Nắm Vững Niềm Tin, bài 24
Rôma 11:16–36
Đức Chúa Trời không từ bỏ dòng dõi của lời hứa; bởi vì cái rễ olive là thánh thì các cành của cây olive đó cũng là thánh (16). Nghĩa là toàn thể dân tộc Israel đã được biệt riêng làm một dân đặc biệt của Đức Chúa Trời. Nhưng một số cành bị Đức Chúa Trời cắt bỏ, loại trừ, không được tham dự vào sự công chính của Ngài vì lòng vô tín của họ đối với Đức Chúa Jesus, Ngôi Lời của Ngài (20a). Trong khi đó, rất nhiều người là dân ngoại, nằm ngoài lời hứa về dòng dõi huyết thống của Abraham, được ví như các nhánh của loài olive hoang nghịch tánh, được ghép vào gốc olive vườn thuận tánh (17); thì đừng lên mình kiêu ngạo về địa vị cao trọng mình được hưởng, coi thường các cành bị cắt. Bởi vì chẳng phải nhờ thánh mà được ghép, nhưng để hưởng đức thánh của cái rễ (18).
Nghĩa đen của sự bị cắt bỏ thì ai cũng hiểu. Nhưng bị cắt bỏ khỏi điều gì? Đức Chúa Jesus là kết quả của lời Đức Chúa Trời hứa cho Abraham: “Mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước” (Sáng thế 12:3), vì Tin Lành là ơn phước lớn chưa từng có được ban cho khắp nhân gian; cho nên, bị cắt bỏ có nghĩa là không được hưởng ơn cứu rỗi từ Đấng Christ. Tại sao gọi là cái rễ chịu đựng nhánh hoang được ghép? Sự cứu rỗi của muôn dân đều bị lệ thuộc vào lời hứa của Chúa ban cho tổ tiên người Do-thái, ông Abraham, và Đấng Thiên Sai của dân ấy, là Đức Chúa Jesus. Khi chúng ta là dân ngoại được ghép vào cái gốc olive thánh, dù chẳng ai có quyền được ghép; chúng ta chỉ được dựa vào nhựa sống của gốc thánh là do ân điển của Đức Chúa Trời. Giống như những khách mời nằm trong danh sách dự phòng được ăn tiệc do khách của danh sách chính đã bị loại bỏ.
Bây giờ, đừng vì thấy mình hiện đang được hưởng ké ơn phước mà lên mặt với những nhánh bị chặt bỏ (19). Đúng là chúng đã bị chặt vì lòng vô tín đối với Đức Chúa Trời, còn chúng ta được ở trong ơn phước nầy là nhờ đức tin mà thôi (20b). Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc: Mặc dù Chúa rất nhân từ và đầy tình yêu thương, nhưng không vì thế mà Ngài bỏ qua sự khinh lờn của chúng ta trước những lời cảnh cáo của Kinh Thánh. Càng gần tới ngày Chúa trở lại chừng nào, mọi tín hữu càng phải sốt sắng và trung tín thêm chừng nấy. Nếu lâu nay mình vốn nguội lạnh trong tình tương giao với Ngài thì hãy tỉnh thức, tự xem xét đời sống tâm linh, xét lòng mình xem điều gì đang làm chủ hoặc chiếm hữu nhiều nhất. Chúa vẫn đang kiên nhẫn chờ chúng ta ăn năn để Ngài tha thứ.
“Đừng kiêu ngạo, nhưng hãy sợ hãi. Vì nếu Đức Chúa Trời đã không tiếc các cành tự nhiên thì Ngài cũng chẳng tiếc bạn đâu” (20b–21). Những cành tự nhiên của cây olive bị chặt vì sự vô tín của họ. Chúng ta nhờ đức tin được Chúa đem từ cây olive hoang về ghép vào cây olive thánh của Ngài; nếu chúng ta giở tánh vô tín và phản loạn, không chừa bỏ tính nết tội lỗi và ham muốn thế gian, đến nỗi chẳng có một chút kết quả nào, thì sẽ bị Chúa chặt bỏ không thương tiếc (22). Chương trình tuyệt vời của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ ghép những người Do-thái nào biết quay đầu trở lại với Đấng Thiên Sai của họ, là Đức Chúa Jesus Christ (23). Bởi vì nếu Chúa chấp nhận những cành olive hoang có đức tin, thì những cành bị bỏ bây giờ có đức tin phải được trở về gốc cũ (24).
Vị sứ đồ gọi việc một phần dân Do-thái cứng lòng bị Chúa loại trừ một thời gian, cho tới khi dân ngoại gia nhập Hội Thánh của Chúa được đầy đủ, là một điều mầu nhiệm (25); ấy là một điều vô cùng quan trọng cho nhân loại. Bây giờ, số dân ngoại được vào gia đình Chúa đã rất đông, Hội Thánh của Đức Chúa Jesus được gọi là Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Ngôi nhà ấy được thành lập để mọi dân tộc có thể vào thờ phượng Ngài. Con số được đầy đủ hay chưa? Chỉ Chúa mới biết rõ; vậy thì, thời điểm cả dân Israel được cứu gần đến rồi (26–27). Sứ đồ Phaolô dùng Êsai 59:20–21; và 27:9 (tức là 2 câu 26–27) để chứng minh cho chương trình mà Chúa đã sắp đặt.
