Bài Học Lịch Sử
1Côrinhtô 10:1–13
Để thuyết phục tín hữu ở Côrinhtô lánh xa sự liên hệ với những người thờ cúng thần tượng, và tránh xa những con đường tội lỗi, Phaolô nêu ra những gương của người Israel, là biểu tượng của Hội Thánh ở thời Cựu Ước. Người Israel có những đặc quyền không ai khác có được, nhưng vì phạm lỗi trầm trọng, họ bị trừng phạt nặng nề. Phaolô không muốn tín hữu chẳng biết hoặc bỏ lơ những bài học lịch sử. Dothái giáo chính là Cơ-đốc-giáo bị che khuất sau bức màn. Tin mừng được rao giảng cho dân Israel qua các nghi lễ luật pháp và tế lễ, cũng như qua sự cung ứng của Chúa cho họ. Mặc dù có các đặc quyền, những gì đã xảy ra cho họ phải là một sự báo động cho chúng ta ngày nay phải biết hết sức cẩn thận trong nếp sống đức tin của mình.
Ông nêu ra vài đặc quyền cụ thể của họ: Sau khi được giải thoát khỏi kiếp nô lệ ở Aicập, họ “đều đã ra đi dưới đám mây, ngang qua biển” (1); có nghĩa là họ được sự che chở thiên thượng. Mây phục vụ cho hai mục đích: Có lúc cuộn lại thành một trụ mây một phía thì chiếu sáng để chỉ đường, phía kia thì đen kịt để che khuất họ khỏi kẻ thù đang rượt theo (Xuất 14:19–20); có lúc thì trải rộng ra trên đầu họ thành tấm màn vững chắc che ánh nắng thiêu đốt nơi sa mạc (Thi 105:39a). Họ được dẫn dắt đi ngang qua Biển Đỏ cách kỳ diệu, nhưng quân Aicập thử đi qua đều bị chết đuối. Đường đi ngang qua Biển Đỏ là đường đi cho họ, nhưng là mồ chôn của kẻ thù; một biểu tượng về ơn cứu chuộc chúng ta bởi Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng cứu chúng ta bằng cách tiêu diệt kẻ thù của chúng ta, cũng là kẻ thù của Ngài.
Họ cũng đã nhận các bí tích như chúng ta “họ đã chịu báp-têm trong mây và dưới biển, để theo Môise. Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, cùng uống một thứ nước thiêng liêng” (2–4) mà chúng ta được ăn ngày nay. Bánh mana họ ăn lúc ấy là biểu tượng thân thể của Đức Chúa Giêxu bị đóng đinh, là bánh xuống từ trời, để ai ăn đều được sự sống đời đời. Nước uống của họ chảy ra từ một “Vầng đá thiêng liêng đi theo họ” suốt cuộc hành trình trong hoang mạc, “Vầng đá ấy là Đấng Christ” mà Hội Thánh được xây lên trên, và các dòng nước chảy ra từ Ngài, là Đức Thánh Linh, thì mọi Cơ-đốc-nhân ngày nay đều được uống.
Sự kiện toàn dân cùng ăn một thứ bánh từ trời ban cho và cùng uống một dòng nước thiêng liêng chảy ra cách siêu nhiên từ một Vầng Đá là biểu tượng cho mọi con cái Chúa ngày nay phải được nuôi dưỡng bởi đồng một nguồn lương thực thiêng liêng: Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1), là bánh hằng sống từ trời (Giăng 6:33, 35), phải là nguồn lương thực duy nhất cho đời sống tâm linh của mọi tín hữu ở mọi Hội Thánh. Không ai được phép dùng bất cứ lời nói nào của loài người hoặc nguồn tư tưởng nào khác làm bài giảng dạy cho tín hữu của Hội Thánh; cũng không thể dùng một sự khôn ngoan, kế hoạch nào khác từ ý tưởng loài người đem thay thế cho quyền phép và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh đối với Hội Thánh. Chúng ta phải cùng nhau được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, được điều động, dẫn dắt, dạy dỗ, ban sự tươi mới bởi một Đức Thánh Linh, là nước từ Vầng Đá Đấng Christ tuôn ra cho chúng ta.
Người Israel được ăn và uống những món tiêu biểu cho các điều thuộc linh, đáng lẽ phải là thánh khiết và được Đức Chúa Trời chấp nhận. Trái lại “hầu hết những người đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời, họ đã phải bỏ xác nơi sa mạc” (5). Hình ảnh bỏ xác trong sa mạc là biểu tượng về việc bị Chúa loại trừ không được vào yên nghỉ trong thiên đàng của Ngài sắm sẵn cho những người tin và vâng lời (Hêbơrơ 4:1–6). Chúng ta có thể vui hưởng ơn phước thuộc linh trong đời nầy chung với Hội Thánh của Chúa; nhưng có thể giống như hầu hết những người Israel xưa sống không đẹp lòng Đức Chúa Trời, vẫn bị mất sự sống đời đời.
