Tâm Linh Trưởng Thành, 32
Rôma 8:1–17
Người chưa trải qua kinh nghiệm được giải thoát khỏi tâm tánh xấu của bản ngã cũ, mà muốn đi trên tiến trình thánh hoá của đời sống mới trong Đức Chúa Jesus, thì nỗi ước ao đó là vô vọng; vì việc đạt đến sự thánh khiết và công nghĩa mà thiên đàng đòi hỏi xa vời lắm. Tại sao như vậy?
Khi các nhược điểm đã trở thành quyền lực điều khiển đời sống, thì mọi cố gắng sống đạo thanh sạch của người ấy đều không thể hoàn hảo. Dù cố gắng gì đi nữa cũng chẳng đến đâu. Bởi vì khi chúng ta ra sức chấn chỉnh cách hành xử, là nguyên nhân của những lầm lỗi, chúng ta quên rằng thủ phạm điều khiển cách hành xử của mình chính là cái tôi của mình khiến sự sống đạo thất bại.
Cái tôi quá lớn ở trong mỗi người, cũng gọi là bản chất tội lỗi của bản ngã, chính là gốc rễ của nan đề phải được giải quyết dứt khoát, trước khi có thể được giải thoát khỏi gông cùm của hành động phạm tội, tức là được giải thoát khỏi những điều trái ngược với ý muốn sống đời thánh thiện.
Nhiều người tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ đương nhiên giải thoát họ ra khỏi tình trạng khốn khổ ấy; nhưng qua quá nhiều thất bại, điều đó không xảy ra, nên họ rất ngần ngại về việc giới thiệu Tin Mừng của Chúa cho người thân quen, bởi vì chưa thể quả quyết về điều họ chưa thực sự trải qua.
Mọi sự thay đổi trong tâm linh chúng ta đều do Đức Thánh Linh thực hiện, vì không ai có thể dùng sức riêng thay đổi bản chất của con người mình. Nhưng, sự quyết định tiếp nhận Đức Chúa Jesus, ăn năn tội lỗi, và quyết định cho bản ngã mình phải bị đóng đinh là phần chúng ta phải thực hiện.
Đức Thánh Linh sẽ không lập quyết định giùm chúng ta, bởi vì Ngài chẳng bao giờ ép buộc ai hết. Ngài chỉ thực hiện khi ai đã lập quyết định nhờ sức Ngài: “Nếu sống theo xác thịt, anh em sẽ chết, nhưng nếu anh em nhờ Thánh Linh giết chết các công việc của xác thịt, anh em sẽ sống” (8:13).
Đã có người hỏi: “Tôi rất muốn nhờ Thánh Linh giết chết bản tánh tội lỗi của tôi, nhưng tôi không dám dứt khoát, cũng không biết làm thế nào để nhờ Đức Thánh Linh. Vậy, tôi phải làm sao đây?“
Động lực thúc đẩy một người lập quyết định để được kết quả nào đó thì tuỳ thuộc mục đích người đó nhắm tới. Nếu một người lấy “sự thánh hoá làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng” (Rôma 6:22b), hoặc là “hướng về Thánh Linh [để được] sự sống và bình an” (8:6), thì người ấy sẽ có thể lập quyết định nhờ Đức Thánh Linh giết chết cái tôi quá lớn trong lòng mình.
Bởi vì ai lấy sự sống đời đời làm mục tiêu thì động lực thúc đẩy người đó hoàn toàn khác với động lực thúc đẩy người ta muốn đạt tới những mục tiêu không khác chi mục tiêu của người thế tục.
Nan đề của những người có các thắc mắc tương tự như trên là chưa lấy đời sống được thánh hoá làm kết quả, cũng không lấy sự sống đời đời làm mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, hãy theo đuổi sự sống vĩnh cửu làm mục tiêu cuối cùng, thì sẽ giải quyết được nan đề tưởng chừng rất khó khăn đó.
Đã có nhiều tín hữu có sự hiểu biết sai lầm rất trầm trọng trong việc tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus đã cho biết hết sức rõ ràng điều kiện để người ta được cứu độ là: “Nếu một người không sinh lại, không thể nào thấy Nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3).
Chúa cho biết sự kiện phải xảy ra đó gọi là sự tái sinh, hay được sinh lại. Mà bằng chứng của sự được sinh lại là một đời sống mới. Vì người có đời sống mới đã được giải thoái khỏi quyền cai trị của ma quỷ, được dời qua Vương quốc sáng láng của Đức Chúa Trời (Côlôse 1:13), được huyết Đức Chúa Jesus tẩy sạch tội lỗi, được Đức Thánh Linh ấn chứng trong lòng (Êphêsô 1:13), được giải thoát khỏi án phạt tội lỗi, và được sinh vào gia đình của Đức Chúa Trời, gọi Ngài bằng Cha (Galati 4:6).
Nếu tất cả các biến cố đó đã thực sự xảy ra, thì tâm linh của người đó đã được làm mới, tâm hồn bắt đầu biến chuyển theo cuộc sống mới của con người mới. Được cứu chuộc và sinh lại không phải là hi vọng vu vơ, hão huyền. Hễ chưa được sinh lại, thì chưa thể có một đời sống mới.
