Xuất Ai-cập, bài 28

Xuất Ai-Cập 31:1–18

Mặc dù Môi-se đã được Đức Chúa Trời chỉ dẫn mọi điều cần thiết để xây dựng Đền Tạm, về hình dạng, kích thước, vật liệu, và quy cách để đóng Rương Giao Ước, các bàn thờ, và chế tạo tất cả các vật dụng và dụng cụ có liên quan; nhưng ông không phải là người có tài năng để thực hiện những món đòi hỏi kỹ năng đặc biệt chế tác các món mỹ nghệ tinh xảo.

Hơn nữa với trách nhiệm lãnh đạo, ông cũng không có thì giờ để làm những việc đó; vì thế, Đức Chúa Trời đã chọn và ban “sự khéo tay, thông minh và hiểu biết trong lãnh vực thủ công mỹ nghệ để thiết kế và chế tạo các vật bằng vàng, bạc và đồng; khắc đá, khảm ngọc và chạm gỗ” (3–5) cho Bezaleel. Ông nầy còn biết pha chế dầu thánh và hương thánh (Xuất 37:29).

Vì vậy, Chúa cho Môi-se biết rằng Ngài đã “gọi đích danh Bezaleel, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, thuộc chi tộc Giu-đa” (1–2), và cũng ban “cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời” để làm người chỉ huy toàn thể công việc.

Bezaleel là cháu nội của Hu-rơ (Hur). Có người nghĩ rằng ông Hur là người cùng với A-rôn đứng hai bên đỡ tay của Môi-se trong trận quân đội Israel đánh với quân Amalek (Xuất 17:12); và là chồng của Miriam, chị của Môi-se. Luận cứ nầy có vẻ không đứng vững; bởi vì hôn nhân thời ấy của Israel chỉ diễn ra trong vòng chi tộc với nhau, chứ người trong một chi tộc không kết hôn với người thuộc chi tộc khác; mà Hur thuộc chi tộc Giu-đa, không phải Lê-vi như Môi-se, A-rôn.

Vậy, Bezaleel thuộc chi tộc Giu-đa, một người vốn được Chúa ban cho năng khiếu đặc biệt về các công việc mỹ thuật. Đức Chúa Trời biết rõ người mà Ngài muốn dùng trong những công tác đòi hỏi trình độ khéo tay rất cao, đồng thời Ngài cũng ban Thần của Ngài để những người ấy có thể hoàn thành những công việc đòi hỏi tinh thần hiểu biết tính cách thánh khiết khác thường của công trình mà họ được sai để làm.

Người được Chúa chọn làm phụ tá cho Bezaleel là Aholiab, con của Ahisamach (6) thuộc chi tộc Đan, một người làm nghề “thợ chạm, người thiết kế, thợ thêu sợi gai mịn với chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm” (Xuất 38:23; 35:35). Nghĩa là mọi việc có liên quan đến vải vóc, đan dệt và thêu thùa tinh xảo, là nghề chuyên môn của Aholiab.

Cả hai người thợ chính lẫn các thợ phụ đều được Thần của Đức Chúa Trời ban cho khả năng khéo léo làm các món đồ tinh xảo phục vụ cho công cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời (6b–11).

Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng những người được Chúa chọn đều là những người đã có tài năng thiên phú bẩm sinh rất khéo tay về các công việc đòi hỏi mỹ thuật tinh xảo. Bây giờ, Thần của Đức Chúa Trời đầy dẫy trên những người nầy để họ có thể thực hiện rất giỏi khả năng mà họ đã được ban, và bảo đảm cho công việc hoàn thành mỹ mãn.

Việc phân công chế tạo tất cả các thành phần của Đền Tạm, cũng gọi là Lều Hội Kiến, thì có hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất chuyên lo về các vật liệu cứng như gỗ, kim loại và các viên ngọc quý. Nhóm thứ nhì sẽ làm tất cả các món liên quan đến vải vóc, chỉ sợi, hàng dệt, và các tấm lợp trên nóc đền tạm.

Như vậy Bezaleel sẽ vừa làm vừa chỉ huy nhóm thợ làm các tấm gỗ si-tim bọc vàng làm vách của đền tạm, Rương Giao Ước, bàn thờ và các dụng cụ cho bàn thờ, chân đèn bảy ngọn bằng vàng ròng và tất cả dụng cụ kèm theo, bàn trưng bày bánh thánh, bàn thờ xông hương, bồn rửa với chân bồn, và pha chế dầu xức thánh với hương thánh.

Aholiab sẽ vừa làm và chỉ huy nhóm thợ dệt, may và thêu các tấm vải màn phía trong và ở cửa Đền, những tấm vải ngăn chung quanh Đền và cửa hành lang, chế tạo bộ lễ phục cho A-rôn và các con trai của người, và dệt mọi tấm lợp bằng lông dê, làm các tấm lợp bằng da chiên đực và da cá nược để làm mái Đền Tạm.

Số người có khả năng đặc biệt về mỹ thuật trong nhân loại thì rất ít. Vì vậy, tài năng của họ là do Đức Chúa Trời ban cho, mà người ta gọi là tài năng thiên phú. Như sứ đồ Gia-cơ viết: “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm hoàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng” (Gia-cơ 1:17).

Có một số người được thầy dạy nghề và khổ công tập luyện thì cũng đạt được một trình độ khéo léo nào đó; nhưng không thể nào đạt tới trình độ tinh xảo, hoàn mỹ và sáng tạo như người có khả năng thiên phú về mỹ thuật.

