Xuất Ai Cập, bài 27

Xuất Ai-cập 30:11–38

Trong suốt sách Xuất Ai-cập, một câu được lặp lại nhiều lần là: “Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se” (11); mặc dù trong sự tường thuật về cùng một sự diễn tiến. Như vậy, điều đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời không phán liền một mạch, nhưng có lẽ Ngài ngưng lại nhiều lần để Môi se có đủ thì giờ ghi chép hoặc ghi nhận vào trí nhớ của ông.

Cuộc điều tra dân số là mệnh lệnh từ Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se và A-rôn (Dân-số-ký 1:1–3). Vì sau khi đã thiết lập giao ước, dân số phải kê khai cách chính xác. Ý nghĩa của sự nộp tiền chuộc là khơi dậy ý thức về tội lỗi trong mỗi người đối với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Món tiền rất nhỏ nầy chỉ là tượng trưng về sự chuộc mạng; đồng thời nó cũng cho dân sự biết rằng mọi người đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời (12–15). Vì ai cũng phạm tội, giá trị của linh hồn bằng nhau và mọi người đều có nhu cầu như nhau.

Cho đến nay, chưa ai biết lý do nào sự điều tra dân số dẫn tới tai họa (1Sử 21:1–6; 2Samuel 24:10–17); nghĩa là điều nầy phải bắt nguồn từ một nguyên nhân mà Đức Chúa Trời ghê tởm. Vậy nên, sự nộp thuế chuộc mạng nhằm mục đích cứu dân chúng Israel (12b), và số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các chi phí thiết lập Đền Tạm, tức là Lều Hội Kiến (16).

Môi-se cũng được lệnh phải làm một cái bồn bằng đồng để chứa nước rửa tay chân cho các thầy tế lễ; bồn được đặt ở khoảng giữa bàn thờ tế lễ thiêu và cửa Lều Hội Kiến (17–19).

Không có sự chỉ dẫn nào về kích thước của cái bồn nầy. Và khi xem xét các vật dụng bằng đồng dùng để đúc cái bồn là gương soi bằng đồng, của những phụ nữ phục vụ tại cửa Lều Hội Kiến (Xuất Ai-cập 38:8), thì cái bồn đó không lớn lắm.

Chắc chắn là vì nhu cầu phải di chuyển thường xuyên, nếu làm một cái bồn quá lớn thì trọng lượng của nó sẽ trở thành một gánh quá nặng khi phải chuyển vận.

Cũng vì lý do Đức Chúa Trời không định kích thước của cái bồn rửa, nên lúc vua Solomon xây dựng đền thờ thì ông đã cho đúc một cái bồn tròn chứa nước bằng đồng có chu vi mười lăm thước tây, vách bồn dầy bằng bề ngang bàn tay, cao hai thước rưỡi, chứa được 11,000 gallons nước.

Thêm vào đó, ông còn đặt mười cái bồn chứa nước khác nhỏ hơn, mỗi cái chứa hơn 220 gallons nước. Số nước đó đủ dùng cho các nhu cầu rửa ráy của các thầy tế lễ và rửa sạch các sinh tế trước khi đưa lên bàn thờ tế lễ thiêu (1Vua 7:23–26; 38–39).

Ngoài việc phải tắm rửa mỗi ngày, sự rửa ráy tay chân cho sạch sẽ trước khi bước vào gian thánh là nhằm dạy cho các thầy tế lễ phải giữ sự thanh sạch trong tất cả các sự phục vụ của họ. Ý nghĩa về sự rửa sạch ấy còn ngụ ý phải tránh tất cả những sự ô nhiễm của tội lỗi.

Tuy thế, rửa ráy sạch sẽ vốn là một tập tục lâu đời, bỏ qua sự tẩy rửa là sự cố ý khinh thường Đức Chúa Trời. Lỗi vi phạm dù có vẻ không đáng kể, nhưng mệnh lệnh là rất rõ ràng và dễ dàng, cho nên sự bất tuân không chịu rửa sạch trước khi phục vụ là một tội trầm trọng, phản loạn và khinh thường Chúa. Người tin Chúa cũng cần hiểu rằng Ngài rất nghiêm khắc trong các vấn đề thờ phượng hơn các việc khác. Chính vì lý do đó mà Chúa ra lệnh:

Khi vào Lều Hội Kiến hay khi đến gần bàn thờ để hành lễ như dâng tế lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va, họ sẽ lấy nước đó tẩy rửa mình để khỏi phải chết. Họ phải rửa tay chân, nếu không, họ sẽ phải chết. Đó là một luật đời đời cho A-rôn và dòng dõi người qua mọi thế hệ” (20–21).

Căn cứ trên lời phán dạy của Chúa, chúng ta thấy mình rất cần có sự thánh khiết của lòng và đôi tay thanh sạch để có thể tới gần Đức Chúa Trời, để tham dự cuộc thờ phượng chung, đặc biệt là trong sự cầu nguyện mà mình sẽ giơ tay thánh sạch lên trời (1Timôthê 2:8).

Bởi sự nhân từ mà Chúa đã bày tỏ vào thời hiện tại, có rất nhiều lúc chúng ta vi phạm nguyên tắc tẩy rửa nầy mà chưa bị ngã chết, thì hãy nhận biết nó là nguyên nhân khiến cho rất nhiều lời cầu nguyện chẳng bao giờ được Chúa đoái nhậm. Vì thế, hãy áp dụng nghĩa bóng thuộc linh của các nguyên tắc Chúa dạy.

