Giáng Sinh 2016a
Lu-ca 1:5–45
Những người có thói quen suy gẫm Kinh-thánh thường có vài thắc mắc về lịch sử mà không ai giải thích cho. Bởi vì chuyện tích Đức Chúa Jesus giáng sinh do bác sĩ Lu-ca ghi chép lại, sau khi đã điều tra, nghiên cứu và phỏng vấn bà Mary, là nhân vật chính trong chuyện, thì ngày sinh của Đức Chúa Jesus có vẻ không trùng với thời điểm lễ giáng sinh mà khắp thế giới kỷ niệm mỗi năm, là ngày 25 tháng Mười Hai.
Lý do của thắc mắc đó là hai chi tiết trong câu chuyện: Một là, cuộc điều tra dân số khó mà thực hiện vào mùa đông ở xứ thánh, vì mùa ấy thường có mưa và lạnh lẽo, đường thì trơn trợt khó đi; cuộc điều tra dân số, do đó, sẽ không chính xác.
Hai là, trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, có mấy người chăn thức đêm canh giữ bầy chiên ăn cỏ ngoài đồng; nếu là mùa đông, thì không người chăn chiên nào làm như vậy vì có hại cho chiên và cho họ.
Vào thời ấy, chưa có lịch chung cho người khắp thế giới. Người ta ghi chép các biến cố hay các sự kiện căn cứ vào niên hiệu hoàng đế của đế quốc đương thời; cho nên, người đời sau không có đủ dữ kiện để biết chính xác ngày tháng của sự việc xảy ra.
Hơn nữa, trong ba thế kỷ đầu sau công nguyên, Hội-thánh đã không kỷ niệm lễ giáng sinh, vì có rất nhiều sự bất đồng ý kiến giữa các giáo phụ ở nhiều địa phương khác nhau. Người thì phản đối, người khác muốn kỷ niệm vào tháng Ba.
Nhưng đa số các Hội thánh thời ấy chỉ kỷ niệm hai ngày lễ tôn giáo: 1) Ngày các nhà bác học đến xứ Do-thái tìm Chúa sau khi Đức Chúa Jesus đã giáng sinh. Gọi là Epiphany, nghĩa là “sự khải thị Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời” nhằm ngày 6 tháng Giêng Tây-lịch bây giờ, và 2) là ngày Đức Chúa Jesus phục sinh sau lễ Vượt-qua.
Ngày 25 tháng mười hai năm 336 A.D. theo lịch La-mã là lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh chính thức lần đầu tiên. Tại sao có như vậy?
Năm ấy nhằm thời Constantine đại đế đang là vua của đế quốc La-mã và đã quy đạo. Các giám mục thành La-mã muốn ngày kỷ niệm Đức Chúa Jesus giáng sinh trùng hợp với các lễ hội dân gian ngoại giáo thờ thần nông nghiệp Saturn (Thổ-tinh) của người La-mã, và lễ hội thờ thần ánh sáng Mithra của người Ba-tư; để lôi kéo tín đồ các tôn giáo ấy chấp nhận và chịu gia nhập Cơ-đốc-giáo là quốc giáo của đế quốc La-mã.
Tới năm 350 A.D. thì giám mục La-mã công bố lấy ngày 25 tháng Mười Hai là ngày chính thức lễ Giáng Sinh. Tuy rằng hai sách phúc âm Mác và Giăng không đề cập gì tới sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus. Sách Công Vụ và các thư tín của Phao-lô cũng như những thư tín của các sứ đồ khác đều không nhắc nhở gì tới sự kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh cả.
Thời nay chúng ta cùng hoà nhịp với con cái Chúa trên khắp thế giới kỷ niệm lễ Đức Chúa Jesus Giáng Sinh, đồng thời cũng dùng ý nghĩa sự giáng sinh của Ngài mà rao truyền Phúc Âm cho mọi người chưa tin nữa.
