Phục Truyền Luật Lệ, bài 33

Phục Truyền 32:1–18

Như đã nói trước, những bài có vần điệu thì dễ nhớ, dễ thuộc hơn các bài văn xuôi; cho nên, bài giáo huấn của Môi-se dạy cho dân Israel được soạn thành một bài ca để họ dễ thuộc lòng. Từ những câu đầu đã là các vần thơ kéo dài suốt cả bài ca.

Hỡi trời hãy lắng tai,…, hỡi đất hãy nghe (1), là lời nghiêm trang mà Môi-se muốn trời và đất làm chứng cho những lời quan trọng về sự thật và sự quan trọng của nội dung bài ca mà cả thế giới cần phải nghe; sự ngu dại và bướng bỉnh của một dân không chịu suy nghĩ, vì trời và đất sẽ chịu nghe, còn những kẻ nầy sẽ chẳng nghe lời ích lợi cho họ.

Giống như ruộng khô hạn mừng rỡ đón mưa rào, những tấm lòng khát khao nhận biết ý muốn thiêng liêng sẽ sẵn sàng tiếp nhận giáo huấn từ trời, thấm nhuần như sương mưa trên cỏ xanh; Môi-se mong rằng lời ông truyền đạt sẽ không mất đi mà lưu lại trong lòng người (2).

Vì ông “sẽ tung hô danh Đức Giê-hô-va. Tôn cao sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời” (3); ca ngợi, tung hô là lớn tiếng rao truyền sự vĩ đại và uy nghiêm của Đức Chúa Trời.

Vầng Đá’ nghĩa là vững vàng, không lay chuyển, sức mạnh và quyền phép vô địch, các đường lối, lời hứa và dẫn dắt là chắc chắn và không dời dổi; “trong Ngài không có sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự chuyển dịch” (Gia-cơ 1:17b); mọi công việc của Chúa, từ công việc sáng tạo, cung ứng hay ân sủng đều không có chút khiếm khuyết nào, tất cả đều toàn hảo, khôn ngoan và chính trực (4).

Công lý là cách cai trị trên thế giới của Chúa đối với nhân loại là hoàn toàn công nghĩa và thánh thiện. Sự thành tín và không có bóng của sự gian ác nào trong Đức Chúa Trời trái ngược với tính hay phản bội và gian tà, hay dời đổi của các dòng dõi Israel nhuốc nhơ (5).

Những kẻ đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc nhưng quay lại phản bội Ngài là những kẻ ngu si và khờ dại; bởi vì ngoài ơn cứu chuộc của Chúa, người ta không thể làm được bất cứ điều gì tự cứu lấy mình (6).

Những ngày xa xưa không phải chỉ kể từ Abraham mà rất nhiều thế hệ trước đó nữa đã từng biết và tiếp nhận ân sủng từ Đức Chúa Trời. Những ai chịu suy gẫm về những thế hệ cha ông trước mình đã nhờ ơn cứu độ và can thiệp của Đức Chúa Trời mới có mình hôm nay, thì mới tránh được những quyết định dại dột đi ngược đức nhân từ của Chúa (7).

Khi Đấng Tối Cao phân chia sản nghiệp cho muôn dân và phân tán con cái loài người, thì Ngài định biên giới cho mọi dân tộc theo số các con trai của Đức Chúa Trời” (8) (Bnei Elohim = con trai của Đức Chúa Trời). [Một phái thần học dùng chữ Israel để xoá bỏ chữ ‘Bnei Elohim’ của bản dịch tiếng Hy-lạp].

Theo quan điểm của người Do-thái giải nghĩa Kinh thánh Cựu ước (Sáng thế 10) thì dòng dõi Nô-ê phân tán khắp thế gian là bảy mươi dân tộc; mỗi dân tộc đều có một vị thiên sứ bảo hộ, như lời thiên sứ Gabriel cho Daniel biết thiên sứ Michael là vị bảo hộ của Israel (Daniel 10:21), và nước Ba-tư, Hy lạp cũng có các thiên sứ bảo hộ vì phản bội trở thành tà thần (Daniel 10:20).

Các nhà giải kinh đều né tránh câu 8 rất khó giải thích nầy, vì họ không công nhận các sách cổ Enoch, Jasher và Jubilee là những sách có giá trị lịch sử để tham khảo. Chúng ta cần hiểu rằng bảy mươi hai vị học giả Kinh thánh người Do-thái đã dịch Ngũ kinh từ tiếng Aram và Hebrew sang ngôn ngữ Hy -lạp theo lệnh hoàng đế người Hy-lạp Ptolemy II Philadelphus, vua Ai-cập, vào giữa thế kỷ thứ 3 BC, là các vị làm việc rất cẩn thận để bản dịch của họ được chính xác. Họ dùng “Bnei Elohim” là rất hợp lý; vì khi các dân tộc phân tán khắp trên đất thì Abraham và Jacob chưa ra đời.

Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban đất Canaan cho dòng dõi của Abraham từ khi chưa có Jacob ở thế gian. Vì Ngài đã định trước rằng dân tộc Israel sẽ thành hình về sau là dân tộc mà Ngài chọn làm sản nghiệp (9).

Mặc dù chép rằng: “Ngài tìm được họ trong một nơi hoang vắng, giữa những tiếng gào thét của hoang mạc,” thì người Israel có thể hiểu lịch sử của họ từ nguồn gốc là dân du mục lang thang ở những nơi vắng vẻ, rồi bị dày đoạ khổ sở trong cảnh nô lệ tại Ai-cập, họ được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi và lập giao ước với họ trong hoang mạc Sinaii, Ngài chăm sóc và bao phủ gìn giữ họ “như con ngươi của mắt Ngài” (10). “Như phụng hoàng khuấy động ổ mình, bay lượn quanh bầy con, dang rộng cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên đôi cánh” (11), là hình ảnh tuyệt đẹp về sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài.

