Nếp Sống Mới (3)

Êphêsô 5:10 – 20

Vì đã có các hoa trái của Đức Thánh Linh, tín hữu “hãy suy nghiệm cho biết điều gì đẹp lòng Chúa.” (10) Suy nghiệm là siêng năng xem xét và tìm kiếm những gì Đức Chúa Trời đã khải thị về ý muốn của Ngài; hãy chứng tỏ mình thuận với ý muốn ấy bằng cách làm theo những điều đó. Không phải chỉ tránh những gì không đẹp ý Chúa, những còn phải tìm kiếm những gì Ngài chấp nhận; xem xét Kinh Thánh với quan điểm nầy sẽ giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.  Phô bày hoa trái của Đức Thánh Linh giúp chúng ta không dính líu vào những sự ham muốn của xác thịt.  Lời dặn “đừng dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm” có nghĩa là không nên dính líu với tội lỗi và giao du quá thân thiết với người đang miệt mài phạm tội (11).  Tội lỗi là việc làm của sự tối tăm; tối tăm do ngu dốt, do dựa vào bóng tối để hành động, và các việc đó dẫn tới vùng tối tăm của âm phủ.  Công việc của sự tối tăm là vô ích vì chẳng sinh ra kết quả tốt nào.  Những gì tội lỗi đạt được là quá nhỏ so với sự mất mát vô cùng lớn ở hoả ngục, nơi người phạm tội bị trừng phạt.

Chẳng những chúng ta không thực hiện các hành vi tội lỗi mà còn không can dự vào chúng nữa.  Sự can dự nằm trong nhiều mặt: đề nghị, cố vấn, đồng lòng, hoặc che giấu.  Nếu ai dính líu với người nào đó trong tội lỗi của họ, thì cũng sẽ dự phần với họ trong tai hoạ.  Giao du quá thân thiết với người miệt mài trong tội lỗi, chúng ta có nguy cơ sẽ hành động giống như thế hoặc tham dự vào tội lỗi của họ.  Để khỏi dự vào thì “hãy phơi bày những việc ấy ra ánh sáng.” (11) Hàm ý của câu nầy là nếu chúng ta không quở trách việc làm tội lỗi, có nghĩa là đồng loã với tội lỗi ấy.  Phơi bày hoặc quở trách là hết sức thuyết phục người sắp phạm tội, chỉ cho họ thấy việc làm đó là tội lỗi.  Chúng ta chỉ có thể khuyên người khác đừng phạm tội nếu đời sống mình thánh khiết.

Một lý do phải làm như vậy là “vì chỉ nói đến những điều họ làm cách thầm kín cũng đã xấu hổ rồi.” (12) Những việc tội lỗi làm lén lút là ô uế, đáng tởm; thậm chí nói tới cũng thấy xấu hổ ngượng ngùng, ngoại trừ khi phải quở trách, huống chi can dự vào thì còn xấu hổ biết bao. Lý do khác nữa để phải phơi bày là vì “dưới ánh sáng, mọi việc đều phơi bày rõ ràng, và điều gì minh bạch rõ ràng, sẽ sáng.” (13) Ánh sáng ở chỗ nầy nói về sự sáng của Lời Đức Chúa Trời, và minh chứng của sự sáng đó qua cách trò chuyện của tín hữu, là phương cách thích hợp cho tội nhân có thể thấy được tội lỗi và bản chất gian ác trong họ đáng xấu hổ như thế nào.  Chính ánh sáng phơi bày việc vốn nằm trong bóng tối; đời sống minh bạch rõ ràng của Cơ-đốc-nhân hoàn toàn tương phản so với sự ô uế của tội lỗi, là ánh sáng phơi trần sự dơ dáy của việc làm lén lút ám muội.

Ý nghĩa của phần vừa xem xét trên có thể diễn ý như sau: “Những việc làm vô ích của sự tối tăm mà anh em được gọi để quở trách, phơi bày, bằng ánh sáng của giáo lý hoặc lời của Chúa qua môi miệng anh em, là con cái trung tín, sẽ khiến cho tội nhân thấy được bản chất thật của họ;  ánh sáng soi đường chỉ có thể toả ra từ nếp sống thánh khiết và gương mẫu của anh em mà thôi.” Vị sứ đồ nói tiếp “làm như vậy, anh em bắt chước Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng đánh thức các tội nhân, khiến họ sống lại từ cái chết của tội lỗi để họ có thể tiếp nhận ánh sáng từ Đấng Christ” (14 = Êsai 60:1).  Thức dậy theo ý Đức Chúa Trời nghĩa là phải từ bỏ tội lỗi bằng sự ăn năn, tập sự vâng lời thánh khiết.  Lời hứa Đấng Christ chiếu sáng nghĩa là Ngài sẽ đem người đó đến tình trạng hiểu biết, thánh khiết, ban cho một tâm trí vui mừng và bình an ở trần thế, và thưởng cho sự vinh quang ở cõi đời đời.

