Thư Hê-bơ-rơ, bài 02

Hê-bơ-rơ 1:1–3

Nhiều người ở nhiều thời đại khác nhau có cùng một ước vọng là tìm kiếm con đường dẫn họ lên tiên cảnh, nhưng chẳng ai thành công. Tìm gặp Đấng Tạo Hoá là một hành động vô vọng chẳng bao giờ có thể đạt tới.

Dù ai tuyên bố cách nào, tất cả đều đã chết theo định luật của Đấng Tạo Hóa lập ra cho loài xác thịt thở khí trời. Một số người thời nay còn tuyên bố hung hăng hơn các tiền bối của họ về tương lai mà chính họ chẳng biết.

Đức Chúa Trời biết rõ giới hạn của loài người, và biết tương lai đen tối của nhân loại do hậu quả của tư tưởng kiêu căng và hành động gian ác của họ, nên Ngài kêu gọi loài người hãy trở về, nối lại mối tương giao với Ngài, mà thủy tổ loài người đã có trước kia. Ngài đã dùng các tiên tri để bày tỏ cho người ta biết về Ngài (1).

Nhưng loài người vẫn chưa hiểu nổi bản thể thánh khiết và tình yêu thương vô hạn của Đức Chúa Trời đối với loài người là ra sao. Các đấng tiên tri thuở xưa đã cố gắng hết khả năng của họ để truyền đạt thông điệp của Đức Chúa Trời mà họ được sai phái; tuy vậy, họ vẫn bị giới hạn bởi năng lực hiểu biết của loài người.

Đúng ra, họ chỉ là các phương tiện còn nhiều khiếm khuyết mà Đức Chúa Trời tạm dùng để chuẩn bị cho ngày Ngài bày tỏ chính mình Ngài một cách đầy đủ và hoàn hảo qua Ngôi Lời, là tư tưởng, trí tuệ và sự khôn ngoan, của Ngài xuống trần làm người với thân thể xác thịt. Vì thế, Ngôi Lời được gọi là Con của Đức Chúa Trời.

Thần Nhân ấy được thiên đàng bảo phải đặt tên là Giêxu, nghĩa là Đấng cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21). Ngài đến trần gian đem theo thông điệp yêu thương của Đức Chúa Trời tới để chia sẻ sự sống và tình thương của Đấng Tạo Hoá cho loài người biết.

Khi nói rằng “Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài” (2), thì có nghĩa là Con của Đức Chúa Trời phải đến với người, để nhân loại có cơ hội tiếp xúc với chính Đấng đã sáng tạo ra muôn loài vạn vật (2b).

Bởi vì Ngài là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan, và Lời phán của Đức Chúa Trời; cho nên, khi Ngài nói để bày tỏ Thiên Chúa cho chúng ta, thì đó là Lời từ chính Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta.

Vì Đức Chúa Giêxu Christ là lời phán từ Đức Chúa Trời đến cho loài người, nên loài người phải lắng nghe Ngài mới có thể biết và hiểu được Đấng Tạo Hoá là tốt lành như thế nào.

Khi nói “Con Ngài đã lập để thừa hưởng vạn vật; cũng bởi Con, Ngài đã dựng nên vũ trụ” (2), có nghĩa là Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Giêxu thừa kế quyền Chủ Tể trên vạn vật. Đức Chúa Con cũng là Đấng Sáng Tạo dựng nên vũ trụ từ lúc ban đầu.

Thật ra, câu ấy phải được đọc là: “Đức Chúa Trời đã nhờ Con Ngài sáng tạo vũ trụ,” thì dễ hiểu và sáng tỏ hơn.

Bất cứ ai muốn học một điều gì mới, thì người ấy phải tìm người thông thạo điều mới ấy dạy cho mình. Người dạy phải có khả năng truyền đạt cho người học được hiểu và trở nên thành thạo về điều mình học.

Người nào tự xưng là tín hữu hoặc môn đồ của Đức Chúa Giêxu mà lười nhác, không dành thì giờ học hỏi để nghe Lời phán dạy của Ngài, thì không thể nào biết rõ ràng về tính cách của Chúa; do đó, đời sống tâm linh của người ấy cứ mãi ấu trĩ, không thể trưởng thành như đáng phải có. Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Đấng có khả năng dạy và giải thích những lời siêu nhiên cho chúng ta hiểu; bằng cách làm cho chúng ta suy nghĩ những điều Chúa nghĩ; vì thế, chúng ta mới hiểu được Lời huyền nhiệm từ trời.

Các tiên tri thuở xưa được Đức Chúa Trời dùng trong giao ước thứ nhất (Cựu-ước). Bây giờ chúng ta đang ở trong thời giao ước thứ nhì (Tân-ước). Mỗi giao ước tiêu biểu cho một cách thức Đức Chúa Trời liên lạc với con người và người ta có thể đến gần Ngài.

Cựu-ước là giao ước tạm để sẽ bị thay thế sau một thời gian; vì vậy, mục đích của giao ước thứ nhất không phải là để đem tới sự hoàn hảo, nhưng để chuẩn bị cho một giao ước mới tốt lành và hoàn hảo hơn, gọi là Giao-ước mới, hay Tân-ước. Giao-ước thứ nhì nầy sẽ tồn tại vĩnh viễn, vì nó hoàn thành lời hứa trong giao ước cũ. Nó bày tỏ ơn cứu chuộc vĩnh cửu của Đức Chúa Trời toàn năng.

Mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng đã phán cả trong cựu ước lẫn tân ước, nhưng Cựu-ước chỉ là lý thuyết qua sự trung gian của con người, và là hình bóng của giao ước mới sẽ đến.

