Lê vi ký, bài 19
Lê-vi-ký 26:1–46
Có học giả cho rằng trong nguyên bản văn Hê-bơ-rơ thì hai câu đầu đoạn nầy thuộc về đoạn trước, nằm ở phần người Israel bị kiều dân mua làm nô lệ; vì họ phải phục vụ chủ ngoại bang thờ hình tượng, cũng không biết tôn kính ngày sa-bát, nên có nguy cơ nô lệ Israel cũng bắt chước mà phạm tội (1–2).
Nhưng, chô nầy cũng là lời cảnh cáo về ảnh hưởng của tâm lý người ta thích tạc tượng cho một cái gì đó mà họ nghĩ là linh thiêng. Người ta có thể chạm khắc hình ảnh trên đá hay gỗ về điều họ thích, rồi hành động kế tiếp của tâm lý con người là quỳ trước tượng ảnh mà thờ lạy. Đức Chúa Trời phải cảnh cáo trước, vì Ngài biết chuyện ấy sẽ xảy ra.
Ngày nay vẫn có giáo hội và giáo phái trong Cơ-đốc-giáo-giới rơi vào tệ trạng đó khi trưng bày tượng ảnh. Kinh thánh không chép một câu nào biện minh cho việc trưng bày hình tượng hay quỳ gối cầu xin trước tượng ảnh là chính đáng cả. Vì thế, hãy rất cẩn thận về hình tượng (1Giăng 5:21).
Không phải Chúa chỉ cấm tạc, chạm hay khắc tượng, mà Ngài còn cảnh cáo việc dựng trụ đá có hình dạng nào đó rồi sấp mình thờ lạy; bởi vì đó là tâm lý mê tín của nhân loại.
Khi Israel vào đất hứa, họ sẽ tiếp xúc với các sắc dân ngoại bang có các trụ đá nầy. Nếu Chúa không rao truyền lệnh cấm trước, Dân Israel sẽ bắt chước người địa phương mà phạm tội thờ hình tượng và không tôn kính ngày sa-bát hay Nơi Thánh của Chúa. Lời dặn dò ấy rất cần thiết để Israel ghi nhớ trước khi nhổ trại lên đường về đất hứa (2).
Sự vâng lời Đức Chúa Trời lúc nào cũng đem lại ơn phước dồi dào (3–13). Thái độ vâng lời dẫn tới hành động tuân theo luật lệ, gìn giữ và làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời (3). Ơn phước sẽ là được Chúa “ban mưa thuận gió hoà, đất sẽ sinh hoa màu và cây ngoài đồng sẽ kết bông trái” (4), vì Israel lúc ấy sẽ sinh sống bằng nông nghiệp.
Mưa thuận gió hoà là mưa đầy đủ đúng mùa đầu khoảng tháng Mười tới Mười Hai, và mùa cuối là các tháng Ba, Tư trước mùa gặt.
Mùa gặt hái sẽ dư dật đến nỗi thời gian gặt và đập lúa bị kéo dài cho tới mùa hái nho, tức là từ tháng Năm tới tháng Bảy; rồi mùa hái nho và ép nước nho cũng kéo dài tới tháng Mười là lúc bắt đầu gieo giống cho mùa tới, khi các cơn mưa đầu mùa đổ xuống.
Vì vậy, họ sẽ được “ăn bánh no nê và sống an lành trong xứ mình” (5); vừa được no đủ, vừa sinh hoạt và ngủ nghỉ trong hoà bình mà không sợ ai đe doạ; thú dữ không còn mà gươm đao cũng tránh xa (6).
Nếu vâng lời Chúa, Israel sẽ đánh thắng mọi kẻ thù, dù số người họ ít hơn địch quân. Các học giả truyền thống cho rằng con số năm người truy đuổi một trăm, và một trăm sẽ truy đuổi mười ngàn (7–8), chỉ là lời nói ước lệ; vì vậy, các học giả ấy chẳng được thấy quyền phép của Chúa. Các trận chiến xưa nay của Israel đã chứng minh điều Chúa hứa thật đã xảy ra.
