Hiu Biết Các Điều Căn Bản, bài 18

Hêbơrơ 3:12–19

Thưa anh em, hãy cẩn trọng, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà quay bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo nhau, đang khi còn gọi là ngày nay, để không một ai trong anh em bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng. Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ, như có chép rằng:Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng như lúc nổi loạn.Ai là kẻ nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn? Không phải là những người được Môise dẫn ra khỏi Ai Cập sao? Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm? Chẳng phải là giận những kẻ phạm tội mà thây họ đã ngã trong hoang mạc sao? Ngài cũng đã thề với ai rằng họ không được vào sự an nghỉ của Ngài? Không phải là với những người không vâng lời Ngài sao? Vậy, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì vô tín.

Hầu hết con cái Chúa đều nghe về đời sống hạnh phúc ở thiên đàng sau khi lìa khỏi trần gian. Một số nhà thờ giảng về sự thịnh vượng vật chất của tín đồ đang khi còn sống trên đời. Vài nơi nói về cách sống bằng đức tin mạnh mẽ trong khi đang còn ở trên đất. Một số tín hữu tìm nghe đủ thứ video clips từ nhiều người có các khuynh hướng thần học khác nhau nên rất bối rối về nhiều loại lý luận và không biết ai nói đúng. Trong thực tế, các con cái Chúa biết chắc và thực hành một đời sống quyền năng trong Chúa thì rất hiếm hoi. Những người có lòng tin chân thành vào Chúa và muốn sống có kết quả cho Ngài thường gặp một số điều nghi vấn mà họ chưa giải đáp được. Thế thì, tín hữu sẽ dựa vào điều gì để biết lòng tin của mình có đúng hay không?

Nan đề của những người chưa vững lòng tin hoặc chưa biết rõ niềm tin của mình đúng hay sai là không chịu xem Kinh Thánh hoặc chỉ đọc lướt qua mà thiếu suy gẫm để có thể nắm vững chân lý. Vì không nắm vững chân lý nên không biết mình đang thiếu điều gì. Đây chẳng những là tình trạng phổ biến trong đời sống của nhiều tín hữu, mà còn là tình trạng chung của nhiều nhà thờ Tin Lành. Tại sao có chuyện đó xảy ra? Có phải vì không tin Lời của Chúa là sự thật có thể kiểm chứng được hay vì nguyên nhân nào khác?–Bao nhiêu người đang được sống trong quyền năng của Chúa? Tại sao người có đức tin mạnh mẽ không nhiều, các nhược điểm nào cản trở nếp sống đức tin của họ? – Bao nhiêu người tin chắc hoặc hi vọng mình sẽ được vào nơi yên nghỉ của Chúa?

Theo luật tự nhiên, cái gì có sự sống phải tăng trưởng theo thời gian. Hội Thánh thật của Chúa là thân thể sống; mỗi tín hữu là các chi thể trong thân thể ấy. Mọi chi thể phải phát triển theo mức tăng trưởng của thân. Nếu Hội Thánh có sự sống của Chúa, mà ai là thành viên thật thì phải kinh nghiệm quyền năng thiên đàng. Thế mà, rất ít người được hưởng hạnh phúc của con cái Đấng Toàn Năng! Đức Chúa Jesus phán: “Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy” (Mác 11:24). Nhưng sự thật thì sao? Lưỡi chúng ta nói tin Lời Chúa, còn hành động để chứng tỏ lòng tin ấy thật khó kiểm chứng. Dì biết rằng cầu xin gì cũng sẽ được nhậm vì chúng ta ở trong Chúa; nhưng thực tế thì có mấy ai chịu thiết lập vị trí được ở trong Chúa, hoặc duy trì tình trạng tương giao gần gũi với Ngài?

Anh chị em đừng sa vào lỗi lầm của những người lười biếng và phản loạn trong cách sống, lơ là bổn phận đọc Kinh Thánh, biếng nhác cầu nguyện, gian lận trong sự dâng hiến, nhát gan không rao truyền Tin Mừng, và thờ ơ về nhu cầu của Hội Thánh và người khác. Dù biết rằng Đức Chúa Trời luôn luôn đòi hỏi con cái Ngài phải chịu vâng lời (1Sam. 15:22b) “… Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (Hêbơrơ 3:18) “Ngài cũng đã thề với ai rằng họ không được vào sự an nghỉ của Ngài? Không phải là với những người không vâng lời Ngài sao?

Nhưng nếu ai xem đó là sự lựa chọn vô thưởng vô phạt thì quá nguy hiểm. Vậy, nhược điểm đầu tiên khiến người ta không vâng lời là: Nghi ngờ lời Chúa hứa “Ai tin sẽ hưởng những ơn phước tuyệt vời vượt xa mọi thứ trần gian. Vì không tin nên người ta có các hành động phản loạn và kết quả là không được vào sự yên nghỉ của Chúa, tức là đời sống đầy ơn phước và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Có cách nào để giải quyết tình trạng ấy không? (Hêbơrơ 3:2, 6) nói Đức Chúa Jesus trung thành với Đấng đã lập Ngài; Ngài cũng trung thành với tư cách là Con trai quản trị nhà Chúa “Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời vậy. … 6 Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Đức Chúa Trời.” Nếu chúng ta học theo gương trung thành ấy thì sẽ được dự phần với Đấng Christ (Hêbơrơ 3:14) “Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ.” Các câu Kinh Thánh nầy đã đưa ra phương pháp giải quyết nguy cơ không được vào sự yên nghỉ là giữ vững lòng tin và đừng để bị tội lỗi lừa dối (Hêbơrơ 3:14) “Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ.” (Hêbơrơ 4:3) “Về phần chúng ta là những người đã tin thì bước vào sự an nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán: Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: Chúng sẽ chẳng hề bước vào sự an nghỉ của Ta!’

