Chương Trình Thiên Thượng

Rôma 9:1–33

Người Dothái được hưởng những đặc ân đặc quyền mà không một dân tộc nào khác có được chỉ do quyền lợi từ tổ Ápraham truyền lại cho dòng dõi mình.  Họ (4) “được Chúa nhận làm con, được thấy vinh quang, có các giao ước, luật pháp, được phục vụ trong đền thờ, và hưởng các lời hứa.(5) …. và chính Đấng Christ theo phần thể xác, cũng ra từ họ…..” Thế nhưng, các lợi thế ấy đều trở thành vô ích vì sự cứng cỏi của lòng họ trước tin mừng về chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời qua sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu Christ.  Cho đến bây giờ, đại đa số người Dothái vẫn chống cự Đức Chúa Giêxu, không chịu công nhận Ngài là Đấng Mếtsaia phải đến. Sự từ khước ấy đã khiến họ bị trừng phạt đau đớn đến hàng ngàn năm. Chẳng những thế thôi, những người ấy sẽ vĩnh viễn bị xoá tên khỏi hạnh phúc vĩnh cửu ở thiên đàng.  – Vì sự dị ứng của người Dothái đối với đạo Đấng Christ do Phaolô rao giảng, ông thành thật nói với tư cách một Cơ-đốc-nhân, không thể nói dối (1–2), rằng ông sẵn lòng bị loại trừ không còn được xem là một Cơ-đốc-nhân, để họ được đem vào gia đình của Chúa, nếu ông là cớ gây cho họ bị vấp phạm (3).  Vì mối liên hệ đặc biệt giữa họ với Đức Chúa Trời, nên Phaolô có một tình cảm sâu sắc với dân tộc ông.

Tuy nhiên, lời hứa của Đức Chúa Trời với Ápraham không bị suy suyển bởi sự cự tuyệt của người Dothái đối với phúc âm. Chúa hứa với Ápraham rằng Ngài là Đức Chúa Trời của ông và của dòng dõi ông; lời hứa ấy không áp dụng cho tất cả dòng dõi của Ápraham theo xác thịt. Kinh Thánh cho biết lời hứa chỉ áp dụng cho Ysác (Sáng Thế 17:19-21), không áp dụng cho Ismael dù cả hai đều là con ruột của Ápraham (7); vì “chỉ có con cái theo lời hứa mới được kể là dòng dõi” (8–9).  Cũng thế, “không phải tất cả dòng dõi Israel đều là người Israel thật” (6).  Lý do nào con cái của lời hứa mới là dòng dõi theo cách chỉ định của Đức Chúa Trời?  Ismael là con của bà Aga sinh cho Ápraham lúc bà còn trẻ và sung sức, vì thế Ismael không phải là đứa con do quyền năng siêu nhiên mà bởi ý muốn xác thịt của Sarai lẫn Ápraham; còn Ysác được sinh ra theo lời hứa lúc bà Sara đã quá già, không còn khả năng sinh con.  Sự ra đời của Ysác là bởi quyền phép của Đức Chúa Trời, nên được gọi là đứa con của lời hứa.

Quyền chỉ định của Đức Chúa Trời lại rõ ràng hơn qua trường hợp của Êsau và Giacốp.  Hai người là anh em sinh đôi của cùng cha mẹ là Ysác và Rêbêca (10–13).  Việc Chúa chọn Giacốp thay vì Êsau đã được định từ khi hai người chưa sinh ra.  Chúng ta không hiểu được ý Chúa cho tới khi xem xét hai dân tộc do hai anh em sinh đôi ấy sinh ra sau nầy (Malachi 1:1–5).  Con cháu của Êsau là dân tộc Êđôm đã đối xử tàn độc với những người em họ hàng gần gũi với mình trong lúc họ bị hoạn nạn (Dân số 20:14–21), để thay vì chỉ mất 1 tuần đi đường đến đất hứa, họ phải đi vòng gần 40 năm trong hoang mạc mênh mông nắng cháy kinh hoàng của vùng Trung Đông. Sự lựa chọn Giacốp thay cho Êsau còn có ý nghĩa hình bóng về việc Chúa đã loại người Israel là con cháu huyết thống của Ápraham, là vai trò người anh, và đem những người ‘ngoại bang’ của Hội Thánh Đấng Christ, như người em, thay thế họ để hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời.

Theo cách suy nghĩ của loài người thì sự lựa chọn người nầy mà không chọn người kia có vẻ như bất công.  Đấng Toàn Năng và toàn tri biết kết cục của mọi việc trước khi nó xảy ra.  Vì vậy chỉ Chúa mới hiểu lời phán:“Ta sẽ nhân từ với ai Ta nhân từ, Ta sẽ thương xót ai Ta thương xót” của Ngài (14–15).  Bởi sự nhân từ của Chúa mà chúng ta ngày nay được chọn; nên chẳng phải vì chúng ta xứng đáng hay bôn ba mà được (16). Hạnh phúc mà các thánh đồ được hưởng là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời làm cho họ được khác biệt so với những người khác.  Chúng ta vốn nằm trong sự tăm tối của các dân ngoại bang, không biết gì về luật pháp thánh khiết của Chúa, không xứng đáng chút nào để trở thành dòng dõi của lời hứa; nhưng đã được tháp vào Hội Thánh, còn hầu hết người Dothái, con cháu Ápraham về phần xác, bị loại bỏ vì lòng không tin của họ. Chẳng phải vì chúng ta khá hoặc xứng đáng hơn họ, nhưng chỉ bởi ơn chọn lựa nhân từ của Chúa.  Cũng hãy suy gẫm rằng nếu chẳng phải bởi ơn lựa chọn trong ý muốn nhân từ tự do của Ngài thì chúng ta chẳng có chút hi vọng nào được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Đức Chúa Trời lấy kết quả Ngài thấy trước trong tương lai để lập sự chọn lựa tuỳ ý Ngài muốn (17–18).

