Xuất Ai-Cập, bài 32

Xuất Ai-Cập 34:1–17

Kinh-thánh không nói ai làm hai bảng đá trước đây, hay Đức Chúa Trời đã viết gì trên bảng ấy. Người đọc tin rằng chính Ngài đã làm ra chúng. Bây giờ, Môi-se phải gấp rút đục hai bảng đá khác giống hai bảng trước (1), Đức Chúa Trời sẽ viết lên chúng mà thôi.

Dù Chúa có tha sự phạm tội, nhưng tội lỗi vẫn luôn luôn làm mất ơn phước lúc đầu: Giao ước ân điển từ Chúa ban cho lần trước không có công lao gì của loài người, nhưng phải có sự ăn năn để giao ước được tái lập.

Đá tượng trưng cho sự cứng cỏi của lòng người; Đức Chúa Trời viết trên đá có nghĩa là Lời Ngài có quyền năng biến đổi sự cứng cỏi để chuẩn bị cho loài người tiếp nhận sự nhân từ của Ngài.

Chúa bảo Môi-se phải đục hai bảng đá khác để Ngài viết luập pháp lên có nghĩa là mặc dù sau nầy Tin Mừng được ban, nhưng mọi tín hữu vẫn phải tuân giữ luật pháp đạo đức. Vì Đức Chúa Jesus chỉ cứu chuộc tín hữu khỏi sự rủa sả của luật pháp, chứ không chuộc ra khỏi các đòi hỏi đạo đức của nó; cho nên, mọi tín hữu đều phải tuân theo luật pháp của Đấng Christ (1Côrinhtô 9:21; Galati 6:2).

Đức Chúa Trời đã cho Môi-se đủ thời gian đẽo hai bảng đá, để sáng hôm sau ông có thể trở lên núi gặp Ngài (2). Nhưng lần nầy ông chỉ được lên một mình (3); có thể vì Chúa muốn bày tỏ vinh quang toàn hảo Ngài cho Môi-se mà thôi.

Kích thước của hai bảng đá thì nhỏ và mỏng vì chúng phải đủ nhẹ cho Môi-se cầm theo lên núi, và sau nầy chúng phải được đặt vừa vặn trong Rương Giao Ước (4).

Khi phân tích thời điểm của các sự kiện ghi trong hai đoạn 3334, người đọc có thể nhận ra các câu 33:21–23 chưa xảy ra trước khi Môi-se trở lên núi. Nghĩa là chúng chỉ xảy ra sau khi “Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng bên Môise và xưng danh Ngài là Giê-hô-va” (5). Vì lúc Môi-se trò chuyện với Chúa ở Lều Hội Kiến xong thì trụ mây cất lên và có lẽ biến mất.

Bây giờ, khi Môi-se trở lên núi thì Đức Chúa Trời lại giáng xuống trong đám mây và đứng bên ông. Sự xưng danh Giê-hô-va nghĩa là công bố sự toàn hảo của tất cả các thuộc tính và mỹ đức của Đức Chúa Trời, mà Ngài muốn mặc khải cho loài người qua Môi-se làm trung gian.

Khi Đức Giê-hô-va bảo Môi-se đứng trên tảng đá rồi đặt ông vào kẽ đá (33:21–23), thì Ngài đi qua trước mặt ông và tuyên bố:

Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến ngàn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời” (6–7).

Đức Chúa Trời công bố sự toàn hảo của các mỹ đức Ngài cho loài người được biết. Sự nhân từ, thương xót, dư dật ân huệ, và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại là nền tảng để Ngài có thể tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; nhưng dù Ngài vô cùng nhân từ và thương xót, thì thuộc tính thánh khiết và công chính của Ngài không thể kể kẻ có tội là vô tội.

Bởi vì con cháu phải gánh lấy hậu quả tội lỗi của tổ phụ họ đến ba bốn đời, nên Đấng Christ đã phải chịu sự nguyền rủa ấy của luật pháp để giải thoát mọi người tin Ngài.

Giê-hô-va không phải chỉ là một cái tên để gọi người hay Đấng nào đó như chúng ta thường hiểu, nhưng là để mô tả bản thể của Ngài qua một loạt danh xưng. Ở bụi gai cháy mãi không tàn trong hoang mạc Si-na-i, Đức Chúa Trời cho biết Ngài là Đấng tự hữu và hằng hữu khác với mọi thứ ‘thần thánh;’ khi giáng xuống đỉnh núi Si-na-i, Ngài phô bày sự oai nghi vô cùng kinh khiếp; bây giờ, qua hành động tha thứ và đem dân Israel trở vào ân huệ của Ngài, Đức Chúa Trời bày tỏ cho họ thấy bản thể nhân từ tuyệt đối của mình.

Lần gặp Chúa đầu tiên, Môi-se được biết Ngài là Yaweh; lần nầy ông được Ngài xưng danh Giê-hô-va là danh bao gồm các mỹ đức của Ngài. Tuy vậy, để loài người biết rằng đức yêu thương nhân từ của Chúa không thể bị lạm dụng, Ngài tuyên bố rõ ràng Ngài “không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời.” Đó chính là điều kiện công lý duy nhất giữa rất nhiều thuộc tính nhân từ của Chúa.