Câu: “Như vậy cả dân Israel sẽ được cứu” (26a) không bao gồm cả các dân ngoại lẫn Do-thái. Bởi vì điều đó không phải là bí ẩn mầu nhiệm; mà dân Israel nói ở chỗ nầy là quốc gia và dân tộc Do-thái. Cũng không phải là mọi cá nhân người Israel sẽ được cứu, nhưng là số nhiều, có thể một phần lớn dân Do-thái sẽ trở lại với Đức Chúa Jesus sau nầy. Việc đó sẽ xảy ra như thế nào? “Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Siôn, cất bỏ sự vô đạo khỏi nhà Jacob; và đây là giao ước Ta lập với họ, khi Ta xóa bỏ tội lỗi họ” (26b–27). Đức Chúa Jesus là Đấng Giải Cứu. Siôn là ngọn đồi cao nhất nằm bên ngoài thành cổ Jerusalem. Tên Siôn dùng để chỉ về kinh đô Jerusalem yêu dấu ngày trước của dân Israel, thời David và các vương triều Judah. Cả hai được dùng tráo đổi qua lại về một thành.
Như vậy, đến từ Siôn đồng nghĩa với đến từ Jerusalem. Sự vô đạo nghĩa là không có đạo đức, phóng đãng hay phóng túng. Cất bỏ sự vô đạo khỏi nhà Jacob nghĩa là chủ nghĩa phóng túng không còn thống trị xã hội Israel. Không như ngày nay chủ nghĩa phóng túng thống trị trên mọi phương diện của xã hội Hoa kỳ mà Hội Thánh chưa có giải pháp nào loại trừ nó. Sứ đồ Phaolô tin rằng Đức Chúa Jesus sẽ hoàn thành công tác Ngài đến khi xưa là cất bỏ sự vô đạo khỏi nhà Jacob. Khi dân ngoại được phép bước vào giao ước mới, thì điều đó không làm cho giao ước cũ mà Đức Chúa Trời lập với Israel trở thành vô hiệu, mà mở rộng ra bao gồm cả dân ngoại nữa. Vì Đấng Giải Cứu chẳng những đến từ Siôn, mà từ Siôn đi ra Ngài còn cứu vớt thêm vô số dân ngoại.
Ông Phaolô đưa ra câu tóm tắt về lý do Israel sẽ được cứu: “Theo phúc âm, họ là kẻ thù vì lợi ích của anh em, nhưng theo sự lựa chọn, họ được yêu thương nhờ các tổ phụ mình” (28). Đại đa số người Do-thái thù nghịch với phúc âm. Chính nhờ sự thù nghịch đó mà phúc âm đã được rao ra cho dân ngoại. Nghĩa là sự thù nghịch của người Do-thái đối với phúc âm làm ích lợi cho rất nhiều dân ngoại. Nhưng mặc dù họ thù nghịch với phúc âm của Chúa, nhờ lời Chúa hứa với các tổ phụ, họ vẫn được Đức Chúa Trời yêu thương và có một kế hoạch tuyệt vời để cứu vớt họ. Tại sao Chúa không từ bỏ một dân ương ngạnh phản phúc? “Vì các sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thay đổi” (29). Lời xác quyết nầy là hạnh phúc của tất cả chúng ta.
Nếu mọi con cái Chúa biết rõ bản thể nầy của Đức Chúa Trời: Ngài không bao giờ lấy lại điều mà Ngài đã ban cho hay kêu gọi chúng ta. Nếu có ai đã biết rõ mình nhận lời Rhema mà Chúa hứa cho mình, hay kêu gọi mình vào một công việc nào đó, hãy nhớ rõ rằng sự ban cho, lời kêu gọi, hay lời hứa ấy vẫn còn cho đến cuối cùng. Có người được Chúa ban cho ân tứ đặc biệt chữa bệnh, hay tiên tri, hoặc khả năng phân biệt các linh, một số người do bản tính không giữ được lòng trung thành, hoặc phạm lỗi lầm rất nặng, vv., nhưng Đức Chúa Trời không lấy lại ân tứ Ngài đã ban cho. Những ai không biết giữ mình, tưởng rằng chắc Chúa không bắt tội việc mình làm bậy, hay lời mình dèm pha nói xấu đầy tớ của Chúa, vì ân tứ vẫn còn hiệu nghiệm; hãy cẩn thận ăn năn để được tha thứ. Bởi vì nếu tiếp tục phạm tội, ân tứ sẽ phai dần rồi tới một ngày sẽ không còn gì nữa.
Chính vì sự thành tín của Chúa không lấy lại sự ban cho và sự kêu gọi, rồi đây dân Do-thái sẽ được thương xót, giống như chúng ta nhờ sự không vâng phục của họ mà được Ngài thương xót vậy (30–31). Bởi vì ơn cứu rỗi là ân điển của Đức Chúa Trời, chẳng phải công lao gì của loài người. Chúng ta không khi nào nghĩ tới điều nầy: “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong chỗ không vâng phục, để thương xót mọi người” (32). Chúng ta có thể đồng lòng với Phaolô mà ca ngợi rằng: “Ôi! sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu nhiệm biết bao! Sự phán xét của Ngài làm sao biết được, đường lối Ngài làm sao hiểu được!” (33).
Không một ai trong nhân loại biết được ý tưởng của Đức Chúa Trời; cũng chẳng ai có đủ khôn ngoan thông sáng để cố vấn cho Ngài. Tất cả chúng ta đều là những người có hạnh phúc được nhận lãnh ơn mình không đáng được ban cho (34–35). Vì vậy, “muôn vật đều từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh quang thuộc về Ngài đời đời vô cùng! Amen” (36).
NamVungNiemTin24.docx
Rev. Dr. CTB