Bối Cảnh và Dẫn Nhập

Thành phố cảng Côrinhtô nằm ở đầu dải đất nối bán đảo Peloponnus với thủ đô Athens của đất liền Hylạp.  Vào thời Phaolô thành phố nầy có khoảng 250,000 người tự do cộng với khoảng 400,000 người nô lệ.  Nó có dân số đông thứ tư sau các thành phố Rôma, Alexandria và Antioch của đế quốc Lamã thời bấy giờ.  Nó không phải là thành phố học thuật như Athens, nhưng mang đặc thù đầy đủ của văn hoá Hylạp.  Người ta chú trọng tới triết học Hylạp và đánh giá sự khôn ngoan rất cao.  Trong thành phố nầy có ít nhất là 12 đền thờ các thần khác nhau; nổi tiếng nhất là đền thờ nữ thần tình yêu Aphrodite, nơi có khoảng 1,000 nữ tế sư, thực chất là gái mãi dâm tôn giáo hành dâm với các tín đồ lấy tiền công cúng cho nữ thần.  Đền thờ Apollo được xây dựng ở giữa thành phố vào khoảng thế kỷ 6 B.C.  Giữa thành phố cũng có một phố chợ gọi là agora, nơi buôn bán đủ thứ.  Rất có thể Phaolô, Aquila và Priscilla đã may và bán các lều trại ở chỗ nầy.

Côrinhtô nổi tiếng là một thành phố phóng đãng.  Dân ở Côrinhtô sống rất phóng túng.  Lái buôn thì dối trá và gian lận miễn sao có lợi.  Người ta chỉ nghĩ tới khoái lạc.  Người Hylạp có câu nói: “Trở thành người Côrinhtô,” là cách nói lịch sự thay cho câu “đi gặp quỷ sứ.”  Xã hội ở đây rất chuộng các lực sĩ thể thao, những người nầy thì rất tự hào về thân thể của họ.  Tất cả các chi tiết trên là rất quan trọng khi Phaolô chọn thành phố nầy làm một trung tâm để truyền giáo.  Có lẽ lý do khiến ông chọn địa điểm Côrinhtô là vì vị trí địa dư của nó mà từ đó ông có thể mở rộng công tác truyền giáo ra nhiều nơi của đế quốc Lamã.

Công vụ các Sứ đồ 18:1–4, 6 chép “Sau đó, Phaolô rời Athen đi Côrinhtô.  Tại đây ông gặp Aquila, một người Dothái quê ở Pontus, và vợ là Priscilla.  Họ mới từ Italy đến Côrinhtô, bởi vì hoàng đế Claude ra lệnh trục xuất tất cả người Dothái khỏi Rôma. Phaolô đến thăm họ.  Vì cùng nghề, nên ông ở lại làm việc chung với họ.  Họ làm nghề may lều. Mỗi ngày Sabát, Phaolô giảng luận trong nhà hội, cố thuyết phục cả người Dothái lẫn Hylạp… Nhưng khi họ chống đối, nói lời xúc phạm, ông giũ áo, bảo họ: Máu các ông đổ lại trên đầu các ông.  Còn tôi vô can.  Từ nay tôi sẽ đến với người nước ngoài.”  Câu kế tiếp cho biết Phaolô dùng căn nhà nằm cạnh bên nhà hội của Titus Justus, một người Dothái có quốc tịch Lamã, để làm nơi giảng luận cho những người vẫn thường đến nhà hội, kính sợ Đức Chúa Trời, và có lòng khát khao tìm kiếm Ngài.

Crispus, quản lý nhà hội và cả nhà là những người đầu tiên tin Chúa tại Côrinhtô.  Nhiều học giả tin rằng người có tên Crispus ở 1Côr 1:14 chính là ông nầy, cũng là một người Dothái, quốc tịch Lamã.  Theo truyền thuyết, thì sau nầy Crispus đến làm giám mục tại Aegina.  Người thay thế ông làm quản lý nhà hội là Sosthenes, sau nầy bị dân Dothái bắt đánh đòn ngay trước toà án Bema của quan tổng trấn Gallio (Công vụ 18:17).

