Tín Đồ của Chúa, bài 06

Phi-líp 2:12

Hầu hết các sự thực hành sai lầm về tín ngưỡng của con người đều do thiếu hiểu biết về lãnh vực tâm linh.

Người ta tưởng rằng sẽ được vào cõi vĩnh phúc qua các hành động thực hiện những lễ nghi tôn giáo, hoặc làm việc thiện để tích tụ công đức, hay thực hiện sự khổ tu, ép xác, tập trung tư tưởng, hoặc hoàn toàn xua đuổi mọi ý niệm cho tâm trí trống không, vì tưởng rằng sẽ đạt tới một chỗ nào đó trong linh giới; hay sẽ được một phần thưởng sau khi lìa đời, hoặc sẽ được tâm an thanh tịnh nhờ suy nghĩ đúng, mà họ gọi là chính niệm, chính ý, vv.

Nhiều con cái Chúa cũng hiểu vấn đề nầy cách rất lờ mờ. Chúng ta cần biết và hiểu rõ sự thật về ơn cứu rỗi là thế nào.

Sự thật là không một ai trong nhân loại có thể tạo được sự cứu rỗi cho mình. Không một người nào của nhân loại có thể tự cứu mình ra khỏi chốn trầm luân, tức là sự hư vong vĩnh viễn của linh hồn. Mọi nỗ lực tu hành để tự cứu chỉ là mơ tưởng viển vông.

Bởi vì không một ai trong nhân loại có thể tự giải thoát ra khỏi các xiềng xích trói buộc của tội lỗi. Không người nào có thể tự xoá vô số tội lỗi mà mình đã phạm với Đức Chúa Trời và với nhiều người khác. Vì chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền tha thứ tội lỗi cho loài người.

Mà con người thì bị cai trị bởi bản chất tội lỗi kế thừa từ tổ tiên. Hơn nữa, không ai có thể vượt thắng bản chất tội lỗi của bản ngã đang cai trị mình.

Con cái Chúa có thể mạnh dạn tuyên bố điều ấy là vì: Xưa nay trong nhân loại, nếu đã có một người tự tạo được sự cứu rỗi cho chính mình thì đã có thể chỉ đường cho người khác, rồi cũng đã có nhiều người thực hiện được sự cứu rỗi cho họ. Nhưng chưa có một ai, một người cũng không!

Vậy thì, chắc chắn rằng không thể dùng nỗ lực của thể chất hoặc ý chí của con người mà tìm hay đạt được sự cứu rỗi.

Kinh thánh tuyên bố: “Chẳng có một ai công chính cả, dù một người cũng không,” “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 2:10; 3:23).

Qua câu Kinh-thánh do Đức Thánh Linh soi sáng cho sứ đồ Phao-lô viết cho tín hữu tại thành Phi-líp, nhiều tín hữu lại bối rối vì Phao-lô khuyên rằng: “Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình” (Phi-líp 2:12b). Nghĩa là chỉ theo đạo, thực hiện mọi lễ nghi và nhiệm vụ của tín hữu vẫn chẳng có gì bảo đảm.

Mà nếu không thể tạo được sự cứu rỗi thì làm sao hoàn tất?

Anh chị em cần hiểu rõ rằng: Ơn cứu rỗi hay ơn cứu độ là do Đức Chúa Trời ban miễn phí cho loài người; phần của con người là nhận ơn ấy và hoàn tất ơn đã ban cho mình bằng quyết tâm sống đạo.

Cứu rỗi hay cứu độ là ơn miễn phí từ Đức Chúa Trời đã thực hiện cho loài người rồi. Nhưng mỗi người đều phải cẩn thận giữ gìn ơn mà mình đã vui mừng nhận lấy để bắt đầu thực hành sự sống đạo của tâm linh vừa được tái sinh, bằng cách tập tành tiến bước trên con đường thánh hoá.

Kinh-thánh nói rất rõ: “Hãy tìm cách sống hoà thuận với mọi người và đeo đuổi sự thánh khiết; vì nếu không nên thánh thì chẳng ai thấy được Chúa” (Hê-bơ-rơ 12:14).

Sự khác nhau giữa các tôn giáo thế gian với đạo Chúa là người ta nỗ lực làm các việc công đức tôn giáo để mong tạo được sự cứu rỗi; còn đạo Chúa là Ngài thực hiện ơn cứu rỗi mà loài người không thể làm nổi, rồi Ngài ban ơn ấy cho ai muốn nhận; người nhận phải hoàn tất ơn ấy bằng nếp sống thánh hoá.

Trên thiên trình có nhiều người vất vả và thất bại vì lẫn lộn giữa những điều mình có thể làm với những điều mình không có khả năng làm.

Ai đã từng cố gắng sống đạo bằng sức riêng đều đã khám phá ra rằng hễ dùng sức riêng là thất bại; giống như mục tiêu mình mong đạt tới cứ xa vời thêm.

Anh chị em cần phải biết rõ và nắm vững vấn đề nầy để không thất vọng vì thất bại. Nghĩa là biết rõ các điều gì chúng ta không thể làm, vì đó là phần của Chúa; và các phương diện nào mà Chúa sẽ không thực hiện, vì đó là phần của chúng ta phải làm.

Bằng cớ là trong thời đại chúng ta có một người đã được cả thế giới kính nể về lòng bác ái. Nhưng sau khi qua đời, nhật ký người ấy thú nhận rằng: Tôi càng cố gắng làm các công tác bác ái chừng nào thì tôi càng bị xa rời Chúa của tôi chừng ấy. Tôi không còn được gần gũi hoặc nghe tiếng Ngài như xưa nữa!