Người vâng lời Chúa sẽ được Ngài quan tâm, xác lập giao ước và làm cho sinh sôi nẩy nở ra rất nhiều.
Nhưng lời hứa quý báu nhất là: “Ta sẽ lập nơi ngự Ta giữa các con, tâm hồn Ta không hề ghét bỏ các con. Ta sẽ đi giữa các con, là Đức Chúa Trời của các con và các con sẽ làm dân Ta” (11–12). Đức Chúa Trời đã đem Israel ra khỏi cảnh nô lệ tại Ai-cập, nên Ngài muốn khiến họ có thể hãnh diện ngẩng cao đầu làm người tự do và là dân thánh của Ngài (13).
Đối với những ai vâng lời Chúa và giữ gìn các điều răn của Ngài, thì phước hạnh sẽ đi theo họ, không bao giờ rời xa. Nhưng nếu dân của Chúa tỏ thái độ ngang nghịch và không vâng lời, thì tai hoạ sẽ tới.
Ngược với các ơn phước dư dật, trên người biết vâng lời, là những tai hoạ đối với kẻ khước từ mệnh lệnh, bất tuân các điều răn và phá vỡ giao ước của Chúa (14–15):
Nỗi kinh hoàng, bệnh lao phổi và sốt mờ mắt, buồn héo hon, gieo giống mà không được ăn, bị quân thù đánh bại và thống trị, chạy trốn dù không ai đuổi theo (16–17).
Các điều vừa nói mới chỉ là cấp độ sơ khởi; vì nếu đã bị như vậy mà vẫn không chịu vâng lời, thì các sự trừng phạt tiếp theo sẽ tăng gấp bảy lần để bẻ gãy tính kiêu ngạo của người Israel bội nghịch (18):
Bầu trời trên đầu họ sẽ cứng như sắt, đất dưới chân trơ như đồng. Nghĩa là đất sẽ bị hạn hán, trời không mưa lâu dài; vì thế, họ có đổ sức ra cày xới, gieo trồng cũng chỉ là tiêu hao sức lực vô ích. Bởi đất sẽ không sinh sản hoa màu, cây cối không ra trái; kết quả là nạn đói sẽ nhanh chóng kéo đến (19–20).
Sau các tai hoạ ở cấp độ thứ nhì mà dân Israel vẫn cứng cổ, không ăn năn trở lại với Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ giáng tai ương gấp bảy lần nữa.
Lần nầy là nạn thú dữ bắt con cái và gia súc của họ để ăn thịt, dân số sẽ sút giảm và đường phố càng hoang vắng. Nghĩa là người ta thường xuyên sống trong sự sợ hãi, bất an vì thú dữ hoành hành (21–22).
Nếu người Israel vẫn ghì mài trong sự ương ngạnh bất tuân, dù bị các tai hoạ ở cấp thứ ba thì những tai ương gấp bảy lần nữa ở cấp thứ tư sẽ đến nhanh chóng.
Người ta có thể đề phòng tránh thú dữ ở một mức độ nào đó, nhưng khi xứ sở bị chiến tranh, thì rất nhiều người bị chết vì gươm giáo.
Họ sẽ không chống nổi kẻ thù, vì khi hội họp trong thành để bàn kế hoạch thì dịch bệnh lan ra, họ chẳng còn sức chống trả nên bị kẻ thù đánh bại. Trước khi bị đánh bại thì nguồn cung cấp lương thực của họ bị cắt đứt, bị thiếu ăn, phải chia nhau khẩu phần mà chẳng bao giờ no (23–26).
Sự trừng phạt dành cho những kẻ lì lợm cứ chống lại Đức Chúa Trời là Ngài sẽ chống lại họ, và vì tội lỗi của họ mà trừng phạt gấp bảy lần nữa. Bị quân thù vây hãm, họ phải ăn thịt con mình để duy trì sự sống; các bàn thờ tà thần trên những đồi cao đều sẽ bị triệt hạ; thây của họ sẽ bị chất trên các tượng thần đã bị đánh sập.
