Chúa Nhật, February 2nd, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 17


Hê-bơ-rơ 11:1–11

Bước qua năm mới, ai cũng mong muốn mọi việc sẽ tốt hơn năm cũ; nhất là sự thịnh vượng của đời sống. Chúng ta đã nói qua về nền tảng của sự thịnh vượng trong vài bài học của các tuần trước gồm có: “Thờ phượng Chúa, khởi đầu cho sự thịnh vượng,” trong đó chúng ta học được là hễ mình biết điều hoà đời sống thờ phượng với cuộc sống bình thường của mình, thì dẫn tới kết quả là được Đức Chúa Trời ban phước; giống như Áp-ra-ham đóng trại mình giữa Bê-tên, tượng trưng cho ‘Nhà Chúa,’ với A-hi là biểu tượng về thế gian. Rồi ông lập tại đó một bàn thờ, là biểu tượng về đời sống thờ phượng, để ông không cần phải hối hả thờ phượng rồi vội vàng chạy về lo chuyện nhà, mà khi nào cần thờ phượng thì đã có sẵn bàn thờ đã xây dựng (Sáng-thế 12:8–9).

Chúng ta cũng học trong bài kế tiếp là mình phải lập một quyết định không thể đảo ngược để làm “nền tảng hưởng phước.” Đó là bằng lòng cho con người cũ trong tâm tính xác thịt của mình chết với Đức Chúa Giêxu trên thập tự giá (Rô-ma 6:3–6), và quyết chí làm đám tang chôn cất nó để nó không thể sống lại tác quái được nữa. Sau đó là nhận lấy sự sống mới để sống đời công chính và được thánh hoá (Ê-phê-sô 4:22, 24). Tuần vừa rồi chúng ta nghiên cứu lời xác quyết của Phao-lô rằng mọi con cái thật của Chúa đều đã “được chọn để thịnh vượng” (Ê-phê-sô 1:4). Trong đó sứ đồ Phao-lô quả quyết rằng: “Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hoá và không chỗ chê trách trước mặt Ngài.” Nghĩa là mọi con dân thật của Chúa có mặt trong Hội-thánh chẳng phải do tình cờ, nhưng đã được Chúa chọn cho Ngài.

Tuy nhiên, tất cả những điều chúng ta đã nghe, đã học và suy gẫm, đều đòi hỏi một lòng tin vững chắc vào mọi lời hứa của Đức Chúa Trời, mà Kinh-thánh gọi là đức tin. Như câu đầu phần Kinh-thánh làm nền tảng cho bài học hôm nay đã mô tả: “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy” (1). Xác quyết nghĩa là có bằng chứng về điều mình tin, dù không thể thấy bằng mắt, là nền tảng bảo đảm về những điều người tin hi vọng. Sự xác quyết ấy căn cứ trên Lời Đức Chúa Trời đã phán. Nhờ lòng tin như thế người ta mới có thể trông mong sẽ nhận được điều họ cầu xin. Đức Chúa Giêxu dạy các môn đồ Ngài rằng “Bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy” (Mác 11:24).

Sứ đồ Giăng, vị sứ đồ sống lâu nhất và kinh nghiệm về Đức Chúa Giêxu nhiều nhất đã viết như sau: “Đây là sự vững tâm mà chúng ta có được trước mặt Ngài: Ấy là nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe chúng ta. Và nếu chúng ta biết Ngài nghe bất cứ điều gì chúng ta cầu xin, thì chúng ta biết là mình đã nhận được điều cầu xin rồi” (1Giăng 5:14–15). Như thế, trước hết đức tin đòi hỏi chúng ta phải tin vào lòng thiện hảo của Đấng đã tạo dựng nên toàn vũ trụ, là Cha chúng ta ở trên trời. Tin có nghĩa là biết chắc Đấng Toàn Năng chẳng bao giờ nói dối hay lừa gạt chúng ta. Vì Ngài được ích lợi gì khi nói dối hay lừa gạt loài mà Ngài đã tạo nên và cung cấp mọi điều cần thiết cho họ?

Chúng ta cũng phải có đức tin vào Đức Chúa Giêxu, là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan và là lời nói của Đức Chúa Trời, đã đến thế gian làm người đền tội cho chúng ta. Dù hiện nay người ta đang cố sức gieo nghi ngờ về Con Người Giêxu lịch sử, để tấn công và phá huỷ đức tin trong Cơ đốc-giáo giới một cách có hệ thống, và được sự ủng hộ hết lòng của giới truyền thông thiên tả và giới khoa bảng. Nhưng họ không thể giải thích nổi sự đổi mới kỳ diệu trong đời sống của những người thuộc xã hội đen hoặc bị ma tuý xiềng xích khi những người nầy đặt đức tin vào Đức Chúa Giêxu. Vì vậy, khi chúng ta đặt lòng tin vào Đức Chúa Giêxu thì có nghĩa là tin chắc chắn rằng Ngài sẽ thực hiện mọi điều mà những người tin đã trao phó cho Ngài (2Ti-mô-thê 1:12).