Nghe lý luận nầy, ngay lập tức tâm tánh lý sự của chúng ta liền phản đối: “Vậy tại sao Chúa lại khiển trách, vì có ai cãi lại Chúa được đâu?” (19).  Lời phản đối ấy trở thành đuối lý khi thân phận cục đất sét bị đem so với ý muốn của người thợ gốm (20–21).  Thợ gốm biết trước thứ bình mình sẽ làm ra tuỳ theo loại đất sét được chọn; hình thể từng món được nắn nên cũng tuỳ theo ý thích và sự cần dùng của thợ gốm chứ không theo ý muốn của đất sét.  (22) Đức thánh khiết của Chúa khiến Ngài gớm ghét tởm lợm tội lỗi; đức công chính của Ngài lại nổi thịnh nộ muốn huỷ diệt những người phạm tội.  Đồng một lúc đó đức nhân từ thương xót của Chúa cũng muốn dịu dàng bảo tồn loài được Ngài dựng nên. Để có thể làm như thế, Đức Chúa Trời phải nhẫn nại chịu đựng những người đáng chịu thịnh nộ, diệt vong, tức là chúng ta lúc còn sống trong tội lỗi. Được nhận ánh vinh quang của Chúa tức là hưởng sự nhân từ của Ngài (Xuất 33:18–19).  Ý muốn “cho biết vinh quang của Ngài chiếu trên những người được thương xót…” (23) tức là kế hoạch thánh hoá những “người Ngài đã chuẩn bị từ trước để hưởng vinh quang.”  Thánh hoá là chuẩn bị linh hồn cho vinh quang sẽ đến, vì sự thánh hoá giúp chúng ta đứng nổi trước vinh quang thiên đàng.

(24–26) Phaolô nói rằng, sự cự tuyệt của người Dothái, và việc người ngoại bang được đem vào thay chỗ, đã được nói trước trong Cựu Ước. (Ôsê 2:23; 1:10). Con cái Chúa ngày nay ở khắp nơi không cần phải thành người Dothái, cũng không cần đến Giêrusalem thờ lạy, đang ở đâu trên thế giới họ vẫn thuộc về Chúa, được vinh dự gọi là con cái Ngài vì đã được Ngài gọi.  “Tiên tri Ê -sai khi nói về dân Israel đã kêu lên như sau: ‘Dù con dân Israel đông như cát bờ biển, chỉ phần sót lại được cứu;” (27) nghĩa là khi Chúa đã bắt đầu thì Ngài sẽ làm cho kết thúc, dù là đường lối phán xét hay thương xót.  Bởi sự không tin của người Dothái, Chúa đã dùng tay người Lamã huỷ phá xứ họ, đày ải và làm cho tan lạc số người còn lại trên khắp mặt đất.  Chúa đã hoàn thành lời hứa của Ngài với các tổ phụ bằng cách đem Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ vào ân huệ Ngài, làm cho đạo ấy lan tràn ra khắp các dân tộc: “vì Chúa sẽ thực hiện lời Ngài phán cách trọn vẹn và nhanh chóng trên đất’” (28).  Hội Thánh cũng là hột giống mà Đức Chúa Trời chừa lại để nối dõi cho tổ phụ của lời hứa; nếu không, hậu tự lời hứa của Ápraham đã không còn nữa (29).

Đối với luật pháp Môise, Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ hiện nay là dân ngoại; hoàn toàn không biết và không theo đuổi sự công nghĩa, chẳng biết tội lỗi và tình trạng khốn khổ mình nhưng đã đạt được sự công nghĩa của Chúa nhờ đức tin, nhờ tin cậy và nắm lấy Đấng Christ, đầu phục phúc âm (30).  Tại sao người Dothái theo đuổi một luật pháp công chính lại bị vuột mất? Vì họ cứ đeo bám lấy những hình thức lễ nghi cũ của người Giuđa, tìm kiếm hạnh phúc bằng sự giữ các giới luật, chạy theo cái bóng của thực thể phải đến; nên không được Chúa chấp nhận (31-32).  Việc tìm kiếm sự công nghĩa không phải bằng đường lối khiêm nhường là cách sống đạo ngược lại các nguyên tắc Chúa định, sẽ luôn luôn dẫn đến thất bại.

Những người Dothái vô tín không có lý cớ nào để cãi cọ, lý sự với Đức Chúa Trời về việc họ bị Chúa loại ra.  Ngài đã cống hiến một cách công bằng sự sống, sự xưng nghĩa, và sự cứu rỗi cho họ theo các điều kiện của Tin Mừng; nhưng họ không thích, không chấp nhận, quyết định cự tuyệt.  Đấng Christ là hòn đá vấp chân cho người Dothái, vì Tin Mừng của Ngài làm cho họ mất sự tự hào về công lao tuân giữ các hình thức lễ nghi của luật pháp. “Nầy Ta đặt tại Siôn một tảng đá cản trở, một Tảng Đá gây vấp ngã;” nhưng Kinh Thánh đã mở ra một lối thoát: “nhưng ai tin Ngài sẽ không thất vọng.” (33) Chúng ta là những người đã tin, đã được Chúa đem vào làm dòng dõi của lời hứa; được hưởng tất cả hạnh phúc của con cái Đức Chúa Trời.

BHKTRoma09.doc

Rev. Dr. CTB