Thư Hê-bơ-rơ, bài 01
Hê-bơ-rơ 1:1–2
Tác giả viết thư nầy không nói gì về mình, nhưng chắc chắn là những người nhận thư biết rõ về ông.
Trong khoảng 1,200 năm, từ 400 A.D. tới 1600 A.D., sách nầy được gọi là “Thư Tín của Sứ Đồ Phao-Lô cho người Hê-bơ-rơ.” Tuy thế, không phải ai cũng đồng ý rằng Phao-lô là tác giả của bức thư nầy.
Từ khi có cuộc cải cách giáo hội ở thế kỷ 16, thì đa số học giả đồng ý với nhau rằng Phao-lô không phải là tác giả. Vì lẽ văn phong của thư rất khác với văn phong của Phao-lô; đồng thời cũng trái với thói quen của Phao-lô là ký tên ở cuối các bức thư của ông; rồi không chỗ nào trong thư đề cập đến người viết.
Một chi tiết khác đáng để ý qua câu: “Đó là ơn cứu rỗi được công bố từ ban đầu, rồi những người đã nghe xác chứng cho chúng ta” (2:3b), chứng tỏ rằng thư không phải do người đồng thời với Đức Chúa Giêxu viết, hoặc được trực tiếp nghe Ngài dạy.
Trong tác phẩm ‘De Pudicitia, 20’ (The Modesty=Tính Khiêm Tốn) của giáo phụ Tertulian viết vào năm 200 A.D., thì ông cho thư nầy là “một thư tín cho người Hê-bơ-rơ dưới tên Barnabas;” nghĩa là theo ông, thì thư Hê-bơ-rơ do sứ đồ Barnabas viết.
Vì theo văn phong của thư, thì tác giả phải có uy quyền một sứ đồ của Hội-thánh, và là một trí thức Hê-bơ-rơ thông thạo về Cựu-kinh. Barnabas rất xứng hợp vai trò đó.
Ý kiến khác cho rằng Apollos cũng có thể là tác giả của thư nầy, vì ông là người Do-thái có học thức cao và có khả năng hùng biện (Công Vụ 18:24).
Thư Hê-bơ-rơ phải được viết trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và đền thờ bị triệt hạ vào năm 70 A.D. Bởi vì nếu thư được viết sau thời kỳ đó, thì tác giả đã đề cập tới việc đền thờ bị phá đổ, cũng như sẽ phải nói về sự chấm dứt các cuộc tế lễ hằng dâng của Do-thái-giáo kể từ lúc đền thờ không còn hiện hữu.
Vì thư Hê-bơ-rơ được viết bằng tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ rất thông dụng vào thời sơ lập của Hội-thánh, cho nên các học giả tin rằng thư được viết trước năm 70 A.D., khi họ thấy các động từ mô tả các hoạt động của những thầy tế lễ trong đền thờ được viết ở thì hiện tại.
Đối tượng của thư là những tín hữu người Do-thái có hiểu biết Cựu-ước và đang bị cám dỗ quay trở lại Do-thái-giáo hoặc áp dụng Do-thái-giáo vào Cơ-đốc-giáo (Galati 2:14).
Nhưng căn cứ trên câu: “Tôi tha thiết nài xin anh em cầu nguyện để tôi sớm được trả về với anh em” (13:19), thì có lẽ thư nầy viết cho một cộng đoàn Cơ-đốc người Do-thái, và rất có thể cộng đoàn nầy là Hội-thánh ở Giê-ru-sa-lem; bởi vì dù hàng chục ngàn người Do-thái đã tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a phải đến, nhưng họ vẫn bám đền thờ với các lễ nghi thờ phượng cổ truyền của Do-thái-giáo (Công-Vụ 21:20).
Nếu họ tiếp tục như thế thì sẽ bị mất sức sống của Đức Thánh Linh ban cho; hơn nữa, Giê-ru-sa-lem cũng là trung tâm để thư nầy được phổ biến cho người Do-thái khắp nơi.
Thư Hê-bơ-rơ được viết nhằm mục đích gì? Xem nội dung của thư, chúng ta thấy độc giả sẽ nhận thư đang sở hữu một tình trạng nếp sống tâm linh rất thấp.
Tác giả sợ họ bị “trôi giạt” (2:1), “coi thường ân cứu rỗi lớn lao” (2:3), hay “vì lòng gian ác, vô tín mà lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống” (3:12), hoặc “bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng” (3:13). Cũng biết rõ họ “tai … đã nặng” tức là chậm hiểu (5:11), “trở nên lười biếng” (6:12); họ có thể sa vào sự “cố ý phạm tội” (10:26) và “từ khước Đấng đang phán dạy, … quay lưng lại với Đấng phán từ trời” (12:25).
Mục đích của thư là giục lòng những tín hữu người Do-thái đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn. Bởi vì dù họ cố gắng giữ các nghi thức thờ phượng cổ truyền của Do-thái giáo, họ vẫn bị đồng bào Do-thái của họ nghi ngờ. Còn các lời tiên tri về việc Đức Chúa Giêxu sẽ trở lại trần gian để cầm quyền tể trị, và những phước hạnh mà Chúa hứa cho con cái Ngài hình như còn quá xa vời.
Vì thế, nội dung của thư muốn giúp họ nhìn xa hơn và tin vào vinh quang của Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng đang ngự bên phải ngai Đức Chúa Trời. Đồng thời tác giả cũng cố giải thích cho họ thấy rằng, khi họ bằng lòng từ bỏ các hình thức thờ phượng theo truyền thống, vì nó chỉ là hình bóng của những việc sẽ đến, thì họ sẽ được hưởng những “điều tốt hơn” (11:40).