Cách khác nữa để chống lại tội lỗi là thận trọng (15), nghĩa là duy trì nếp sống thanh khiết và thánh sạch, trung tín với bổn phận mình, kỹ lưỡng tự xét cách hành xử của bản thân trước khi quở trách người khác về tội lỗi của họ; “người dại” bước đi lang bang, không hiểu biết chút gì về giá trị của linh hồn mình, cẩu thả, bừa bãi, tự huỷ phá mình. “Người khôn” được Đức Chúa Trời dạy dỗ và ban cho sự khôn ngoan từ thiên đàng.  Việc bước đi thận trọng là hiệu quả của sự khôn ngoan thật, trái với hậu quả cay đắng của người ngu muội. “Lợi dụng thì giờ” (16) là tận dụng cơ hội, giống như các nhà buôn luôn luôn nắm lấy thời cơ để được lợi nhiều nhất.  Tín đồ khôn khéo là người biết quản lý giỏi thì giờ, tình thế; biết xem xét cải tổ công việc để đem lại kết quả to lớn nhất.  “Lợi dụng thì giờ” cũng có nghĩa là cảnh giác đối với những sự cám dỗ, làm điều thiện mỗi khi có thể, tận dụng ân điển đang có.  Thời gian là vốn liếng Chúa ban cho chúng ta nhằm mục tiêu tốt; chúng ta sử dụng sai trật hoặc phí phạm thì giờ khi dùng không đúng theo cách Chúa đã sắp đặt.  Nếu chúng ta vẫn thường bỏ phí thời gian, thì bây giờ hãy siêng năng gấp hai để chuộc lại qua sự thực hiện nhiệm vụ của mình trong tương lai.

Lý do được nêu ra là “vì những ngày là xấu.”  Có nghĩa là hoặc đây là thời kỳ có nhiều kẻ ác đang lộng hành, hoặc là đang có nhiều khó khăn hay nguy hiểm trong thời chúng ta đang sống, vì thư được viết ở thời điểm Hội Thánh bị bách hại và Phaolô đang bị giam cầm; cho nên, ý nghĩa của câu nầy khá rõ ràng trong bối cảnh của thư.  Tuy nhiên, khi áp dụng vào thời kỳ hiện nay của chúng ta thì đây là lời khuyên rất hợp thời. Vẻ yên ổn bề ngoài của xã hội chúng ta đang sống chỉ là giả tạo; những mối hiểm nguy tiềm tàng trong một xã hội đa cực, nhiều chủ thuyết kịch liệt đối kháng nhau giữa các thế lực chính trị hay tôn giáo cuồng tín, có thể bùng nổ thành bạo lực bất cứ lúc nào.  Hơn nữa, với trào lưu chuộng thuyết tiến hoá dối trá, chống nghịch Đấng Tạo Hoá ngày càng tăng ở các xã hội khoa học tân tiến, sự tấn công và cấm đoán đức tin vào ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu Christ chắc chắn sẽ đến.  Chúng ta hãy tận dụng thì giờ và cơ hội rao giảng đạo cứu rỗi của Chúa, vì không biết khi nào chúng ta sẽ gặp sự bất lợi.

Cho nên “đừng nông nổi, nhưng phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời” (17) ra sao bằng cách học hỏi, suy gẫm và làm quen với ý muốn của Ngài đã bày tỏ rõ ràng qua Kinh Thánh; xác định nhiệm vụ của mình.  Sự dốt nát về bổn phận, cẩu thả bỏ bê linh hồn là dấu hiệu của người cực kỳ nông nổi, dại dột.  Sự khôn ngoan thật là siêng năng tương giao với Chúa để biết ý muốn tốt lành của Ngài và tuân theo ý muốn ấy.  Các câu tiếp theo là những lời khuyên, lời cảnh cáo về một số tội lỗi cụ thể.

“Đừng say rượu, vì say sưa là phóng đãng.” (18) Say rượu thường kèm theo những chuyện phóng đãng khác, khi người say không còn khả năng kềm giữ thú tánh.  Phóng đãng luông tuồng là tội Chúa rất ghét, vì nó là một cản trở rất lớn cho sự sống tâm linh.  Say rượu, phóng đãng vẫn luôn là tội mà người chưa tin Chúa thường xuyên phạm phải.  Nếp sống vô trật tự và không tỉnh táo hoàn toàn trái ngược với cách ăn ở đàng hoàng tươi tỉnh của người biết tận dụng thì giờ.  Say rượu là hậu quả của sự chủ động uống rượu quá mức; còn việc “đầy dẫy Đức Thánh Linh” là ước muốn chủ động của người muốn được Chúa sử dụng, không phải là ơn ban do may rủi; ai ao ước phải tích cực chủ động dọn lòng, cầu xin để được Ngài đổ đầy.  Chúng ta không thể hài lòng với tình trạng chỉ có một chút lượng Thánh Linh.

Người say rượu hay hát những bài bậy bạ tục tĩu do tính phóng đãng thúc giục.  Nhưng niềm vui của con cái Chúa biểu lộ qua các bài hát ca ngợi Đức Chúa Trời.  Biểu lộ đó được Chúa chấp thuận và đẹp lòng (19) vì ấy là lễ nghi thờ phượng theo chỉ dẫn của Chúa từ thời Cựu Ước.  Dâng lên Chúa những giai điệu ca ngợi từ tâm hồn do tình yêu mến Ngài sâu đậm trong lòng.

Cảm tạ Chúa là một bổn phận nữa mà vị sứ đồ khuyên nên làm.  Chúng ta được khuyên hãy dùng những ca khúc, thơ, nhạc mà đối đáp với nhau và tôn vinh ngợi khen Chúa.  Việc đó không thể diễn ra luôn luôn không ngừng, nhưng lòng tạ ơn Chúa thì có thể có và phải có trọn đời sống của chúng ta.  Chúng ta cảm tạ Chúa về “mọi sự” (20), không phải chỉ cảm tạ về hạnh phúc vĩnh cửu và các ơn phước tâm linh, nhưng còn là các ơn thương xót hiện thời; không phải chỉ cảm tạ về những sự an ủi, mà còn về những nỗi đau khổ để thánh hoá chúng ta; chẳng những về sự cung ứng các nhu cầu cấp bách của chúng ta, mà còn cảm tạ về các sự nhân từ và ân huệ của Chúa đối với người khác nữa.  Trong mọi việc, chúng ta nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ mà dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Epheso12.docx

Rev. Dr. CTB