Nếu cho rằng giáo hội nghị đầu tiên của Hội Thánh (Côngvụ 15) đã diễn ra vào năm 49 A.D. thì có lẽ Phaolô đến Côrinhtô vào khoảng năm 50 A.D. – Vì Gallio đến Côrinhtô nhậm chức tổng trấn Achai vào mùa hè năm 51 A.D.  Không lâu sau đó, Phaolô rời khỏi Côrinhtô để đi Syri, Êphêsô, Giêrusalem, Antioch và vòng truyền giáo ở các tỉnh Galati và Phirigi.  Có thể rằng ông đã trở lại viếng thăm Hội Thánh Côrinhtô khoảng 3 hoặc 4 năm sau khi ông rời khỏi lần đầu (2Côrinhtô 12:14).  Cũng có lẽ sau chuyến viếng thăm thứ nhì, ông đã viết một thư cho họ mà nay đã thất lạc, để đối phó với sự vô luân (1Côr.5:9),  Có người cho rằng 2Côr.6:14–7:1 là một phần của thư đã mất ấy.  Như vậy, thư 1Côrinhtô có lẽ được viết từ Êphêsô khoảng năm 55 hoặc 56 A.D., lúc gần cuối ba năm dạy đạo và truyền giáo của Phaolô tại Êphêsô (1Côr.16:8).

Qua lời lẽ của Phaolô, thì độc giả có thể thấy ông viết thư nầy vì nhận được thư của tín hữu ở Côrinhtô gửi cho ông (7:1), do các vị Stephanas, Fortunatus và Achaicus đem đến (16:17) cùng với những tin tức tồi tệ do gia đình Chloe báo cho (1:11).  Thư và tin tức cho biết tại Côrinhtô có các nan đề trầm trọng: tinh thần bè phái, tình trạng loạn luân, việc không quan tâm đến các tín hữu có đức tin yếu đuối, việc kiện cáo nhau trước mặt người ngoại đạo, một số người phạm sự khinh thường lễ tiệc thánh, sử dụng ân tứ của Đức Thánh Linh cách bừa bãi và thiếu hiểu biết, các buổi nhóm lộn xộn và thiếu trật tự, và có người đưa ra các giáo lý sai lạc về sự sống lại.

Vì thế, thư nầy có một tầm quan trọng đặc biệt.  Thư đã giải đáp những thắc mắc thường gặp ở các tín hữu chưa có mối tương giao sâu nhiệm với Chúa, cũng như những vấn đề liên quan đến nếp sống căn bản bề trong và bề ngoài của các tín đồ Đấng Christ.  Những tín hữu ở Côrinhtô rõ ràng là những người ngoại bang, không có kiến thức căn bản về Kinh Thánh Cựu Ước; bối cảnh ngoại giáo của họ đối nghịch với các nguyên tắc Cơ-đốc-giáo.  Lúc ấy họ cũng chưa có Tân Ước để học, và cũng không thường xuyên có các giáo sư giỏi dạy đạo cho họ.  Những người Hylạp ấy vẫn mang tâm lý cố hữu của dân tộc họ là tự hào về tinh thần bè phái và chủ nghĩa trí thức, mặc dù nó đã bị thoái hoá. Phaolô đã trả lời nhanh chóng và hết sức mạnh mẽ về các nan đề nầy.  Một số người phê bình Kinh Thánh nghi ngờ Phaolô không phải là tác giả của thư.  Lý luận ấy đã không thể đứng vững trước các bằng chứng quá rõ ràng trong thư.