Họ sẽ bị Chúa ghê tởm, thành sẽ hoang vu, xứ sở điêu tàn đến nỗi kẻ thù vào thấy vậy cũng phải sững sờ; Đền Thờ thánh sẽ bị phá huỷ và không còn tế lễ nữa; dân Israel sẽ bị phân tán giữa các dân tộc; dù vậy, gươm đao vẫn không ngừng theo đuổi họ (27–33).
Sau khi dân Israel bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi đất hứa, bị tản lạc khắp nơi trên thế giới vì đã khước từ các mệnh lệnh, không làm theo những điều răn và phá bỏ giao ước với Đức Chúa Trời, thì đất bị bỏ hoang và được nghỉ ngơi bù lại những năm sa-bát đất không được nghỉ (34–35).
Đức Chúa Trời luôn luôn công bằng trong cách đối xử của Ngài với mọi vật; dù đất là vô tri vô giác, nhưng Ngài vẫn giữ luật lệ của Ngài là cho đất được nghỉ sau sáu năm bị cày xới và sinh sản hoa màu.
Bài học nầy nhắc chúng ta về đức công chính và công bằng của Chúa, cũng như ta phải nhớ tuân theo các mệnh lệnh của Ngài để được hưởng phước từ Đấng thành tín và tránh xa tai hoạ.
Về phần những người Israel sống sót và bị tan lạc khắp nơi thì tai hoạ chưa phải đã chấm dứt đối với họ. Chúa giữ lời ngăm đe của Ngài là sẽ khiến họ bị sờn lòng đến nỗi tiếng lá rơi cũng đủ làm cho họ chạy trốn, người nầy vấp ngã trên người kia như lúc chạy trốn lưỡi gươm và ngã gục dù không ai truy đuổi (36–37). Chúa phán: “Các con sẽ bị diệt vong giữa các dân tộc và đất của kẻ thù sẽ nuốt chửng các con” (38).
Người còn sống sót sẽ bị héo rũ trên đất của kẻ thù vì sự gian ác mình. Rồi những thế hệ được cha mẹ sinh ra trong cảnh lưu vong cũng sẽ không khá gì hơn cha mẹ và tổ phụ mình. Họ cũng sẽ bị sự buồn rầu bao quanh, vì ở đâu người Do-thái cũng bị rẻ rúng, đàn áp và khinh bỉ bởi mọi dân tộc ở những nơi họ sống (39).
Tuy vậy, Đức Chúa Trời thành tín và nhân từ vẫn chờ đợi dân Israel ăn năn, xưng nhận tội ác của họ và của tổ phụ họ đã bội bạc và chống lại Ngài; và “nếu tấm lòng không chịu cắt bì của chúng biết hạ xuống và thuận phục sự sửa phạt về tội ác mình,” thì Chúa sẽ nhớ lại giao ước đã lập với các tổ tiên của họ là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp và vùng đất hứa Ngài đã ban cho họ (40–42).
Họ bị hình phạt vì đã khinh bỉ và chán ghét các mệnh lệnh và luật lệ của Chúa. Dù trừng trị Israel, nhưng Chúa vẫn thương yêu, không bỏ họ, không tận diệt và không huỷ bỏ giao ước, vì Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel.
Ngài sẽ nhớ lại giao ước đã lập với tổ phụ của họ là những người Ngài đã đem ra khỏi xứ Ai-cập trước mắt nhiều dân tộc (43–45).
Đến đây kết thúc “các luật lệ, mệnh lệnh và luật pháp mà Đức Giê-hô-va thiết lập giữa Ngài với con dân Israel trên núi Si-na-i qua Môi-se” (46).
Trên đường họ đi giữa hoang mạc để về đất hứa, họ sẽ được Chúa dùng Môi-se và các hoàn cảnh để chỉ dẫn họ nhiều bài học mới.
Leviky19.docx
Rev. Dr. CTB