Mục đích kế tiếp của thư Hê-bơ-rơ là để khơi lại tinh thần yêu mến nồng cháy đối với Chúa; bởi vì Hội-thánh thời ấy đang ở trong tình trạng nguội lạnh, không có tấm lòng nóng cháy trong đời sống tương giao với Chúa, không biết rõ Đức Chúa Giêxu là ai, và cũng không biết rõ Ngài đã và đang làm gì để cứu họ.
Tình trạng ấy hiện vẫn đang có trong Hội-thánh ngày nay. Có lẽ tệ hơn các thánh đồ Do-thái ngày xưa nữa. Vì thế, thư Hê-bơ-rơ được Đức Thánh Linh cảm thúc ý định của tác giả, là một sứ đồ thời ấy, nhắc nhở và cảnh cáo các thánh đồ người Do-thái thuở ấy, cũng nhằm thúc giục và cảnh cáo chúng ta, những người tin theo Đức Chúa Giêxu trong thời đại nầy, để giúp chúng ta tránh được những nan đề nêu trên, bằng cách học để hiểu biết Đức Chúa Giêxu cách sâu nhiệm. Sự hiểu biết ấy sẽ giải quyết hết các nan đề của nếp sống tâm linh ấy trĩ.
Cách trình bày của thư Hê-bơ-rơ là cho độc giả biết Đức Chúa Giêxu là Ai, Ngài đã và đang làm gì? Hai câu nhập đề của thư giải thích lý do tại sao Đức Chúa Giêxu Christ đã phải đến trần gian:
“Đời xưa, Đức Chúa Trời đã phán với tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách qua các nhà tiên tri. Nhưng vào những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập để thừa hưởng vạn vật; cũng bởi Con, Ngài đã dựng nên vũ trụ” (1:1–2).
Có nghĩa là vào thời xa xưa cho đến hơn hai ngàn năm trước đây, Đức Chúa Trời đã dùng các nhà tiên tri, là những người tin và kính sợ Đức Chúa Trời, được Ngài chọn để khải thị về Ngài và ý muốn Ngài cho loài người trên thế gian. Nhưng người ta vẫn không thể hiểu nổi tính cách và tình yêu thương vĩ đại của Ngài là như thế nào.
Vì thế, Ngài phải dùng Con Ngài để phán dạy và bày tỏ cho loài người biết bản chất tình yêu của Ngài đối với họ là bao la ra sao. Con của Đức Chúa Trời là sự khải thị vinh quang tuyệt đỉnh từ thiên đàng đến cho loài người.
Chủ đề nổi bật của thư Hê-bơ-rơ là quyền tối thượng tuyệt đối và sự hoàn hảo của Đức Chúa Giêxu qua vai trò Đấng Khải Thị và Đấng Trung Bảo của ân điển Đức Chúa Trời. Ngài là sự khải thị toàn hảo và cuối cùng về Đức Chúa Trời, vượt xa các sự khải thị bị giới hạn và sơ đẳng qua các tiên tri trong thời Cựu-ước. Chẳng những thế, Ngài hoàn thành các lời hứa của thời Cựu-ước bằng “Giao Ước Mới,” mà trong đó Ngài là Đấng Trung Bảo.
Cũng từ Cựu-ước, những lời mô tả về Đấng Christ, tức là Chúa Cứu Thế sẽ đến, thì vô cùng cao trọng hơn các tiên tri thuở xưa, cao trọng hơn các thiên sứ, hơn Môi-se (là người trung gian của giao ước cũ), và cao trọng hơn thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn cũng như dòng dõi tế lễ đến sau để kế tục chức vụ của ông.
Thư Hê-bơ-rơ có thể được gọi là ‘sách của những điều tốt hơn,’ bởi vì trong sách, những chữ ‘tốt hơn’ và ‘cao trọng hơn’ được dùng tới 15 lần. Điều đó chứng tỏ rằng thư Hê-bơ-rơ được viết ra không phải chỉ để chứng minh sự khải thị mới cao trọng hơn sự khải thị cũ, mà để trình bày đặc tính ưu tú tuyệt vời của sự khải thị mới.
Khi nào chúng ta hiểu rõ ràng và nắm vững đặc tính ưu tú đó, chúng ta mới có đức tin để có một nếp sống tâm linh mạnh mẽ.
Những sự ứng dụng thực tiễn về chủ đề được thấy khắp nơi trong thư. Mục đích của các ứng dụng đó là để giúp cho người đọc hiểu biết sâu nhiệm hơn về Đức Chúa Giêxu Christ, Đức Chúa Trời trong thân thể xác thịt.
Và khi tín hữu hiểu biết về Đức Chúa Giêxu cách sâu nhiệm tới mức nào, đời sống tâm linh của họ càng mạnh mẽ thêm chừng đó.
Đối với những tín hữu từ Do-thái giáo quy đạo, thì thư cho họ biết là họ không thể quay lại với Do-thái-giáo truyền thống, một hệ thống đã được chức tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Giêxu thay thế rồi.
Con dân của Chúa từ nay phải nhìn xem Ngài, Đấng bởi sự chết chuộc tội, sống lại và thăng thiên, đã mở rộng con đường cho mọi con dân thật của Chúa có thể tiến thẳng vào nơi chí thánh thật của Đức Chúa Trời ở trên trời, nơi có sự hiện diện thánh khiết của Ngài.
Nhưng, họ cần nhớ rằng chẳng những họ phải chống lại những sự cám dỗ họ bỏ cuộc phấn đấu, mà phải tiếp tục kiên nhẫn theo đuổi cuộc chạy đua cho tới mức đến; đừng để bị án phạt như nhiều thế hệ Israel phản nghịch của thời Cựu-ước đã ngã chết trong hoang mạc trên đường thoát khỏi Ai-cập.
ThuHeboro01.docx
Rev. Dr. CTB