Dân-số-ký, bài 08

Dân-số-ký 13:1–33

Người ta thấy có sự mâu thuẫn khi so sánh Dân-số 13:1–3 với Phục-Truyền Luật-lệ 1:22. Dân-số 13: 1–3 thì ghi ý kiến sai thám tử đi do thám đất Canaan là từ Đức Giê-hô-va, Phục-Truyền 1:22 lại chép ý kiến đó là do dân Israel đề nghị với Môi-se.

Người nghiên cứu Kinh-thánh phải biết cách Môi-se thường làm trước các quyết định quan trọng là: Ông luôn luôn trình bày sự việc lên Đức Chúa Trời và chờ sự chỉ dẫn của Ngài. Ông chẳng bao giờ vội vàng lập quyết định mà không cầu hỏi ý muốn của Chúa.

Nhưng việc sai thám tử đi do thám vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho, mà từ ngày họ ra đi có trụ mây và trụ lửa của Ngài dẫn đường, thì ý định do thám tìm đường tiến vào đất hứa có một chút ý gì đó không tin tưởng hoàn toàn vào sự hướng dẫn của Chúa.

Căn cứ vào các sự kiện trên, nhiều học giả Kinh-thánh tin rằng ý tưởng do thám xứ phải phát xuất từ dân Israel, được Môi-se thấy là hợp lý nên trình lên Đức Chúa Trời xin sự chấp thuận của Ngài.

Thật ra, sự do thám là không cần thiết; bởi vì Đức Chúa Trời đã hứa ban cho một miền đất trù phú, đượm sữa và mật, Ngài cũng biết lối đi nào là thuận lợi nhất; nếu dân Israel tin cậy hoàn toàn vào lời hứa, quyền phép, sự chu cấp, và sự hướng dẫn của Chúa, thì việc chinh phục đất hứa sẽ rất dễ dàng.

Nhưng dù đã chứng kiến rất nhiều quyền năng và được hưởng sự chu cấp đầy đủ lương thực và nước uống trong hoang mạc khô hạn, người Israel vẫn chưa chân thành tin cậy vào Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ và vẫn đang dẫn dắt họ mỗi ngày.

Các diễn biến vừa kể giúp cho chúng ta nhận ra vài điều trong thực trạng của tâm linh chúng ta.

Giống như dân Israel đang sống giữa nhiều ơn phước siêu nhiên và vẫn không đặt lòng tin cậy hoàn toàn vào Đấng cứu giúp họ, mà định dựa vào khả năng và trí phán đoán của sự khôn ngoan loài người, thì chúng ta ngày nay vẫn hành xử không khác gì hết.

Trong hầu hết các việc của đời sống chưa biết phải quyết định ra sao, rất ít tín hữu cầu hỏi rồi chờ đợi sự hướng dẫn của Chúa. Người ta thường dùng sự suy tính theo ý riêng mà họ nghĩ là khôn khéo và tốt nhất rồi xin Chúa ban phước cho điều họ đã quyết định.

Dĩ nhiên là Chúa chẳng cấm chúng ta làm điều đó, nhưng thường thì Ngài cũng chẳng ban phước gì trên những việc ta làm không do sự chỉ dẫn của Ngài.

Vậy, cuộc do thám xứ Canaan do dân Israel khởi xướng, Môi-se chấp thuận để làm vừa lòng dân, nhưng Đức Chúa Trời cho phép, để kết quả sẽ phơi bày tâm địa của dân Israel không tin cậy Ngài. Vì Chúa đã biết trước mọi điều sẽ xảy ra (1-3).

Hoang mạc Paran thì rất rộng; nơi dân Israel đóng trại là Kadesh-barnea (Phục-Truyền 1:19) có lẽ có nhiều nước, vì họ ở đó lâu ngày (Phục-Truyền 1:46).

