Sách Công Vụ, bài 23
Công Vụ 10:24–48
Phi-e-rơ đã rất khôn ngoan khi đem theo sáu người tín hữu cùng đi với ông (10:23; 11:12) tới nhà Cọt-nây ở Sê-sa-rê. Họ sẽ là những người làm chứng trung thực về những gì họ thấy tận mắt và nghe tận tai. Chắc rằng Cọt-nây rất nôn nóng, bồn chồn được gặp người mà thiên sứ đã bảo phải mời về để biết những gì ông cần phải làm. Đối với Cọt-nây, việc gặp mặt thiên sứ từ trời rất là trọng đại. Bất cứ ai có lòng quý trọng cõi của Đức Chúa Trời và đã có cơ hội tiếp xúc với những gì đến từ thiên đàng, đều không bao giờ cho rằng đó là điều tầm thường; mà sự bồi hồi, xao xuyến cứ như lửa nung cháy trong xương tuỷ. Người ấy không thể nín lặng hay giữ kín ơn ban cho mình. Vì thế, “Cọt nây đang chờ đợi, và đã mời thân bằng quyến thuộc họp lại” (24).
Vừa thấy “Phi-e-rơ bước vào, Cọt-nây ra đón, quỳ dưới chân Phi-e-rơ mà lạy” (25), dù hành động sai trật, Cọt-nây hết sức tôn trọng người của Đức Chúa Trời sai đến. Ôi, một tấm lòng kính sợ và tôn sùng Đức Chúa Trời biết bao! Chắc rằng ông đã hăng hái và hớn hở truyền đạt tâm tình mình cho tất cả thân bằng quyến thuộc mà ông đã mời đến. “Nhưng Phi-e-rơ đỡ Cọt-nây dậy, nói: ‘Xin ông đứng lên! Tôi cũng chỉ là người như ông’” (26). Là một người Do-thái-giáo, Phi-e-rơ biết rõ không một nhân loại nào đáng được thờ lạy; chỉ Đức Chúa Trời mới đáng được tôn thờ. Hơn thế nữa, ông cũng không muốn người ta xem mình là một nhân vật chính yếu của Hội-thánh. Có lẽ Phi-e-rơ rất ngạc nhiên khi “nhận thấy có nhiều người đang họp lại” (27).
Bây giờ ông hiểu biết ý của Chúa trong khải tượng mà Chúa cho ông thấy ngày hôm trước ở trên mái nhà tại Giốp-bê. “Ông nói: ‘Quý vị đều biết, người Do-thái chúng tôi không được phép kết thân hoặc thăm viếng người nước ngoài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã dạy tôi không được gọi ai là phàm tục hay không tinh sạch. Vì thế khi được mời, tôi đi, không từ chối. Vậy xin hỏi vì lý do gì quý vị mời tôi đến?’” (28–29). Vì hôm ấy là ngày thứ tư kể từ hôm Cọt-nây được gặp mặt vị thiên sứ, nên “Cọt-nây trả lời: ‘Bốn ngày trước, cũng vào giờ nầy (giờ thứ chín) tôi đang cầu nguyện trong nhà. Thình lình một người mặc áo sáng loà đứng trước mặt tôi, bảo: Cọt-nây! Lời cầu nguyện của ông đã được Đức Chúa Trời nghe, việc cứu tế ông đã được Ngài ghi nhớ. Vậy hãy sai người đến Giốp-bê, mời ông Si-môn cũng gọi là Phi-e-rơ đến. Ông ấy đang trọ tại nhà ông Si-môn, thợ thuộc da, ở cạnh bờ biển. Lập tức tôi sai mời ông, và vì lòng tốt, ông đã đến. Bây giờ, tất cả chúng tôi đây đang ở trước mặt Đức Chúa Trời, để nghe tất cả những điều Chúa truyền dạy ông’” (30–33).
Phi-e-rơ bắt đầu cất tiếng nói. Bài giảng của ông tại nhà Cọt-nây là một mốc đánh dấu quan trọng trong lịch sử của Hội-thánh thời sơ-lập. Ngay từ đầu bài giảng, ông nói rằng bây giờ ông đã hoàn toàn hiểu ý nghĩa của khải tượng và lời từ trời lặp lại ba lần: “Những gì được Đức Chúa Trời tẩy sạch, không được coi là ô uế” (10:15). Cho nên ông nói: “Bây giờ tôi biết chắc chắn là Đức Chúa Trời không thiên vị ai cả. Trong các dân tộc, hễ ai kính sợ Ngài và làm điều công chính, Ngài đều tiếp nhận” (34–35). Sự kính sợ Đức Chúa Trời được bày tỏ qua lòng thờ phượng và tôn kính Ngài; còn làm điều công chính là thực hành những việc Đức Chúa Trời đẹp lòng, mà bằng cớ của các hành động công chính là lòng nhân ái cứu giúp những người cần sự giúp đỡ.
Lời dạy của Đức Chúa Giêxu về điều nầy là rõ ràng: “Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta. …. … Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta” (Ma-thi-ơ 25:35–40).
Phi-e-rơ nói tiếp: “Đạo Ngài truyền cho con dân Israel là Tin-lành bình an, được Đức Chúa Giêxu rao giảng, vì Đức Chúa Giêxu là Chúa của muôn dân” (36).
