Xuất Ai Cập, bài 30
Xuất Ai Cập 32:15–35
Sau khi nghe Chúa phán, Môi-se vội vàng đi xuống núi, hai tay ông ôm hai bảng đá Chứng Ước. Hai bảng nầy “được viết trên cả hai mặt, mặt trước và mặt sau. Hai bảng đó do Đức Chúa Trời làm ra, chữ là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên các bảng đá” (1–2).
Các trụ đá của dân Babylon và Assyri thường được khắc trên cả hai mặt. Bảng đá của dân Ai-cập thì thường chỉ khắc trên một mặt. Hai bảng đá mà Môi se cầm xuống núi thì chỉ lớn và nặng vừa đủ cho mỗi tay ôm một tấm.
Môi-se gặp lại Giô-suê trên đường đi xuống. Giô-suê nghe tiếng ồn ào “thì nói với Môi-se: ‘Trong trại quân có tiếng giao chiến.’ Nhưng Môi-se nói: ‘Đây không phải là tiếng reo hò chiến thắng, cũng chẳng phải là tiếng kêu van thất trận; nhưng ta nghe tiếng ca hát’” (17– 18).
Đáng lẽ ra từ trên núi nhìn xuống thì phải thấy toàn cảnh trại quân Israel, nhưng Giô-suê với Môi -se chỉ nghe tiếng ồn ào reo hò; bởi vì đường xuống núi của họ thì theo đường trũng của sườn phía xa, nên cánh đồng dưới chân núi Si-na-i bị che khuất không thấy được.
Do đó, khi họ xuống gần tới chân núi thấy toàn cảnh trại quân, thì lúc ấy Môi-se mới “thấy tượng bò con và cảnh nhảy múa” của dân chúng. Ông “nổi giận, ném hai Bảng Chứng Ước khỏi tay mình, vỡ nát dưới chân núi” (19).
Sự xuất hiện trở lại bất ngờ của người lãnh đạo đầy uy quyền giữa cảnh dâm ô buông thả của đám người phản loạn, khiến cho cả đoàn dân run sợ, tiếng reo hò bỗng tắt ngúm.
Họ thấy cơn giận công nghĩa của Môi-se nổi lên phừng phừng, đến nỗi ông ném hai bảng Chứng Ước vỡ tan tành ở chân núi. Nhóm phản loạn bị bắt quả tang sự bội ước quá vội vàng của họ.
Môi-se “lấy tượng bò con mà chúng đã đúc đem dốt trong lửa, nghiền thành bột, rồi rải trên mặt nước và bắt con dân Israel uống” (20). Để dẹp bỏ sự thờ hình tượng thì cái tượng phải bị tiêu huỷ trước tiên.
Môi-se không làm việc đó một mình, nhưng ông gọi những người còn trung thành với ông dẹp tượng con bò, đốt nó chảy tiêu rồi nghiền thành bột. Sau đó ông rải bột ấy ở đầu suối nước uống của dân chúng, để họ phải uống chính tội lỗi của họ.
Công việc hủy diệt tượng con bò không thể làm trong chốc lát, mà phải mất nhiều thời gian. Việc tường thuật chỉ nhằm giúp người đọc biết các sự kiện diễn ra liên tiếp như thế nào.
Trong lúc những người làm công việc thiêu đốt và nghiền nát tượng con bò, thì Môi-se quay sang hài tội A-rôn: “Dân nầy đã làm gì anh mà anh đẩy họ vào một tội lỗi nặng nề như vậy?” (21).
A-rôn và Hu-rơ được Môi-se uỷ quyền trông coi và hướng dẫn đoàn dân trong lúc ông vắng mặt (Xuất Ai-cập 24:14). Vậy trách nhiệm về việc dân chúng dâm loạn và lập tượng con bò để thờ phải trút trên vai hai người nầy.