Nếu chúng ta có năng khiếu đặc biệt về mỹ thuật thì cần phải nhớ rằng khả năng ấy không do mình tạo ra, mà là một ơn ban từ Đức Chúa Trời. Ai có hiểu biết ấy thì sẽ không lạm dụng hoặc sử dụng tài năng của mình một cách bừa bãi, mà cẩn thận dùng khả năng Chúa ban để làm vinh danh Chúa và kiếm sống một cách lương thiện.

Người đọc Kinh-thánh thường ngạc nhiên vì thấy luật về việc phải tuân giữ ngày Sa-bát (thứ Bảy trong tuần) bất ngờ xuất hiện ở phần nầy. Luật ngày sa-bát là điều răn thứ tư của Mười Điều Răn (Xuất 20:8–11) nói rằng mọi người phải giữ một ngày để nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc.

Bây giờ, sau khi đã được chỉ dẫn mọi điều về việc thiết lập công cuộc thờ phượng với đầy đủ mọi thứ phương tiện và lễ nghi, Môi-se và người Israel có thể vội vàng làm việc không nghỉ để sớm hoàn thành Đền Tạm cùng tất cả các công trình, vật dụng, dụng cụ, lễ phục, và mọi điều đã được Chúa chỉ dẫn.

Họ có thể quên mất điều răn thứ tư ấy mà vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời đã trao cho họ. Vì vậy, luật phải nghỉ mọi công việc vào ngày Sa-bát được nhắc lại, kèm theo là chỉ dẫn về các hình phạt nghiêm khắc dành cho những ai vi phạm (12–17).

Các con phải tuyệt đối giữ ngày sa-bát của Ta, vì đây là một dấu hiệu giữa Ta và các con qua mọi thế hệ, để các con biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng thánh hóa các con” (13).

Trước kia, Đức Chúa Trời dùng phép cắt bì làm một dấu hiệu giao ước mà Ngài thiết lập với Áp-ra-ham và dòng dõi ông (Sáng thế 17:9–13).

Bây giờ có nhiều dân tộc khác với Israel, hậu tự của con người hầu thiếp A-ga, và người vợ sau Kê-tu-ra của Áp-ra-ham, cũng là dòng dõi của ông, đã áp dụng phép cắt bì cho những người nam của họ; vì thế, phép cắt bì không còn là một dấu hiệu riêng biệt giữa Đức Chúa Trời với dân Israel nữa. Ngài phải thiết lập một dấu hiệu riêng biệt khác để phân cách Israel với mọi dân tộc trên mặt đất.

Do đó, Mười Điều Răn, nền tảng của Do-thái-giáo, là văn kiện pháp lý tôn giáo duy nhất quy định ngày nghỉ cho mọi người sau sáu ngày làm việc. Không một tôn giáo nào khác có một ngày nghỉ thánh trong một tuần lễ bảy ngày.

Đức Chúa Trời dặn dò người Israel rằng: “Các con phải giữ ngày sa-bát, vì đó là ngày thánh đối với các con. Kẻ nào xúc phạm đến ngày đó, phải bị tử hình; kẻ nào làm bất cứ việc gì trong ngày đó sẽ bị loại trừ khỏi dân chúng” (14).

Tại sao người vi phạm ngày sa-bát phải bị trừng phạt nặng như vậy? Lý do thứ nhất, thái độ bất tuân lệnh vị Chúa Tể cả trời đất là một tội nặng phải bị hình phạt đích đáng.

Lý do thứ nhì là người vi phạm luật ngày sa-bát chẳng những tự tách mình ra khỏi giao ước với Đức Chúa Trời mà còn khiến cả Israel bị loại ra khỏi giao ước ấy nữa, tội đó là rất nặng, vì bởi một hành động có thể đưa cả dân tộc vào hiểm hoạ bị trừng phạt nặng nề.

Thời nay, dù chúng ta không còn phải giữ các luật lệ ngặt nghèo về ngày sa-bát của Do-thái-giáo, tức là ngày Thứ Bảy của một tuần lễ bảy ngày, vì Đức Chúa Giêxu đã hoàn thành luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta vẫn phải dành một ngày để nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc (15).

Tính cách quan trọng của mệnh lệnh phải nghỉ ngơi trong các ngày sa-bát không phải là nghi lễ nhưng là sự tôn trọng dấu hiệu giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân sự của Ngài: “Vì vậy con dân Israel phải tuân giữ ngày sabát qua mọi thế hệ như một giao ước đời đời. Đó là một dấu hiệu đời đời giữa Ta và con dân Israel” (16–17).

Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự ưu ái và sự chăm sóc của Ngài đối với dân Israel do giao ước Ngài đã lập với các tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Vì thế Ngài mong thấy họ biết vâng lời Ngài để được hưởng phước theo lời hứa.

Đức Chúa Trời trao cho Môi-se hai tấm bảng Giao Ước bằng đá có chép Mười Điều Răn “do chính ngón tay Đức Chúa Trời viết ra”(18), để làm bằng chứng cho giao ước đã lập giữa Ngài với dân Israel tại núi Si-na-i; cũng là bằng chứng không thể chối cãi về luật pháp mà Ngài đã truyền cho họ từ trên núi Si-na-i.

Hai bảng đá ấy sẽ được đặt trong Rương Giao Ước khi nó được đóng xong và việc bọc bằng vàng ròng được hoàn thành.

XuatAiCap28.docx
Rev. Dr. CTB