Vai Trò của Đức Tin
Rôma 4:1 – 5:11
Có lẽ Ápraham và Đavít được người Dothái vào thời của Phaolô tôn kính hơn hết so với các nhân vật khác của Cựu Ước: Ápraham là tổ phụ nòi giống Dothái, Đavít là vị vua lừng lẫy nhất của dân tộc họ. Phaolô đã dùng hai vị anh hùng dân tộc nầy để minh giải cho điều ông nói trong đoạn 3 là Phúc-Âm đồng thuận với Luật-pháp. Mặc dù Phúc Âm và Luật pháp tiêu biểu cho hai hệ thống hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng không cái nào mâu thuẫn hoặc xung khắc với cái kia. Có nghĩa là dù trước khi có Luật-pháp hoặc ở dưới Luật-pháp, đức tin là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi duy nhất để người ta được xưng công chính. Trước khi có Luật-pháp, Ápraham được xưng công chính bởi đức tin; Đavít ở dưới Luật-pháp vẫn được xưng công chính bởi đức tin. Không phải Phaolô trình bày một giáo lý mới để vô hiệu hoá Cựu Ước, nhưng nhằm trình bày cho người Dothái thấy rằng sự xưng công chính chỉ có thể đến qua đức tin mà thôi. Luật-pháp chỉ là người thầy để dẫn người ở dưới Luật-pháp đến với Đấng Christ.
Phaolô trích Sáng Thế Ký 15:6 để chứng minh “Ápraham tin Đức Chúa Trời, và ông được kể là công chính” (3). Đức Chúa Trời hứa sẽ cho Ápraham con cháu đông như sao trên trời, dù lúc ấy Ápraham đã 75 tuổi, và bà Sarai, vợ của ông không thể sanh con vì đã 65 tuổi. Ápraham tin chắc Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài, cho nên Chúa kể ông là người công chính. Lúc bấy giờ, Ápraham không có lý do gì để hãnh diện, vì Đức Chúa Trời kể ông là công chính qua đức tin của ông, chứ chẳng phải qua việc công đức nào ông đã làm. Nếu được xưng công chính nhờ việc công đức thì đó không phải là một ơn, vì “đối với người làm việc, tiền lương không kể là ân huệ, nhưng coi như nợ (4). Còn người nào không làm việc, nhưng tin nơi Chúa là Đấng xưng công chính kẻ có tội, thì nhờ đức tin, người ấy được kể là công chính” (5). Ápraham được xưng công chính trước khi có Luật-pháp, vì Luật-pháp được ban xuống 615 năm sau khi ông nhận và tin lời hứa của Chúa, và 24 năm trước khi Chúa thiết lập lễ cắt bì làm giao ước với Ápraham; vì lúc chịu lễ cắt bì thì Ápraham đã 99 tuổi (Sáng 17:1) (Ápraham sinh Ysác 25 năm sau khi nhận lời hứa + 40 tuổi thì Ysác cưới vợ + Giacốp được 120 tuổi khi di cư xuống Aicập + dân Dothái ra khỏi Ai cập sau 430 năm làm nô lệ, cộng là 615 năm) (xem các câu 4:9–12).
Đavít mặc dù ở dưới Luật-pháp nhưng biết rằng mình chẳng bao giờ được cứu bởi luật pháp ấy. Vì thế ông mô tả cái phước của người được Chúa kể là công nghĩa không phải qua việc làm (6). “Phước cho người tội được tha thứ, lỗi được che lấp; phước cho người Chúa không kể là có tội” (7–8). Đavít đã phạm tội trọng, nhưng lòng ăn năn thống hối của ông đã khiến Chúa tha tội cho ông. Đavít được Chúa kể là công nghĩa qua đức tin của ông, chẳng phải bởi việc làm; vì việc ông đã làm là quá ác; tuy nhiên, tội ông đã gây ra vẫn đem tới những hậu quả cay đắng về sau.
Ápraham đã được hưởng lời hứa nhờ đức công chính bởi đức tin của ông mang tới “Chúa đã không căn cứ trên luật pháp để hứa choÁpraham hoặc dòng dõi ông được thế giới làm cơ nghiệp nhưng căn cứ trên đức công chính nhờ đức tin của ông. Vì nếu nhờ luật pháp người ta được thừa hưởng cơ nghiệp, thì đức tin trở thành vô ích, và lời hứa của Chúa bị hủy bỏ.” (13–14). Phaolô đưa ra những lời giải thích trên để người Dothái thấy rằng hi vọng của họ đạt được sự công nghĩa cá nhân, được xưng công chính và được hưởng các lời hứa của Đức Chúa Trời bằng sự tuân theo Luật-pháp chỉ là vô vọng, vì “…luật pháp đem hình phạt đến, nhưng nơi nào không có luật pháp, nơi đó không có sự phạm pháp” (15). Điều duy nhất mà luật pháp có thể sản sinh là thịnh nộ và kết án. Để Đức Chúa Trời có thể hành động phù hợp với nguyên tắc ân điển và loài người có thể tin chắc mình sẽ được hưởng các lời hứa của Ngài, thì phải căn cứ trên đức tin chứ không căn cứ trên luật pháp được (16) “Bởi lẽ đó, dựa trên ân điển, nhờ đức tin mà lời hứa được bảo đảm cho toàn thể dòng dõi Ápraham, không phải chỉ những người có luật pháp, nhưng cả những người có đức tin của Ápraham, là cha của tất cả chúng ta.”
