Hướng Đi Mới, bài 04

Mathiơ 13:44–46

Vương quốc thiên đàng ví như kho báu chôn giấu trong một đồng ruộng. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng đem bán mọi thứ mình có, để mua đồng ruộng đó. Vương quốc thiên đàng lại giống như một thương gia đi tìm ngọc trai quý; khi đã tìm được một viên ngọc trai quý hiếm, người ấy liền đi bán mọi thứ mình có để mua viên ngọc ấy.

Hai ẩn dụ mà Đức Chúa Jesus kể ở chỗ nầy ngụ ý rằng người ta sẵn sàng hy sinh để sở hữu thứ họ quý trọng nhất. Trong lãnh vực truyền giáo, các Hội Thánh chỉ tìm kiếm phương pháp hay cách thức với hy vọng đạt nhiều kết quả, chứ chưa nhận ra điều họ thực sự cần. Đối với chúng ta, đó là lãnh vực mà chúng ta phải thực hiện cách xuất sắc nhất để được Chúa khen thưởng.

Khi tín hữu trong Hội Thánh có ý muốn vâng theo đại mạng lệnh của Đức Chúa Jesus dẫn đưa người chưa tin đến làm môn đồ của Ngài, thì việc đầu tiên là phải biết chuẩn bị; tức là chịu luyện tập để biết cách thực hiện đầy hiệu quả. Chúng ta đã thảo luận qua các vấn đề tổng quát là học biết nhãn quan và kinh nghiệm của các nông gia trong vấn đề chọn đất, khai khẩn và cày bừa đất sẵn sàng để gieo hột giống; trong việc đó phải biết cách phân biệt các loại đất, tức là tìm biết phản ứng của người mình quen biết đối với ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và đạo Tin Lành như thế nào. Sự lạnh nhạt hay lãnh đạm của người ấy là dấu hiệu không thuận lợi. Trong số năm loại phản ứng đối với Chúa là chống đối, hờ hững, chịu nghe, thích nghe, và tìm chân lý, thì chỉ nên chú ý 3 loại sau.

Không một ai trong chúng ta có đủ thì giờ để đeo đuổi chứng đạo cho nhiều người đồng một lúc. Bởi vì làm như vậy sẽ không tập trung được nỗ lực, không kịp thời nắm vững những dấu hiệu chuyển biến trong lòng của thân hữu; nên sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Trong các công việc đòi hỏi kết quả nhanh hơn và vững vàng nhất, thì khi cân nhắc việc khó đạt kết quả với việc dễ đạt kết quả hơn, người khôn ngoan luôn luôn thực hiện việc dễ trước, việc khó và đòi hỏi thời gian lâu dài thì sẽ làm sau. Vì thế, trong ba loại tâm lý chịu nghe, thích nghe, và đi tìm sự cứu rỗi, thì chúng ta sẽ chọn hạng thứ năm trước rồi tới thứ tư. Bởi vì người đang tìm kiếm ơn cứu rỗi dễ tin Chúa nhất, sau đó tới người thích nghe nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Đây chính là tri thức cần thiết cho những Hội Thánh muốn được thành công trong trong công tác truyền giáo. – Có một người học cao quyết định thử sử dụng khả năng nhận xét và hiểu biết của mình, cũng gọi là tri thức, để thí nghiệm kiếm tiền bằng một kiểu rất lạ: Anh ta đi xin tiền khắp nơi, không đứng cố định một chỗ. Anh ta rất thành công, nuôi gia đình thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh kinh tế nào của xã hội. Anh ta tiết lộ: “Tri thức là yếu tố quyết định trong mọi hoạt động tìm kiếm kết quả nào.” Giống như các hãng kinh doanh xe hơi biết nghiên cứu thị trường trước khi đầu tư mạnh, họ áp dụng điều họ khám phá vào thị trường. Ví dụ, hai hãng xe hơi Huyndai và KIA đã và đang thành công ở Mỹ vì họ biết người Mỹ thích mua xe có thời hạn bảo hành lâu dài.

Trong khi đó hãng Vinfast của Việt Nam tưởng xe chạy bằng điện sẽ đắt khách, không nghiên cứu thị trường Mỹ, vội đưa xe sang chào bán, trong khi chưa tạo được hệ thống dealers bán lẻ cũng không có một nơi sửa chữa nào để bảo hành xe bán ra. Họ tưởng dùng mánh khóe gian xảo như ở trong nước thì sẽ kiếm được tiền. Rốt cuộc phải chở hết xe về nước gán cho hãng taxi. Hai dân tộc có hai cách suy tính khác nhau. Người có nghiên cứu thị trường và làm ăn ngay thẳng thì bán được nhiều xe; anh láu cá vặt thất bại não nề. Áp dụng cách suy nghĩ và chuẩn bị cẩn thận của hai hãng xe Đại Hàn, so với cách làm ăn chụp giựt của người Việt, vào công tác truyền giáo của Hội Thánh, chúng ta rút ra kết luận gì? Hễ nghiên cứu kỹ thì thành công; làm ăn kiểu đoán mò sẽ thất bại.

