Tai Hại của Tội Gian Dâm

1Côrinhtô 6:12 – 20

Câu 12 và phần đầu của câu 13 có vẻ như đề cập tới những sự tranh luận của thời Hội Thánh sơ lập về vấn đề các loại thịt nào được phép ăn, và loại nào bị cấm.  Nhưng nó lại là lời nói đầu cảnh cáo về tội gian dâm mà Phaolô sẽ nói đến.  Mối liên hệ về hai vấn đề nầy là rất rõ ràng khi xem lại quyết định hết sức quan trọng trong giáo-hội-nghị đầu tiên của Hội Thánh ghi lại ở sách Công vụ 15:20 “phải kiêng những vật bị thần tượng làm cho ô uế, tránh gian dâm, không ăn thịt thú vật chết ngạt, và không ăn huyết.” Những điều cấm kỵ về thức ăn và cấm gian dâm được liên kết trong quyết định chung của Hội Thánh.  Hình như là tín hữu ở Côrinhtô cho rằng họ được tự do về sự gian dâm cũng như quyền ăn các thứ thịt; bởi vì luật pháp của xứ họ không cấm những điều đó.  Cho nên, có lẽ họ tưởng là “mọi việc tôi được phép làm” (12) kể cả chuyện gian dâm.

Có nhiều việc tự nó là hợp pháp đối với một vài xã hội loài người nhưng không hợp với luật pháp Chúa.  Chúng ta không nên chỉ xem việc làm, hay hành động, hoặc cách cư xử có hợp pháp hay không, nhưng là có đáng để làm hay không, có thích hợp không, khi những việc đó liên quan tới danh nghĩa Cơ-đốc-nhân, các mối liên hệ với Chúa, với Hội Thánh, giữa tín hữu với nhau, và  liên quan tới các niềm hi vọng của chúng ta nữa; phải hết sức cẩn thận về những việc nầy để khỏi bị chúng đưa vào vòng nô lệ cho chúng bằng các thủ đoạn lừa dối hay bởi dục vọng của xác thịt. “Tôi được phép làm mọi việc, nhưng không việc nào chi phối được tôi” (12).  Đấng Christ đã giải thoát chúng ta được tự do khỏi những điều ràng buộc của luật pháp Cựu Ước, nhưng Ngài không muốn chúng ta buông mình vào sự ham muốn của dục vọng xác thịt: “Đấng Christ đã giải phóng chúng ta cho được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Galati 5:1).

“Thức ăn dành cho dạ dày, dạ dày dành cho thức ăn, nhưng Đức Chúa Trời sẽ huỷ hoại cả hai” (13).  Mặc dù dạ dày được tạo ra để nhận lấy đồ ăn, và từ nguyên thuỷ đồ ăn được định cho dạ dày, nhưng nếu dạ dày và khẩu vị của mình cứ đòi hỏi, chúng ta có thể bị làm nô lệ cho sự ăn uống.  Sẽ đến một ngày kia, thân thể loài người không cần tới thực phẩm nữa.  Nghĩa là khi nhu cầu và sự tiêu thụ thực phẩm của thân thể mới không cần đến giống như thân thể cũ nữa; thế thì cả hai đều sẽ bị loại trừ. “Thân thể không phải để gian dâm, nhưng vì Chúa, và Chúa vì thân thể” (13).  Thức ăn và dạ dày cần lẫn nhau; nhưng thân thể với sự gian dâm không có mối tương quan như  thế.  Thân thể được Chúa dựng nên không phải để dùng cho sự gian dâm, nhưng cho Chúa.  Đây là lý luận đầu tiên Phaolô dùng để chống lại tội gian dâm, là điều mà người ngoại đạo ở Cô –rinhtô vốn nổi tiếng, và những tín hữu mới quy đạo vẫn còn ưa thích nó.

Thân thể không được tạo nên nhằm mục đích đó, nhưng để phục vụ và tôn kính Chúa.  Nó là một dụng cụ của sự công nghĩa và thánh khiết “…hãy đem chi thể mình làm nô lệ sự công chính, dẫn đến sự thánh hoá” (Rôma 6:19).  Cho nên, thân thể không phải được tạo nên để dùng cho sự ô uế.  Thân thể chúng ta đã trở thành những chi thể trong thân thể của Đấng Christ, vì vậy không thể kết hợp với thể xác của phường mãi dâm (15).  Chúng ta phải cẩn thận để không dùng những gì thuộc về Đấng Christ như là của riêng mình khiến Ngài bị mang nhục.  C.14 là lý luận thứ nhì chống lại tội nầy.  Philíp 3:21 cho biết Đức Chúa Trời “sẽ biến hoá thân thể hèn yếu của chúng ta ra giống thân thể vinh quang của Ngài.”  Vì Chúa đã định cho thân thể chúng ta được hưởng sự tôn quý cao trọng như thân thể của chính Ngài, chẳng lẽ chúng ta lạm dụng thân thể mình bởi tội lỗi tởm lợm hay sao?  Hi vọng về sự phục sinh vinh quang phải là động lực kềm giữ các con cái Chúa khỏi sa vào sự làm nhục chính thân thể mình bởi các dục vọng xác thịt.

Lý luận thứ ba đặt câu hỏi: “Anh em không biết thân thể chúng ta là chi thể của Đấng Christ sao?” (15) Nếu bởi đức tin linh hồn được hợp nhất với Đấng Christ, thì cả người trở nên chi thể của thân thể mầu nhiệm Ngài.  Vì chẳng phải chỉ có tâm linh được hợp nhất, cả thân cũng được kết hiệp với Ngài nữa.  Làm một con cái Chúa thật vinh hạnh biết bao!  Vì chính thể xác nầy là một phần thân thể mầu nhiệm của Đấng Christ.  Vậy, “chẳng lẽ tôi lấy chi thể của Đấng Christ làm chi thể của kẻ mãi dâm?” (15) Chúng ta phải hiểu rằng hành động ấy là tội rất nặng, vì làm ô nhục Chúa và tự làm ô nhục chính mình tới mức tận cùng.