Các câu từ 17 tới 22 nêu lên các bằng chứng về đức tin của Ápraham tin Chúa có thể làm người chết sống lại, khiến những gì không có hoá thành có (17); dù đã già lão và Sarah đã quá tuổi sinh con từ lâu, “đức tin ông vẫn không nao núng. Ông đã không mất lòng tin, không nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời; … đức tin ông càng vững mạnh, ca ngợi Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền thực hiện. Vì thế ông được kể là công chính” (19–22). Phaolô dùng gương mẫu trên để kết luận: “Lời Kinh Thánh ‘ông được kể là công chính’ không chỉ nói về một mình Ápraham, nhưng cũng nói về chúng ta nữa. Chúng ta được kể là công chính khi đặt niềm tin vào Đấng đã làm cho Đức Chúa Giêxu, Chúa chúng ta sống lại từ cõi chết” (23–24). Và đức tin của chúng ta được chứng minh khi tin rằng Đức Chúa Giêxu “… đã bị phản, bị nộp vì tội chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được xưng công chính” (25). Đó là mục tiêu lòng tin quyết mà chúng ta phải có để được xưng công chính bởi đức tin.
Từ đoạn 1 tới 4, Phaolô đã nói ra sự thật là người ta chỉ có thể nhận được sự cứu rỗi bởi đức tin. Đoạn 5 nói đến mục tiêu của đức tin đó. Chữ đức tin không được nhắc đến từ 5:2 trở đi (tới 9:30 mới dùng lại), trong khi đó tên Đấng Christ chỉ được nhắc tới 5 lần từ đầu sách tới 4:24, bây giờ Phaolô nhắc đến 10 lần trong đoạn 5. Được xưng công chính bởi đức tin khiến chúng ta được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ. Không phải chúng ta tự đi đến với Đức Chúa Trời, nhưng là Đức Chúa Giêxu đã dẫn chúng ta tới Đức Chúa Trời để hưởng ân điển; chúng ta được ơn ấy qua sự chết của Ngài. Như vậy sự hoà thuận với Đức Chúa Trời mà chúng ta có không phải trên căn bản ta tạo ra nhưng trên căn bản những gì Đấng Christ đã thực hiện cho chúng ta, để chúng ta hân hoan trong niềm hi vọng được chiêm ngắm vinh quang của Đức Chúa Trời (5:2).
Nguyên nghĩa của chữ ‘gian khổ’ là ‘áp lực.’ Nó là các lực từ bên ngoài xô đẩy lấn ép chúng ta, mong rằng chúng ta nhượng bộ đồng hoá với thế gian. Nhưng Phaolô nói rằng những áp lực đó lại khiến chúng ta vui mừng vì nó sản sinh ra trong ta tánh kiên nhẫn, đức tính và hi vọng, là những phẩm cách thánh thiện đẹp lòng Chúa. Chúng ta lại biết mình được Chúa yêu thương vì Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta đem tình yêu ấy đến đổ đầy trong lòng ta (5:3–5).
Nếu có ai thắc mắc rằng ‘Làm thế nào mình biết được mình sẽ không bị thất vọng? Làm sao để biết rằng Đức Chúa Trời sẽ đem chúng ta qua những hoạn nạn thử thách để làm thành trong ta hình ảnh của Đấng Christ và sẽ đem chúng ta đến sự cứu rỗi vĩnh viễn?’ Phaolô nêu ra các lý do chúng ta chắc chắn nhận được sự cứu rỗi trong các câu 5:6–10: “6 Thật vậy, đang khi chúng ta không có sức tự cứu, Đấng Christ đã đến đúng kỳ hạn, chịu chết thay cho người có tội. 7 Ít có ai chịu chết vì người công chính, may ra mới có người dám chết vì người lành. 8 Thế mà, Đức Chúa Trời chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi, Đấng Christ chịu chết vì chúng ta. 9 Huống chi, nay đã nhờ huyết Ngài được xưng công chính, chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài cứu khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. 10 Vì ngay khi chúng ta còn là thù nghịch mà được giải hoà với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài, huống chi nay đã được hoà giải rồi, chắc chắn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Con Ngài.”
Câu 11 đưa ra lý do nữa để chúng ta hân hoan: “Không những thế, chúng ta còn hân hoan trong Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta, vì hiện nay Ngài làm cho chúng ta được hoà thuận với Đức Chúa Trời.” Chữ ‘hoà thuận’ nguyên văn là ‘phục hoà.’ Nó có nghĩa là được thay đổi, từ một tội nhân thù nghịch với Đức Chúa Trời, nay sự chết của Đấng Christ thay đổi tình trạng ấy. Đức Chúa Trời có thể tự do hoà thuận với loài người mà không tổn hại tới đức thánh khiết và công nghĩa của Ngài. Sự công chính của Chúa được hoàn toàn thoả mãn. Phục hoà là làm thay đổi loài người trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta phải chịu tiếp nhận sự phục hoà ấy thì mới có thể được hưởng tất cả phúc lợi của sự chết Đấng Christ đem lại.
BHKTRoma04–5.doc
Rev. Dr. CTB