Duy Trì Kỷ Luật

1Côrinhtô 5:1–13

Trong phần nầy, sứ đồ Phaolô quở trách các tín hữu tại Hội Thánh Côrinhtô về việc họ dung dưỡng người đã phạm tội trọng.  “Nghe nói trong anh em có chuyện dâm loạn, cả đến dân ngoại cũng không dâm loạn đến thế: có người lấy vợ kế của cha mình” (1).  Khi tín hữu phạm tội nặng, mọi người nhanh chóng để ý và tin tức được lan truyền nhanh hơn gió.  Lúc Phaolô được hay tin, thì chắc rằng cả thành phố Côrinhtô đều biết, Hội Thánh đã mang nhục.  Đây có thể là lấy vợ kế hoặc vợ lẽ của người cha đã qua đời; hoặc người đàn bà ấy bỏ chồng, rồi người con cưới làm vợ mình; bất kể tình trạng người cha và người đàn bà ấy ra sao, không một người con nào có thể ăn ở với một người đã từng làm vợ cha mình.  Đàn bà cũng không được phép ăn ở với người đã là chồng của mẹ mình.  Tội ấy gọi là loạn luân.  Mặc dù người Côrinhtô nổi tiếng phóng đãng, nhưng tội dâm loạn loại ấy chưa xảy ra giữa vòng người chưa tin Chúa.  Khi việc đó xảy ra, mọi người có đạo đức đều choáng váng, ghê tởm.  Nó lại do một thành viên của Hội Thánh gây ra; vì thế, Hội Thánh bị mang tiếng xấu nặng hơn.

Người ấy rất có thể là lãnh đạo của một phe phái chứ không phải là một tín đồ thường.  Bởi vì không Hội Thánh nào vào thời các sứ đồ lại dung dưỡng một tội ác như vậy.  Có thể đó là một người ăn nói lưu loát, có nhiều tri thức, được nhiều người rất nể trọng, ủng hộ và hãnh diện là có một người lãnh đạo giỏi.  Đó là lý do khiến số người ấy thay vì buồn rầu khi người ấy sa bại, và khóc cho sự nhục nhã của Hội Thánh; nhưng “vẫn kiêu căng, không biết than khóc và loại trừ kẻ làm điều đó” (2).  Sự tự hào và tự ái thường ẩn giấu dưới sự kính trọng quá mức đối với người nào đó, khiến cho chúng ta mù loà đối với lỗi lầm của họ cũng như của chính mình.  Tính khiêm tốn thật sẽ giúp chúng ta thấy được và nhìn nhận lỗi lầm của mình hoặc của người khác.  Người kiêu ngạo thì hoặc là hoàn toàn không để ý, hay là khéo léo nguỵ trang tội lỗi, hoặc bịp bợm để người ngoài tin rằng đó là nghĩa cử cao đẹp, không phải chuyện đồi bại.

Cũng có thể là phe đối nghịch lấy làm khoái trá hả hê về sự sa bại của người ấy, hãnh diện vì cho rằng mình thánh khiết hơn.  Khoái trá về sự phạm tội của người khác là điều ác tệ; rất có thể đây là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ tại Côrinhtô.  Nếu thế thì hậu quả của sự chia rẽ làm cho họ có khuynh hướng vui thích trước tội lỗi của phe đối nghịch.  Chúng ta cần cảnh giác vì tinh thần ấy hiện đang có chiều hướng phổ biến giữa các hệ phái không ưa nhau trong Hội Thánh.

Vị sứ đồ ra lệnh về việc phải làm đối với người phạm tội: “Phần tôi, thân tuy xa cách, nhưng tâm linh tôi vẫn ở với anh em” (3), có nghĩa là bởi sự khải thị và ân tứ biện biệt siêu nhiên từ Đức Thánh Linh ban cho, và uy quyền đặc biệt do Ngài chỉ định, đã hiểu biết rõ sự việc thì dù không ở tại chỗ, ông không kết án bất công, hoặc lên án trong sự hiểu biết vụ việc cách mù mờ. “Tôi đã quyết định xử phạt người phạm tội, như tôi đang có mặt tại Côrinhtô vậy. Khi anh em nhân danh Đức Chúa Giêxu hội họp nhau lại, và tâm linh tôi cùng họp với anh em” (3–4).  Người được giao trách nhiệm xét xử đừng bao giờ lập quyết định mà không có bằng chứng đầy đủ.

“Hãy nhờ quyền năng của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta giao người ấy cho satan, để thân xác người ấy bị huỷ diệt, nhưng linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giêxu trở lại” (4–5). Sự giao cho satan để thân xác bị huỷ diệt chỉ có nghĩa là phủ nhận người đó và đuổi khỏi Hội Thánh để hành động dứt khoát ấy có thể đưa người phạm tội trở lại ăn năn, nhưng thể xác có thể bị chết.  Thế gian hiện nay chia làm hai phía; những người nào sống trong tội lỗi, dù xưng mình là tín hữu nhưng phục vụ một chủ khác, thì phải bị dứt phép thông công giao lại cho satan là chủ của người đó.  Và việc nầy phải làm trong Danh Đức Chúa Giêxu vào lúc Hội Thánh họp lại đông đủ. Càng công khai chừng nào càng trang nghiêm chừng đó, và càng trang nghiêm chừng nào càng có hiệu quả tốt đối với người phạm tội.  1Timôthê 5:20 dạy rằng: “Hãy khiển trách người phạm tội trước mặt mọi người, để những người khác phải sợ.” Có người khác giải nghĩa là không phải chỉ đơn giản dứt phép thông công mà thôi, mà dùng quyền phép và thẩm quyền Hội Thánh có, để giao người phạm tội vào quyền lực của satan, khiến thân thể người đó bị bệnh tật hành hạ đau đớn sát nghĩa câu nói “để thân xác bị huỷ diệt.” Nhưng mục đích tối hậu là linh hồn người ấy được cứu.

