Xuất Ai-Cập, bài 31

Xuất Ai-Cập 33:1–23

Ngay trước lúc Môi-se rảy huyết giao ước trên dân Israel ở chân núi Si-na-i, Đức Chúa Trời hứa sai một Thiên Sứ đi trước để dẫn họ vào đất hứa. Ngài công bố rằng Thiên Sứ ấy mang Danh Ngài, và Vị ấy sẽ chẳng tha dân Israel nếu họ phản bội trên đường đi (Xuất Ai-cập 23:20–23).

Nhiều học giả Kinh-thánh giải thích rằng Vị Thiên Sứ mang Danh Đức Giê-hô-va chính là một thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, vì Chúa có phán: “Ta là Đức Giê-hô-va, đó chính là Danh Ta. Ta không nhường vinh quang Ta cho ai khác” (Ê-sai 42:8); mà khi một Vị Thiên Sứ được mang Danh Ngài, thì Thiên Sứ ấy phải là một thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô xác nhận rõ rằng Vị Thiên Sứ ấy là Đấng Christ mà dân Israel đã thách thức, nên nhiều người trong số họ đã bị rắn hủy diệt (1Côrinhtô 10:9 [bản KJV và NKJV]; Dân-số 21:4–6).

Bây giờ, sau khi dân Israel bị bắt quả tang đã phản bội lời giao ước, Đức Chúa Trời bảo Môi se hãy bắt đầu dẫn đoàn dân về đất hứa. Ngài vẫn giữ lời hứa là sai một thiên sứ đi trước để đuổi các dân tộc hiện đang sinh sống ở vùng đất đó; nhưng Ngài sẽ không cùng lên với họ.

Nghĩa là vị thiên sứ dẫn họ đi không phải là Vị được mang Danh Đức Giê-hô-va, mà chỉ là một thiên sứ cao cấp có quyền phép và sức mạnh được chỉ định lãnh đạo dân Israel (1–3). Bởi vì vị Thiên Sứ mang Danh Đức Giê-hô-va sẽ không tha thứ cho những người cứng cổ phản loạn sẽ nổi lên trên đường đi (3).

Quyết định của Đức Chúa Trời là bày tỏ sự không hài lòng của Ngài đối với một dân chưa chi đã vội vàng phản bội. Ngài đã cứu họ ra khỏi cảnh làm nô lệ tại Ai-cập, nên Ngài tiếp tục dẫn họ về đất hứa như Ngài đã thề hứa với các tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (1).

Khi dân chúng nghe những lời chẳng lành nầy thì than khóc, không một ai đeo đồ trang sức cả” (4). Từ khi ra khỏi Ai-cập, Israel bỗng đương nhiên được Đức Chúa Trời hướng dẫn bằng trụ  mây ban ngày, trụ lửa ban đêm; và quyền năng bảo vệ, cung ứng của Ngài chưa bao giờ dứt.

Bây giờ, nghe nói Ngài sẽ không cùng đi với họ nữa, thì sự mất mát vì điều thay đổi ấy đáng kinh hãi biết bao! Israel sẽ bị mất đặc quyền là dân sự của Đức Chúa Trời qua giao ước đặc biệt với Đấng Toàn Năng; họ bị hạ xuống ngang hàng với các dân tộc khác.

Dân Israel biết rằng sự mất mát đó là không lường nổi. Họ than khóc và cổi bỏ hết những món trang sức đầy hãnh diện sau khi nghe thuật lại lời phán của Đức Giê-hô-va:

Các con là một dân tộc cứng cổ, nếu Ta cùng lên với các con dù chỉ trong một lúc, thì Ta sẽ tiêu diệt các con! Vậy, bây giờ hãy lột bỏ đồ trang sức đi, rồi Ta xem sẽ phải làm gì với các con.’ Thế nên, từ núi Hô-rếp trở đi, dân Israel lột bỏ các đồ trang sức” (5–6).