Kế đến chúng ta cũng phải hiểu biết về việc mình phải tin như thế nào để được cứu. Trước tiên, đức tin để được cứu phải xuất phát từ trong lòng. Lòng ở đây nói về tư tưởng, các cảm xúc và ý chí, tức là linh hồn của con người. Vậy, đức tin hay lòng tin ấy phải cai trị và làm chủ các ý tưởng, những cảm xúc và cả ý chí của chúng ta nữa. Lòng cũng dùng để nói về tâm linh, là phần mà con người liên lạc với linh giới. Biểu hiện của đức tin từ trong lòng là hành động theo những gì mà trí não và tâm linh đã tin. Trong phần Hê-bơ rơ 11 đọc hồi nãy, có thuật lại những gương đức tin của các thánh thời xa xưa: “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa cảnh báo về những việc chưa thấy, và ông thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu cả nhà mình. Bởi đó, ông lên án thế gian và trở nên người thừa kế sự công chính đến từ đức tin vậy” (7).

Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp; ông đi mà không biết mình đi đâu …… Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử nghiệm.Ông sẵn sàng hiến dâng đứa con một đã nhận được theo lời hứa …… Ông tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại, nói theo nghĩa bóng, ông thật đã nhận lại con mình từ cõi chết” (8, 17,19).

Đức tin để được cứu cũng là làm theo những gì Đấng mình tin dạy dỗ mình phải làm; đức tin ấy cũng phải thể hiện qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Đức tin để được cứu là lòng tin Đức Chúa Giêxu đã gánh vác tội lỗi thay cho ta, ta được huyết thánh của Ngài tha thứ, và tiếp nhận Ngài là Đấng giải thoát ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi (Giăng 8:34,36). Đức tin để được cứu tin nhận Ngài là Thầy và Chúa để làm theo những gì Ngài dạy, và trao đời sống mình cho Ngài hoàn toàn làm Chủ. Đức tin để được cứu tuyên xưng Đức Chúa Giêxu là Chúa và không chối bỏ Ngài khi bị thử thách, hoạn nạn; cũng không từ chối phục vụ Ngài khi thấy hiểm nguy. Đức tin để được cứu tin rằng Đức Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời (Giăng 20:31); đồng thời cũng tin phúc âm của Ngài. Phúc âm nói rằng theo lời Kinh-thánh, Đấng Christ đã chết thay cho tội lỗi chúng ta, Ngài đã bị chôn và đã sống lại (1Cô-rinh-tô 15:1–4). Chúng ta tin Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết (Rô-ma 10:9); cho nên, chỉ Ngài mới có quyền tha thứ tội lỗi chúng ta.

Đã thật có đức tin vào Chúa thì đức tin ấy phải thể hiện bằng cách trình dâng cho Chúa mọi nhu cầu và những điều gì cản trở giữa chúng ta với Ngài. Tin rằng Ngài có quyền giải quyết theo những gì Ngài thấy là tốt nhất cho chúng ta. Đức tin thật là lòng tin được thể hiện bằng sự hi sinh những điều mình đang có hay thấy trước mắt, để nhận được các ơn phước, phần thưởng tương lai mà mình chưa thấy. Nhờ đức tin đó, chúng ta mới dám vâng lời, hi sinh, dâng hiến, chịu thiệt hại mất mát, nhẫn nại, nhịn nhục chờ đợi những lời hứa của Chúa được thực hiện. Những kết quả từ đức tin đem lại thì thật nhiều, không kể xiết. Hạnh phúc của người biết chắc mình được tha tội và được cứu rỗi, nhờ có đức tin, là vô cùng lớn. Vì biết mình đã được Chúa xưng là công chính, nền tảng của sự thịnh vượng tâm linh. Loại thịnh vượng không bao giờ suy giảm hoặc tan biến.

Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Thánh Linh chỉ có thể ngự trong lòng người có đức tin mạnh mẽ để bảo vệ, gìn giữ và ban phước cho người ấy. Loại lòng tin nhút nhát, lung lay thì không thể bền vững. Chúng ta không thể tự tạo đức tin, cũng chẳng ai có khả năng cầu xin cho ta có đức tin trong khi mình không có. Chúng ta phải lập quyết định tin Đấng Tạo Hoá, tin tình yêu của Ngài và chương trình cứu chuộc của Ngài đã thực hiện cho chúng ta qua Đức Chúa Giêxu Christ. Đức tin ấy là lòng tin đúng chỗ để đời sống và con người bên trong được biến đổi và thịnh vượng. Một đời sống thịnh vượng tâm linh sẽ làm cho đời sống thể chất cũng thịnh vượng.

Bước vào một năm mới, chúng ta hãy lập quyết tâm mới. Hãy rũ bỏ những tâm lý lười biếng và nếp sống tâm linh bạc nhược. Hãy quyết tâm theo Chúa để đời sống được Ngài ban phước cho thịnh vượng cả tâm linh lẫn thể chất. Hãy nếm biết sự ngọt ngào của ơn phước Chúa và hãy kinh nghiệm một đời sống quyền năng của con cái Đức Chúa Trời bằng đức tin mới và mạnh mẽ .

VanDeQuanTrong17.docx

Rev. Dr. CTB