Nắm Vững Niềm Tin, bài 20

Rôma 9:1–18

Tiền định có nghĩa là mọi chuyện đã được định trước rồi, không thể thay đổi. Còn quyền chọn lựa là ý chí riêng của mỗi người chọn cách mình hành động hay lập quyết định theo ý muốn. Những điều sứ đồ Phaolô viết ở đoạn 9 nầy đã tạo ra hai quan điểm trái ngược nhau về số phận tiền định hay mỗi người có ý chí tự do chọn lựa. Mới xem qua thì có vẻ phái chủ trương tiền định hoàn toàn thắng thế. Ví dụ, “Đức Chúa Trời muốn thương xót ai thì thương xót, Ngài muốn làm cứng lòng ai thì làm” (18); hoặc Ngài chọn Isaac thay vì Ishmael (7–8); Jacob thay vì Esau (10–13). Lý luận nầy lại càng mạnh hơn khi Phaolô dùng ví dụ thợ gốm với đất sét để nói về quyết định của Chúa. Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét hai chủ trương thần học nói trên để hiểu kỹ càng và không sai lầm.

Thật ra, đây không phải là sứ đồ Phaolô lý luận để ủng hộ thuyết tiền định; trái lại, ông đưa ra để quả quyết về tình yêu thương bao quát của Đức Chúa Trời và sự toàn hảo tuyệt đối của Đấng Christ. Thần học Cơ-đốc luôn luôn khởi đầu sự suy gẫm trong Đức Chúa Jesus và kết thúc cũng trong Ngài. Chỉ một mình Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1), là hình ảnh của Đức Chúa Trời (Côlôse 1:15), là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài (Hêbơrơ 1:3). Ngài vượt lên thay thế mọi sự mặc khải trước kia về Đức Chúa Trời, và không gì thay thế được Ngài. Ngài là sự mặc khải cuối cùng về Đức Chúa Trời.

Bây giờ, nếu giải nghĩa Rôma 9 theo thuyết tiền định, thì chúng ta sẽ thấy thuyết ấy xung khắc với Đức Chúa Trời được phô bày qua Đức Chúa Jesus. Vì Ngài đã hi sinh chuộc tội cho những kẻ thù của Ngài, thì sự hi sinh đó phô bày cho cả vũ trụ thấy tinh túy trong Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Còn thuyết tiền định chỉ nói tới một phương diện trong chương trình của Đức Chúa Trời chứ không trình bày được tấm lòng của Ngài. Nếu đem đặt thuyết tiền định bên cạnh ơn hi sinh của Đức Chúa Jesus chuộc tội cho cả nhân loại, thì quá khập khiễng. Bởi vì Ngài đã bày tỏ và các sứ đồ làm chứng rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời là phổ quát, không thiên vị, đầy lòng nhân từ, và Ngài muốn mọi người đều được cứu (Công vụ 10:34–35; 1Phierơ 1:17; 2Phierơ 3:9).

Điểm thứ nhì là thuyết tiền định suy diễn rằng sứ đồ Phaolô quan tâm tới sự cứu rỗi cá nhân trong đoạn nầy. Nhưng đó không phải là điều Phaolô muốn nói. Thật ra điều ông muốn trình bày là Lời của Đức Chúa Trời có bị thất bại hay không (6). Nghĩa là, có phải Đức Chúa Trời đã rút lại lời hứa của Ngài cho dân Do-thái rằng Ngài là Đức Chúa Trời của họ, và họ là dân giao ước của Ngài hay không? Người Do-thái thời đó tin rằng sự thành tín về giao ước của Chúa đối với họ dựa trên hai điều: 1. là người Israel và 2. vâng phục luật pháp. Nhưng nếu những lời Phaolô giảng về ơn cứu rỗi dành cho mọi người, kể cả dân ngoại, chỉ dựa trên đức tin của họ, là đúng, thì có là dân Israel hoặc tuân theo luật pháp cũng chẳng được tính vào sự được cứu rỗi nhờ ân điển bởi đức tin.

Vì dân Do-thái cứ đinh ninh rằng họ là dân Israel và tuân phục luật pháp thì đương nhiên họ sẽ được cứu, nên họ bị thất bại và rất ít người tin Đức Chúa Jesus (31–32). Vì lòng họ quá cứng cỏi nên họ sẽ bị hư vong chứ không phải lời của Đức Chúa Trời bị hỏng. Đây là vấn đề Phaolô nói tới từ đoạn 9 tới 11. Tức là sự thành tín của Chúa đối với dân tộc Israel và nền tảng mà Ngài dùng để lập ai đó làm đối tác giao ước với Ngài. Nó không liên quan chút nào tới cách Chúa chọn các cá nhân vào ơn cứu rỗi. Cho nên, nếu ai dùng phân đoạn nầy để giải thích sự cứu rỗi thì sẽ lầm lạc.