Bấy giờ, Môi-se đem lều ra dựng ở bên ngoài trại quân và gọi đó là Lều Hội Kiến, Ai muốn cầu khẩn Đức Giê-hô-va thì đến Lều Hội Kiến ở bên ngoài trại quân” (7). Đây là lều mà Môi-se vẫn thường ngồi giải quyết những nan đề dân Israel đem đến để hỏi ý Đức Chúa Trời (Xuất 18: 15–16).

Bây giờ ông đem dựng xa xa bên ngoài trại quân, ngụ ý rằng ông cần ở riêng với Chúa, và dân Israel đã phạm tội thì không đáng đến gần Ngài. Hơn nữa, ông gọi chiếc lều ấy là Lều Hội Kiến, nơi Chúa sẽ ngự xuống trong trụ mây, để dùng làm nơi ông hỏi ý Chúa cho dân Israel.

Vì việc chế tạo mọi món cần thiết cho Đền Thờ Tạm mà ông đã được chỉ dẫn trên núi, thì chưa làm được vì cần có thời gian. Toàn dân Israel đều đứng tại cửa trại của họ nhìn theo Môi-se khi ông đi ra Lều Hội Kiến và vào trong Lều. Khi thấy trụ mây giáng xuống đứng ngay cửa lều thì “toàn thể dân chúng đều đứng dậy, rồi mỗi người phủ phục tại cửa trại mình” (8–10).

Đức Giê-hô-va nói chuyện với Môi-se mặt đối mặt như một người nói chuyện với bạn mình. Rồi Môi-se trở về trại quân, nhưng người phụ tá trẻ của ông là Giô-suê, con trai của Nun, không ra khỏi Lều” (11).

Câu nói “mặt đối mặt” ở đây, hay “miệng đối miệng” (Dân số 12:8) thì không có nghĩa là Môi-se thấy mặt hay miệng của Đức Chúa Trời; vì ở phần sau Chúa phán với Môi-se khi ông xin chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài (18) rằng: “con không thể thấy mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” (20).

Cho nên, nghĩa thật ở chỗ nầy là Môi-se được tự do nói chuyện trực tiếp và thân mật với Đức Chúa Trời, như một người nói chuyện với bạn mình; khác với cách Chúa phán với các vị tiên tri khác bằng chiêm bao, thị tượng hay bởi các vị thiên sứ.

Mặt đối mặt còn ngụ ý rằng chẳng những Đức Chúa Trời bày tỏ về Ngài cho Môi-se rõ ràng hơn nhiều tiên tri khác, Ngài còn trò chuyện với thái độ nhân từ đối với người được Ngài yêu thương đặc biệt.

Giô-suê, được kể là người phụ tá trẻ, không có nghĩa là một thanh niên. Ông là tướng thống lĩnh quân đội Israel trong trận đánh với dân Amalek (Xuất 17:8–13); ông thọ được 110 tuổi khi qua đời (Giô-suê 24:29), trừ đi thời gian trong hoang mạc là 40 năm, cộng thêm 7 năm phải chinh phục đất hứa và 7 năm phân chia đất, thì Giô-suê đã được 56 tuổi lúc ra khỏi Ai-cập.

So với Môi-se đã lên hơn 80 tuổi, thì Giô-suê được kể là trẻ; là người hầu cận trung thành, Giô-suê ở luôn tại Lều Hội Kiến ngoài trại quân để phục vụ Môi-se mỗi khi ông ra đó trò chuyện với Đức Chúa Trời.

Trong đoạn trước, Môi-se thay mặt dân sự khẩn nài sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với tội vi phạm giao ước mà thờ tượng con bò. Bây giờ, Môi-se dùng tình thân mật với Chúa mà cầu xin cho ông và nhân dịp đó cầu thay cho dân sự (12–13).