Lòng tin là phần riêng của mỗi người, không thể nhờ người khác tin thay cho mình, chỉ cá nhân đó mới quyết định về lòng tin của chính họ. Đây là đức tin đơn sơ và chứa chan tình thương yêu cảm mến ban đầu khi tin Chúa. Sau khi nhận Đức Chúa Jesus rồi thì phải bước đi theo Chúa bằng một lòng tin trưởng thành hơn của người biết vâng lời. Ai tin như vậy sẽ an toàn bước vào sự yên nghỉ của linh hồn mình (Hêbơrơ 4:2–3) “Vì Tin Lành được rao giảng cho chúng ta cũng giống như cho họ; nhưng lời họ đã nghe không đem lại ích lợi gì, vì trong khi nghe, họ không tiếp nhận lời ấy với đức tin. Về phần chúng ta là những người đã tin thì bước vào sự an nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán:Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: Chúng sẽ chẳng hề bước vào sự an nghỉ của Ta!’ Mặc dù công việc của Ngài đã hoàn tất từ khi sáng tạo thế giới.

Một đức tin của trình độ cao hơn là đời sống đạo được Đức Thánh Linh hướng dẫn và soi sáng trong mọi việc. Ấy là đức tin của người biết cẩn thận xem xét những gì diễn ra ở nơi thầm lặng ít khi được để ý tới. Nhiều thứ vật chất bị huỷ hoại dần mà không ai thấy: Nhà sập vì bị mối ăn ruỗng hết cột kèo; bờ sông ở khúc quanh bị nước chảy xói mòn sụp lở từng mảng. Nếp sống luân lý đạo đức của xã hội cứ suy thoái dần trước mắt chúng ta mà chúng ta không để ý mình đang bị lôi cuốn theo. Đời sống tâm linh của rất nhiều tín hữu bị suy sụp dần mà họ không ngờ. Một chút sơ ý, một thoả hiệp nhỏ, một lần cố ý ngó lơ, một phút yếu lòng, vv… Trước khi tín hữu nhận ra sự thiệt hại, từng mảng bờ bị sụp lở trôi theo dòng chảy. Có những điều mà chúng ta từng cho là không đáng kể đã trở thành những trở lực kinh khủng mà chúng ta không thắng nổi. Lối sống của cha mẹ sẽ truyền lại cho con cái “…ông cha ăn trái nho chua mà con cái ghê răng” (Giêrêmi 31:29).

Nếu ai nhận ra nếp sống tâm linh mình đang xuống dốc và muốn dừng lại, thì hãy nhìn nhận thực trạng tệ hại của mình. Hãy thành thật xưng tội với Chúa rằng mình đã đi sai đường và muốn trở lại đúng hướng đi Chúa muốn. Ăn năn về những lần mình không tin Lời Chúa, rồi cầu xin Chúa chỉ dẫn phục hồi mối tương giao với Ngài. Không khó khăn nào mà Chúa không cung ứng lối thoát cho chúng ta. Nhưng vấn đề phục hồi mối tương giao với Chúa đòi hỏi nhiều nỗ lực để vượt nhiều chướng ngại ngăn trở; tức là các thứ hành lý cồng kềnh mà chúng ta phải từ bỏ mới có thể lọt vào khung cửa hẹp. Nỗ lực vượt các chướng ngại chính là yếu tố để kiến tạo mối tương giao thân mật với Chúa. Mối tương giao ấy sẽ đem chúng ta vào thế giới kỳ diệu của Đức Chúa Trời.

Trong thư gửi cho Hội Thánh Laođixê, Đức Chúa Jesus nói với các tín hữu đã sa bại “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người người với Ta” (Khải Huyền 3:20). Ai được Chúa gõ cửa lòng thì chắc chắn là biết mình đang bị gõ. Có 3 lý do khiến người ấy không chịu mở cửa: Sợ bị quở phạt; thấy không cần Chúa; không thỏa lòng với những gì mình đang có. Đức Chúa Jesus phán “Con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù, và lõa lồ” (Khải 3:17). Có lẽ không ai hài lòng với những gì mình đang có, vì ai cũng muốn có thêm. Người ta có thể không thoả lòng về một số điều, nhưng đừng để bị điều khiển bởi lòng ham muốn có thêm.

Hãy biết những sự thật về ý muốn của Chúa để có thể sẵn lòng mở cửa ra khi được Chúa gõ.  Chúng ta cần bình tâm để nghe tiếng Đức Chúa Jesus đang gõ cửa lòng chúng ta. Có thể là nhiều người chưa thể trở thành những Cơ-đốc-nhân trưởng thành, chưa có khả năng dìu dắt, chỉ dẫn và dạy dỗ người khác, là vì chưa chịu mở cửa lòng mình ra để Chúa có thể biến đổi và thánh hoá con người bề trong và cả bề ngoài của mình. Khi nào một tín hữu lâu nay bạc nhược trong nếp sống tâm linh, dốt nát về các vấn đề đức tin, sẵn sàng từ bỏ ba thứ nhược điểm mình vẫn có là: Sợ Chúa trách mắng; thấy mình không cần Chúa trợ giúp-chỉ dẫn; và, không thoả lòng về những gì mình đang có; rồi mở cửa lòng mình ra, thì sẽ được Đức Chúa Jesus dìu dắt con cái Ngài vào mọi phước hạnh kỳ diệu nhất.

HieuBietCacDieuCanBan18.docx

Rev. Dr. CTB