Thư Hê-bơ-rơ, bài 15
Hê-bơ-rơ 10:1–18
Bất cứ cái gì đã trọn vẹn rồi thì không cần phải được thay thế. Giao ước cũ đã bị thay thế bởi Giao ước mới, chứng tỏ rằng giao ước đó không hoàn hảo. Luật pháp trong giao ước cũ mặc dù do thiên sứ ban bố cho Môi-se, “không phải là hình ảnh trung thực của những điều tốt đẹp sắp xảy ra, nhưng chỉ là cái bóng mờ của những điều đó” (1a).
Những điều tốt đẹp sắp xảy ra là sự sống thiên đàng được ban vào lòng người tin qua công tác hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ. Sự sống ấy có nhiều điều tuyệt vời mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện cho chúng ta.
Hãy thử lấy mấy cái bóng mờ trong luật pháp đem so với những gì Đức Chúa Giêxu đã thực hiện khi Ngài ở thế gian để trình bày về Đức Chúa Trời cho người thế gian biết; thì khi hiểu rõ những điều nầy, chúng ta sẽ vững vàng hơn trong đời sống đức tin của mình.
1) Việc các thầy tế lễ của Do-thái-giáo dâng sinh tế hàng năm “không thể làm cho những người đến thờ phượng được trọn vẹn” (1). Trái lại, Đức Chúa Giêxu trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã “làm cho những người được thánh hoá trở nên trọn vẹn đời đời” (10:14).
2) Sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời, theo quy định của luật pháp, không có quyền năng khiến cho lương tâm người ta được hoàn hảo, tức là không bị mặc cảm tội lỗi dằn vặt. Vì lý do đó tác giả đặt câu hỏi: “Nếu được, tại sao họ không chấm dứt việc dâng sinh tế?” (2).
Nhưng huyết của Đức Chúa Giêxu có quyền năng “tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những công việc chết” (9:14). Nghĩa là Huyết của Ngài làm tan biến tất cả các mặc cảm tội lỗi, khiến cho lương tâm chúng ta trở nên trong sáng và an ổn để có thể đến trước mặt Đức Chúa Trời mà không sợ hãi.
3) Khi các thầy tế lễ thượng phẩm lặp lại công việc thường niên của họ là đem huyết con sinh tế vào Nơi Chí Thánh của đền thờ dưới đất để đền tội cho chính họ và cho toàn dân chúng, thì việc đó chứng tỏ rằng dù cho có tế lễ bao nhiêu đi nữa, tội lỗi của mọi người vẫn còn. “Năm nầy sang năm khác, các sinh tế đó nhắc người ta nhớ lại tội mình đã phạm” (3).
Trái lại, khi Đấng Christ dùng Huyết Ngài xoá sạch tội lỗi của chúng ta, thì Đức Chúa Trời không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa. Bởi Huyết của Đức Chúa Giêxu đã khiến cho những người tin đã “được thánh hoá trở nên trọn vẹn đời đời” (10:14).
4) Một điều vô cùng quan trọng mà huyết của các con vật tế lễ dưới giao ước cũ không bao giờ làm được, đó là khả năng cất bỏ tội lỗi trong lòng những người thờ phượng, “vì huyết bò, huyết dê không thể nào cất bỏ tội lỗi đi được” (4).
Nhưng Huyết của Đức Chúa Giêxu chẳng những có quyền năng tẩy sạch tội lỗi, mà còn có quyền phép diệt trừ bản chất tội lỗi tận nơi thẳm sâu nhất của lòng người. Quyền năng ấy của Huyết Ngài giúp cho những người tin cậy Ngài có lương tâm được hoàn hảo vĩnh viễn để có thể đến gần Đức Chúa Trời cực thánh.
Hiểu biết và nắm vững chân lý đời đời về quyền năng tối thượng của dòng Huyết Đức Chúa Giêxu, là bí quyết giúp chúng ta có thể tiến bước mạnh mẽ trên thiên trình của mình.
Những tín hữu có đời sống tâm linh ấu trĩ nghe giảng về sự chết và Huyết của Đức Chúa Giêxu thì sợ hãi về tội lỗi của họ; đáng lẽ họ phải hết lòng biết ơn Ngài, vì sự chết và Huyết của Ngài là quyền năng đem chúng ta vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời để được hưởng tất cả những ơn phước tốt nhất dành cho những người được cứu chuộc và có quyền thừa hưởng mọi ân huệ của Chúa.
Điều gì làm cho Huyết Chúa có quyền phép vô biên và tối thượng? Trong những câu kế tiếp, tác giả trích vài câu trong bài thơ do Đức Thánh Linh cảm thúc vua Đa-vít nói tiên tri về nguyên nhân của quyền phép:
“Đức Chúa Trời không muốn sinh tế và lễ vật, nhưng Ngài chuẩn bị một thân thể cho Tôi. Ngài không đẹp lòng tế lễ thiêu và sinh tế chuộc tội. Vậy Tôi thưa: ‘Lạy Đức Chúa Trời, đây, Con đến để thực hiện ý muốn của Chúa, như trong sách có chép về Con’” (5–7).
Sinh tế chuộc tội do giao ước cũ ấn định không thể làm cho Đức Chúa Trời hài lòng (8). Các sinh tế đó chỉ là cái bóng để giúp người ta hiểu biết về Chiên Con của Đức Chúa Trời được Ngài sai đến sau nầy.
