Thư Hê-bơ-rơ, bài 03

Hê-bơ-rơ 1:4–14

Khi học về Đức Chúa Giêxu là Ai, chúng ta được tác giả thư Hê-bơ-rơ mô tả Ngài “là sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (3); bởi vì sự chói sáng rực rỡ của vinh quang ấy bày tỏ ra chính Ngài là Đấng Sáng Tạo nên vạn vật, là Đấng bảo tồn cả vũ trụ, và là Đấng Chủ Tể trên muôn vật đã được dựng nên.

Bản thể của Đức Chúa Trời là sáng tạo và vinh quang; cho nên, hiện thân của bản thể ấy là vinh quang chói sáng cách rực rỡ để loài người sẽ dần dần được biết Đức Chúa Trời là ra sao, qua công việc của Đức Chúa Giêxu làm trên đất là “tẩy sạch tội lỗi,” và trên trời là “ngồi bên phải Đấng Tôn Nghiêm,” để cầu thay và biện hộ cho những ai tin nhận Ngài là Chúa Cứu Thế của đời sống họ.

Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã xuống trần làm người, một người có xác thịt giống như bất cứ ai khác trong nhân loại, một nhân loại mà Đức Chúa Trời đã “dựng nên kém các thiên sứ một chút” (Thi-thiên 8:5); nhưng Ngài có danh vị cao trọng hơn các thiên sứ, vì Con của Đức Chúa Trời cao trọng hơn các thiên sứ; cho nên, “Con đã trở nên cao trọng hơn các thiên sứ” thì “danh vị Con nhận được cao cả hơn danh vị các thiên sứ” (4), mặc dù Ngài chịu mang thân thể loài người.

Sự cao cả đó còn tiềm ẩn trong bản chất của nhiệm vụ Ngài phải thực hiện trong vai trò Con Người. Vào thời Cựu-ước, người Do-thái tự hào và rất vinh hạnh khi các thiên sứ được phái đem thông điệp của Đức Chúa Trời đến cho họ (2:2; Galati 3:19).

Nhưng, các thiên sứ, dù được ban cho một số quyền năng từ Đức Chúa Trời, được giao cho nhiệm vụ truyền rao thông điệp từ trời, họ vẫn không thể truyền sự sống của Đức Chúa Trời cho loài người.

Chỉ có Đức Chúa Giêxu mới có thể làm được điều đó, vì Ngài là Con Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời chứng nhận: “Ngươi là Con Ta, ngày nay Ta đã sinh ngươi” (5). Chỉ một mình Đức Chúa Giêxu mới truyền được sức sống của Ngài cho loài người.

Cũng chỉ Ngài mới đem được loài người đến gần Đức Chúa Trời. Các thiên sứ không làm được điều đó. Vì thế, Đức Chúa Giêxu cao trọng hơn các thiên sứ.

Tác giả đặt câu hỏi, có bao giờ Đức Chúa Trời nhận một thiên sứ nào là con do Ngài sinh ra, hoặc sẽ làm Cha vị đó chăng (5)? Ngài chỉ công nhận Đức Chúa Giêxu là Con của Ngài mà thôi; cho nên “tất cả các thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ phượng Con” (6).

Sự khác biệt giữa các thiên sứ với Đức Chúa Giêxu là rõ ràng. Họ là loài được tạo nên, Ngài là Đấng tạo dựng họ. Gọi Ngài là Con trưởng nam vì Đức Chúa Giêxu là Con duy nhất của Đức Chúa Trời.

Về các thiên sứ, Ngài phán: ‘Đức Chúa Trời làm cho các thiên sứ Ngài như gió, và các tôi tớ Ngài như ngọn lửa’” (7). Mọi thân vị từ thiên đàng đều là vô cùng bí ẩn và mầu nhiệm đối với tri thức bị giới hạn của loài người.

Các thiên sứ được Đức Chúa Trời dựng nên khi nào, và nhiệm vụ cùng công việc của họ là gì, thì người ta chỉ biết rất ít qua vài chỗ Kinh-thánh mở thoáng qua rất ngắn ngủi. Vì vậy, loài người biết rất ít về các thiên sứ; mặc dù một số người dám quả quyết về họ, cũng chỉ là căn cứ trên vài câu Kinh-thánh để đoán mò mà thôi.

Điều mà những người tin Kinh-thánh có thể quả quyết là các thiên sứ đều thuộc về thế giới thần linh, và họ hoạt động, vận hành trong linh giới lẫn trần giới, theo nhiệm vụ Chúa giao cho họ.

Đức Chúa Cha phán với Đức Chúa Con rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn đến mãi mãi, Chúa lấy đức công chính cai trị nước Ngài, Chúa yêu sự công chính và ghét sự gian ác; vì thế, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Chúa đã xức dầu vui mừng cho Chúa, tôn Chúa cao hơn các đồng bạn.” (8–9). Như vậy, Đức Chúa Giêxu chẳng những là Con, mà Ngài còn là chính Đức Chúa Trời.

Khác với cách suy nghĩ và xưng hô của loài người giữa những người đồng đẳng, sự xưng hô đầy tôn kính giữa các thân vị đồng đẳng với nhau trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời làm cho người đọc Kinh-thánh hiểu rằng họ phải cung kính trước sự cao cả, thánh khiết và oai nghi của Đấng Tối Cao. Suy gẫm về điều nầy, chúng ta rất biết ơn về tri thức diệu kỳ mình được có.