Trước hết hãy nói về các phương diện mà loài người không thể làm thay cho Đức Chúa Trời.

Không một mức quyết tâm nào của loài người có thể tự tạo ra trong tâm linh sự sống mới của cõi thiên đàng; vì sự sống mới ấy là món quà tặng từ Đức Chúa Trời ban xuống. Chúng ta chỉ có thể quyết tâm nhường cho sự sống mới tự phát huy hiệu quả, mà thiên đàng đã định, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Jesus Christ.

Điều thứ hai là sau khi đã tiếp nhận ơn cứu độ, không một ai có thể tự thánh hoá con người bề trong của mình. Thánh hoá lòng người là công tác của Thánh Linh Đức Chúa Trời thực hiện trong tâm linh của những người đã tiếp nhận ơn cứu rỗi.

Quyết tâm nhường cho Chúa hành động trong lòng để thánh hoá mình khác hẳn với quyết tâm tự mình sống một đời thánh khiết theo các tiêu chuẩn mình cho là đúng (1Phierơ 1:2).

Điều thứ ba là không ai có thể tự điều khiển để Đức Thánh Linh ngự vào lòng mình. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể thực hiện những việc đó.

Tín hữu thất vọng, lẫn lộn và bối rối vì thất bại là do chúng ta cố gắng làm những việc mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm.

Đồng thời chúng ta cũng bối rối và thất vọng khi chờ đợi mãi mà chẳng thấy điều mình mong muốn xảy ra. Lý do là vì nhiều người không chịu làm những việc mình phải làm, vì lầm tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những việc ấy thay cho mình.

Ví dụ như Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ánh sáng và năng lực để bước đi trong đó. Vận dụng năng lực Chúa ban để bước đi trong ánh sáng là nhiệm vụ của chúng ta; Chúa không buộc chúng ta đi trong ánh sáng, Ngài đã ban năng lực cho ta rồi. Bổn phận của chúng ta là phải vận dụng năng lực đó để bước đi trên con đường thánh hoá.

Vâng lời Chúa, tránh xa tội lỗi, đừng nói những lời gian ác, đừng tham muốn những gì thuộc về người khác, đừng tham tiền, đừng yêu thế gian, đừng nói dối, đừng nói hành vu khống người khác, hãy tự xét mình để đừng chỉ trích hay phê phán anh em vv., đều là những việc mà Chúa sẽ không làm thay cho con cái Ngài. Các nhiệm vụ đó là của tín hữu.

Nếu ai cầu xin Chúa giúp cho mình biết vâng lời, có thể tránh xa tội lỗi, không nói lời gian ác, không tham tiền hay tham muốn những thứ thuộc về người khác, không yêu mến thế gian, không nóng giận, hay bỏ tật nói xấu và chỉ trích người khác, vv, mà cầu xin mãi vẫn không thấy Chúa đáp lời, vẫn tiếp tục phạm tội; rồi trách móc Chúa tại sao Ngài không giúp để mình khỏi phạm tội. Anh chị em hãy biết rằng những lãnh vực hay việc nào thuộc về nhiệm vụ chúng ta phải làm thì Chúa sẽ không làm thay.

Cách thức để hoàn tất ơn cứu rỗi là hiểu rằng Đức Chúa Trời đã ban quyền năng và sự sống vào trong ta qua ơn cứu rỗi. Ngài đổ đầy tâm linh ta bằng Đức Thánh Linh của Ngài.

Phần chúng ta là hoàn tất ơn cứu rỗi ấy; nghĩa là làm cho nó thành hiện thực trong đời sống mình, không phải là hi vọng về một ơn cứu rỗi tưởng tượng, mà là một sự thật mình đã kinh nghiệm.

Nếu ngày nay tín hữu nào chưa thể hiện được kết quả của ơn cứu rỗi trong đời sống mình, thì người đó đang có sự hiểu biết rất sai trật về ơn cứu rỗi ấy.

Tiếp nhận ơn cứu rỗi Chúa ban thì dễ dàng, nhưng bước đi vững vàng trên con đường thánh hoá để giữ vững ơn cứu rỗi đó là cuộc chiến khó khăn, chống lại bản tánh xác thịt của mình.

Mà việc đó là bổn phận của chúng ta; như Kinh-thánh ghi vài việc chúng ta phải và có thể làm cho ơn cứu rỗi được bày tỏ ra (1Phierơ 5:5-9; 2Phierơ 1:3-8).

Anh chị em cần hiểu một cách minh bạch: Việc hoàn tất ơn cứu rỗi không phải là tạo ra hoặc làm thành sự cứu rỗi cho mình; mà là vận dụng quyền năng trong sự sống Đức Chúa Trời đặt vào trong ta cùng với Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban xuống, để thực hiện các nhiệm vụ mà con cái Ngài phải làm để được đổi mới ngày càng hơn.

Một đời sống cơ-đốc-nhân đầy vinh quang là đời sống đã vượt thắng những khó khăn hay gian truân mà đức tin ngày càng vững vàng.

Người trần gian nỗ lực đi tìm sự cứu rỗi trong vô vọng vì không bao giờ đạt được. Chúng ta đã được ban cho ơn cứu rỗi, cộng thêm năng quyền, sự sống và Đức Thánh Linh để giúp chúng ta hoàn tất ơn cứu rỗi ấy.

Nhưng chúng ta chỉ thành công khi chịu thực hiện phần việc của mình. Giống như các lực sĩ được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ và dinh dưỡng, nhưng tập luyện là bổn phận của họ.

TinDoCuaChua06.docx

Rev. Dr. CTB