Để nhận biết mình có thật đã tiếp nhận ơn cứu độ hay không, chúng ta phải xem lại mình đã được cứu khỏi cái gì, và được cứu để làm gì. Khi tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Đấng Cứu Độ thì chúng ta nhằm mục đích nào? Người thật sự cần ơn cứu độ là người biết mình hoàn toàn bất lực trước tội lỗi và muốn thoát khỏi sức cám dỗ của nó, và thoát khỏi hình phạt dành cho người có tội.
Nếu ai theo đạo để giải quyết nan đề cấp bách trước mắt, thì người ấy phải xem lại động lực khiến mình theo đạo. Để được cứu khỏi tội lỗi và khỏi hình phạt vì tội lỗi, thì phải tiếp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời qua sự ăn năn tội và tiếp nhận ơn chuộc tội của Đấng Christ rồi sống đời tự do và thánh sạch trước mặt Ngài. Mục đích ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời là để cho người được cứu biến đổi tâm tánh, trở nên người hoàn toàn mới thích hợp với sự thánh khiết của thiên đàng.
Vậy, điều kiện để thành con cái thật của Chúa là bản ngã hư hỏng trong ta phải bị loại trừ. Không phải nhờ được tha tội thì đương nhiên có nếp sống Cơ-đốc thánh khiết; vì đời sống chỉ theo đạo khác rất xa so với đời sống đã được hoàn toàn thay đổi và trung thành đi theo Đức Chúa Jesus.
Có thể tóm tắt đại ý các lời phán của Đức Chúa Jesus về việc theo làm môn đồ Ngài như sau: “Nếu các ngươi không chịu vác thập tự giá mình mà theo Ta, đừng phí thì giờ suy nghĩ đến chuyện làm môn đồ Ta.” (Mathiơ 6:24, 16:24-26; Luca 13:23-27, 14:26-33; và Giăng 12:24-26). Nếu mỗi người đều hiểu việc theo Chúa là như thế, thì đời sống tâm linh và cách hành xử sẽ khác biết bao!
Chẳng ai không biết rằng lễ cưới long trọng trước mặt Chúa là lời cam kết sống với nhau trọn đời; không người lính nào ra trận mà không biết mình đang tham chiến; võ sĩ nào lên đài cũng biết địch thủ sẽ tận lực đánh mình. Như thế, người nào tin và quyết tâm theo Chúa cũng cần phải biết rằng mình sẽ được Đức Thánh Linh tái sanh để theo Ngài và phục vụ ý muốn của Ngài, chẳng phải được cứu để sống theo ý riêng chẳng ích lợi gì cho Vương quốc Đức Chúa Trời.
Nếu ai thật lòng muốn được giải thoát khỏi bản ngã, tức là được bước đi trên tiến trình thánh hoá, thì phải từ bỏ các tiêu chuẩn thấp kém của mình về sự thánh thiện. Vì tiêu chuẩn ấy không cáo trách các hành động hay thói quen tội lỗi. Cũng hãy từ bỏ thái độ vô ơn đối với ân sủng cứu chuộc của Chúa; vì thái độ đó là gốc rễ của tâm lý sợ hãi không dám chịu khổ vì Đấng cứu chuộc mình.
Muốn loại trừ bản ngã hư hỏng, tức là con người cũ của chúng ta, hãy tìm hiểu cặn kẽ nếp sống đổi mới là thế nào và bắt đầu kinh nghiệm nó. Nhờ đó, chúng ta mới có đủ sự từng trải để chia sẻ tin mừng cho người thân quen đang bị hư vong. Hãy theo đuổi nếp sống thánh khiết hơn thay vì dễ chịu hơn, để có đủ ý chí và năng lực vượt qua những lúc khó khăn trong đời.
Bí quyết để được rửa sạch, thánh hoá, và xưng công chính: “Anh em được rửa sạch, được thánh hoá, được kể là công chính nhờ Danh Đức Chúa Jesus Christ và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta” (1Côrinhtô 6:11). Thứ tự là: Ăn năn tội lỗi (để được rửa sạch), rồi được thánh hoá và được xưng công chính, đều phải tiếp nhận ơn Đức Chúa Jesus chuộc tội cho mình, và hết lòng nhờ Đức Thánh Linh dìu dắt mình đi vững vàng trên con đường thánh hóa.
Nếu được xưng công chính trước mà vẫn tiếp tục cuộc sống tội lỗi, thì sự xưng công chính (được tuyên bố vô tội) là vô nghĩa. Vấn đề căn bản nầy phải giải quyết trước khi được giải thoát khỏi bản ngã ưa phạm tội. Mỗi con cái Chúa phải chấp nhận sự thật khắc nghiệt nầy khi quyết định theo Chúa. Được như vậy, chúng ta mới có thể trở thành người truyền giáo đầy hiệu quả.
TamLinhTruongThanh32.docx
Rev. Dr. CTB