Sự dung dưỡng người phạm tội là nguy hiểm vì “một chút men làm cả đống bột dậy lên” (6).  Tội lỗi như men dễ lây lan cả đống bột lớn. “Hãy loại bỏ men cũ” (7) là tẩy sạch khỏi lòng và đời sống mọi thứ ô uế, đặc biệt là điều ác về dâm dục nầy, mà trước đây họ từng bị nó cai trị.  Lý do tín hữu phải “đúng là bánh không men” vì chỉ có bánh ấy mới được dùng chung với chiên con lễ Vượt-qua, mà “Đấng Christ là Chiên Con lễ Vượt-qua của chúng ta đã chịu giết rồi.” Giáo lý về việc nầy là rất quan trọng. Giống như dân Israel giữ lễ bánh không men sau khi họ giết chiên con lễ Vượt-qua, chúng ta phải trọn đời giữ không cho men tội lỗi trở vào trong mình.  Phương cách có hiệu quả là chịu đồng chết với Chúa và sống lại với Ngài để có một đời sống mới và tấm lòng mới “Vậy chúng ta dự lễ, không ăn bánh có men cũ–men gian trá, độc ác–nhưng ăn bánh không men tức là lòng thành thật chân chính.” (8)

Phaolô có viết một thư khác gửi cho người Côrinhtô trước thư nầy (9).  Tuy hiện nay không còn bản sao nào lưu lại, nhưng các điều dặn dò trong thư ấy không bị mất đi.  Vì tất cả những gì Đức Chúa Trời định ý để con cái Ngài biết về ý muốn của Ngài trong đời sống đạo của họ thì đã được lưu truyền đến chúng ta ngày nay.  Những gì Chúa không muốn giữ thì đã mất.  Phaolô nói rõ ý của ông về mệnh lệnh “Anh em đừng kết giao với người gian dâm” là không phải ông đề cập tới “người ngoại đạo gian dâm, hoặc tham lam, lừa đảo, thờ thần tượng.” Vì nếu chúng ta không được giao thiệp với những hạng người nầy thì “anh em phải ra khỏi thế gian” (10).  Tất cả những ai chưa được cứu đều phạm một hoặc nhiều tội vừa nêu.  Giao du với họ thì chúng ta phải biết rằng họ thô lỗ, tục tĩu, và đầy sự gian ác.  Nhưng nếu chúng ta phải tránh xa họ thì không có cách nào giới thiệu Tin Mừng cứu độ của Chúa cho họ được.  Hễ tín hữu còn ở thế gian thì vẫn còn phải giao tiếp và va chạm với những người tội lỗi chưa tin Chúa.

Vì thế Phaolô nói rõ phải đừng kết giao với những hạng người nào.  Ông nói: “đừng kết giao với người tự xưng là anh em tín hữu mà gian dâm, tham lam, thờ thần tượng, chửi rủa, say sưa, lừa đảo.  Cũng đừng ăn uống với hạng người như thế” (11).  Không kết giao nghĩa là không hội họp trò chuyện, làm ăn chung, và tránh tất cả những gì có liên quan tới những người nầy.  Mục đích của sự tẩy chay không phải là đoạn tuyệt hoàn toàn với họ, nhưng là khiến họ biết xấu hổ, ăn năn trở lại để được Chúa biến đổi và được cứu độ.  Tuy nhiên, có những người tự xưng là tín hữu trong Chúa, nhưng họ không phải là tín đồ của Đấng Christ.  Bởi vì họ nổi tiếng hiểm độc, gian xảo, trí trá; luôn luôn nói dối, luôn luôn lừa bịp người khác.  Đây là “những người đã được soi sáng một lần, đã nếm biết món quà thiên thượng, đã được dự phần trong Thánh Linh, đã nếm đạo lành của Đức Chúa Trời và các quyền năng của thời đại tương lai, nếu sa ngã thì không thể nào khiến họ ăn năn một lần nữa, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, công khai sỉ nhục Ngài” (Hêbơrơ 6:4–6).  Giao du, trò chuyện với hạng người nầy thì mất dần sự sợ tội.

Chúng ta không xét xử người chưa tin, vì “Đức Chúa Trời xét xử người ngoài” không phải là chúng ta (13); nhưng chúng ta phải có bổn phận xét xử người trong Hội Thánh (12).  Phaolô kết luận rằng tất cả thành viên của Hội Thánh, những người tự xưng là tín đồ của Đức Chúa Giêxu, thì bị buộc phải giữ tất cả các luật lệ của Cơ-đốc-giáo.  Bất cứ ai phạm những luật nầy sẽ bị các anh chị em khác trong Hội Thánh xét xử, để xem họ còn đáng được dự tiệc thánh và thông công với mọi anh chị em tín hữu khác hay không.  Chúng ta “phải khai trừ người gian ác bên trong” (13), tức là tín đồ phạm tội trọng, để Hội Thánh không phải mang sự xấu hổ của dấu vết tội lỗi, mà người phạm tội nhưng không chịu ăn năn sẽ phải mang lấy nhơ nhuốc ấy.

1Corinhto07.docx

Rev. Dr. CTB