Môi-se vội vàng cúi đầu xuống đất và thờ phượng” (8). Thờ phượng là sấp mình xuống đất mà không ngẩng đầu lên. Tiếng Chúa vừa dứt thì Môi-se vội lên tiếng cầu xin ân huệ Ngài dành cho Israel bằng cách đồng hành với họ trên đường về đất hứa:

Lạy Chúa, nếu con được ơn trước mặt Chúa, xin Chúa cùng đi với chúng con. Dù đây là một dân tộc cứng cổ, xin Chúa tha sự gian ác và tội lỗi của chúng con và nhận chúng con làm cơ nghiệp Ngài” (9).

Môi-se lên tiếng cầu xin điều Chúa đã hứa không phải vì ông không tin lời Ngài, nhưng ông cần Ngài xác nhận lời hứa bằng một giao ước.

Ông nhìn nhận dân tộc của ông là một giống người cứng cổ, ông không lãnh đạo họ nổi. Vì thế, ông cần sự hiện diện của Chúa để đám dân tệ hại nầy biết kinh sợ Ngài mà đi trong kỷ luật và phục tùng. Cũng vì Ngài là Chúa, không phải là người, thì mới có thể chịu đựng nổi tính vô ơn và hay phản loạn của lòng những con người chưa bao giờ được biến đổi.

Đức Giê-hô-va phán: ‘Nầy, Ta lập một giao ước” (10). Giao ước đã lập trước kia với Israel đã bị họ vi phạm, chỉ có Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ mới có thể tái lập giao ước với một dân cứng cổ như vậy. Nếu sau nầy giao ước có bị phá vỡ thì bao nhiêu hậu quả đều thuộc về phía phá vỡ giao ước ấy. Đức Chúa Trời thành tín không bao giờ bội ước với dân sự Ngài.

Những việc kỳ diệu mà Chúa tuyên bố sẽ làm là những việc sẽ xảy ra về sau, như ngăn nước sông Jordan không cho chảy để đoàn dân Israel đông đảo băng ngang qua mà vào đất hứa (Giô-suê 3:14–17), việc vách thành Giê-ri-cô sụp đổ (Giô-suê 6:20), mưa đá tảng rơi xuống trên quân đội của năm vua (Giô-suê 10: 11), mặt trời dừng lại một ngày trọn theo lời cầu xin của Giô-suê (Giô-suê 10:12–14); không phải là những việc xảy ra ngay lập tức như cách chúng ta thường nghĩ khi nghe lời hứa như sau:

Ta sẽ làm những việc kỳ diệu, những việc chưa bao giờ được thực hiện trên khắp trái đất hay giữa một quốc gia nào. Mọi dân tộc chung quanh con sẽ nhìn thấy công việc của Đức Giê-hô-va” (10).

Sau khi Chúa cho Môi-se biết Ngài sẽ đuổi sáu dân tộc đang cư ngụ trong xứ Canaan ra khỏi đất ấy (11), thì giao ước của Chúa tái lập với Israel là:

Hãy cẩn trọng về điều Ta truyền cho con hôm nay… đừng lập giao ước với dân cư sinh sống trong đất mà con sẽ vào, kẻo họ sẽ trở thành một cái bẫy cho con. Nhưng các con phải phá hủy các bàn thờ, đập bể các trụ thờ và đánh hạ các thần chúng nó. Đừng thờ lạy một thần nào khác, vì Đức Giê-hô-va, danh Ngài là một Đấng kỵ tà; Ngài thật là một Đức Chúa Trời kỵ tà” (12–14).

Bởi đức nhân từ đối với lời Ngài hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Đức Chúa Trời sẽ đuổi các dân tộc do cách sống của họ khiến Ngài ghê tởm, ra khỏi xứ Canaan (Lêvi-ký 18:24–25); vì thế khi vào đó, dân Israel không được phép lập giao ước với các dân tộc bản xứ. Đức Chúa Trời, Đấng kỵ tà, rất gớm ghét hình tượng tà thần và sự thờ cúng chúng; cho nên, điều luật đầu tiên trong luật đạo đức của Ngài là không được thờ lạy một thần nào khác ngoài Ngài; mà còn hình tượng thì dễ bị dụ dỗ mà thờ hình tượng tà thần.

Sự kết ước với dân thờ hình tượng là nguy hiểm, vì khi chúng “hành dâm với các tà thần và cúng tế các thần của chúng rồi mời các con, và các con sẽ ăn của cúng thần tượng” (15).

Sự kết sui gia với gia đình thờ hình tượng cũng vậy, vì các ông chồng của những người thờ hình tượng sẽ bị vợ lôi kéo vào sự thờ cúng tà thần. Vì thế, Chúa phán trong giao ước là: “Cũng đừng cưới con gái chúng nó cho con trai các con, kẻo con gái chúng hành dâm với các tà thần rồi quyến dụ con trai các con cũng hành dâm với các tà thần của chúng” (16).

Sự nguy hiểm về các việc đã được Chúa cảnh cáo là rất thực tế, vì tự mình chúng ta không thể chống nổi ma qủy.

Điều luật thứ nhì trong Mười Điều Răn, tức là bộ luật đạo đức của Đức Chúa Trời là “không được đúc tượng thần” (17), vì đó là vật Chúa gớm ghét. Mười Điều Răn, hay bộ luật đạo đức của Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải giữ, vì luật ấy luôn luôn tốt lành và còn nguyên giá trị

(Mười Điều Răn không phải là bộ luật pháp do Môi-se ban hành, mà Đức Chúa Jesus đã phải đến để hoàn thành các đòi hỏi của nó rồi dùng thân xác Ngài trừ bỏ nó (Ê-phê-sô 2:15) để chúng ta không còn bị nó ràng buộc).

XuatAiCap32.docx
Rev. Dr. CTB