Nghiên cứu thư 1Côrinhtô, người đọc sẽ nhận ra đây là một Hội Thánh đã được ban cho các ân tứ của Đức Thánh Linh. 1:4–7 chép “Tôi luôn luôn cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, vì ân điển Ngài ban cho anh em trong Đức Chúa Giêxu Christ. Trong Đức Chúa Giêxu Christ, anh em được giàu có về mọi phương diện, từ lời nói, sự hiểu biết, cho đến lời chứng về Đấng Christ, tất cả đều có căn bản vững chắc trong lòng anh em.  Như vậy anh em không thiếu một ân tứ nào cả trong khi trông chờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta trở lại.”  Nhưng tín hữu ở đây lại có thái độ ấu trĩ và xác thịt.  Mục đích của Phaolô viết thư nầy là để giáo huấn và phục hồi Hội Thánh trong các lãnh vực yếu kém, chấn chỉnh những tập quán sai lạc như chia rẽ bè phái (1:10–4:21), vô luân (đ.5, 6:12–20), không biết nhường nhịn nhau (6:1–8), cử hành Tiệc Thánh cẩu thả (11:17–34); cũng để chấn chỉnh sự dạy dỗ sai lạc về sự sống lại của người chết.  Cuối cùng là những huấn thị về sự dâng hiến giúp đỡ cho các tín hữu đang bị nghèo túng ở Giêrusalem.

Thư 1Côrinhtô xoay quanh chủ đề về các vấn nạn trong cách hành xử của tín hữu trong Hội Thánh.  Nó liên quan đến tiến trình được thánh hoá và sự liên tục trau giồi đức tính thánh khiết.  Nỗi lo lắng của Phaolô về những nan đề tại Côrinhtô đã chứng tỏ tấm lòng của một người chăn bầy chăm lo cho đàn chiên.  Người đọc có thể tìm thấy giáo lý Cơ-đốc-giáo trong từng trang một.  Giáo lý về Đức Chúa Giê xu và thập tự giá của Ngài chiếm rất nhiều chỗ; giáo lý về Đức Thánh Linh ở các đoạn 1, 12, 14.  Các giáo lý khác được đề cập đến như: bản chất của cộng đồng Cơ-đốc-nhân; vai trò của những người phục vụ Đấng Christ; Tiệc Thánh; sự chết và sự Sống Lại… Nhưng Đấng Christ vẫn luôn ở ngay trung tâm của mọi điều ông bàn thảo: sự hiện diện của Ngài, quyền làm Chúa của Ngài, và quyền năng cứu chuộc của thập tự giá.

Thư 1Côrinhtô thích hợp cho mọi thời đại và rất thích hợp cho tình trạng Hội Thánh bây giờ.  Vì dù Phaolô là người viết bức thư, nhưng chính Đức Thánh Linh là Đấng đã cảm thúc ông viết ra những lời dạy dỗ. Hầu như những vấn nạn mà Hội Thánh tại Côrinhtô phải giải quyết vào thời ấy vẫn tiếp tục diễn ra vào thời đại chúng ta ngày nay, có khi còn tệ hơn nữa.  Hội Thánh ngày nay không thiếu bất cứ nan đề nào đã diễn ra tại Hội Thánh Côrinhtô.  Người ta tưởng rằng việc sử dụng ân tứ Đức Thánh Linh cách sai trật chỉ diễn ra ở thời ấy thôi, song hiện nay việc đó vẫn tái diễn ở mức độ rộng hơn và trầm trọng hơn; bởi vì đạo của Chúa đã lan rộng trên khắp thế giới và số tín hữu kiêu ngạo vì được chút ân tứ cũng đông hơn ngày xưa.  Giữa cảnh hỗn độn và buồn rầu ở Côrinhtô, thư nầy đã đưa ra vài đoạn hết sức quý báu như những viên ngọc sáng rực rỡ của toàn bộ Kinh Thánh: đức nhân ái ở đoạn 13 và vinh quang của tín hữu qua sự sống lại ở đoạn 15.  Chúng ta sẽ lần lượt bàn thảo từng đoạn và từng vấn đề của bức thư hết sức quan trọng nầy.

1Côrinhtô01.docx

Rev. Dr. CTB