Chỉ có Chúa của muôn dân mới có thể đem Tin-lành bình an từ trời đến cho nhân loại. “Như quý vị biết” (37) có hàm ý rằng những người nghe đã biết các sự kiện về Đức Chúa Giêxu. Ngụ ý của Phi-e-rơ là có lẽ ai đó đã nói về đạo bắt đầu từ xứ Ga-li-lê được truyền giảng khắp xứ Giu-đê (37). Trọng tâm của sứ điệp là Đức Chúa Giêxu ở Nazaret được Đức Chúa Trời xức dầu cho “đầy Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức, và chữa lành tất cả những người bị quỷ áp bức, vì Đức Chúa Trời ở với Ngài” (38). Phi-e-rơ nói về ba công việc Đức Chúa Giêxu thường xuyên thực hiện trong thánh vụ của Ngài là: Giảng Tin-lành bình an, chữa bệnh và trừ quỷ. Như thế, mọi người có Chúa cũng phải noi gương Ngài làm ba việc ấy.
Khi nói ‘chúng tôi,’ Phi-e-rơ muốn nói đến các sứ đồ và môn đồ đã đi theo Đức Chúa Giêxu từ xứ Ga-li-lê cho tới khi Ngài bị giết tại Giêrusalem; vì thế họ là các nhân chứng sống được thấy tận mắt “những việc Ngài làm trong nước Do-thái và tại Giê-ru-sa-lem.” Thế nhưng, người ta đã treo Ngài trên cây gỗ và giết đi (39). Trái ngược với những điều loài người đối xử với Đức Chúa Giêxu, “đến ngày thứ ba, Đức Chúa Trời khiến Ngài sống lại, và cho Ngài hiện ra” (40) cho các “nhân chứng được thấy, là những người được Đức Chúa Trời tuyển chọn từ trước” (41). Để làm sáng tỏ lý do tại sao không có nhiều người biết việc Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết, Phi-e-rơ nói rằng “Ngài không hiện ra với mọi người, nhưng với chúng tôi, những người được ăn uống với Ngài sau khi Ngài sống lại từ cõi chết” (41b).
Nhiệm vụ hay mệnh lệnh do Đức Chúa Giêxu truyền dặn các môn đồ của Ngài là giảng dạy cho mọi người. Lời giảng hay làm chứng phải “chứng thực Ngài là Đấng Đức Chúa Trời lập lên làm Thẩm-phán để xét xử người sống và kẻ chết” (42). Sứ điệp quan trọng nầy đã bị quên lãng và bỏ qua trong các bài giảng của thời đại ngày nay. Người ta ít dám nói đến vài trò Thẩm phán của Đức Chúa Giêxu sẽ xét xử người sống và kẻ chết. Phi-e-rơ tiếp tục báo tin mừng mà các nhà tiên tri từ xưa đã “làm chứng về Đức Chúa Giêxu rằng, hễ ai tin Ngài, đều nhờ Danh Ngài được tha tội” (43). Đây cũng là một sứ điệp đem Tin-mừng và hi vọng đến cho mọi người rằng: Người ta chỉ có thể được tha tội nhờ Danh của Đức Chúa Giêxu khi họ tin Ngài là Con Đức Chúa Trời và là Thẩm phán xét xử người sống và kẻ chết.
Ngài có quyền làm Thẩm phán chẳng những vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hiện thân trong thể xác con người, mà Ngài là Đấng đã dùng mạng sống mình để chuộc lại chủ quyền mà tổ tiên loài người làm mất vào tay kẻ cáo kiện, đồng thời huyết vô tội của Ngài chuộc lại hết thảy nhân loại bị hư vong vì tội lỗi. Người tin sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi cái ách tội lỗi vẫn cai trị họ.
Lời giảng có giá trị vô cùng khi có quyền năng cặp theo; vì thế, “Phi-e-rơ còn đang nói, Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe lời Chúa” (44). Sự xác chứng của Đức Thánh Linh vẫn có giá trị và cần thiết ở mọi thời đại. Bây giờ những tín hữu người Giu-đa mới thật sự được thuyết phục rằng Tin-mừng ơn cứu độ của Chúa là dành cho mọi người trong nhân loại (45). Sự báp têm bằng Đức Thánh Linh ở chỗ nầy có nói các thứ tiếng như dịp Ngài giáng lâm trong lễ Ngũ-tuần, và họ còn tôn vinh Đức Chúa Trời mà các tín hữu người Giu-đa hiểu được (46).
Báp têm bằng Đức Thánh Linh ở nhà Cọt-nây diễn ra trước khi họ nhận báp têm bằng nước, là một dấu hiệu đặc biệt. Người ta tin rằng Đức Thánh Linh đã chủ ý phá bỏ tất cả những khuôn mẫu do loài người đặt ra và muốn bắt Ngài phải thực hiện công việc Ngài theo khuôn mẫu họ đã ấn định. Phi-e-rơ xác nhận: “Ai có thể từ chối làm báp têm bằng nước cho những người đã nhận lãnh Đức Thánh Linh cũng như chúng ta? Vậy ông bảo họ nhận báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ” (47–48).
Mời được vị khách đặc biệt ở lại thêm vài ngày là điều quá hạnh phúc (48). Hơn nữa, Phi-e-rơ cần có thời gian đủ để dạy các tân tín hữu dân ngoại giữ đức tin và những điều căn bản.
SachCongVu23.docx
Rev. Dr. CTB