Thế nhưng, để giải quyết các thắc mắc về thời điểm chính xác ngày giáng sinh của Đức Chúa Jesus, chúng ta phải dùng các sử liệu Kinh-thánh để tìm kiếm; bởi vì đó là sử liệu duy nhất được ghi lại để tín đồ Cơ-đốc-giáo trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên được biết rõ về gốc tích của Đấng họ tin và thờ kính.
Chuyện tích giáng sinh ký thuật trong sách Phúc-Âm Lu-ca thì có nhiều chi tiết về lịch sử hơn chuyện tích giáng sinh do sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại. Vì thế, các chi tiết sử liệu của sách Lu-ca được các học giả chú ý nghiên cứu để tìm ra ngày sinh của Chúa vào khoảng tháng nào, cộng thêm sách Ma-thi-ơ để tính năm sinh.
Vì bác sĩ Lu-ca, một văn sĩ Hy-lạp, tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua công tác rao giảng phúc âm của sứ đồ Phao-lô, khoảng hai thập kỷ sau khi Đức Chúa Jesus đã thăng thiên, thì sự ghi chép lịch sử của ông có phương pháp hẳn hoi bằng sự căn cứ trên lời tường thuật của các chứng nhân thấy tận mắt, hay lời kể của chính những người dính líu trong cuộc (Lu-ca 1:1–4).
Mà những biến cố diễn ra quanh sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, thì không ai tường tận hơn bà Mary, mẹ phần xác của Ngài, lúc ấy vẫn còn sống, ở tại Giê-ru-sa-lem với sứ đồ Giăng và con trai là Gia-cơ, em Đức Chúa Jesus, khi bác sĩ Lu-ca từ Tiểu Á theo Phao-lô đến đó (Galati 2:9).
Sách Phúc-âm Lu-ca chép rằng: Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gabriel đến Nazareth, một thành nhỏ thuộc miền Ga-li-lê, xứ Giu-đê, vào tháng thứ sáu để báo tin cho trinh nữ Mary biết cô ấy có diễm phúc được Đức Chúa Trời chọn để hoài thai Chúa Cứu Thế (1:26).
Nếu thời điểm đó tương đương với dương lịch ngày nay thì việc tính toán ngày giáng sinh của Đức Chúa Jesus chẳng khó khăn gì hết. Bởi vì ngay sau lúc được báo tin, Mary đã mang thai bởi quyền phép của Đức Thánh Linh (1:34–35, 39–45).
Theo lẽ thường, người ta chỉ cần tính thêm chín tháng mười ngày thì sẽ tính ra ngày sinh. Nhưng như đã nói, vào thời ấy chưa có lịch chung; mà người Do-thái thì có hai loại lịch khác nhau: Lịch tôn giáo và lịch mùa màng.
Hơn nữa lời ghi “tháng thứ sáu” (1:26), cộng với câu “người ấy có tiếng là hiếm muộn mà nay đã mang thai được sáu tháng rồi” (1:36), thì chưa ai dám chắc “tháng thứ sáu” được tính từ đầu năm, hoặc tính từ thời điểm phục vụ của Xa-cha-ri.
Nói cách khác, để tìm biết thời điểm trong năm của hai sự kiện nói trên, chúng ta chỉ cần tìm xem Xa-cha-ri phục vụ tại đền thờ vào khoảng thời gian nào, thì phần còn lại sẽ trở nên dễ dàng.
Anh chị em cũng cần biết cách thức sinh hoạt của các thầy tế lễ ở xứ thánh vào thời gian trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, thì khác với lúc Giu-đa còn là một quốc gia độc lập.
Sau khi đền thờ do Solomon xây dựng bị quân Babylon triệt hạ, hầu hết người Giu-đa, trong đó có chi-tộc Lê vi và Benjamin bị lưu đày, rồi được vua Siru của đế quốc Ba-tư cho phép trở về cố quốc sau bảy mươi năm xa xứ, thì những thầy tế lễ không thuộc dòng dõi thầy tế lễ thượng phẩm đều cư trú rải rác trong xứ Giu-đê.
Họ chỉ phục vụ ở đền thờ khi đến phiên phục vụ của ban thứ họ như đã định từ thời vua David. Đền thờ thời Đức Chúa Jesus là đền thờ thứ ba và do Hê-rốt đại đế xây dựng.
