Tin Dữ, Tin Mừng

Rôma 3:1–31

Tin dữ hoặc tin buồn đã được nói đến trong đoạn 1, đó là chẳng ai trong nhân loại đạt được những điều kiện Đức Chúa Trời đòi hỏi để được xưng công nghĩa, vì thế mọi người đều bị thiên đàng đoán phạt.  Những câu 1–8 là trả lời của Phaolô về các điều những người Giuđa chống đối có thể cáo buộc lời ông đã nói trong đoạn 2; họ hỏi, “Vậy, người Giuđa có ưu thế gì, phép cắt bì có lợi ích gì?” (1), nghĩa là, nếu người Dothái với người ngoại bang đều như nhau trước mặt Đức Chúa Trời, thì người Dothái đâu có ưu thế gì, và phép cắt bì cũng chẳng ích lợi chi cả. “Có nhiều chứ, về đủ mọi mặt! Trước hết lời phán truyền của Đức Chúa Trời được uỷ thác cho họ.” Phaolô trả lời (2) chẳng phải Đức Chúa Trời chỉ ban cho người Dothái những lời sấm truyền của Ngài, mà họ là những người có nhiệm vụ truyền đạt lời sấm truyền ấy.  Đồng thời không phải Chúa đã xong chương trình của Ngài cho Israel; ngoài một số điều đã ứng nghiệm, họ còn có một tương lai huy hoàng đang đến trong chương trình của Chúa.

“Nhưng nếu có một số người Dothái thất tín thì sao? Sự thất tín của họ có làm cho đức thành tín của Đức Chúa Trời ra vô hiệu không?” (3) Thất tín có thể dịch là không có đức tin.  Lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ sai Đấng Cứu Chuộc đến cho người Dothái không bị thất bại bởi lòng cố ý bất tuân và cự tuyệt của họ.  Mọi lời hứa của Ngài về tương lai của dân tộc ấy sẽ ứng nghiệm để Chúa được vinh hiển, mặc dù họ không tin.  Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy, những lời hứa của Chúa cho chúng ta không tuỳ thuộc vào sự trung tín của chúng ta.  Nếu tuỳ thuộc trên chúng ta, thì chắc mình chẳng nhận được gì hết. “Tuyệt nhiên không! Đức Chúa Trời là chân thật trong khi mọi người đều giả dối, như có chép: ‘Hầu cho Chúa được xưng là công chính khi Ngài phán, và khi tranh chấp, Ngài đắc thắng’” (4).  Người Dothái chân chính sẽ được vinh quang trong các ơn phước tương lai của Chúa cho dân tộc Israel, họ có thể tin rằng sự thành tín của Ngài không thể bị ảnh hưởng bởi tánh nết tội lỗi của người ta.  Người nào nêu nghi vấn nầy (3) bị Chúa vạch ra là kẻ giả dối; bởi vì sự thành tín của Chúa là thật và không thể thay đổi được.

Một số người đã dựa vào câu 5 để biện hộ cho sự phạm tội của họ là: Nếu Đức Chúa Trời sử dụng sự bất chính (tội lỗi) của người để đem vinh quang đến cho Ngài, thì Ngài không thể trừng phạt tội nhân được.  Phaolô đưa câu nầy ra theo cách lý sự của loài người là: “nếu sự không công chính của tôi bày tỏ sự thành tín vô hạn cao quý tuyệt vời của Đức Chúa Trời trong ân điển Ngài thì làm sao Ngài có quyền phán xét tôi?”  Phaolô trả lời: “Tuyệt nhiên không! Nếu bất công, làm thế nào Đức Chúa Trời đoán xét thế gian được?” (6). Nếu Đức Chúa Trời không có quyền phán xét người Dothái, vì tội lỗi của họ chỉ bày tỏ ân sủng của Ngài, thì Ngài chẳng có quyền phán xét ai, kể cả người ngoại bang.  Những người Dothái chỉ trích Phaolô không dám tiến xa hơn, vì đối với họ, mọi người ngoại bang đều phải bị định tội và trừng phạt.  Những người Dothái vu khống rằng Phaolô đã dạy những lời của hai câu 7–8, Phaolô nói rằng họ bị trừng phạt là xứng đáng.

(9) Ông lại nói rằng người Dothái chẳng hơn ai, bất cứ dân tộc, giai cấp, tầng lớp nào đều ở dưới tội lỗi.  Ở dưới tội lỗi có nghĩa Người là tội nhân a) bởi hành động, b) bởi bản chất, c) bởi sống trong tội lỗi.  Vì Kinh Thánh đã cho biết thực trạng của người trong các câu 10–18.  Nếu ai muốn hoà thuận với Đức Chúa Trời, thì người đó phải tuân theo luật Ngài đặt ra. Chúa không bắt ai phải nhận ơn cứu độ của Ngài.  Mọi người đều có quyền chọn chấp nhận hay không.  Chúng ta có thể diễn giải Lời Chúa như sau:  “Đây là vũ trụ của Ta.  Ngươi đang sống trong thế giới Ta lập ra, sử dụng mặt trời, không khí, và nước Ta làm ra. Ta đã lập một chương trình cứu độ bày tỏ chính xác bản chất của Ta, và chương trình đó sẽ được thực hiện.  Ngươi là tội nhân, nhưng Ta muốn cứu ngươi vì Ta yêu thương ngươi.  Bây giờ, chương trình đó Ta đặt trước mặt ngươi đây, nếu ngươi nhận thì Ta ban cho, nếu ngươi từ chối thì đừng đổ lỗi cho ai hết.”

