Xuất Ai Cập, bài 29

Xuất Ai Cập 32:1–14

Chỉ hơn một tháng trước, người Israel đã thề thốt “Chúng tôi sẽ làm theo và tuân giữ mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán truyền,” rồi nhận máu giao ước rảy trên mình (Xuất 24:7–8). Nhưng họ vội vàng bội lời thề khi Môi-se vắng mặt.

Điều đáng lưu ý ở đây là các trưởng lão đã từng nhìn thấy Đức Chúa Trời, nhưng chẳng một ai can ngăn sự phản loạn của dân chúng (1–6).

Dân Israel đòi A-rôn làm cho họ những vị thần; thật ra họ có thể tự làm một mình, nhưng họ muốn A rôn đồng loã chấp thuận, để sự phản loạn của họ được ‘hợp pháp.’

Chúng ta thời nay dễ dàng lên án tính nhanh chóng vô ơn và phản bội của họ, nhưng thật ra ký ức của chúng ta cũng ngắn ngủi và mau quên mọi ơn lành Chúa ban cho mình.

Đồng thời đây là bài học cho mọi người yêu mến Chúa nhớ rằng chúng ta không bao giờ hùa theo số đông, và sự im lặng trước việc sai là phạm tội.

Vào đêm vội vàng đi ra khỏi Ai-cập, dân Israel răm rắp vâng theo lệnh của Môi-se; rồi trong suốt đoạn đường đến chân núi Si-na-i, họ đã thấy Chúa dùng tay Môi-se bày tỏ dấu kỳ phép lạ để đem họ về đất hứa. Nhưng Môi-se lên núi chưa được sáu tuần thì họ đã nói “chúng tôi không biết việc gì đã xảy đến cho ông Môi-se, người đã dẫn chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập” (1).

Lời đòi hỏi A rôn phải làm ra cho họ những vị thần, hoặc một vị thần, là sự vi phạm trắng trợn hai điều răn đầu tiên của Mười Điều Răn mà họ đã thề sẽ vâng giữ. Họ đã công khai chối bỏ Đức Chúa Trời Toàn Năng và muốn có một vật nhìn thấy được làm thần dẫn dắt họ.

Bản Kinh-thánh Cựu-ước diễn ý tiếng Hebrew, gọi là bản Targum, nói rằng ‘Hu-rơ (Hur) đứng ra chống lại ý định muốn thờ hình tượng, liền bị chúng giết chết; A-rôn sợ mình cũng bị đối xử như vậy nên chiều theo ý họ.’

A-rôn bảo họ: ‘Hãy lột những vòng vàng đeo trên tai vợ, con trai và con gái anh em rồi đem đến cho tôi’” (2). Vài học giả Kinh-thánh cho rằng đây là kế hoãn binh của A-rôn; vì ông tin rằng lòng tham vàng bạc của người Israel sẽ khiến họ chần chừ, suy nghĩ lại về việc đó. Nhất là những người đàn bà có vòng vàng đeo tai là do bóc lột nữ trang của người Ai-cập trong đêm dân ấy nài nỉ họ ra khỏi xứ mình, thì sẽ chống lại việc nộp tài sản qúy báu của họ.

Vào thời đó, đàn ông ở vùng Trung đông cũng có tục lệ đeo vòng vàng nơi tai (Quan Xét 8:24). Nhưng “tất cả dân chúng đều lột vòng vàng trên tai mình và đem đến cho A rôn” (3).

A-rôn thấy mưu kế mình thất bại nên ông “nhận vàng từ tay họ, dùng dụng cụ làm khuôn rồi đúc thành một bò con. Dân chúng nói: ‘Hỡi Israel! Đây là thần của ngươi, thần đã đem ngươi ra khỏi đất Ai-cập’” (4).

Tâm lý thờ hình tượng con bò trong dân Israel là do tiêm nhiễm thói tục thờ cúng thú vật từ lòng mê tín của người Ai-cập trong thời gian dài họ bị làm nô lệ cho dân xứ đó; mà con bò là thú vật mà người Ai-cập xem là một trong các thần lớn nhất của họ (Giô-suê 24:14; Êxêchiên 20:7–8).

