Lê-vi-ký, bài 18

Lê-vi-ký 25:35–55

Vào thời mà chế độ nô lệ đang hồi cực thịnh, các dân tộc dễ dàng thù nghịch tranh chiến với nhau, người ta nỗ lực sở hữu tài sản, phẩm giá con người và nhân quyền chưa được tôn trọng, phụ nữ bị kể như có giá trị rất thấp, và số phận của người nghèo rất bấp bênh, mà điều luật của Đức Chúa Trời về cách đối xử với người nghèo vượt xa mọi cách suy nghĩ, truyền thống và não trạng của loài người, không những vào thời đó, mà còn vượt xa các chủ thuyết được mệnh danh là nhân bản thời nay nữa:

Nếu người anh em của các con lâm vào cảnh nghèo khó, không thể tự nuôi mình, thì các con phải giúp đỡ người ấy” (35).

Nếu người bị lâm vào cảnh nghèo túng ấy là người Israel, đã là khác thường. Nhưng luật của Chúa lại buộc dân Israel phải giúp đỡ cho những người nghèo đó “dù là ngoại kiều hay người tạm trú.” Chẳng thấy luật pháp nào trên thế gian buộc người dân phải giúp đỡ người nghèo để họ có thể sống chung với người bản xứ.

Điều nầy cho thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời nổi trội cao hơn mọi nền đạo đức trần gian. Đối với những người nghèo, thất thế thì “không được lấy lãi hay trục lợi” trên người ấy (36) “không được cho người ấy vay tiền lấy lãi, cũng đừng bán lương thực … để kiếm lời” (37) là một nét vô cùng cao quý trong các xã hội đầy lòng tham lam. Người Israel chỉ có thể làm điều đó khi họ kính sợ Đức Chúa Trời.

Thời nay chúng ta cũng phải áp dụng nguyên tắc bác ái tuyệt vời nầy, bởi vì Đức Chúa Trời đã giải thoát chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ban cho chúng ta một tâm linh được tái sinh trong một đời sống mới của vương quốc thiên đàng (38).

Cho vay kiếm lời là hành động tham lam. Nếu cho người thiếu thốn vay tiền để tạm qua cơn khốn khó, mà lấy tiền lãi, thì đó là hành động hết sức vô lương tâm. Hãy nhớ rằng ai vi phạm sẽ bị Chúa trừng phạt.

Một người Israel ở giữa dân tộc mình mà phải tự bán mình làm nô lệ, dù đã được giúp đỡ, là người không vượt qua nổi quá nhiều khó khăn. Giống như trường hợp phải bán sản nghiệp, sự tự bán mình chỉ được cho phép trong cảnh ngộ quá nghèo túng.

Luật của Chúa quy định rằng người mua không được bắt người ấy làm việc như một nô lệ, mà phải đối xử như người làm thuê, khách trọ, hay một người giúp việc trong nhà (39–40). Vậy thì, nô lệ trong nhà khác với người Israel nào tự bán mình ra sao?

Vào thời ấy, người ta có quyền tới chợ bán nô lệ, chọn lựa để mua các người nô lệ vừa ý mình về giúp việc nhà. Những nô lệ ấy là tài sản của người chủ mua và thường là từ các dân tộc khác.

Họ bị làm nô lệ do bị bắt làm tù binh khi dân tộc họ bị thua trận, hay vì cha mẹ quá nghèo túng phải bán con đi làm nô lệ cho người khác. Vì vậy, người Israel có quyền mua nô lệ, hoặc bắt tù binh làm nô lệ cho mình, nhưng họ không được đối xử với người Israel như nô lệ.

Người nô lệ phải đứng hầu khi chủ ăn, phải hầu hạ mang đồ đạc theo tới chỗ chủ tắm, những công việc hạ tiện như rửa chân cho chủ và khách, buộc hay cổi dây dép cho chủ, làm những việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm.

Người chủ sử dụng nô lệ như đồ dùng hoặc thú vật. Người bị làm nô lệ không còn phẩm giá con người, cũng không có một hi vọng nào sẽ được trở lại làm người tự do. Bởi vì người nô lệ được cho sống hay bị bắt phải chết do quyền quyết định của người chủ.

Nếu được ở với người chủ hiền lành và tử tế, thì người nô lệ có được chút hạnh phúc. Hầu như không có người nô lệ nào, vào thời thịnh hành của chế độ nô lệ, được trở về quê cha đất tổ và gia đình của mình. Thời kỳ có chế độ nô lệ là một chương hết sức tối tăm trong lịch sử nhân loại.

Luật về nô lệ nói trên là phần phụ thêm vào luật về nô lệ đã truyền dạy ở Xuất Ai-cập 21:2–3, nói rằng: Người Hê-bơ-rơ bị làm nô lệ cho người Hê-bơ-rơ khác thì sẽ phục vụ sáu năm; tới năm thứ bảy, người đó được tự do ra di mà không phải trả lại tiền. Nếu khi người đó vào ở một mình, thì sẽ ra đi một mình; nếu hai vợ chồng cùng vào thì cả hai cùng tự do đi ra.

Phần phụ thêm nầy là nhằm ngăn ngừa và giới hạn sự hà khắc và độc đoán của người có tiền của. Sự khác nhau giữa việc được tự do sau sáu năm phục vụ, với việc được tự do vào năm hân hỉ, là dựa trên số tiền mà chủ mua đã trả. Số tiền đó căn cứ trên trị giá tiền công của số năm làm việc trước khi phải trả lại tự do cho người tự bán mình, hay bị gia đình bán.