Hai câu 19, 20 nói về vai trò của Luật-pháp.  Luật-pháp nói ở đây là Kinh Cựu Ước chủ yếu

nhắm vào những người ở dưới Luật-pháp, tức là người Dothái, là người đã bẻ cong mục đích của Luật-pháp; bởi vì Luật-pháp không bao giờ nhằm khen người ta trước mặt Chúa, mà để lên án họ  Vì vậy, ai cố vâng giữ Luật-pháp để được xưng công chính cũng giống như người nhảy ra không gian mà không đeo dù, lại đeo bao ximăng sau lưng.  Luật-pháp được đặt ra để chứng tỏ cho loài người biết họ là tội nhân nằm dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Luật-pháp đưa ra tiêu chuẩn về công chính, để cho biết rằng họ không thể làm theo; họ phải tìm một nguồn công nghĩa ngoài mình.  Đó là ý nghĩa của mọi tế lễ trong Cựu Ước.  Luật-pháp ban ra không nhằm cứu người, mà để cho loài người thấy rằng họ cần một Vị Cứu Tinh.

Phần còn lại (21–31) trình bày sự công chính của Đức Chúa Trời ban cho. Sự công chính mà Phaolô nói ở đây không phải là thuộc tính của Đức Chúa Trời.  Nó là sự công chính do Ngài ban cho. Ấy là Đấng Christ đã trở thành sự công chính của chúng ta (1Côr. 1:30; 2Côr. 5:21).  Không ai có thể làm gì để đạt được sự công chính ấy.  Mọi người, không phân biệt ai, đều được ban cho sự công chính bởi lòng tin nơi công tác chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, không phải nhờ làm theo Luật-pháp, vì mọi người đều đã phạm tội, chẳng ai xứng đáng hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời (21–23).  “Họ được xưng công chính do ân điển Ngài cho không, nhờ công trình cứu chuộc đã hoàn tất trong Đức Chúa Giêxu Christ” (24).  Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm tế lễ chuộc tội để thoả mãn đòi hỏi về công chính của Luật-pháp; vì thế, dù Đức Chúa Trời vì tình yêu thương tha tội cho loài người, Ngài vẫn là Đấng Công Chính vì nợ tội đã được trả xong.  Chẳng những thế thôi, những tội phạm trước kia được Ngài nhẫn nhịn tạm gác một bên nay cũng được huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu Christ xoá bỏ hết (25).

Đức công chính của Đức Chúa Trời chứng minh cho toàn vũ trụ thấy Ngài là công chính.  Vì thế, hễ ai đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giêxu đều được Đức Chúa Trời xưng là công chính (26). Có ai tự hãnh diện được không?  Chẳng ai hãnh diện được cả, bởi vì không ai có thể căn cứ trên việc làm công đức của mình để được kể là công chính, mà chỉ nhờ đức tin mà thôi (27). Chúng ta thấy đức công chính của Đức Chúa Trời vừa chứng minh Ngài là công chính, vừa hoàn tất sự cứu rỗi chúng ta, là những người có đức tin nữa.  Vì chúng ta chẳng ai có khả năng làm trọn theo những gì Luật-pháp dạy (28). Cho nên Đức Chúa Trời xưng công chính cho người không chịu cắt bì mà có lòng tin, cũng xưng công chính cho người chịu cắt bì có lòng tin nữa (29–30).  Tin mừng đã được rao ra, vì Luật-pháp nói đến ở đây là toàn bộ sự khải thị của Kinh Cựu Ước về Đấng Christ sẽ đến để hoàn thành Luật-pháp.  Sự tin Đức Chúa Giêxu Christ của chúng ta không làm huỷ bỏ Luật-pháp, mà củng cố nó, vì Đấng Christ đã thay cho mọi người hoàn thành Luật-pháp (31).

Nan đề của nhiều người ngày nay không phải vì trở thành một Cơ-đốc-nhân là quá khó, mà là quá dễ dàng.  Người ta thường nghĩ rằng họ phải cống hiến một chút gì đó của công lao họ để được xứng đáng nhận ân huệ.  Nhưng Đức Chúa Trời cho loài người biết rằng mọi việc thiện của họ bị xem như giẻ bẩn trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp…” (Êsai 64:6).  Nghĩa là càng làm công đức chừng nào, chúng ta càng làm cho Chúa tởm lợm chừng nấy.

Rôma 3 giúp chúng ta rút tỉa được vài điều về đức công chính theo ý Đức Chúa Trời.  Trước hết, người Dothái chẳng có gì để khoe khoang, vì ơn cứu chuộc là một món quà, không phải giải thưởng.  Và cả người Dothái lẫn ngoại bang đều nhận lãnh ơn ấy bởi đức tin.  Kế đến, Tin Mừng về đức Công Chính của Đức Chúa Trời không làm cho Luật-pháp ra vô ích, bởi vì Luật-pháp vẫn là tiêu chuẩn của sự công nghĩa, và nó chẳng bao giờ có thể làm phương tiện để được cứu rỗi. Nó bày tỏ cho chúng ta thấy mình bị định tội; điều đó thúc giục chúng ta vất bỏ thứ giẻ bẩn công đức của mình và chỉ tin cậy Đức Chúa Giêxu Christ, là sự cứu rỗi của chúng ta, mà thôi.

BHKTRoma03.doc

Rev. Dr. CTB