Như chim ưng mẹ phải phá tổ để chim ưng non buộc phải tập bay, Đức Chúa Trời phải đem Israel ra khỏi Ai-cập và dẫn họ vào chỗ phải tập luyện vươn lên từ nơi khô hạn, để sau nầy thành một dân tộc độc lập có đủ sức chống cự những kẻ thù chung quanh toan huỷ diệt họ.

Ngài dẫn họ vào hoang mạc để chỉ một mình Ngài dẫn dắt họ, không dân tộc thờ thần lạ nào khác ở bên cạnh để họ bắt chước (12). Rất nhiều cảnh ngộ mà Chúa đưa chúng ta vào để con cái Ngài chỉ biết nhìn lên Ngài để được hướng dẫn và bảo vệ. Không có cơ hội nào cho chúng ta bắt chước láng giềng hay hàng xóm tìm sự giúp đỡ của ma quỷ hay tà thần.

Cưỡi trên các nơi cao của xứ” là cách nói thi vị hoá các hành động đánh chiếm và chinh phục những thành kiên cố của các dân tộc nghịch thù trên cao nguyên và đồi núi. Họ sẽ không còn nhờ cậy ma na nữa; các tổ ong tươm mật trong những hốc đá, và vườn olive mọc mạnh nhất sinh trĩu trái trên đất đồi đá lởm chởm (13).

Sữa đông” tức là bơ lấy ra từ sữa bò, uống sữa tươi của chiên; dân Israel không được ăn mỡ trong bộ lòng của các con thú, nhưng mỡ lẫn trong thịt thì họ được ăn. Lúa mì thượng hạng, cũng như nước nho tươi sẽ có sau khi họ vào ở yên ổn trong xứ (14).

Jeshurun là tiếng gọi tắt của ‘Israel yêu dấu.’ Sau khi được yêu thương và no đủ rồi thì phản bội, khinh thường Đấng chăm sóc mình là ý nghĩa của nhóm chữ “tung cú đá”; giống như các con trai của thầy tế lễ Hê-li khinh thường các lễ vật dâng cho Chúa (1Samuel 2:29).

Môi-se nói trước rằng sau khi dân Israel đã được no nê và yên ổn rồi, thì họ sẽ “lìa bỏ Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên mình và khinh thường Vầng Đá cứu chuộc mình” (15). Lịch sử Israel cứ lặp đi lặp lại mãi, vì con dân Chúa ngày nay cũng vậy; vì không nhìn thấy Đức Chúa Trời nên sau khi tai qua nạn khỏi, tín hữu quên bẵng Đấng đã ban ơn giải cứu mình khỏi tai hoạ, lười thờ phượng, lười phục vụ và chỉ nhắm thoả mãn ý riêng.

Ghen tức” là cách diễn tả theo phản ứng của loài người nói về sự vô cùng tức giận của Đức Chúa Trời khi thấy dân mà Ngài yêu thương bỏ Ngài đi thờ lạy những thần xa lạ, và những việc “ghê tởm” là cách thờ cúng các tà thần và ma quỷ của dân ngoại là điều chọc cho Chúa nổi giận (16).

Trong câu kế tiếp thì có hai cách nói khác nhau: 1)Dâng sinh tế cho ma quỷ, không phải là cho Đức Chúa Trời.2)Dâng sinh tế cho ma quỷ là thứ không phải các thần” (17). Cách dịch 1 là theo bản cổ truyền; cách dịch 2 là bản Anh ngữ được xem như chuẩn mực hiện nay.

Mỗi cách dịch đều có nghĩa hợp lý nếu chấp nhận chữ “quỳ lạy” của câu tiếp theo trong cách dịch 1; nhưng trong các bản tiếng Anh cả hai cách dịch đều không có chữ ‘quỳ lạy,’ mà là “dâng cho” hay “cho các thần mà mình chưa từng biết.” Như vậy, cách dịch 2 thích hợp và đúng hơn.

Chúng ta cũng nên rất cẩn thận về bản dịch tiếng Việt câu tiếp theo: “Là các thần mới vừa xuất hiện ít lâu.” Theo ý nầy thì đúng là các thần có xuất hiện. Nhưng ý nghĩa của nó không phải vậy, đó là sự bất cẩn của người dịch tiếng Việt; vì dân Israel mới biết lần đầu về các thần của các dân tộc lân cận, mà chúng không phải là thần linh gì hết, nên tổ phụ Israel chưa bao giờ sợ chúng cả (17b).

Tức là từ Abraham, Isaac và Jacob, tới mười hai tổ phụ của mười ba chi tộc, đều biết chỉ có một Đức Chúa Trời là Thần Tối Cao, ngoài Ngài ra, họ không thờ thần nào khác, cũng chẳng sợ thần nào của các dân ngoại.

Đây là lời Môi se nói tiên tri về việc dân Do-thái sẽ từ chối Đấng Christ, là Vầng Đá đã sinh ra họ và ban sự sống cho họ (18; 1Côrinhtô 10:4). Người Giu-đa không còn nhớ các tính cách đã nói về Đấng Christ trong những lời hứa và những lời tiên tri của Cựu ước; cho nên, khi Ngài đến làm hoàn thành những lời tiên tri thì họ không nhận ra Đức Chúa Jesus là Đấng Messiah mà họ mong chờ qua các lời tiên tri.

Tín hữu ngày nay cũng thường vấp phải lỗi lầm của người Do-thái ngày xưa, không quan tâm đến Vầng Đá đã tái sinh mình và ban sự sống cho mình.

PhucTruyen33.docx

Rev. Dr. CTB