Vậy, sự chọn lựa của Chúa ở chỗ nầy là gì? Chúng ta phải hiểu được chọn để thực hiện nhiệm vụ nào đó thì khác với được chọn cho sự cứu rỗi. Điều mà Phaolô quan tâm ở đây là mối liên hệ của Đức Chúa Trời với một dân tộc, không phải là sự cứu rỗi cho riêng cá nhân. Lời hứa giao ước của Chúa không bao giờ dựa trên quốc tịch hay sự tuân phục luật pháp theo bề ngoài. Cho nên, Ngài bày tỏ quyền tối thượng của Ngài là muốn chọn ai thì chọn. Phaolô dẫn giải ý của ông bằng sự lựa chọn của Chúa đối với Isaac thay vì Ishmael và Jacob thay vì Esau là không dựa trên tính tình hay công lao gì của những người ấy (8–13). Phaolô dùng ví dụ nầy để người Do-thái thấy rằng Đức Chúa Trời có quyền ban giao ước cho dân ngoại chỉ vì đức tin của các dân ấy.

Thế thì, Tại sao Đức Chúa Trời chọn Isaac và Jacob rồi ban cho họ có đặc quyền được ủy thác giao ước và luật pháp? Câu trả lời là: Họ được chọn để Chúa dùng họ làm một dân tộc có nhiệm vụ phụng sự Ngài và thế giới bằng cách làm một nước thầy tế lễ (Êsai 61:6a), và làm ánh sáng cho thế gian (Êsai 49:6b); họ cũng là phương tiện để mọi dân trên đất nghe biết về Đức Chúa Trời chân thật duy nhất (Êsai 61:11). Nghĩa là Israel được chọn để trở thành dân phục vụ Chúa chứ không phải là sự chọn lựa để hưởng sự cứu rỗi cho từng cá nhân. Tức là chọn lựa để làm nhiệm vụ được giao phó không phải là sự kêu gọi để được vào nước Trời; mặc dù họ sẽ hưởng ơn phước đặc biệt.

Mục đích sự nhấn mạnh của Phaolô vào quyền lựa chọn của Đức Chúa Trời đối với người Do-thái là nhằm đánh đổ lý luận của những người nghĩ rằng lời Chúa đã thất bại. Bởi vì ông trình bày rõ rằng lợi thế làm người Israel và giữ luật pháp theo hình thức đã bị sự giáng sinh và chức vụ của Đấng Christ làm cho lỗi thời. Từ trước khi Israel được chọn, mục tiêu muôn đời của Đức Chúa Trời là chinh phục lòng của người khắp thế giới cho Ngài; Ngài dùng Israel để thực hiện mục tiêu đó (25–26). Nhưng Israel đã chống lại; vì họ từ khước Đấng Messiah, nên Chúa dùng sự mù lòa của họ thay vì sự vâng phục của họ để đem vô số dân ngoại vào gia đình Ngài.

Đừng nghĩ rằng vì Chúa không chọn Ishmael và Esau thì họ sẽ bị trừng phạt vĩnh viễn. Phaolô không có ý nói như vậy, ông cũng không quan tâm tới số phận cá nhân. Ông đưa ra các ví dụ ấy để nói rằng hai người đó là tiêu biểu cho các dân tộc dòng dõi của họ; người Arab của Ishmael và người Edom của Esau. Điều nầy cũng không có nghĩa là dân Arab và Edom sẽ vĩnh viễn bị trừng phạt vì là dòng dõi của hai người không được chọn. Có người trích câu “Ta yêu Jacob nhưng ghét Esau” (13) để chứng minh cho luận cứ thuyết tiền định của họ. Nhưng thật ra đây là cách diễn đạt để bày tỏ sự chú trọng vào một người hay vật đối với người hay vật khác.

Ví dụ, Đức Chúa Jesus phán về điều kiện theo Ngài: “Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta” (Luca 14:26), thì không có nghĩa là phải ghét người nhà mình, nhưng là phải trọng Ngài hơn người thân và chính sự sống mình. Chúa bảo không được bất hiếu đối với cha mẹ (Mác 10:19); rồi phải yêu kẻ thù (Mathiơ 5:44), thì lý luận rằng Chúa bảo phải ghét người thân là không hợp lý chút nào. Vậy thì, trong trường hợp Jacob thay vì Esau, Đức Chúa Trời muốn dùng Israel thay vì Edom làm một dân tộc mà Ngài làm cho Danh Thánh mình được truyền rao ra khắp thế giới. Vậy, Rôma 9 không phải là lời Phaolô nói rằng đó là cách Đức Chúa Trời cứu hay trừng phạt các cá nhân.

Trong bài học kỳ tới chúng ta sẽ xem xét ý chí tự do của loài người có quyền lựa chọn số phận tương lai của mình. Vì chúng ta được cứu rỗi hay bị trừng phạt không phải là định mệnh đã bị định sẵn mà mình không cách nào thoát khỏi, nhưng là sự đáp ứng của chúng ta đối với tình yêu thương bao la, phổ quát và vĩnh cửu của Đức Chúa Trời, Đấng đáng được chúc tụng mãi mãi.

NamVungNiemTin20.docx

Rev. Dr. CTB