Xuất Ai-Cập, bài 33
Xuất Ai-Cập 34:18–35
Đức Chúa Trời nhắc lại hai điểm chính trong giao ước Ngài đã lập với Israel, là các bổn phận mà họ phải thực hiện để chứng tỏ thái độ tôn kính của toàn dân tộc đối với Ngài. Để Chúa tái lập giao ước thì dân Israel phải tuân theo hai mệnh lệnh chủ yếu là:
1) Không được lập giao ước với các dân tộc đang sống ở xứ Canaan (34:11–16).
2) Không được thờ thần nào khác ngoài Đức Giê-hô-va (34:14, 17–26). Chẳng những họ không được thờ lạy hình tượng mà còn phải đập vỡ đánh hạ tất cả các loại trụ thờ, hình tượng của những dân tộc sẽ bị trục xuất khỏi đất mà họ sẽ chiếm làm cơ nghiệp vĩnh viễn (34:13).
Sự áp dụng hai mệnh lệnh quan trọng nầy nghiêm cấm mọi hình thức liên hệ hôn nhân giữa dân Israel với các sắc dân trong xứ Canaan (34:16).
Để dân Israel nhớ lại các quy định chính trong giao ước đã lập lần trước, Đức Chúa Trời nói cho Môi-se chép lại các mệnh lệnh của Ngài (27).
Họ phải giữ bảy ngày lễ Bánh Không Men vào thời gian đã định trong tháng Abíp, tức là từ mồng mười tháng Giêng, lúc họ ra khỏi Ai-cập (18; 12:2–3).
Hai ngày lễ khác trong ba kỳ lễ mà mọi người nam của Israel đều phải đến trình diện Giê hô va Đức Chúa Trời mỗi năm, là lễ Các Tuần (hay Ngũ Tuần) vào đầu mùa gặt lúa mì và lễ Thu Hoạch vào cuối năm (22–23).
Quy định về các con đầu lòng thuộc về Đức Giê-hô-va đã được loan báo cho dân Israel ngay sau ngày họ ra khỏi Ai-cập (13:2, 12–13).
Sở dĩ các con đầu lòng thuộc về Đức Chúa Trời là vì, tất cả các con trưởng nam của Israel và mọi con đầu lòng của thú vật, đã nhờ huyết hi sinh của chiên con bôi trên khung cửa, mà được tha mạng trong ngày tất cả các con đầu lòng của người và thú vật tại Ai-cập đều bị Đức Chúa Trời hành hại (12:29).
Tất cả các con trưởng nam được kể là thuộc về Chúa thì không thể bị giết để làm sinh tế, mà phải được chuộc mạng bằng con chiên.
Con lừa bị xem là thú ô uế không thể dùng làm sinh tế, và giống tượng tà thần Set của người Ai-cập có tai dài như tai lừa, nên nó phải được chuộc mạng bằng chiên hay dê (19–20).
Đức Chúa Trời nhắc lại mệnh lệnh:“Không ai được đi hai tay không khi đến trình diện Ta;” những tấm lòng biết ơn sẽ luôn luôn bày tỏ tình yêu mến Chúa bằng các món quà yêu thương; người đến trình diện Chúa bằng thái độ vô ơn và vô lễ thì sẽ không thể tránh khỏi bị trừng phạt. Vì thế, nếu không có lòng biết ơn Chúa thì đừng đến.
Mệnh lệnh phải dành một ngày để nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc là rất hữu ích cho mọi người. Hơn nữa, hành động giữ ngày nghỉ chứng tỏ lòng ưa thích tương giao với Chúa hơn lo việc riêng hay niềm vui thu hoạch mùa màng; cho nên, “dù đang là mùa cày cấy hay mùa gặt con cũng phải nghỉ” (21).
Hãy để ý để thấy luật về việc phải nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát được nhắc lại nhiều lần trong sách Xuất Ai-cập. Từ khi ban bánh mana (16:22–30), điều răn thứ tư (20:8–11), ghi trong “sách giao ước” (23:12), và sau lời chỉ dẫn thiết lập Đền Tạm (31:13-17).
Những dân tộc ở quanh vùng Canaan đều tham lam của cải vật chất, nhược điểm của loài người; nên Đức Chúa Trời không muốn dân Israel bị sa vào tội tham lam là điều nghịch lại vinh quang Chúa gây tổn hại cho họ. Bởi thế vâng lời là con đường an toàn, vì Chúa không bỏ rơi những ai vâng lời Ngài.
Khi Chúa truyền lệnh cho mọi người đàn ông phải ra mắt Ngài mỗi năm ba lần, thì Ngài cũng hứa sẽ mở rộng bờ cõi họ và “sẽ chẳng một ai tham muốn xứ sở của con khi con lên trình diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con mỗi năm ba lần” (24).
Lời hứa bờ cõi mở rộng đã thành tựu trong đời vua Solomon, và đúng là chẳng kẻ thù nào dám xâm phạm bờ cõi của Israel khi họ vâng lời Đức Chúa Trời.
“Không được dâng cho Ta máu sinh tế chung với bánh có men; cũng không được giữ sinh tế của lễ Vượt Qua đến sáng hôm sau” (25), câu nầy nhắc lại các luật lệ cử hành lễ Vượt Qua đã ban hành trước đây. Nghĩa là không được có men trong nhà vào ngày giết sinh tế lễ Vượt Qua và mọi phần còn lại của con sinh tế không thể ăn hết trong buổi tối ấy thì phải thiêu trong lửa (12:10).
Lời dặn dò kế tiếp cũng là sự nhắc lại các mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã phán truyền cho Môi-se ở lần đầu ông lên đỉnh núi Si-nai-i để gặp Ngài (23:19).
