính Đức Chúa Trời chúng ta? Bí quyết là giữ mối tương giao đã có với Ngài được ngày thêm gần gũi, thân mật qua tinh thần vâng lời Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đừng để cho bất cứ điều gì xen vào làm hư hại mối tương giao ấy.

Vâng lời là tìm xem ý muốn của Chúa ra sao trong những lúc bị khủng hoảng hay khó giải quyết. Nếu chúng ta đã có lần tung hô tiếp đón Ngài vào đời mình rồi, thì giữ gìn sự trung thành với Ngài tới tận cùng.

Hoặc lúc danh Ngài được vinh quang, hay lúc niềm tin vào Ngài bị tấn công, chao đảo, giống như các nữ môn đồ tới đứng bên Thầy mình đang bị treo trên cây mộc hình và chứng kiến cảnh người ta đặt xác đã chết của Ngài vào huyệt đá. Lòng tin và sự vâng lời Chúa sẽ nhận được ơn chỉ dẫn, dạy dỗ của Ngài trong sự tự do hoàn toàn.

Hôm nay, trong ngày kỷ niệm Đức Chúa Jesus được tiếp đón vào Jerusalem cách vinh quang và cũng là ngày bắt đầu tuần thương khó của Ngài, chúng ta cùng nhau học biết cách trình bày về Chúa của chúng ta thế nào để người chưa tin Ngài có thể qua chúng ta mà được biết ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus và ơn cứu độ của Đức Chúa Trời sẽ dẫn họ đến sự sống vĩnh cửu.

TinDoCuaChua09.docx

Rev. Dr. CTB