Vì sự bất toàn của tất cả các tế lễ thiêu và sinh tế chuộc tội, nên Đức Chúa Trời đã sửa soạn một thân thể bằng xương thịt, máu huyết như thân thể loài người cho Ngôi Lời Ngài sẽ sai xuống thế gian. Thân thể ấy sẽ bị treo trên thập tự giá làm Sinh-tế chuộc tội cho nhân loại. Đức Chúa Giêxu thì quyết tâm: “Đây, Con đến để thực hiện ý muốn Chúa” (9).
Sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu mang giá trị tột đỉnh, và Huyết Ngài đã đổ ra có quyền phép vô biên vì Ngài đã thực hiện hoàn hảo chương trình cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời, là sự kiện từ cổ chí kim không gì so bằng.
Tội lỗi đã vào thế gian và cầm quyền trên cả nhân loại, vì tổ phụ của loài người đã bất tuân lệnh của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Giêxu đã đến trần gian giải toả tội ấy bằng sự vâng phục trọn vẹn của Ngài (Phi-líp 2:8–9).
Sự vâng phục đem đến quyền phép. Bí quyết sức mạnh tâm linh nằm ở chỗ hiểu biết huyền nhiệm trong hai phương diện của sự chết Đức Chúa Giêxu đem lại:
1) Ngài chết để đền tội cho chúng ta.
2) Chúng ta được dự phần vào sự chết của Ngài.
Ai chỉ nhận sự đền tội mà không chịu hiệp thông với Chúa trong sự chết của Ngài, thì người ấy không thể nhận được quyền năng của sự sống lại và không thể tới Nơi Chí Thánh.
Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giêxu chỉ nhằm một mục đích là đem loài người hoà thuận lại với Đức Chúa Trời và vâng theo tiếng Ngài. “Theo ý muốn Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu Christ dâng hiến thân thể chỉ một lần là đủ, làm cho chúng ta được thánh hoá” (10).
Thánh hoá là điều kiện để loài người được hiệp thông với Đức Chúa Trời cực thánh. Không việc gì thánh hoá được lòng người ngoài sự hiến dâng thân thể có dòng máu cực thánh của Đức Chúa Giêxu.
Những con thú dùng làm sinh tế mỗi ngày không thể cất bỏ tội lỗi, nên các thầy tế lễ cứ phải dâng đi dâng lại (11), “nhưng Đấng Christ, sau khi dâng một Sinh tế chuộc tội có hiệu lực đời đời, Ngài ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Từ đó, Ngài chờ đợi những kẻ thù nghịch bị đặt làm bệ dưới chân Ngài” (12–13).
Ngài không cần phải làm một lần thứ nhì. “Nhờ chỉ dâng một tế lễ, Ngài làm cho những người đang được thánh hoá trở nên trọn vẹn đời đời” (14).
Để hiểu chữ ‘thánh hoá’ ở các câu 10 và 14, chúng ta cần biết ba khía cạnh của sự thánh hoá:
Ngay sau khi được tái sinh và quyết lòng đồng chết, đồng sống lại với Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được ở trong Ngài và ngồi với Ngài trong linh giới (Ê-phê-sô 2:6), chúng ta nhận được ‘địa vị thánh hoá.’
Nhưng chúng ta phải trải qua ‘tiến trình thánh hoá’ để được biến đổi tâm tính bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngài sẽ tẩy sạch lương tâm trong ta, để con cái Ngài không còn làm những công việc chết.
Mục tiêu tối hậu là tín hữu sẽ được ‘thánh hoá hoàn toàn’ giống như Đức Chúa Giêxu, mà những ai tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài sẽ đạt tới sự trọn vẹn đời đời.
Hai câu 15 và 16 nhắc lại Lời Đức Chúa Trời phán ở Giê-rê-mi 31:33–34, đã được nêu ở 8:6–13; nhưng cho biết rằng đây là Lời của Đức Thánh Linh. Như vậy tác giả xác nhận Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời.
Chỉ những ai tin Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời đã xuống trần gian làm Người vô tội chết thay cho tội lỗi của họ, thì luật pháp trong Giao-ước mới sẽ được ghi vào lòng dạ và viết vào tâm trí của những người ấy.
Tiến trình thánh hoá trở nên dễ dàng nhờ được ở trong Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời, và lòng tín hữu cũng trở thành Nơi Chí Thánh để Đức Chúa Trời ngự vào. Đức Thánh Linh là Đấng giúp đỡ và vận hành trong lòng tín hữu, để họ tuân thủ luật pháp của Giao-ước mới; nhờ đó, họ trở nên trọn vẹn đời đời.
Đặc điểm vô cùng phước hạnh trong đức yêu thương và thánh khiết của Đức Chúa Trời là hễ tội lỗi đã được tha và xoá bỏ bởi Huyết của Đức Chúa Giêxu, thì Chúa “sẽ không bao giờ nhớ lại tội lỗi họ, và các việc gian ác của họ nữa” (17).
Hơn nữa: “Một khi tội lỗi đã được tha thứ, không cần phải dâng tế lễ chuộc tội nữa” (18). Đức Thánh Linh cai trị, tâm linh được ở Nơi Chí Thánh, thì tế lễ chuộc tội không còn cần thiết; vì con dân Chúa cứ ở mãi trong sự thánh khiết trọn vẹn.
ThuHeboro15.docx
Rev. Dr. CTB