Những người lãnh đạo được cử đi do thám không phải là những người đứng đầu các chi tộc (2–15), mà chỉ là thành phần lãnh đạo khoẻ mạnh và có nhiều tài năng. Môi-se đặt tên cho Oshea, người hầu cận của ông, là Giôsuê [Jehoshua] (16). Oshea nghĩa là ‘sự giúp đỡ’ hay ‘sự cứu rỗi’ còn Jehoshua có nghĩa là ‘Jehovah là sự cứu giúp.

Môi-se trao các nhiệm vụ sau đây cho mười hai thám tử: Trước hết phải xem xét từ Negev ở đầu phía Nam của xứ Canaan, vùng đất khô khan gần sa mạc, rồi tiến dần lên vùng núi non; xem vùng đất ra sao, nghĩa là cần quan sát rất kỹ lưỡng từ cái nhìn tổng quát cho tới từng chi tiết nhỏ; giống như cách thức mà thầy tế lễ phải khám xét người bị bệnh ngoài da vậy.

Kế đến là phải xem người bản xứ lực lưỡng hay ốm yếu; dân số tổng quát đông dân hay ít dân; tổng quan về khí hậu, đất đai và các nguồn nước, vì xứ sở ít nguồn nước thì cuộc sống khó khăn. Cư dân ở nơi nào gần sông suối thì trù phú hơn nơi khô hạn; cư dân ở đó sống trong lều hay thành có vách kiên cố; đất có màu mỡ hay không và cây cối ra sao, phải mang về một ít trái cây của xứ để làm bằng chứng.

Bấy giờ là đầu mùa hái nho (17–20), tức là khoảng cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám dương lịch. Họ ra đi nhằm ngày hai mươi chín tháng Sivan, tức là tháng Ba lịch Do-thái, dựa theo sự ghi chép ngày họ rời khỏi Si-na-i là ngày hai mươi tháng thứ nhì (Dân-số 10:11).

Hoang mạc Zin nằm ở Đông Bắc của hoang mạc Paran, nơi có địa danh Kadesh-barnea. Người ta thường lầm lẫn vì nó không phải là hoang mạc Sin gần với Ai-cập mà trước đây dân Israel đã đi qua.

Vậy, từ hoang mạc Zin, các thám tử đi lên Negev rồi tiến dần lên miền đồi núi, nơi cư ngụ của dân Amorite. Họ dọ thám tới Rehob, một thành nằm ở đầu phía Tây Bắc xứ Palestine, tiến qua Hamath nằm ở phía Đông-Bắc, cửa vào chỗ trũng giữa Li-băng và núi Hermon (21). Câu nầy tóm tắt đường đi của họ.

Negev là vùng đất khô hạn ở đầu phía Nam của xứ Canaan. Vậy, các thám tử đi từ phía Nam dần lên Rehob ở hướng Tây Bắc, vòng qua Hamath ở Đông Bắc rồi trở về.

Khi từ Negev vào miền núi, họ tới thành Hebron, là vùng đất sau nầy thuộc về chi tộc Giu-đa. Vào thời Ápraham thì Hebron có tên là Kiriath-arbah (Sáng-thế 23:2; 35:27). Ở vùng Hebron, họ biết được các tên Ahiman, Sheshai và Talmai, vừa là tên người vừa là tên các chi tộc con cháu Anak, người khổng lồ.

Thành Hebron được xây dựng bảy năm trước khi thành Zoan của Ai-cập, nơi Pharaoh ở, được xây dựng (22). Nửa thế kỷ sau kỳ do thám nầy, Ahiman, Sheshai và Talmai, ba con trai khổng lồ của người khổng lồ Anak, vẫn còn sống và bị Caleb diệt trừ (Giô-suê 15:13–14).

Khe Eschol nằm ngay phía Bắc của Hebron. Tên khe hay trũng ấy có lẽ lấy tên của Eschol, em trai của Mamre, người Amorite (Sáng-thế 14:13). Cũng có giải thích khác cho rằng Eschol trong tiếng Hebrew là chùm nho.