Sở dĩ Chúa phải dùng các tiên tri mà không phán trực tiếp với loài người khi Ngài ban cho giao ước cũ, là vì loài người dù biết mình không hoàn hảo, nhưng vẫn cho rằng họ có khả năng tự sửa đổi, tu tỉnh tâm tánh của họ.

Với giao ước cũ, người ta được ban cho một bản luật pháp, là tiêu chuẩn đòi hỏi từ Đức Chúa Trời về sự thánh khiết tuyệt đối mà không người nào trên đời có thể đáp ứng; người ta thấy tình trạng tội lỗi xấu xa của mình bị bộc lộ. Vì vậy, mục đích của Cựu-ước là mở mắt cho loài người thấy rằng họ họ hoàn toàn bất năng, không ai có thể tự cứu mình được.

Qua thời Tân-ước, Đức Chúa Trời gửi tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan, và lời phán của Ngài xuống trần gian làm người xác thịt; vì vậy việc đó được gọi là sai Con Ngài đến nói chuyện trực tiếp với loài người; rồi dùng thập tự giá cứu chuộc của Ngài làm cây cầu để đem những người tin Ngài đến trước sự hiện diện cực thánh của Đức Chúa Trời.

Như tác giả thư nầy viết: “Vậy, thưa anh em, vì nhờ huyết Đức Chúa Giêxu, chúng ta được dạn dĩ vào nơi chí thánh, vì Ngài đã mở cho chúng ta con đường mới và sống qua bức màn, tức là ngang qua xác Ngài” (10:19–20).

Cựu-ước là bài học dẫn đến Tân-ước, tức là dẫn đến sự sống qua Đức Chúa Giêxu, là Con Trời.

Hai thời kỳ là hai giai đoạn thờ phượng. Thời Cựu-ước, Chúa phán dạy qua các đấng tiên tri để loài người thấy rõ tình trạng tuyệt vọng của họ.

Thời Tân-ước, Đức Chúa Trời phán qua Đức Chúa Con, là Đấng có sự sống của Cha để truyền đạt cho người tin và đem họ đến gặp Đức Chúa Trời cách trực tiếp.

Ai hết lòng chăm chú vào điều gì thì sẽ bị điều đó làm chủ và nắm quyền điều khiển cá tính của họ.

Ai chú tâm vào điều không có giá trị về tâm linh hay đạo đức, thì sẽ bị trở thành người vô đạo đức và nông cạn hời hợt.

Người đặt lòng tin vào các thứ thần giả hiệu, thì sẽ trờ thành người mê tín vào những điều giả dối, không có thật.

Còn nếu ai đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài, thì sẽ được Đức Chúa Con khải thị cho biết Đức Chúa Trời.

Vì Đức Chúa Giêxu đến từ Đức Chúa Cha, nên Ngài “là sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (3).

Chỉ một mình Ngài có thể bày tỏ vinh quang tuyệt đối của Đức Chúa Trời, và là cây cầu giúp cho loài người qua Ngài liên lạc được với chính Đức Chúa Trời tối cao và chí thánh.

Sự biết rõ vinh quang của Đức Chúa Giêxu là rất quan trọng đối với người tin Ngài. Vì người biết rõ là người trưởng thành trong đức tin; nhờ đó, Chúa có căn bản để hoàn thành công tác đổi mới và thánh hoá của Ngài bên trong chúng ta, rồi dẫn chúng ta đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Cha, để tương giao trực tiếp với Ngài.

Mọi sự vững bền hiện nay của mọi vật trong vũ trụ đều được bảo tồn bởi lời quyền năng của Đức Chúa Giêxu; cho nên, tác giả ghi: “Con dùng lời quyền năng bảo tồn vạn vật” (3b).

Quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời, hay quỹ đạo của thái dương hệ trong giải ngân hà, hoặc quỹ đạo của ngân hà trong vũ trụ từ thời chúng hiện hữu đến nay, đều là do lời quyền năng của Đức Chúa Giê –xu bảo tồn và nâng đỡ.

Như Phao-lô viết: “Ngài có trước vạn vật, và nhờ Ngài, muôn loài được giữ đúng vị trí” (Cô-lô-se 1:17). Mọi điều đó là vinh quang của thân vị Đức Chúa Giêxu.

Đức Chúa Giêxu còn vinh quang trong việc Ngài làm ở dưới đất và trên trời: “Sau khi hoàn thành việc tẩy sạch tội lỗi. Con ngồi bên phải Đấng Tôn-nghiêm trên nơi chí cao” (3c).

Đức Chúa Trời phải sai Con Ngài tẩy sạch tội lỗi chúng ta để Ngài có thể phán với chúng ta. Sự tẩy sạch tội lỗi là căn bản của ơn cứu chuộc.

Sau khi làm xong điều đó, Đức Chúa Giêxu trở về trời và “ngồi bên phải Đấng Tôn-nghiêm trên nơi chí cao,” để mở đường và giữ cho con đường ấy cứ tiếp tục được mở rộng cho mọi con dân Ngài, tức là những người tin Ngài và tiếp nhận ơn cứu chuộc của Ngài vào lòng họ, được tự do bước thẳng vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời.

Không phải sau khi chết chúng ta mới được đến gần Đức Chúa Cha, mà có thể đến ngay bây giờ; nhờ Đức Chúa Giêxu đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha để bảo đảm cho mọi con dân nào tin cậy Ngài.

ThuHeboro02.docx (tài liệu tham khảo: The Holiest Of All, của Andrew Murray)

Rev. Dr. CTB