Nếu người nghèo bị thiếu món nợ quá lớn, thì phải bán mình cho tới năm hân hỉ để lấy đủ số tiền trả món nợ mà mình đã vay.

Khi đến năm hân hỉ, thì người Israel nào đã tự bán mình, cùng với con cái, sẽ được tự do trở về với gia đình và sản nghiệp của tổ phụ mình (41). Luật bác ái nầy đã được đặt ra để ban hi vọng cho những người cùng khổ trong dân của Đức Chúa Trời.

Trong thời mà người chủ nô có quyền mua nô lệ từ kẻ khác và bán nô lệ của mình cho người khác là thứ quyền hợp pháp và phổ thông, thì lệnh của Đức Chúa Trời là không được phép bán những người Israel mà họ đã mua về để làm việc trong nhà. Lý do là “vì họ là những đầy tớ của Ta đã được Ta đem ra khỏi Ai-cập” (42).

Con cái của nô lệ Israel, do vợ mà chủ cưới cho sinh ra trong nhà chủ, theo luật trước đây, bị kể là tài sản của chủ, nay do quy định nầy sẽ được đem theo con cái mình trở về với dòng tộc, gia đình và sản nghiệp của tổ phụ. Người ấy không bị cảnh vì thương con mà phải chịu làm nô lệ suốt đời.

Tín hữu ngày nay hãy suy gẫm về vấn đề nầy. Chúng ta đã được Đức Chúa Jesus dùng huyết báu của Ngài chuộc ta khỏi kiếp làm nô lệ cho tội lỗi; vì thế, đừng tự bán mình làm nô lệ cho ma quỷ một lần nữa vì các sự ham muốn của xác thịt, là các lý do không chính đáng.

Ngày xưa, năm hân hỉ là hi vọng của những người nghèo khó có dịp lấy lại sản nghiệp và tự do của họ. Thời nay, nếu chúng ta có lầm lỡ, sa ngã vì yếu đuối, thì vẫn có quyền năng tha tội từ huyết của Đức Chúa Jesus dành cho những người thật lòng ăn năn, trở lại làm chiên trong bầy của Ngài. Chúng ta vẫn luôn có cơ hội mỗi ngày.

Ơn hi sinh cao quý của Đức Chúa Jesus đã ban cho loài người năm hân hỉ thường xuyên. Tuy vậy, thời gian thì có giới hạn; những quyết định kịp thời vẫn luôn luôn tốt.

Dù đã bỏ tiền ra mua những nô lệ người Hê-bơ-rơ, chủ nô không được phép hà khắc với các người làm tôi tớ nầy, mà phải xem là như anh em đồng làm việc, tuy không được ngang hàng với chủ (43). Họ có thể mua nô lệ từ các dân tộc chung quanh hoặc những người tha hương đang kiều ngụ giữa họ, hoặc con cái của những người ấy (44–45).

Các dân tộc sống chung quanh Israel cùng những kiều dân sống giữa họ là những người thờ cúng hình tượng, cũng không biết kính thờ Đức Chúa Trời.

Dân chủ và nhân quyền là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với người thời bấy giờ; vì thế, Chúa cho phép dân Israel mua nô lệ làm sản nghiệp.

Với tinh thần kính sợ Đức Chúa Trời thì người Israel sẽ không dám cư xử độc ác với những nô lệ làm đầy tớ cho họ (46).

Nếu những người Israel vì quá nghèo túng phải bán mình làm nô lệ cho ngoại kiều hay người tạm cư giữa họ, thì những người bà con thân thuộc có quyền chuộc người ấy lại. Nếu người ấy tự giàu lên thì có thể chuộc mình trở về đời sống tự do (47–49).

Nghĩa là những người ngoại kiều hay tạm cư giữa dân Israel, muốn mua một người Hê-bơ-rơ làm tôi tớ, thì phải thuận theo luật quyền được chuộc cho người tôi tớ đó.

Luật về giá tiền chuộc thì lấy số tiền giá mua trừ đi số năm phục vụ tính theo lương công nhật của người làm thuê. Số tiền còn lại phải trả cho chủ mua là giá tiền lương công nhật trong số năm từ ngày chuộc tới năm hân hỉ (50–52). Nghĩa là người mua không bị lỗ lã gì hết.

Hơn nữa, luật truyền rõ: “Vì được xem như người làm công từ năm nầy sang năm khác, nên người chủ không được cư xử hà khắc với người ấy” (53).

Làm con dân của Đức Chúa Trời thì có nhiều đặc quyền hơn người ngoại giáo. Vì dù không có người thân thích nào đủ tiền chuộc một người Israel đã phải bán thân mình, thì tới năm hân hỉ người ấy cùng con cái vẫn được trả lại tự do (54–55).

Giống như Israel khi xưa là đầy tớ của Đức Chúa Trời, vì họ được Ngài giải thoát ra khỏi Ai-cập, chúng ta ngày nay cũng là đầy tớ của Ngài do được cứu chuộc bởi huyết của Đức Chúa Jesus.

Chúng ta không có khả năng chuộc những tội nhân đang sống quanh mình; nhưng chúng ta có thể giới thiệu Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế cho họ, bằng cách sống đời gương mẫu trong ân điển Chúa, bày tỏ tình yêu thương chân thật cho họ thấy, cách sống tỏ ra lòng biết ơn Chúa và trình bày được thánh quang của Ngài.

Leviky18.docx
Rev. Dr. CTB