Vua David xưng tội: “Tổ phụ chúng con đã đúc một con bò tơ tại Hô-rếp và thờ lạy tượng ấy. Họ đổi Đấng vinh quang của mình để lấy hình tượng con bò ăn cỏ” (Thi-thiên 106:19–20).

Thấy người Israel tôn vinh tượng con bò bằng vàng, “A-rôn lập một bàn thờ trước mặt tượng bò con đó, rồi tuyên bố rằng: ‘Ngày mai sẽ là ngày lễ cho Đức Giê-hô-va’” (5). Có lẽ A-rôn dùng tay mình lập một bàn thờ bằng mấy tảng đá thô ngay trước mặt tượng con bò; việc đó khuyến khích sự dâng tế lễ cho hình tượng. Có lẽ A-rôn nghĩ rằng qua việc ấy ông có thể điều khiển được đoàn dân.

Bằng lời tuyên bố: “Ngày mai sẽ là ngày lễ cho Đức Giê-hô-va,” A-rôn tưởng rằng ông ngăn cản được sự phản bội trắng trợn của đoàn dân đối với Đức Chúa Trời, rồi sẽ hướng dẫn họ trở lại sự thờ phượng Chúa. Nhưng ông đã lầm lẫn to khi lấy tượng bò con làm biểu tượng về Chúa trên trời để điều khiển đoàn dân thờ phượng Đức Giê-hô-va; bởi vì ông không dẫn được người Israel ra khỏi sự sai lạc, mà họ lấn lướt trên ông để làm điều xằng bậy.

Mọi kế sách của A-rôn nhằm trì hoãn sự phản loạn của dân Israel đều bị thất bại. Ngày hôm sau họ thức dậy sớm vì nôn nóng thờ con bò mà A-rôn đã đúc ra, nên họ “dâng các tế lễ thiêu và tế lễ bình an. Họ ngồi xuống ăn uống rồi đứng dậy đùa bỡn” (6).

Ăn thịt và uống rượu vẫn là cách người thế gian nhậu nhẹt trong các cuộc vui hay lễ lạt. Dân Israel cũng vậy, lợi dụng cơ hội có thể công khai buông thả, sau khi ăn uống no say, họ bắt đầu nhảy múa và diễn các trò dâm dật suồng sả với nhau.

Sau khi Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn mọi việc về việc thiết lập Đền Thờ tạm, tất cả các bàn thờ và dụng cụ, trang phục cho các thầy tế lễ, và các luật lệ về thờ phượng cho Môi-se xong rồi, Ngài trao cho ông hai bảng đá do chính ngón tay Ngài viết Mười Điều Răn.

Đức Giê-hô-va phán với Môise:‘Hãy xuống đi, vì dân mà con đưa ra khỏi đất Ai-cập đã hư hỏng rồi. Chúng đã vội rời bỏ đường lối mà Ta truyền dạy, đúc cho mình một tượng bò con, thờ lạy tượng đó, dâng tế lễ cho nó và nói: ‘Hỡi Israel! Đây là thần đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập’’” (7–8).

Hãy để ý chỗ nầy rằng Chúa không nói dân Israel là dân của Ngài, nhưng gọi họ “dân mà con đưa ra khỏi đất Ai-cập.” Họ bị Ngài gọi là hư hỏng chẳng những là hành vi bề ngoài, mà còn là tư tưởng, sự suy nghĩ của lòng họ đã bị hư hỏng trước rồi; vì chính sự suy nghĩ trong lòng dẫn tới hành vi bề ngoài.

Tội lỗi là sự hư hỏng trong tư tưởng của người phạm tội. Nó không phải là bị ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng là từ chính tư tưởng làm cho mình hư hỏng. Người ta bị cám dỗ vì để cho dục vọng trong lòng lôi kéo mình tẻ tách theo lối riêng. Sự phạm tội là sự rời bỏ đường chính đáng để đi vào đường sai trật.