Một chi tiết có vẻ chẳng quan trọng gì, lại là đầu mối rất quý báu để tìm thời điểm Đức Chúa Jesus giáng sinh, đó là: Thầy tế lễ Xa-cha-ri thuộc ban A-bi-gia của dòng họ A-rôn (1:5).
A-bi-gia là dòng dõi của Y-tha-ma, con trai út của A-rôn (1Sử-ký 24:1–5). Vì theo thứ tự bốc thăm, A-bi-gia là ban thứ tám trong hai mươi bốn ban, nên chúng ta biết A-bi-gia là một trưởng gia tộc của dòng Y-tha-ma (1Sử-ký 24:6b, 10).
Như vậy, theo phiên thứ lịch trình đã bắt thăm thì ban A-bi-gia sẽ đến phục vụ tại đền thờ vào phiên thứ tám. Mỗi phiên phục vụ kéo dài một tuần theo như đã được ấn định từ thời A-rôn (1Sử ký 9:25; 2Sử-ký 23:8). Và lịch trình phục vụ của các ban thứ thầy tế lễ bắt đầu từ tháng Giêng của lịch Do-thái, vào mùa xuân, gọi là tháng Nisan.
Thế nhưng, phiên phục vụ của thầy tế lễ Xa-cha-ri không rơi vào tuần thứ tám; bởi vì có hai ngày lễ quan trọng là lễ Bánh-không-men diễn ra vào các ngày 15–21 của tháng Nisan, sau đó là lễ Ngũ-tuần vào ngày 6 của tháng Sivan, tức là tháng Ba lịch Do-thái.
Trong hai dịp lễ đó, tất cả các thầy tế lễ đều phải có mặt tại đền thờ để dự lễ và phục vụ. Ngay sau mỗi kỳ lễ, các ban thứ sẽ tiếp tục phục vụ theo lịch trình đã định cho họ, Vì vậy, phiên phục vụ của Xa-cha-ri lọt vào tuần thứ mười kể từ đầu năm; tức là tuần thứ nhì của tháng ba Sivan, ngày Sa-bát kế sau lễ Ngũ-tuần.
Sau khi mãn phiên phục vụ như đã nói trên, Xa-cha-ri trở về nhà mình ở miền núi xứ Giu-đê vào tuần thứ ba của tháng Sivan, tức là khoảng đầu tháng Sáu bây giờ. Và Elizabeth, vợ Xa-cha-ri, thụ thai khoảng tuần cuối tháng Sivan, tức là giữa tháng Sáu dương lịch, đúng như lời thiên sứ đã báo trước (1:13).
Sáu tháng sau, thiên sứ Gabriel tới báo tin cho nữ trinh Mary biết bà sẽ mang thai Đức Chúa Giêxu do quyền năng của Đức Thánh Linh (1:26, 35). Thế thì Mary bắt đầu thụ thai khoảng tháng Chín Kislev, tức là tháng Mười Hai dương lịch.
Đủ chín tháng mười ngày, bà sinh Đức Chúa Giêxu tại Bết-lê-hem khoảng tháng Bảy lịch Do-thái (Tishri), tức là trong khoảng cuối tháng Chín đầu tháng Mười dương lịch ngày nay, nhằm mùa thu.
Vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng ta có thể tìm ra khoảng thời gian Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh. Nhưng ngày chính xác theo dương lịch thì chưa tìm ra sử liệu nào để biết.
Sở dĩ ngày nay Hội-thánh vẫn cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, vì ngày ấy đã quen thuộc đối với mọi người, và sự thay đổi không đem ích lợi gì. Chỉ cần giảng dạy đúng Kinh-thánh là đủ.
GiangSinh2016a.docx
Rev. Dr. CTB
(Lịch Israel: 1Nisan, 2Iyar, 3Sivan, 4Tammuz, 5Av, 6Elul, 7Tishri, 8Cheshvan, 9Kislev, 10Tevet,11Shevat, 12Adar)