Các thám tử thay nhau dùng đòn khiêng chùm nho lớn, chẳng những vì nó quá nặng, mà còn để giữ cho chùm nho khỏi bị giập. Họ cũng đem về những trái lựu và trái vả để chứng minh cho sự màu mỡ của đất (23–24).

Phải nói là những thám tử ấy rất tài giỏi, vì trong bốn mươi ngày kín đáo dọ thám một khu vực rộng lớn, phải trốn tránh cư dân chẳng mấy thân thiện, mà họ trở về an toàn chẳng mất một ai.

Sau bốn mươi ngày do thám xứ, các thám tử trở về phúc trình kết quả với Môi-se, A-rôn và hội chúng: “Chúng tôi đi đến vùng đất mà các ông đã sai chúng tôi đi. Đó quả là một vùng đất đượm sữa và mật; đây là hoa quả của nó. Tuy nhiên dân ở trong xứ nầy mạnh mẽ, thành trì vững chắc và rộng lớn. Chúng tôi cũng có thấy con cháu Anak ở đó” (25–29).

Vừa nghe rằng cư dân thì mạnh mẽ và có cả dòng dõi của người khổng lồ, thì dân chúng bắt đầu cằn nhằn với Môi-se vì sợ hãi.

Lúc nầy chỉ mới là năm thứ nhì sau khi dân Israel ra khỏi Ai-cập. Họ đã được chứng kiến rất nhiều quyền phép mà Đức Chúa Trời thi thố vì họ. Trụ mây, trụ lửa vẫn luôn dẫn đường, che chở họ từ ngày ra đi. Họ cũng đã chứng kiến sự oai nghi đầy kinh khiếp của Đức Chúa Trời ở núi Si-na-i. Thế mà họ quên mất quyền năng vĩ đại của Ngài vì quá quen với sự cung ứng mỗi ngày.

Nhưng Ca-lép lên tiếng nói rằng: “Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ, vì chúng ta có thể thắng được” (30). Ý kiến của ông bị mười người kia bác bỏ, vì họ đều sợ sức mạnh của cư dân khổng lồ trong xứ. Họ cho rằng cư dân trong vùng đất mà họ đã do thám sẽ ăn nuốt dân Israel một cách dễ dàng, bởi vì dân đó quá cao lớn (31–32).

Người có đức tin lớn thì cách suy nghĩ khác xa với người thiếu đức tin vào quyền phép và sự vùa giúp của Đức Chúa Trời.

Đối với hội chúng có quá nhiều người luyến tiếc cuộc sống ở Ai-cập, là quê hương suốt đời của họ trước kia, thì bất cứ một trở lực nào cũng khiến họ muốn quay về quê cũ, một cuộc sống đã quen thuộc lâu ngày.

Còn đối với mười thám tử kia sau khi dọ thám thành công, tuy tin vào sức riêng nhưng tự biết không thể đánh thắng người khổng lồ, nên đưa ra nhận định đầy bi quan làm nản lòng dân chúng (33).

Bài học về sau cho thấy những người có đức tin mạnh mẽ như Caleb và Jehoshua đều được Chúa ban thưởng xứng đáng.

Từ chỗ nầy trở đi, vì lòng không tin vào lời hứa và quyền phép của Đức Chúa Trời, người Israel phải đi lòng vòng trong hoang mạc thêm hơn ba mươi tám năm nữa, cho đến khi thế hệ thứ nhất đã chết hết, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép, thì thế hệ thứ nhì mới được vào chiếm vùng đất hứa.

Lời nói đầy đức tin hay thiếu đức tin của người lãnh đạo thì hoặc là dẫn con cái Chúa vào nơi an nghỉ, hoặc là khiến họ phải lang thang trong hoang mạc khô hạn của đời sống tâm linh. Người ta tự chọn lựa hậu quả, vì Đức Chúa Trời chẳng khi nào ép buộc ai cả.

Dansoky08.docx
Rev. Dr. CTB