Nhưng không thấy Môi-se quở trách Hu-rơ, và kể từ đó trở đi thì cũng không thấy nhắc đến tên của ông nầy nữa. Như vậy, bản Hebrew Targum tường thuật đúng việc Hu-rơ bị dân Israel giết chết vì ngăn trở họ thờ hình tượng.
A-rôn vội chối tội: “Xin chúa tôi đừng nổi giận, chúa biết dân nầy là dân chuyên làm điều ác; họ đã nói với tôi: ‘Ông hãy làm cho chúng tôi những vị thần đi trước chúng tôi, vì chúng tôi chẳng biết việc gì đã xảy đến cho ông Môi-se, người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập.’ Tôi nói với họ rằng: ‘Ai có vàng hãy lột ra!’ Họ đưa cho tôi, tôi ném vào lửa và thành ra bò con nầy” (22–24).
Lời chối tội có ba phần: Hai phần đầu là A-rôn đổ tội cho dân Israel đã ép buộc ông, vì họ là một dân chuyên làm điều ác. Lời đổ tội của A-rôn có phần đúng; nhưng phần thứ ba thuộc về lỗi của chính ông, thì A-rôn nói dối một cách ngu muội và cực kỳ vô lý.
Ông lờ tịt việc ông bảo làm khuôn đúc tượng con bò, rồi nói rằng khi ông ném vàng họ nộp vào lửa thì nó thành ra tượng con bò con! Phản ứng tự nhiên của con người tội lỗi là chối cãi, né tránh trách nhiệm và tìm cách trút tội lên người khác.
Lời trần tình của A-rôn ngụ ý là ông chỉ biểu họ lột vòng vàng ra đưa cho ông mà thôi. Còn tượng con bò thì hoặc do tình cờ mà lửa làm thành, hoặc bởi quyền lực về ma thuật nào đó khiến cho số vàng đó tự thành tượng con bò con.
Đáng lẽ ra A-rôn phải nhận lỗi và không nói gì hết, bởi vì càng tìm cách bào chữa, ông càng làm cho tội mình nặng thêm.
Bài học nầy nhắc chở chúng ta về thứ tội mình thường vướng phải mà chưa thấy là tội trọng: Chối tội và nói dối để đổ tội cho người khác.
Chẳng phải A-rôn không biết sẽ chẳng ai tin lời ông nói dối tượng con bò tự thành hình trong lửa; nhưng ông nói vậy là để che giấu tội rất nặng là sai làm khuôn đúc tượng bò con, và đổ hết tội lên dân chúng.
Mặc dù ở chỗ nầy không nói gì về thái độ hay phản ứng của Môi-se trước những lời phân bua của A-rôn, nhưng về sau, trong lời kể của Môi-se trước khi dân Israel bước vào đất hứa thì Môi-se cho biết: “Đức Giê-hô-va cũng nổi thịnh nộ với A-rôn đến nỗi muốn giết ông, nhưng ngay lúc đó tôi cũng cầu thay cho A-rôn” (Phục 9:20).
“Khi Môi-se thấy dân chúng buông tuồng, vì A-rôn đã để họ buông tuồng, đến nỗi thành trò cười trước mặt kẻ thù” (25). Hầu hết các bản dịch mới đều dịch chữ Hebrew ‘paruang’ là ‘buông tuồng;’ nhưng nghĩa đen của chữ ấy là ‘trần truồng.’
Khi thú tính bị sự dâm dục kích thích trong cuộc truy hoan thờ thần tượng, người ta thường cởi bỏ hết quần áo, nhảy múa bằng thân thể loã lồ. Hình ảnh những vũ công Ai-cập khắc trên vách các tượng đài của họ thì chẳng mặc quần áo gì cả.
Môi-se thấy điều đó thì cơn thịnh nộ của ông càng gia tăng. Vì kẻ thù của Israel là Amalek có thể lẩn quất trên các ngọn đồi xa xa chung quanh trại quân, chúng đã nhìn thấy những gì đang diễn ra ở đồng bằng cạnh chân núi Si-nai-i và chê bai, cười nhạo.