Sự hiểu biết nầy là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp tín hữu trưởng thành trong đời sống tâm linh. Vì một người có thể xưng nhận đức tin về chân lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời, nhưng sức sống thiên thượng chỉ ban cho những ai hiểu và nhận Đức Chúa Giêxu là Thiên Chúa Tối Cao.

Còn ai chỉ tin như một lý thuyết chứ không kinh nghiệm như một thực thể, thì người ấy không thể có sự sống của Đức Chúa Trời trong lòng.

Đấng Christ sẽ cai trị Vương-quốc của Ngài bằng sự công chính. Vì Ngài yêu sự công chính và ghét sự gian ác, nên Ngài đã được Đức Chúa Trời “xức dầu vui mừng” (9).

Dầu vui mừng tức là sự vui tươi, mừng rỡ bước vào vai trò Đấng Trung Bảo; đồng thời, do nhiều linh hồn sẽ được cứu qua sự hi sinh thống khổ của Ngài, thì đó là mão miện vui vẻ và vinh quang sẽ làm phần thưởng cho Ngài.

Đồng bạn” của Đức Chúa Giêxu là ai? Ngoài Đức Chúa Trời ra, có ai ngang hàng với Ngài về thần tánh, hay đồng đẳng với Ngài về địa vị Đấng Sáng Tạo không? Vì không ai, cho nên ở đây nói về Đức Chúa Giêxu trong vai trò Con Người phục vụ loài người.

Đồng bạn cùng phục vụ với Ngài có thể là các thiên sứ, các tiên tri, thầy tế lễ và các vua là những người được xức dầu; đồng bạn cũng là những người lớn lên đồng thời với Ngài trên thế gian nữa. Nhưng trong vòng những người phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời trên đất, thì Ngài được tôn cao hơn hết.

Lời của Đức Chúa Trời còn xác nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng Tạo Hoá và là Đấng tồn tại vĩnh cửu (10–12). Tại sao tác giả thư Hê-bơ-rơ phải nhắc lại thần tánh của Đức Chúa Giêxu?

Một số tín hữu cho rằng họ đã biết về thần tánh ấy của Ngài; và vì nó chỉ là kiến thức sơ đẳng nên họ thường bỏ qua đoạn 1.

Nhưng bỏ qua phần nầy là một lỗi lầm trầm trọng, bởi vì đoạn 1 là chương nền tảng của toàn thể thư Hê-bơ-rơ.

Những ai không biết và không tin một cách quả quyết rằng Đức Chúa Giêxu chính là Đấng Tạo Hoá, thì dễ bị hoàn cảnh và ảnh hưởng của những người khác lôi họ sa vào tội lỗi, sống đời cách xa Chúa.

Nhưng nếu biết chắc rằng Ngài là Đấng Tạo Hoá, thì lòng tin vào Ngài sẽ là kinh nghiệm tâm linh vững chắc không thể bị lay động hay dời đổi.

Thế giới thể chất rồi sẽ già cỗi và qua đi: “Trời đất sẽ tiêu tan,…tất cả đều sẽ cũ đi như chiếc áo; Chúa sẽ cuốn trời đất lại như cái áo choàng; như chiếc áo, chúng sẽ bị thay đổi” (11–12). Tất cả những ai đã từng sống trên đất đều sẽ phải qua tuổi già và nếm mùi sự chết.

Toàn thể vũ trụ là những gì đang xoay vần trong không gian bao la sẽ già cỗi theo thời gian và tiêu tan theo chương trình và ý định của Đấng đã tạo dựng nên chúng.

Nhưng nếu người tin được biết chắc rằng Đức Chúa Giêxu của họ vẫn sẽ tồn tại mãi mãi, rồi Ngài vẫn y nguyên, năm tháng của Ngài không hề cùng, thì mới có thể đặt lòng tin vững chắc vào quyền năng cứu chuộc của Ngài đưa linh hồn họ vào nước thiên đàng. Do lòng tin đó, họ mới sống một đời đạo hạnh tốt lành theo ý Chúa.

Nhóm từ ngữ “ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” có nghĩa là địa vị cao nhất và đồng đẳng với Đấng ngự trên ngai.

Vì vậy, dù các thiên sứ có đẳng cấp cao nhất giữa vòng các thiên sứ trên thiên đàng, chẳng có vị nào được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời; bởi vì “tất cả các thiên sứ chẳng phải là những vị thần phục dịch, được sai đi phục vụ những người hưởng sự cứu rỗi hay sao?” (14).

Nhưng Đức Chúa Giêxu sau khi sống lại và về trời, thì Ngài đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời trên thiên đàng (Ê-phê-sô 1:20).

Trong thư Hê-bơ-rơ nầy, sự việc “Đức Chúa Giêxu ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” được nhắc tới năm lần (1:3, 13; 8:1; 10:12, và 12:2). Địa vị Ngài khác hẳn các thiên sứ, vì Ngài là Chúa của họ. Họ chỉ là những vị thần phục dịch Ngài.

Sự hiểu biết các điều trên là vô cùng quan trọng cho đời sống tâm linh của một tín hữu. Biết chắc Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta mà vào nơi Chí Thánh trên trời, vẫn liên tục ban quyền năng sự sống thiên đàng cho những ai vững lòng tin vào ơn cứu chuộc của Ngài, thì sự hiểu biết đó là thuốc thần để chữa trị các thứ bệnh làm cho nếp sống tâm linh nguội lạnh và yếu đuối.

Ai đã thật biết Đức Chúa Giêxu chính là “sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (3), thì không còn dám có nếp sống tâm linh tội lỗi bạc nhược được nữa.

ThuHeboro03.docx

Rev. Dr. CTB