Đức Chúa Trời trả lời rằng sự hiện diện của Ngài sẽ cùng đi với ông và sẽ ban cho ông được an nghỉ (14). Môi-se chưa yên tâm vì riêng ông tuy có Chúa ở cùng, nhưng còn dân Israel lìa khỏi núi Hô-rếp mà không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời đi với họ thì kinh hãi biết bao:

Nếu chính Ngài không cùng đi, xin đừng đem chúng con lên khỏi đây. Nếu Ngài không cùng đi với chúng con, thì làm sao người ta biết được rằng con và dân của Ngài được ơn trước mặt Ngài? Có Ngài đi cùng thì con và dân của Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất” (15–16).

Qua lời cầu xin nầy, Môi-se được xem là hình ảnh tiêu biểu của Đấng Christ ở bên hữu Đức Chúa Trời ngày đêm cầu thay cho con dân Ngài.

Chúa trả lời Môi-se: “Ta sẽ làm điều con cầu xin Ta, vì con được ơn trước mặt Ta và Ta biết đích danh con” (17). Đức Chúa Trời nhân từ biết bao! Ngài nhậm lời cầu thay của Môi-se mà dẫn dân Israel vào đất hứa.

Hiệu quả của sự cầu thay bởi lòng yêu thương là bài học mà chúng ta cần thực hiện vì sự cứu rỗi của những người mình thân quen.

Sau khi nhận được lời hứa chắc chắn từ Đức Chúa Trời, giữa không khí nồng ấm và yêu thương ấy, Môi-se nói lên điều mà ông vẫn hằng khao khát, đó là xin “được chiêm ngưỡng vinh quang” của Chúa (18).

Đức Chúa Trời đáp: “Ta sẽ thể hiện sự toàn hảo của Ta đi qua trước mặt con; Ta sẽ công bố Danh Giê-hô-va trước mặt con; Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót. … Nhưng con không thể thấy mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” (19–20). Vì mặt Ngài là sự thể hiện đầy đủ của vinh quang Ngài, nhưng không mắt xác thịt nào chịu đựng nổi sức sáng của vinh quang ấy.

Sự toàn hảo của Đức Chúa Trời là vinh quang của Ngài. Ngài muốn chúng ta biết vinh quang của sự nhân từ Ngài hơn là vinh quang của sự uy nghi Ngài.

Chúa bảo Môi-se hãy đứng trên tảng đá gần Ngài (21). Tảng đá ấy tiêu biểu cho Đấng Christ; tảng đá là nơi thích hợp để Môi-se chiêm ngưỡng vinh quang của sự tốt lành Chúa, vì Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ.

Kẽ đá mà Chúa để Môi-se vào cũng là một biểu tượng về Đấng Christ; vì như kẽ đá ấy ngăn tầm nhìn của Môi-se rồi được che bớt bởi bàn tay Đức Chúa Trời để ông không bị chết (22), thì tia sáng cực mạnh của vinh quang Đức Chúa Trời che khuất trong nhân tính của Đấng Christ, là nơi chúng ta ẩn náu bởi đức tin, không bị tia sáng thịnh nộ công nghĩa của Đức Chúa Trời tiêu nuốt.

Vinh quang của mọi sự toàn hảo, khôn ngoan, thánh khiết, công lý, quyền năng, nhân từ, ân sủng, thành tín, và tốt lành trong thần tánh của Đấng Christ thì Môi-se không thể thấy được, ông chỉ được thấy sau lưng, tức là nhân tánh của Ngài (23). Nhưng sau khi Đức Chúa Giêxu đã ra thi hành thánh vụ, thì lời khẩn cầu của Môi-se mới được đáp ứng trên núi hóa hình (Mac 9:2–4).

Đoạn kinh văn nầy tiềm ẩn rất nhiều ý nghĩa về thân vị và chức vụ thời Tân-ước của Đấng Christ. Hiện nay chúng ta có Đức Thánh Linh của Chúa ở cùng; có Ngài đồng hành về nước Trời thật phước hạnh biết bao.

XuatAiCap31.docx
Rev. Dr. CTB