Sự nhục nhã chẳng phải chỉ là vào lúc đó, nhưng là sự hổ nhục lâu dài; đặc biệt là đối với các kẻ thù của họ và của Đức Chúa Trời, là các dân tộc thờ hình tượng, sẽ khinh bỉ một dân mau chóng quên Chúa của mình.
Khi Môi-se nói: “Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến với ta” (26), thì chắc tiếng nói của ông chỉ được những người đứng gần ông nghe mà thôi.
Với một đoàn dân đông đang huyên náo truy hoan, Môi-se phải dùng một hình phạt nghiêm khắc để làm gương, ông ra lệnh cho những người của chi tộc Lê-vi đã đến đứng bên ông hãy dùng gươm giết hết những kẻ cầm đầu cuộc truy hoan phản loạn nầy; dù họ là anh em, bạn hữu hay láng giềng, cũng không dung thứ. Có nghĩa là trong số những kẻ cầm đầu cũng có một số người Lê-vi.
Lệnh giết ở đây không phải là gặp ai cũng giết nhưng là trừng phạt những kẻ cầm đầu vẫn tiếp tục cuộc truy hoan mặc dù một số đông đã ngừng các trò bậy bạ khi thấy Môi-se xuất hiện (27–28). Sự trung thành tận hiến của người Lê-vi đã đem ơn phước lớn từ Chúa ban cho họ; họ được Chúa chỉ định phục vụ trong đền của Ngài (29).
“Ngày hôm sau, Môi-se nói với dân chúng: ‘Anh em đã phạm một trọng tội. Nhưng bây giờ ta sẽ lên gặp Đức Giê-hô-va, có lẽ ta sẽ chuộc được tội cho anh em’” (30). Công việc của những người phục vụ Hội-thánh là chỉ ra cho tín hữu biết sự trầm trọng của tội lỗi họ. Cái giá phải trả để tội được tha cao chừng nào thì mức độ tội lỗi trầm trọng chừng đó.
Môi se không nói là ông sẽ biện hộ cho dân chúng, nhưng là chuộc tội cho họ. Ông trở lên trên núi để gặp Đức Chúa Trời và cầu khẩn Ngài tha tội cho họ (31–32). Môi-se không xin Chúa xóa tên ông trong sách Ngài đã viết để dân Israel được sống; nhưng ông nói rằng, nếu Chúa không xóa tội cho họ thì xin xóa tên ông khỏi sách sự sống của Ngài luôn thể.
Môi-se là hình ảnh tiêu biểu của Đấng Christ, Đấng đã sẵn lòng hiến chính mạng sống mình trong cái chết vô cùng đau đớn để chuộc tội cho nhân loại.
Môi se đã không thể hoàn toàn làm tiêu tan cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với những người phạm tội (33). Điều đó chứng tỏ rằng Luật pháp Môi-se không thể làm cho loài người phục hòa với Đức Chúa Trời. Chỉ có trong Đấng Christ thì Đức Chúa Trời mới tha thứ tội lỗi cho loài người và không còn nhớ đến các tội ấy nữa.
Về phần Môi-se thì phải tiếp tục dẫn dân chúng đến miền đất hứa (34). Đức Chúa Trời sẽ sai thiên sứ của Ngài đi trước để dẫn dắt, che chở và bảo vệ dân Israel của Ngài.
“Tuy nhiên, đến ngày trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt tội lỗi của chúng. Đức Giê-hô-va giáng tai họa trên dân chúng vì họ làm tượng bò con bằng vàng mà A-rôn đã đúc ra” (34b–35). Câu nầy nói về các tai họa sẽ đến sau khi họ rời khỏi chân núi Si-nai-i.
XuatAiCap30.docx
Rev. Dr. CTB