“Những việc đã xảy ra đó làm gương cho chúng ta, để chúng ta đừng ham muốn những điều xấu xa như họ” (6). Đức Chúa Trời đã cho họ bánh thiêng liêng để ăn, nhưng họ đòi phải có thịt cá và đủ thứ gia vị của thời nô lệ, không hài lòng với lương thực từ trời nuôi họ sống giữa chốn không tìm đâu ra thức ăn (Dân số 11:4–6; Thi 78:18). Tánh tự nuông chiều mở đường cho những sự ưa muốn của xác thịt làm chủ, và là nguồn gốc của nhiều tội lỗi. Tội thờ tượng con bò bằng vàng (Xuất 32:6) dẫn tới các tội dâm dục (7). Sứ đồ Phaolô muốn cảnh tỉnh tín hữu tại Côrinhtô, vì họ bị cám dỗ ăn của cúng thần tượng mặc dù họ không tham dự vào cuộc cúng tế. Ông cảnh giác họ về tội gian dâm (8) vì dân Côrinhtô nổi danh về việc nầy; với chứng cớ là đền thờ Venus có hàng ngàn nữ tế sư làm gái mãi dâm. Hai vạn ba ngàn người Israel đã chết vì tội ấy (Dân 25).
“Cũng đừng thử thách Chúa như mấy người trong số đó, để rồi bị rắn cắn chết” (9). Trong khi Chúa vẫn đi trước để bảo vệ, che chở họ, dân Israel lại nổi lên chống nghịch Ngài và Môise mà rằng “Sao ông đem chúng tôi ra khỏi Aicập để chết trong sa mạc nầy? Ở đây chẳng có bánh chẳng có nước, và chúng tôi đã chán ngấy loại bánh đạm bạc nầy” (Dân 21:5–6). Nhiều người đã bị rắn lửa cắn chết vì tội ấy. Tín hữu nào ngày nay dám nói nghịch Đấng Christ không biết là có thể bị Ngài bỏ lại cho quyền lực của con rắn đời xưa trong vườn Êđen. Phaolô cũng cảnh cáo tín hữu đừng càu nhàu oán trách Chúa khi gặp trở ngại thử thách trong cuộc sống, mà bị thiên sứ huỷ diệt giết chết như dân Israel ngày xưa (10) (Dân 14:36–37).
Việc tương tự có vẻ đã diễn ra ở Côrinhtô; vì dùng Phaolô làm đòn kê, họ có những lời oán trách Chúa, và dự định sẽ đề cử các giáo sư khác, những người nói những lời êm tai chiều theo ý hướng của họ, đặc biệt là liên quan tới việc ăn uống đồ đã cúng cho hình tượng, để khỏi bị hàng xóm ngoại đạo trách móc. Lời càu nhàu oán trách các mệnh lệnh và sự hướng dẫn thiên thượng là một tội rất nặng chọc giận Chúa, đặc biệt là khi nó đưa người ta đến sự bội đạo, khiến cho sự huỷ diệt chính mình xảy đến nhanh hơn.
Không phải chỉ là vấn đề luật pháp và các luật lệ của người Dothái là “các việc đã xảy ra cho họ……. được ghi chép lại để răn dạy chúng ta là những người sống vào thời đại cuối cùng” (11), mà điều điển hình nữa là sự phản nghịch của họ đối với những sự cung ứng của Chúa; giống hệt như sự bất trung của nhiều người đang ở dưới Tin Lành vào thời nay. Như vậy, lịch sử của dân Israel được chép lại để làm gương cho Hội Thánh biết giữ mình. Không điều gì chép trong Kinh Thánh mà không có mục đích. Đức Chúa Trời làm ơn khi để lại lịch sử người Dothái cho chúng ta suy gẫm. Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là phải biết rút ra những giáo huấn từ lịch sử ấy.
“Cho nên, ai tưởng mình đứng, hãy thận trọng kẻo ngã” (12), là lời khuyên hết sức hữu ích. Những tổn hại xảy đến cho người khác phải là gương cẩn trọng cho chúng ta: Vì người dễ ngã nhất là người quá tự tin vào sức mạnh của mình mà không cảnh giác. Nếu nhiều người đã phạm những tội khó phạm, thì cũng có thể xảy ra cho chúng ta. Ma quỷ cám dỗ dễ nhất là khi chúng ta tự tin khả năng chống trả của mình. Một đạo quân bị đánh bại khi các chiến sĩ gác khí giới, cởi giáp nghỉ ngơi vì tưởng rằng không còn hiểm nguy. Chúa không hứa sẽ giữ chúng ta khỏi ngã nếu chúng ta thiếu cảnh giác. Sự bảo vệ của Ngài nhằm giúp chúng ta cẩn thận tự lo cho mình.
Dù Chúa không vui lòng khi chúng ta cho là mình vững vàng, Ngài cũng không muốn chúng ta tuyệt vọng. Vì tâm lý tuyệt vọng là không tin vào thiện ý và khả năng cứu giúp của Chúa. Mặc dù chúng ta phải cẩn thận để không bị vấp ngã, nhưng không phải vì thế mà kinh hoảng hay ngạc nhiên. Phao lô cho biết rằng hoặc là những sự thử thách của chúng ta sẽ vừa với sức chịu đựng của chúng ta, hoặc là Đức Chúa Trời sẽ ban khả năng và sức lực đủ cho chúng ta đương đầu với mức độ của cơn thử thách (13). Thế giới mà chúng ta đang sống thì đầy những cạm bẫy. Mỗi nơi mỗi hoàn cảnh, mỗi mối liên hệ, mỗi công việc làm ăn, và mỗi sự thụ hưởng quanh chúng ta đều có những mối hiểm nguy tiềm tàng. Nhưng chúng ta vui mừng biết mấy, khi biết chắc Cha Toàn Năng và đầy yêu thương luôn ở cạnh bên con cái của Ngài để giúp chúng ta thoát khỏi các cạm bẫy đó trong cuộc sống mỗi ngày.
1Corinhto15.docx
Rev. Dr. CTB