Vậy chúng ta cần phải biết những gì trước khi đẩy mạnh công tác truyền giáo? Trước hết mọi chiến sĩ phải biết: “Truyền giáo là chiến tranh giành giật các linh hồn người ta ra khỏi tay kẻ thù trong thế giới tối tăm.” Sự thật nầy cho chúng ta biết rằng bất cứ ai chưa tin Chúa đều là nạn nhân nằm trong tay thế giới tối tăm; họ bị chúng làm cho mù lòa tâm trí (2Côrinhtô 4:3–4) “Nếu Tin Lành của chúng tôi có bị che khuất thì chỉ che khuất đối với những người bị hư mất. Thần của đời nầy làm mù lòa tâm trí của những người vô tín, để họ không thấy ánh sáng Tin Lành vinh quang của Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời.” Các thế lực của thế giới ấy không đứng yên khi có ai định giải thoát những người đó. Chúng sẽ ngăn trở, cầm giữ, giành lại con mồi của chúng. Rất nhiều người đi truyền giáo nhưng chưa bao giờ được dạy nguyên tắc sống còn nầy (Mác 3:27) “Không ai có thể vào nhà một người có sức mạnh để cướp tài sản mà không lo trói người ấy trước; phải trói người đó lại, rồi mới cướp nhà người được.” Chúng ta cần phải thường xuyên ghi nhớ thực tế truyền giáo là chiến tranh, để chuẩn bị sẵn sàng tấn công chúng trước, không cho thế giới tối tăm chiếm lợi thế.

Việc đầu tiên là phải cẩn thận suy xét xem vẻ bề ngoài của mình, cách ăn nói, hành động, lẫn thái độ của mình có thể làm cho người khác ghét hay không? Cho nên, khi tiếp xúc với thân hữu thì phải rất cẩn thận không làm bất cứ điều gì khiến người nghe ghét mình. Người truyền giáo cần phải khả ái, dễ gây cảm tình, không bị người ta ghét trong cách ăn nói, ngoại hình ăn mặc, và thái độ cư xử với người chưa tin Chúa. Một người ăn xin mà sử dụng Iphone mới nhất, làm sao người ta cho tiền được? Ma quỷ sẽ đặt sự thù ghét vào lòng đối tượng nghe đạo, nếu đi chứng đạo mà cứ lo khoe khoang thành tích cho người ta nể phục, rồi nói xấu, phê phán tôn giáo khác để tạo ác cảm trong lòng người nghe thì nắm chắc thất bại; đối tượng sẽ không thèm nghe nữa.

Điều kế tiếp là phải nhận biết rõ ràng các nhược điểm của mình là gì? Không ai sinh ra đã có sẵn các ưu điểm vượt trội người khác, nhất là những lãnh vực đòi hỏi phải được chỉ dẫn, luyện tập thuần thục trước khi chính thức bước vào cuộc thi đấu hay thi đua với nhiều người. Ví dụ, các cầu thủ giỏi trên thế giới đều phải khổ luyện và trải qua rất nhiều thử thách trước khi bước lên đài vinh quang. Người bình thường nào cũng có các nhược điểm vô cùng tai hại; nếu không chịu rèn luyện để loại trừ các nhược điểm ấy thì rất khó thành công. Ví dụ khi phải trình bày một vấn đề gì đó đòi hỏi phải nói cách rành mạch, dễ hiểu, thì tật ăn nói lủng củng sẽ khiến người nghe khó hiểu; điều khiến cho lời nói lủng củng thêm là không biết rõ và không nắm vững vấn đề mình muốn nói.

Sở dĩ người ta ăn nói lủng củng là vì không biết cách đặt câu sao cho trôi chảy. Để khắc phục nhược điểm nầy thì phải tập đọc Kinh Thánh thành tiếng cách thuần thục, hàng ngày đọc nhiều đoạn; nếu có thể thì ghi âm lời mình đọc rồi nghe lại. Cứ tập luyện lâu ngày như vậy sẽ quen cách hành văn và cách đặt câu một cách rành mạch thông suốt. Những ai có nhiều điều phải giấu giếm không muốn người khác biết cũng là thứ nhược điểm tai hại. Ví dụ, sợ người ta biết mình có trình độ học vấn kém, rồi cố ăn nói văn hoa thì càng mau bị bại lộ. Người chứng đạo không cần học thức cao, chỉ cần biết rõ điều mình đang tin là chân lý, rồi nói rõ ràng là được. Hãy xem xét gương của Phierơ và Giăng (Công Vụ 4:13–14) “Khi thấy sự dạn dĩ của Phierơ và Giăng, biết rõ hai ông là những người tầm thường, ít học, thì họ đều kinh ngạc và nhận ra rằng hai ông đã từng ở với Đức Chúa Jêsus. Nhưng vì thấy người què được chữa lành đứng bên cạnh hai ông, nên họ không có lời gì để phản bác được.” Người thường xuyên ở trong Chúa, tương giao gần gũi với Ngài thì sẽ dạn dĩ, thắng được tánh nhút nhát, và sẽ là chứng nhân có kết quả của Chúa.

Một nhược điểm khác khiến truyền giáo thất bại là người chứng đạo không biết rõ điều mình nói nên cương ẩu làm trò cười cho người nghe. Nhất là những người chưa được huấn luyện, không giải đáp nổi các câu hỏi thắc mắc về đức tin của chính mình, sinh ra cãi lẫy. Hậu quả là thân hữu sẽ không chịu tiếp xúc nữa. Chỉ có sự tập luyện mới dần dần loại trừ được các nhược điểm tai hại cho sự truyền giáo. Mục đích của chúng ta khi đưa ra những điều thường bị sai sót nầy không phải để làm nhụt chí anh chị em, nhưng để mọi người không bị sụp vào các thứ hầm hố tai hại. Tri thức trong bất cứ lãnh vực nào luôn luôn ích lợi cho ai biết áp dụng tri thức mình có về lãnh vực ấy.

HuongdiMoi04.docx – MS CTB