Dân Israel phạm tội vì họ đã vội vàng quên mất những việc tốt lành Đức Chúa Trời đã thực hiện cho họ. Ngày nay chúng ta cũng ít thấy sự sai trật trong những việc mình làm vì tư tưởng đã vội quên những ơn lành Chúa ban.

Chúng ta cần nhớ rằng không một việc ác hay xấu xa nào trong lòng chúng ta có thể giấu khỏi mắt Đức Chúa Trời. Những ý tưởng tội lỗi dù nhỏ đến đâu cũng không thoát khỏi sự soi xét của Chúa, dù ta chẳng thấy nó.

Đức Giê-hô-va cũng phán với Môi-se: ‘Ta đã nhìn thấy dân nầy, thật là một dân cứng cổ. Vậy bây giờ hãy để mặc Ta, để cơn thịnh nộ Ta nổi lên và tiêu diệt chúng’” (9–10).

Tính ngoan cố cứng cỏi của lòng người là điều đáng ghê tởm đối với Đức Chúa Trời. Chúa biết lòng Môi-se đau đớn vì dân mình, biết rằng ông sẽ vì họ mà nài xin Ngài đoái thương đừng trừng phạt họ. Ông là hình ảnh tiêu biểu cho Đấng Christ sau nầy sẽ vì chúng ta, là những người tin Ngài, mà cầu thay.

Để mặc Ta” có nghĩa là đừng cầu xin, đừng vì họ mà kêu khóc trước mặt Ngài. Dù Đức Chúa Trời hứa sẽ làm cho dòng dõi Môi-se thành một dân hùng mạnh, nhưng ông không lấy đó làm điều vinh dự cho mình, ông xem danh tiếng và vinh quang của Chúa là quan trọng hơn hết.

Chúng ta hãy học theo gương Môi-se, sự vinh danh Chúa phải là điều chúng ta quan tâm cầu xin; như bài cầu nguyện Đức Chúa Giêxu dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như ở trời” (Mathiơ 6:9–10).

Môi se ngay lập tức kêu cầu Đức Giê-hô-va, dù ông chưa biết việc gì xảy ra và đang diễn ra giữa trại quân Israel trong lúc ông vắng mặt. Ông nhắc lại Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ và quyền năng lớn lao đem Israel ra khỏi Ai-cập (11). Ông xin Chúa đừng để dân Ai-cập chê bai cười nhạo Ngài:

Tại sao lại để cho người Ai-cập nói: ‘Ngài cố ý đem họ ra khỏi đây để giết chết họ trong núi và tiêu diệt họ khỏi mặt đất?’ Cầu xin Chúa nguôi giận và từ bỏ ý định giáng họa cho dân Ngài’” (12).

Lòng trung tín của Môi se bị thử nghiệm ở chỗ nầy. Ông có ham thích vinh quang cho riêng mình hơn là yêu mến các anh em đồng tộc đang ở dưới quyền chỉ huy của ông không? Vì Chúa có hứa sẽ làm cho ông thành tổ phụ của một dân tộc hùng mạnh.

Nhưng Môi se chỉ muốn Đức Chúa Trời hoàn thành lời hứa của Ngài cho toàn thể dân chúng Israel. Vì qua đó, Đại Danh của Ngài sẽ được toàn thế giới biết đến và kính trọng. Ông xin Chúa nhớ lại lời thề mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, là dòng dõi họ sẽ đông như sao trên trời và Ngài sẽ ban cho họ vùng đất Canaan đượm sữa và mật.

Đức nhân từ vô biên của Đức Chúa Trời thể hiện vào lúc khó tha thứ nhất. Ngài nhậm lời khẩn nài của Môi se vì dân tộc mình (13), nên “Ngài không giáng tai họa mà Ngài định giáng trên dân Ngài” (14).

XuatAiCap29.docx
Rev. Dr. CTB