Phaolô nhắc lại nguyên tắc căn bản mà Đức Chúa Trời đã đặt ra khi Ngài thiết lập hôn nhân đầu tiên giữa Ađam với Êva.  Việc chung đụng xác thịt giữa chồng với vợ vừa đáp ứng động lực yêu đương, khoái cảm nhục thể, và sinh sản con cái duy trì nòi giống. Sự kết hợp xác thịt giữa vợ và chồng là thiêng liêng; nên Đức Chúa Trời dạy rằng: “Hai người sẽ nên một thân” (Sáng 2:24).  Vì thế, Phaolô hỏi “Anh em không biết ai kết hợp với kẻ mãi dâm, trở nên một thân với nó sao?” (16) “Nhưng ai liên hiệp với Chúa, sẽ đồng một tâm linh với Ngài” (17).  Nếu chúng ta hiểu rằng mình đã được liên hiệp với Đức Chúa Giêxu, trở thành một chi thể của thân thể Ngài, nay lại lấy thân thể mình kết hợp với phường mãi dâm, trở thành một thân với người từng ăn nằm với đủ thứ hạng người đã phạm đủ thứ tội kinh tởm, kể cả giao cấu với thú vật, thì không gì so được sự tệ hại lớn nhất đối kháng với vinh dự tột đỉnh của địa vị Cơ-đốc-nhân, vì là một hành động đem chi thể của Đấng Christ kết hợp với hạng đĩ điếm cực kỳ ô uế.

Tội gian dâm là tội xúc phạm nặng nhất cho cái đầu và Chúa của mình; nó là sự xấu hổ khôn tả và là một vết nhơ nhuốc sâu đậm của đời tín hữu. Vì thế Phaolô phải căn dặn: “Hãy tránh gian dâm” (18).  Điều đó đưa tới lý luận thứ tư rằng mọi tội khác phạm ngoài thân thể, nhưng tội gian dâm chống lại chính thân thể mình: “Mọi tội người ta phạm đều ngoài thân thể, nhưng người gian dâm phạm ngay vào thân mình” (18).  Mọi tội có nghĩa là mọi thứ tội khác, mọi hành vi tội lỗi khác có thể làm hạ thấp phẩm cách, danh dự, tiếng tăm, vv.; tật nghiện rượu, tham ăn, mặc dù có làm hại cho thân thể, nhưng các tội ấy không đến nỗi làm dơ bẩn, ô nhiễm sâu xa đến thân thể của người phạm tội cho bằng tội gian dâm.  Đặc biệt là những người đã được huyết thánh vô tội của Đức Chúa Chúa chuộc ra khỏi thân phận nô lệ của tội lỗi và ma quỷ.

Lý luận thứ năm chống lại tội gian dâm là: “Anh em không biết thân thể anh em là đền thờ của Đức Thánh Linh, và Ngài đang ngự trong anh em sao?” (19) Khi chúng ta được hợp nhất với Đấng Christ, thì được Ngài ban Đức Thánh Linh của Ngài ngự vô lòng chúng ta, được thánh hoá, được biệt riêng ra cho Ngài sử dụng.  Vì được Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự vào, nên phải gọi là đền thờ của Ngài.  Chữ đền thờ của Chúa có ý nói rằng chúng ta không còn thuộc riêng về mình nữa, vì đã thuộc về Chúa: “Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh cho anh em, và anh em không còn thuộc về mình nữa” (19).  Lý do chúng ta không còn thuộc về riêng mình nữa là vì đã được chuộc khỏi vòng nô lệ  bởi Đức Chúa Trời “Vì anh em đã được chuộc với giá rất cao” (20).

Nói vắn tắt, thân thể chúng ta được dựng nên cho Đức Chúa Trời.  Do lòng ham muốn khoái lạc quá mức, loài người đã lạm dụng khía cạnh khoái lạc thể xác, do Chúa tạo ra để họ được hạnh phúc trong hôn nhân, thành ước vọng không bao giờ chán về nhục dục; cho nên tự bán mình cho tội lỗi thấp hèn chống lại chính thân thể mình.  Nhưng bây giờ anh chị em tín hữu đã được Chúa chuộc ra khỏi tình cảnh làm nô lệ cho tội lỗi, thì thân thể chúng ta không còn thuộc quyền sử dụng của riêng mình nữa, mà thuộc về Đấng đã chuộc chúng ta bằng sinh mạng của Con yêu dấu Ngài.  Đấng đã trả giá cao để chuộc thì Đấng ấy nắm quyền làm Chủ.  Đức Chúa Trời chỉ mưu cầu ích lợi tốt nhất cho con cái mà Ngài đã chuộc về.

Sự tôn vinh Chúa phát xuất từ tâm linh đến thể xác chứng tỏ lòng biết ơn của chúng ta (20).  Tôn vinh bằng thân thể không phải chỉ là bày tỏ bằng các hành động, cử chỉ ca mừng, múa hát tạ ơn bên ngoài, nhưng còn là giữ gìn thân thể trong sạch bằng cách không phạm vào tội gian dâm; đồng thời phải tránh tư tưởng tà dâm trong lòng nữa (Mathiơ 5:28).  Tâm linh và thân thể phải luôn luôn được giữ thanh sạch, tránh tội gian dâm và mọi tội khác để xứng đáng với ơn Chúa.

1Corinhto09.docx

Rev. Dr. CTB