Dân sự phải đem dâng cho Chúa những hoa quả đầu mùa tốt nhất của họ; còn việc nấu dê con trong sữa của mẹ nó thì ngoài điều đó là một tục lệ mê tín của dân ngoại, nó còn là một việc làm vô cùng độc ác, vì sữa mẹ là thức ăn để nuôi sống dê con lại bị dùng để hủy diệt nó, một điều không thể chấp nhận được (26).
Vậy, thời gian Môi-se ở riêng với Đức Chúa Trời, trò chuyện với Ngài và chép lại những luật lệ Ngài phán truyền cho dân Israel là bốn mươi ngày và bốn mươi đêm; vì Đức Chúa Trời chính là nguồn của sự sống, nên thân thể của Môi-se không cần phải ăn uống gì trong suốt thời gian đó.
Còn Mười Điều Răn thì do ngón tay Đức Chúa Trời viết lên hai bảng đá để Môi-se đem xuống đặt vào Rương Giao Ước đang được hoàn thành (27–28).
Khi xuống núi, Môi-se không biết là da mặt ông rực sáng “vì đã được hầu chuyện với Đức Chúa Trời” (29).
Theo ý kiến của vài nhà giải kinh thì ‘da mặt rực sáng’ ở đây là một phần ‘hình ảnh của Đức Chúa Trời’ mà loài người thừa hưởng khi được Ngài sáng tạo.
Sự rực sáng ấy là biểu tượng của tính thanh sạch và thánh khiết bề trong, nhưng nó bị mất khi A-đam và Ê-va phạm tội không vâng lời Chúa. Thỉnh thoảng Chúa vẫn cho phép ánh sáng ấy lại xuất hiện; ví dụ như sắc mặt Ê-tiên trước toà Công luận (Công vụ 6:15).
Sứ đồ Phaolô đã dùng chi tiết da mặt sáng rực của Môi-se sau khi được trò chuyện với Chúa để khuyến khích chúng ta ngày nay hãy “để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh” (2Côrinhtô 3:18). Nghĩa là nhờ mối tương giao với Đức Thánh Linh, chúng ta ngưỡng vọng Chúa cho đến khi được biến đổi trở nên giống như Ngài.
Cách ngôn xưa nói rằng “xem xét nhóm bạn thân của một người, ta sẽ biết tư cách của người đó.” Người ta bị đồng hóa với những người mà họ ưa thích; vì thế, nguyên tắc trong sự tín ngưỡng là, người ta thờ kính ai thì hình ảnh mà họ tôn thờ sẽ ghi khắc trên tính cách của họ. Ai theo đuổi tôn thờ thứ thần không có thật cũng sẽ trở thành người luôn tin sự giả dối.
Còn chúng ta tôn thờ Chúa là chân lý và quyền năng, thì sẽ được trở nên giống như Ngài, từ mức vinh quang nầy lên mức vinh quang khác cao hơn.
A-rôn và tất cả người Israel “thấy da mặt ông sáng rực thì sợ và không dám lại gần,” Môi-se phải gọi họ mới dám trở lại để ông nói chuyện và “truyền cho họ các mệnh lệnh mà Đức Giê-hô -va đã phán với ông trên núi Si-nai-i” (30–32).
Có lẽ họ sợ vì không biết khuôn mặt sáng rực của Môi-se đem đến cho họ điều lành hay dữ; nó cũng có thể là ánh sáng của luật pháp làm bộc lộ tội lỗi, vì người có tội thường nhìn ánh vinh quang với lòng lo sợ là nó đem tới sự thịnh nộ và kết án chết đối với những người ưa bóng tối để việc ác họ không bị lộ ra.
“Khi đã ngưng nói chuyện với họ, Môi-se liền lấy lúp che mặt lại. Nhưng mỗi khi Môi-se đến trước mặt Đức Giê-hô-va để hầu chuyện Ngài, thì ông giở lúp lên cho đến lúc đi ra ngoài và thuật lại với con dân Israel” (33–34).
Sau khi xuống núi, Môi se biết da mặt mình đã trở nên sáng rực, nên ông lấy lúp che mặt lại, vì dân Israel không dám nhìn mặt ông. Phaolô giải nghĩa rằng cái lúp mà Môi-se dùng để che mặt là cái màn phủ trên Cựu-ước đã khiến cho dân Israel không thấy ánh vinh quang của luật Môi-se đã phai tàn rồi. Bức màn ấy chỉ được cất bỏ trong Đấng Christ (2Côr. 3:14).
Bất cứ chức vụ gì từ thiên đàng đều là vinh quang. Nhưng vinh quang của chức vụ đem đến sự kết án không thể so với vinh quang của chức vụ đem đến sự công chính.
Vinh quang phản chiếu trên mặt Môi-se đem đến sự kết án khiến dân chúng sợ hãi, nên ông phải che mặt lại. Nhưng mỗi khi ông ra mắt Chúa thì ông giở lúp lên để tiếp tục nhận lãnh vinh quang tươi mới cho mình. Rồi khi ra khỏi Lều Hội Kiến, mặt ông lại sáng rực nên phải bỏ lúp xuống để che mặt mình (35).
Bây giờ hình ảnh cái lúp che mặt Môi-se còn là biểu tượng về sự mù lòa của những tấm lòng chỉ quan tâm tới mọi điều thuộc cõi vật chất, chưa thể thấy những điều thuộc cõi tâm linh.
Chúng ta là tín hữu hãy quyết tâm dẹp bỏ cái màn ấy để nhận lãnh vinh quang từ Đức Chúa Trời.
XuatAiCap33.docx
Rev. Dr. CTB