Để pha chế dầu thánh, Môi-se phải thu thập các hương liệu tốt nhất gồm: “Năm trăm shekels mộc dược nước, hai trăm năm chục shekels hương nhục quế & hai trăm năm chục shekels hương xương bồ; năm trăm shekels quế bì, đều theo đơn vị đo lường của Nơi Thánh, và một hin dầu o-live” (22–24).

Năm trăm shekels nặng tương đương với 15 lbs ¼, hay 250 ounces (lượng Anh). Một hin tương đương với 4 lít.

Mộc dược nước nguyên chất chảy ra từ cây balsamodendron myrrha, hoặc là từ vỏ, hoặc là nhựa chảy ra từ vết thân cây bị cắt. Đây là chỗ đầu tiên trong Kinh-thánh đề cập tới loại mộc dược nầy. Nó khác với ladanum, cũng gọi là mộc dược (Sáng thế 37:25; 43:11), một thứ hương liệu khác.

Hương nhục quế là loại cây quế chỉ mọc ở vùng nhiệt đới Đông và Nam Á. Thời xưa hương quế nầy rất hiếm và do các thương buôn mua từ xa đem về vùng Trung Đông.

Hương xương bồ được chiết từ một loại sậy thơm calamus, là thứ sậy mọc nhiều ở gần núi Li-băng.

Quế bì là một hương liệu lấy từ vỏ cây quế, tên là cinnamon cassia, cũng mọc ở vùng Đông và Nam Á. Mùi hơi giống nhục quế.

Như vậy, dầu thánh để xức cho Đền Tạm, các vật dụng trong đền, và xức cho các thầy tế lễ, là dầu olive tinh khiết pha với bốn thứ hương liệu nói trên theo phép hòa hương thánh (25). Sự pha chế nầy do phải thợ chuyên môn làm dầu thơm mới có thể làm được, mặc dù công thức do Chúa ban cho.

Theo truyền thống của người Do-thái, thì họ phải chiết xuất hương thơm từ bốn loại hương liệu ấy, rồi mới hoà với dầu olive tinh khiết thành dầu xức thánh.

Trước tiên, dầu ấy được xức cho Đền Tạm và Rương Giao Ước, rồi cho tất cả các bàn thờ và các dụng cụ, chân đèn và các dụng cụ, bàn thờ xông hương, bàn thờ tế lễ thiêu và các dụng cụ, cả bồn rửa và chân bồn nữa (26–28).

Con sẽ giữ các vật nầy trong sự thánh khiết để chúng trở nên rất thánh, bất cứ vật gì chạm đến đều sẽ được thánh” (29), có nghĩa là không thể dùng các vật đó cho việc gì khác ngoài công dụng mà Đức Chúa Trời đã định cho chúng.

Chi tiết nầy dạy chúng ta ngày nay phải biết tôn trọng những vật dụng đã được sử dụng cho sự thờ phượng Chúa.

Bởi vì do thiếu hiểu biết cũng như không được dạy dỗ, ngày nay người ta vẫn thường sử dụng một cách rất bừa bãi các đồ vật hay dụng cụ đã được dùng trong công cuộc thờ phượng Chúa ở nhà thờ; sự trở lại với tinh thần của các quy cách gìn giữ sự thánh khiết là điều mọi con dân Chúa nên biết.

A-rôn và các con trai người cũng sẽ được xức dầu thánh để phong chức và cung hiến họ cho chức tế lễ (30). Luật lệ về pha chế dầu thánh và việc dùng nó cho công việc thánh, được Chúa lập từ ngày đó và phải được duy trì qua mọi thế hệ (31–32).

Ai pha chế thứ dầu giống như thế hay xức cho người ngoài đều phải bị loại trừ khỏi dân chúng (33). Cho nên, khi nào cầu nguyện chữa bệnh cho những người chưa biết Chúa, hãy tránh xức dầu thánh một cách bừa bãi.

Đức Chúa Trời lại chỉ dẫn cho Môi-se các thứ hương liệu để làm hương thánh xông trên bàn thờ xông hương. Tô-hiệp-hương, một loại nhựa giống như nhựa thông; rất có thể loa-yểm-hương làm từ một loại vỏ ốc rất thông dụng ở vùng Hồng hải; phong-chi-hương lấy từ nhựa cuống hoa của loại cây cùng họ với rau cần mọc ở vùng đồi khô cằn; và nhũ hương, một loại trầm hương để pha chế dầu thơm.

Bốn thứ hương liệu nầy với cân lượng bằng nhau, lại được thợ làm dầu thơm pha chế theo nghệ thuật hòa hương rồi được pha với một phân lượng muối nhất định. Sau đó hỗn hợp ấy được tán thành bột để mỗi lần xông hương thì rắc bột ấy lên than lửa đỏ. Bột bị cháy bốc khói có mùi thơm đặc biệt (34–36). Mùi thơm nầy khác với mùi hôi của khói nhang ngoại giáo.

Hương thánh nầy chỉ được dùng trong lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời ở Đền Tạm; vì thế Chúa cấm người Israel không được bắt chước công thức ấy để chế hương cho họ.

Phải xem đây là vật thánh cho Đức Giê-hô-va. Kẻ nào pha chế giống như vậy để ngửi, sẽ bị loại trừ khỏi dân chúng” (37–38). Sự cấm ngặt nầy là để cho dân chúng biết kính sợ Chúa, không dám dùng hương thánh vào các việc trần tục hay để làm thơm nhà mình.

Cũng vậy, nếu ai lợi dụng phúc âm nhằm tìm kiếm lợi lộc trần gian sẽ sa vào việc bị trừng phạt nguy hiểm dẫn tới cái chết.

XuatAiCap27.docx
Rev. Dr. CTB